Buồn nhưng cần phải nói

Ngày đăng: 09:16 26/02/2020 Lượt xem: 918
BUỒN NHƯNG CẦN PHẢI NÓI

      BBT đã đăng bài viết của đồng chí Bùi Cộng Hòa, Hội viên TS thành phố Phủ Lý, Hà Nam có tựa đề "Chuyện buồn không muốn nói" (đăng ngày 22/2/2020 trên Trường Sơn).
      Ngày 24/2/2020, chúng tôi nhận được bài viết của đồng chí Kim Quy, quân y BT36 sư đoàn 471 đồng tình, chia sẻ về những vấn đề trong bài viết của đồng chí Bùi Cộng Hòa.  
     BBT xin giới thiệu với bạn đọc bài viết này của đồng chí Kim Quy và rất mong nhận được bài viết hưởng ứng, nhận xét và cung cấp thêm thực tế "buồn" tồn tại ở Hội TSVN chúng ta.
       Xin cám ơn bạn đọc đã quan tâm và mong nhận được sự phản hồi.

     
Ban Biên tập



      


      Tôi đã đọc bài “Chuyện buồn không muốn nói” của đồng chí Bùi Cộng Hòa (TP. Phủ Lý, Hà Nam) đăng trên Trang báo điện tử Trường Sơn của Hội, ngày 23/02/2020. Tôi biết bức súc của anh và của nhiều hội viên Trường Sơn chúng ta trước hiện tượng mà đồng chí đề cập trong bài. Cảm ơn đồng chí đã thẳng thắn, nhắc nhở nhẹ nhàng những cái cần cho đồng chí mình khắc phục. “Mình phải quý cái mình đã có ở Trường Sơn”. Nó thiêng liêng lắm anh Hòa ạ. Chính  nhờ có “hành trang” này mà những người lính Trường Sơn chúng ta đã góp phần làm nên Trường Sơn huyền thoại trong cuộc chiến đấu giành độc lập tự do của Tổ quốc. Những “vốn quý” trong những năm tháng Trường Sơn là hành trang để mỗi chúng ta bước vào cuộc sống mới xây dựng cuộc sống sau chiến tranh. Cái danh hiệu “Bộ đội Trường Sơn” vinh dự lắm, tự hào lắm! Để giành lại đất nước, ở Trường Sơn ngày xưa chúng ta có mấy ai nghĩ đến quân hàm, cấp bậc và chức vụ. Nhiều người lính Trường Sơn chúng ta sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sơn chuyển ngành công tác. Họ đã phấn đấu học tập và công tác. Nhiều người là Giáo sư, Chuyên viên cao cấp… mà khi ở Trường Sơn chỉ là những anh lính thông tin, lái xe…Khi về họp mặt đồng đội, nhiều người vẫn mang cấp hàm mà mình có. Họ không hề hổ thẹn với quân hàm “thấp, bé” ngày xưa. Họ luôn ngẩng cao đầu với đồng đội vì họ đã phát huy rất tốt phẩm chất của người lính Trường Sơn để trưởng thành hôm nay. Nhiều đồng đội Trường Sơn cả đời hoạt động trong môi trường quân đội. Nhiều người nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, Thượng tá, Đại tá… Tôi đồng ý với anh, chúng ta đừng nhìn đồng đội qua sao vạch trên vai. Nhiều người không có điều kiện về hưu trong quân đội, công an như chúng ta. Trên vai họ sao gạch không bằng chúng ta nhưng đâu phải họ hèn kém hơn ta. Nhiều người có chức vụ, học hàm học vị hơn nhiều sao vạch trên vai chúng ta. Họ vẫn đẹp lắm, tự hào lắm chứ! Có ai đó từng nói: “Đừng đánh giá con người qua hình thức bên ngoài”, tôi thấy rất đúng với những người lính Trường Sơn chúng ta đấy.
        Tôi hoàn toàn đồng tình với anh về những những hiện tượng mà anh đề cập trong bài viết. Chiến sĩ nữ Trường Sơn chúng tôi cũng đẹp lắm. Nhiều đồng đội nữ quân y Trường Sơn chúng tôi trong bộ quân phục, nhìn họ đẹp lắm. Nhưng do hoàn cảnh không cho phép, có chị mặc  váy quân phục nhưng lại đi giầy cao gót…  Một lần họp mặt ở Trấn Vũ, Ba Đình, Hà Nội. Trước hình ảnh ấy của vài đồng đội của tôi, mấy đồng chí bảo vệ trẻ hỏi đùa tôi: “Bác ơi! Ở Trường Sơn các bác đi guốc chiến đấu hay sao?”. Tôi cũng buồn, chỉ biết cười chừ, chứ biết làm sao. 45 năm xa Trường Sơn rồi, nhiều người không còn nhớ điều lệnh. Nhiều người trong chúng ta không còn nhớ chào thế nào cho chuẩn khi chào cờ. Điều ấy có thể thể tất. Nhưng có tình “quên” mà “đeo nhầm” quân hàm, “đeo nhầm” huân huy chương như anh nói thì không thể chấp nhận được. 
       Hãy tự hào về hai tiếng “Trường Sơn”. Nhưng chúng ta cũng phải có trách nhiệm bảo vệ hai tiếng Trường Sơn thiêng liêng! Đó là trách nhiệm của tất cả hội viên Trường Sơn chúng ta.
        Tôi nghĩ thế anh Bùi Cộng Hòa ạ! Cám ơn anh.

                                               Hà Nội 24/02/2020

                             Kim Quy
              Quân y Binh trạm 36, Sư đoàn 471 Trường Sơn
 

tin tức liên quan
test 123