"Nhớ Ba" - Bài viết của Nguyễn Sĩ Hưng (Con trai Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên)
Nhớ Ba
Theo truyền thống của các gia đình Việt, hàng năm vào thời khắc trang trọng nhất của sáng mồng 1 Tết, các con, cháu cùng tề tựu đông đủ chúc Tết đấng sinh thành. Vậy mà Tết Canh Tý năm nay, Ngôi nhà 54 Nguyễn Bỉnh Khiêm một thời tràn đầy những kỷ niệm về một đại gia đình tứ đại-đồng đường như trầm tư, tĩnh mịch. Đã gần một năm Ba vắng bóng trên cõi đời. Không ai có thể tin là trong ngôi nhà cổ tích này đã không còn người Ông, người Cha hiền từ, nhân hậu…
Ba tôi tên là Nguyễn Hữu Vũ, ở nhà hay gọi là Đồng, khi đi hoạt động cách mạng gọi là Nguyễn Văn Đồng, sau năm 1949 có tên là Đồng Sỹ Nguyên. Ông là người con của quê hương Quảng Bình; Đại biểu Quốc hội khóa 1. Đã có khá nhiều giai thoại quanh cái tên Đồng Sỹ Nguyên. Tôi đã nhiều lần hỏi ông về nguồn gốc cái tên này, nhưng ông chỉ nói: đó đơn giản là một bí danh hoạt động Cách mạng, không nên thêu dệt thêm những chi tiết bí ẩn.
Ba tôi là con trai thứ 3 trong gia đình giàu truyền thống yêu nước- cả ông nội và ông ngoại đều là nghĩa binh Cần vương, -đến thế hệ của Ba tôi, thì cả 4 anh em trai đều là sỹ quan QĐNDVN. Từ bé đã có tư chất thông minh, nên mặc dù gia cảnh không sung túc nhưng ông bà nội tôi quyết tâm cho Ba tôi theo học lên bậc thành chung (Diplome ), để sau đó thi vào bậc Tú tài tại Quốc học Huế. Chưa đầy 17 tuổi, Ba tôi đã được các Đảng viên đầu tiên của chi bộ xã Quảng Trung kết nạp vào Đảng (năm 1939). Do biết tiếng Pháp lại thông minh dũng cảm, Ba tôi được các bác trong Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Quảng Bình tập trung bồi dưỡng. Ngày 23/8/1945, với tư cách Chủ nhiệm Việt Minh Tỉnh-cùng Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa, Ba tôi đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các phủ, huyện, sau đó thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa Quảng Bình phát biểu tuyên bố khởi nghĩa thành công ở sân vận động tỉnh.
Mỗi khi về quê, tôi thường được nghe những người đứng tuổi kể về không khí vui như lễ hội ở làng quê bên bờ sông Gianh những ngày Cách mạng mới thành công và vận động bầu cử Quốc hội khóa 1 (1946)-Năm ấy, Ba tôi được giới thiệu ứng cử, buổi tối đến từng nhóm các cháu thanh, thiếu nhi lại vác trống đi quanh sân đình hát bài đồng dao tuyên truyền cho bầu cử Quốc hội: “Trần Hường - Võ Quyết -Dương Dư - cả ba người ấy cũng như Nguyễn Đồng”. Ở các xã bên cạnh lại có một phiên bản khác của bài thơ vận động bầu cử: “Nguyễn Đồng - Võ Quyết -Dương Dư, Tôn Tùng tư cách cũng như Trần Hường - 5 người xứng đáng tương đương- quyết tâm ủng hộ chẳng nhường cho ai! “. Bài thơ đồng dao này được thanh thiếu nhi đánh trống đi vòng quanh làng vận động, sau khi đọc hết đồng thanh hô 3 lần: Quyết tâm ủng hộ chẳng nhường cho ai!
Món quà đầu tiên của Ba
Năm tôi chưa đầy 3 tuổi, Ba tôi đi công tác vào miền Nam Trung bộ cùng đoàn với bác Nguyễn Chí Thanh. Trên đường quay ra, khi đoàn hành quân ngang Quảng Bình, bác Nguyễn chí Thanh gọi Ba tôi ra và nói, trên đường ra Bắc, nên về đón hai mẹ con ra Việt Bắc để có cơ hội đoàn tụ, cậu lấy cái xe đạp mà đi cho nhanh. Ba tôi nhanh chóng nhảy lên chiếc xe đạp Sterling cũ, rẽ ngang từ phía Đồng Lê lao nhanh về quê. Trên đường về nhà Ba đi rất nhanh mong sớm gặp vợ và cậu con trai mà từ khi sinh chưa được gặp. Dù lưng túi eo hẹp, Ba vẫn tìm mua quà cho hai mẹ con đó là tấm vải may áo cho Mẹ và bộ quần áo kaki cho con trai. Theo Mẹ tôi kể thì món quà đầu tiên của Ba đến rất đúng lúc, vì lúc đó đang là cuối mùa đông mà “cậu con trai” chỉ có độc một bộ quần áo cũ.
Theo Mẹ kể lại, khi nhận và mặc bộ kaki đầu tiên trong đời-quà của Ba- tôi rất sung sướng chạy tung tăng khắp nhà và sang nhà hàng xóm khoe. Đó là món quà đầu tiên, quý giá nhất trong cuộc đời tôi. Một đứa trẻ quanh năm có mỗi cái áo vá, bỗng một hôm được gặp người cha yêu quý của mình và nhận từ tay Ba món quà ấm áp, vô giá. Mặc chiếc áo sơ mi mới, quần dài, đóng hộp nghiêm chỉnh, tôi sung sướng, hãnh diện chạy ra khoe với lũ trẻ hàng xóm. Đó là món quà đầu tiên trong đời tôi nhận được từ Ba kính yêu. Ba tôi là bộ đội, cũng không có nhiều điều kiện để mua quà thường xuyên cho các con, nhưng mỗi món quà của ông đều rất có ý nghĩa và có tính gợi mở. Một quả bóng da nho nhỏ cũng giúp tôi say mê hơn môn bóng đá, kể cả khi đã là cầu thủ đội tuyển Thanh-thiếu niên Hà Nội. Một cuốn sách truyện bằng tiếng Nga là cú hích khiến tôi say mê học ngoại ngữ. Một hộp bút vẽ màu nước khiến tôi quan tâm hơn đến hội họa và cũng tập tành học vẽ.
Ngôi nhà tranh trên chiến khu Việt Bắc
Vậy là Ba-Mẹ tôi đã quyết định cả nhà cùng với một chiếc xe đạp cũ sẽ bắt đầu cuộc hành quân đầu tiên dài hơn 800km theo đường bộ từ chiến khu Tuyên Hóa ra chiến khu Việt Bắc. Trong cuộc hành quân kéo dài hai tháng ấy, khi đường bằng phẳng thì tôi được ngồi trên por-ba-ga xe đạp, khi leo đồi thì Mẹ tôi địu sau lưng, khi nào may mắn có sông suối thì cả nhà ngồi trên con đò mỏng manh… Cuối cùng, cả nhà cũng đến được Việt Bắc-Thủ đô gió ngàn.
Tại chiến khu Việt Bắc, các ngôi nhà của các cán bộ Quân đội ở rải rác trên các ngọn đồi, tại bản Piềng-thôn Tỉn Hóa-Thái Nguyên. Ngôi nhà tranh nhỏ của gia đình tôi cất trên một ngọn đồi, bên một dòng suối, cửa nhà quay về phía bờ suối và phía xa là dãy núi Hồng. Ngôi nhà lá đơn sơ này đã chứng kiến nhiều kỷ niệm của tôi với Ba, vui nhất với một cậu bé mới 4 -5 tuổi là những giây phút được đón Ba đi chiến dịch về. Những năm đó, Ông liên tục được cử làm phái viên của Bộ Tổng đi các chiến dịch như Trung-Thượng Lào, Hoàng Hoa Thám, Biên giới, Quang Trung, Tây Bắc, Điện Biên Phủ... Nhiều hôm nghe loáng thoáng tin Ba tôi sắp đi chiến dịch về, tôi thường bỏ cả cơm ra đứng ngóng Ba bên bờ suối, rất hạnh phúc là có lần tôi đã được đón Ba đi chiến dịch về trên mình ngựa. Có lần thì Ba trở về ngồi trên chiếc xe JEEP chiến lợi phẩm, khi chạy qua suối, nước tóe lên hai bên thật đẹp, đúng là hình tượng vị tướng trận oai hùng trong đầu óc trẻ thơ của tôi...
Nhưng cũng có nhiều hôm, tôi nhịn đói đứng ngóng cả buổi chiều, đến khi ông mặt trời đỏ đã lặn phía sau dãy núi Hồng phía xa, Ba tôi vẫn chưa về. Mẹ gọi tôi về ăn cơm, tôi vừa đi vừa ngoái lại phía mặt trời đang lặn, hy vọng bóng hình Ba tôi trên mình ngựa sẽ hiện lên trên đỉnh đồi, trong dáng chiều hoàng hôn… Những đêm nào, tôi được ngủ với Ba là những đêm hạnh phúc nhất, hơi ấm của người đàn ông, -người Cha của mình - thật là ấm áp giữa mùa đông lạnh giá trên núi rừng Việt Bắc.
Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101
thuộc Tiểu đoàn 3 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971. (Ảnh tư liệu).
Những người bạn chiến đấu
Những năm tháng chiến đấu ác liệt trên đường Trường Sơn, ông đặc biệt giành nhiều tình cảm, sự quan tâm đến các chiến sỹ trực tiếp đối mặt với kẻ thù như các chiến sỹ lái xe, công binh, cao xạ, rồi đến cả các thành phần khác như anh nuôi, chiến sỹ thông tin, và đặc biệt là các nhà thơ-văn nghệ sỹ, như Lê Lựu, Phạm Tiến Duật. Các chiến sỹ Trường Sơn đã có nhiều giai thoại về sự quan tâm, động viên khích lệ của Ba tôi với tác giả bài thơ “Tiểu đội xe không kính”. Với Chính ủy Đặng Tính-hai ông có một tình bạn thật đặc biệt, bắt đầu từ thời gian ông là đặc phái viên của Bộ Tổng về tham gia chiến dịch Hà–Nam-Ninh, nơi là địa bàn hoạt động của bác Đặng Tính tại liên khu 3, quân khu Tả ngạn.
Sau này, khi Ông đề đạt với Bộ Tổng Tư lệnh về ý tưởng đưa lực lượng phòng không vào bảo vệ đường 559, phá thế bị động, với phương châm: “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, nhiều cán bộ ưu tú của Quân chủng PKKQ đã vào tăng cường cho bộ đội Trường Sơn. Khi Ba tôi đặt vấn đề với Tổng cục Chính trị để bổ nhiệm một Chính ủy cho đoàn 559-Ông Song Hào nói: trong số các Chính ủy Quân khu, Quân chủng cho anh chọn bất cứ ai, Quân ủy TƯ cũng đồng ý, Ba tôi đã nói ngay: Cho tôi được chọn anh Đặng Tính-Chính ủy Quân chủng PKKQ.Thật là trùng hợp, cũng thời điểm đó bác Đặng Tính đề đạt với cấp trên xin được vào chiến trường, và khi Quân ủy TƯ hỏi đồng chí chọn chiến trường nào, Bác Đặng Tính đã nói: Tôi xin vào đường 559-Trường Sơn, sát cánh cùng anh Đồng Sỹ Nguyên. Hai tâm nguyện của những người lính chiến thực thụ gặp nhau và họ trở thành một cặp đôi Tư lệnh-Chính ủy huyền thoại của Trường Sơn.
Đầu năm 1973, Tư lệnh và Chính ủy Đoàn 559 quyết định chia nhau đi hai ngả đông–tây Trường Sơn để kiểm tra tình hình trước khi báo cáo Bộ Tổng về quyết tâm chiến lược của bộ đội Trường Sơn chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam và hẹn nhau lúc về hợp điểm ở trụ sở Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Trong chuyến đi đó, khi Ba tôi đang ở Sa Thầy-Kon Tum thì nhận được điện báo bác Đặng Tính đã hy sinh ngày 4/4/1973 taị chân cao nguyên Bo Lo ven-Ba tôi không tin vào bức điện hỏi lại đồng chí điện báo viên 3 lần, xem có đúng không, rồi ông đã khóc. Cuộc đời chinh chiến của Ba đã chứng kiến nhiều sự hy sinh, nhưng sự ra đi của Bác Đặng Tính đã khiến Ba tôi rất xúc động và lần đầu tiên ông đã khóc khi vĩnh biệt người đồng đội–người Chính ủy tài năng-đức độ của mình. Không biết có sự sắp xếp ngẫu nhiên nào của số phận không, mà hai vị Tư lệnh và Chính ủy của đoàn 559-hai người đồng đội-hai cánh đại bàng của Trường Sơn đều hóa thành bất tử vào ngày 4/4 định mệnh (cách nhau 46 năm).
Xúc động trước sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ-thanh niên xung phong Trường Sơn, ngay từ khi cuộc chiến chưa kết thúc Ông đã nhìn trước-nhìn xa, lo lặn lội đi tìm địa điểm lập nghĩa trang để quy tụ hơn 20.000 ngôi mộ liệt sỹ của đoàn 559 về Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn. Những tình cảm đồng đội thử thách qua bom đạn ấy đã được các cựu chiến binh và thanh niên xung phong Trường Sơn cảm nhận thật sâu sắc.
Ngày tang lễ của Ba, các con, cháu của Ông thật sự xúc động chứng kiến đội ngũ cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn từ mọi miền đất nước, từng hàng dài, tề tựu về nhà tang lễ để vĩnh biệt vị Tư lệnh yêu quý của mình. Trong đội ngũ ấy, có cả các thương binh ngồi trên xe lăn, có người chống gậy, có người mất cả cánh tay, họ vẫn rất đông đủ, tề chỉnh và im lặng-vừa lau đi những giọt nước mắt - vừa kính cẩn nghiêng mình để lần cuối được vĩnh biệt vị Tư lệnh huyền thoại của mình.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và các con cháu.
Có một gia đình chiến sỹ
Mùa hè Năm 1965, học sinh của các trường Phổ thông ở Hà Nội và trường Chu Văn An có phong trào đi khám tuyển phi công. Khi biết đã trúng tuyển phi công tôi rất mừng-dù lúc đó thú thực cũng chỉ là cảm tính-mơ mộng về bầu trời qua xem bộ phim Khoảng trời Ban tích của LX- chứ chưa biết hết tính ác liệt và gian khổ của nghề lái máy bay chiến đấu. Lúc này tôi đứng trước một thời khắc phải lựa chọn một trong ba khả năng: Tiếp tục đi học, để sau đó đi học Đại học ở nước ngoài; hoặc gia nhập đội bóng đá Thể công cùng đợt với các bạn đá bóng trong đội tuyển thanh-thiếu niên Hà Nội của mình như Thế Anh(ba đẻn)- Ngọc Chi, Phú mèo…cùng với đó là giấy báo trúng tuyển phi công do một đồng chí Trung úy từ Quân chủng mang đến. Tôi còn quá trẻ để đủ lý lẽ trước một lựa chọn quan trọng như vậy, theo gợi ý của Mẹ tôi, tôi quyết định nhấc máy gọi cho Ba tôi lúc đó đang ở trong Quân khu 4-để xin ý kiến Ông.
Hơn 50 năm đã qua, tôi vẫn nhớ như in giọng nói ấm cúng, điềm tĩnh của Ba trước một lựa chọn quan trọng trong cuộc đời người con trai cả của Ông. Từ đầu giây bên kia, tôi nghe rõ ông nói: “Con phải tự lựa chọn cho mình con đường vào đời của mình, nhưng bây giờ đất nước đang bị xâm lược, vị trí của thanh niên là phải lên đường nhập ngũ- sau này, khi chiến tranh kết thúc, Ba tin là con sẽ có cơ hội học tiếp”. Đặt ống nghe xuống, tôi hiểu mình sẽ phải làm gì để tiếp bước cha, ông. Trong gia đình tôi, ngoài Ba, Mẹ tôi đều là người lính thì 5 trong 6 anh chị em chúng tôi cũng đều nhập ngũ. Trong đó người em trai thứ tư-Nguyễn Tiến Quân, đã bỏ giấy gọi thi đại học, nhập ngũ vào trường Sỹ quan Pháo binh-tham gia chiến dịch HCM lịch sử, và đến chiến tranh biên giới phía Bắc thì em hy sinh, lúc là Đại đội trưởng Pháo binh. Nhận được tin người con trai thứ tư của mình hy sinh, Ba tôi nén đau thương tiếp tục làm công việc kiêm nhiệm vừa là Bộ trưởng Bộ Xây dựng-vừa là Tư lệnh Quân khu Thủ đô-chỉ huy LL VT Thủ đô lập tuyến phòng thủ sẵn sàng chiến đấu với quân xâm lược.
Thời gian trôi qua thật nhanh, mới hôm nào cả nhà- con, cháu, người thân nén đau thương cùng các cơ quan lo tang lễ cho Ba, nay đã gần đến ngày giỗ đầu của Ba. Mặc dù con cháu vẫn cầu mong trời đất để được mừng đại thọ 100 tuổi của Ba-nhưng Sinh-Tử là quy luật của tự nhiên, Ba ra đi vào ngày 4/4/2019 (tức ngày 30 tháng 2 Âm lịch năm Kỷ Hợi), chỉ hơn một tháng sau khi Ba bước sang tuổi 97 và cũng chỉ hơn một tháng nữa là đến ngày kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại- nơi ghi đậm dấu ấn của Ba trong những năm tháng chống Mỹ hào hùng nhất. Bây giờ Ba đã đi xa rồi, nhưng bạn bè, đồng đội, các con cháu vẫn cảm nhận được hơi ấm trong tình cảm của Ba.
Mọi người vẫn tin rằng, từ trên cõi Vĩnh hằng, ở đâu đó bầu trời trên đỉnh Trường Sơn đại ngàn- Ba vẫn dõi theo và giành cho con cháu những tình cảm ấm áp nhất của một người Ông - người Ba hiền từ - nhân hậu.
Nguyễn Sĩ Hưng
(Phạm Sinh sưu tầm Theo Đại đoàn kết)