Cám ơn Trang thông tin Trường Sơn!

Ngày đăng: 03:32 16/10/2015 Lượt xem: 478

 

        CÁM ƠN TRANG THÔNG TIN TRƯỜNG SƠN

(Viết tiếp bài:“Tại sao lính TS yêu nhau đến thế!”

của đồng chí Phạm Thành Long)

                                        Phạm Tiến Đặng

                                   (Hội viên TS Hàm Tân, Bình Thuận)

Chúng tôi những người lính Trường Sơn năm xưa nay trở về với đời thường. Cuộc sống vật chất tuy còn khó khăn, thiếu thốn...nhưng vẫn hạnh phúc, may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội, mang thương tích đầy mình, những liệt sĩ nằm cô quạnh ở nghĩa trang Trường Sơn... Và còn nhiều anh chị còn nằm đâu đó nơi lưng đồi, ven suối... trong đại ngàn Trường Sơn... Cánh lính trẻ hậu sinh chúng tôi ngày ấy, nay chí ít tuổi cũng đã lục tuần; đã có đủ cháu con, dâu rể... Dù giàu hay nghèo, dù hạnh phúc bình yên thì trong giấc ngủ, những lúc vui buồn...ký ức Trường Sơn năm nào lại ùa về.

     Thời ấy, tuổi trẻ chúng tôi nghe theo lời Đảng, lời Bác chỉ biết một lòng cống hiến, hy sinh với mục đích: Giành cho được độc lập, tự do cho dân tộc! Một nhà văn đã viết: “Ký ức ghi dấu ấn sâu đạm nhất của đời người là tuổi thanh xuân trai trẻ”! Đúng vậy! Ngày ấy, chúng tôi sống ở Trường Sơn bên những kho hàng đầy ắp nhưng vẫn thiếu thốn đủ bề. Bởi chúng tôi luôn xác định: Dành tất cả cho chiến trường. Chúng tôi tự nguyện ăn măng, ăn rau rừng, cháo bắp... Chia nhau viên thuốc ký ninh khi sốt rét, sẵn sàng lấy thân mình che chở cho đồng đội trong mưa bom, bão đạn...Nhạc sỹ Trần Hoàn trong một tác phẩm đã viết: “Qua hoạn nạn mới hiểu lòng nhau...” Những người lính Trường Sơn chúng tôi hôm nay nhớ sâu đậm trong con tim, tiềm thức, đó là tình nghĩa Trường Sơn.

      Hòa bình! Lính Trường Sơn người thì chuyển ngành, đi học. Người thì đi xây dựng các vùng kinh tế mới... Thoáng chốc đã hơn bốn mươi năm trôi qua trong lo toan, bươn chải mưu sinh. Không riêng tôi mà nhiều anh em đồng đội khao khát được tìm lại cội nguồn, muốn gặp lại anh em đồng đội từng sống chết bên nhau những ngày gian khó, ác liệt trên Trường Sơn! Nhưng hầu như vô vọng...Bởi chúng tôi không biết phải tìm nhau ở đâu, nơi nào, vì sự ly tán mỗi đứa một nơi. Cách đây hơn bốn năm, tôi về Bình Thuận lập nghiệp. Được đồng đội giới thiệu tham gia vào Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. Tôi được anh Phan Kế Toán giới thiệu trong một bài viết kèm theo hình ảnh về tôi đăng trên Trang thông tin của Hội. Thật bất ngờ, sau đó tôi được biết về người Chính ủy và Tham mưu trưởng sư đoàn của tôi năm xưa vẫn còn đó. Các chú, các anh vẫn khỏe mạnh, vững chãi như đại thụ Trường Sơn năm nào... Anh em đồng đội năm nào trong Nam, ngoài Bắc biết Đặng “Còi” vẫn còn sống. Thế là những cuộc điện thoại tới tấp trao đổi, tâm sự, động viên nhau cứ dồn dập bay về... Tôi vui thêm khi đã tìm lại được hai người y sĩ Trường Sơn năm nào đã cứu sống tôi. Đó là chị Nguyễn Thị Triều và chị Nguyễn Thị Kim Quy ở Đội điều trị Binh trạm 46, Sư đoàn 471. Họ là ân nhân đã cứu tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần suốt ba ngày ba đêm tôi mê man bất tỉnh vì bị thương và bị sốt rét. Chị Triều ở ngay quận 4, TP. Hồ Chí Minh mà suốt nhiều năm tôi làm việc trong thành phố, đã hỏi thăm nhiều người nhưng không gặp được. Hạnh phúc, niềm tin, sự kính trọng trong tôi càng nhân lên gấp bội khi còn đó rất nhiều đồng đội của tôi tuy tuổi cao, sức yếu, bệnh tật đầy mình vẫn ngày đêm hết lòng vun vén, chăm sóc cho nghĩa tình đồng đội...

     Cảm động biết bao khi mới đây, tôi có dịp về thăm quê hương Nam Định. Ra Hà Nội, tôi được tới thăm các chú, các anh lãnh đạo TƯ. Hội.

             Trước khi gặp, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ: Không biết hơn bốn mươi năm qua đi, trong vòng xoay kinh tế thị trường, liệu tình nghĩa ở Trường Sơn năm nào có còn chân thành, sâu đậm và ấm áp…? Thật không ngờ, khi tôi được các chú, các anh - những tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp nổi tiếng một thời ở Trường Sơn ân cần đón tiếp tiếp tôi. Các chú, các anh hỏi han ân cần và chân tình động viên tôi như anh em trong gia đình. Tình cảm vẫn ấm áp, trong sáng, chan chứa tình người như năm nào ở Trường Sơn khói lửa. Xúc động dâng trào trong tôi! Tôi đã gắng kìm lòng để những giọt nước mắt hạnh phúc không tràn ra mí mắt. Tôi nghĩ, có lẽ không riêng ở Việt Nam mà cả Trái Đất này không đâu có được tình đồng đội trải qua hơn bốn mươi năm trong cuộc chiến từ lúc tuổi thanh xuân cho tới lúc về già lại vẫn giữ mãi nghĩa tình ấm áp, thủy chung, chân thành như những người lính Trường Sơn vinh dự tự hào được mang tên Bác! Phải chăng đó cũng là tinh thần, đạo đức, nghĩa tình son sắt, thủy chung được kết tinh từ dòng giống Lạc Hồng mà những người lính Cụ Hồ cũng như muôn triệu con dân nước Việt kế thừa sâu đậm?

          Cách đây mấy tháng, tôi có dịp ghé qua khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng. Cùng ngồi thuyền du ngoạn trên dòng sông Son nước trong “như mắt ngọc” với tôi còn có mấy người khách nước ngoài. Họ là sinh viên đến từ Na Uy và Thụy Điển. Trong lúc trò chuyện, tôi kể cho họ nghe về sự khốc liệt tại bến phà Xuân Sơn, động Phong Nha thời đánh Mỹ… Cô sinh viên người Na Uy, hỏi: Ông ở Miền Nam ra đây du lịch sao hiểu rõ vùng này vậy? Phải chăng ông đã đọc lịch sử? Tôi nhẹ nhàng giải thích: Đương nhiên, người Việt Nam chúng tôi ai cũng học về lịch sử chống ngoại xâm của đất nước mình. Nhưng với tôi không chỉ có vậy. Cách đây hơn bốn mươi năm, năm 1970 tôi đã vào chiến đấu ở Trường Sơn. Và đã cùng biết bao đồng đội đi qua bến phà này. Có mấy ai còn biết được ngày ấy, trên dòng sông thanh bình này, từng đàn cá tung tăng lội bơi trên dòng sống nhuốn đầy sắc đỏ? Đó là màu đất, màu máu của đồng chí, đồng đội chúng tôi đổ xuống dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, để giữ vừng mạch máu giao thông thông suốt, đưa những chuyến xe vượt Trường Sơn ra trận? Rừng Phong Nha – Kẻ Bàng, dãy Trường Sơn hùng vỹ trải dài xa xa kia…nay đã một màu xanh ngắt, và yên bình. Còn đâu thấy những hố bom, những vạt rừng cháy khô năm nào! Nhưng những hình ảnh ấy có chăng chỉ còn lại trong phim ảnh, còn lại trong tâm trí những người lính Trường Sơn mà thôi…

        Nhìn thái độ và ánh mắt của những vị khách trẻ từ phương Tây, tôi thấy sự ngưỡng mộ và cảm phục của họ.

          Kết thúc câu chuyện, tôi hỏi: Các bạn có biết về Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh không?

        Cả bốn người khách du lịch đều nhất loạt trả lời: Đồng Lộc – Trường Sơn – Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp - Viêt Nam!

 

tin tức liên quan
test 123