Những khởi sắc hơn 4 năm thành lập Hội

Ngày đăng: 02:10 23/10/2015 Lượt xem: 427

 

NHỮNG KHỞI SẮC HƠN 4 NĂM THÀNH LẬP HỘI

 

        Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam được thành lập hơn 4 năm. Kể từ Đại hội thành lập tháng 7/2011 đến nay đã có bước phát triển sâu rộng trong cả nước, tập hợp được đông đảo Hội viên và hoạt động ngày càng hiệu quả.

        Về xây dựng tổ chức, theo số liệu thống kê từ đơn vị, đến nay Trung ương Hội có gần 30 vạn Hội viên phân bổ ở 108 đầu mối gồm 48 tỉnh, thành và 60 đơn vị truyền thống (Trong 48 tỉnh, thành có: 251 huyện, quận, thị xã, thành phố; 3008 xã, phường, thị trấn. 60 đơn vị truyền thống là các Sư đoàn, Trung đoàn, Cục, Ngành, Binh trạm, Tiểu đoàn và tương đương).

      Cả nước đến nay đã có 32/48 tỉnh, thành; 144 quận huyện; 1497 xã, phường được chính quyền các cấp cho phép thành lập Hội.

        Ở các đơn vị truyền thống  có 11/60 đơn vị đã thành lập Hội, còn laị là BLL.

        Có 9/48 Hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều tổ chức hội cấp huyện, thị là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

      Các địa phương: Tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh đã hoàn thành Đại hội thành lập Hội 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Thanh Hóa là tỉnh có số hội viên đông chiếm 1/10 cả nước, đến nay đã hoàn thành Đại hội ở cấp huyện và 80% số xã. Các tỉnh Hội: Bắc Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Hòa Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa là những nơi xây dựng tổ chức Hội tốt, hoat động khá toàn diện. Các Hội tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ, Phú Yên, Bình Dương, Bình Thuận ... sau Đại hội hoạt động có nhiều khởi sắc.

       Những địa phương có nhiều Hội viên nhưng thành lập Hội khó khăn như tỉnh Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… đã được Trung ương Hội quan tâm chỉ đạo tích cực. Đến nay tỉnh Quảng Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nam đã thành lập được Hội.

       Thực hiện kế hoạch công tác, Trung ương Hội đã đi kiểm tra nắm tình hình được 92% số Hội, BLL cấp tỉnh, thành. Ban Kiểm tra đã tiếp nhận 14 đơn thư, từng trường hợp cụ thể đã được Thường trực chỉ đạo Ban Kiểm tra xem xét thận trọng, kết luận giải quyết theo quy định.

        BLL Nữ chiến sỹ Nữ Trường Sơn duy trì hoạt động tốt, BLL Nữ các địa phương được thành lập và kiện toàn từ Trung ương tới cơ sở. Trong đó phong trào Nữ Trường Sơn ở các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Kon Tum … hoạt động tích cực.

      Hội Bộ đội Trường Sơn Tp. Hà Nội; Hội huyện Mê Linh và BLL Nữ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Đại Hội nhiệm kỳ II.          

         Về hoạt động tuyên truyền, Hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, như Báo Quân đội nhân dân, Báo Tiền phong, Đài Truyền hình VN (VTV), QPVN, VOV, Truyền hình Hà Nội để cung cấp tư liệu, nhân chứng lịch sử  thực hiện viết tin, bài, làm phim tuyên truyền về Trường Sơn và Hội Trường Sơn. Trong đó có nhiều bộ phim tài liệu quý như “Nơi huyền thoại bắt đầu”, “Đường Trường Sơn - Tuyến hậu cần chiến lược” đã được chiếu rộng rãi nhiều lần trên VTV.

      Hội đã tập hợp các tư liệu lịch sử, bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội; những bình luận của các học giả, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài nước về chiến trường Trường Sơn; Phát động và tổ chức các cuộc thi viết “Ký ức Trường Sơn” (đã xuất bản 2 cuốn sách từ cuộc thi này), “ Thơ lục bát Trường Sơn”, “Gương sáng Trường Sơn”. Biên tập tư liệu lịch sử xuất bản gần 40 đầu sách về Trường Sơn. Tổ chức một số chương trình giao lưu nghệ thuật về Trường Sơn có ghi hình, phát sóng. Nhiều Hội, BLL cấp tỉnh đã phối hợp với các  Bảo tàng, các đoàn nghệ thuật, các cơ quan truyền thông phát động sưu tầm, hiến tặng và tổ chức trưng bày, giới thiệu các kỷ vật Trường Sơn, xuất bản các ấn phẩm, đặc san, sách ảnh về Trường Sơn về hoạt động của Hội tại địa phương; Tổ chức giao lưu nghệ thuật, kể chuyện truyền thống cho đoàn viên, thanh niên, học sinh. Các Hội và một số BLL Sư đoàn, Binh trạm đã phát động viết hồi ký và tổ chức sưu tầm tư liệu, biên soan lịch sử đơn vị. Câu lạc bộ nghệ thuật Trường Sơn, và các đội văn nghệ ở các tỉnh, huyện, đơn vị truyền thống tiếp tục khai thác, bám sát đề tài Trường Sơn, xây dựng được hàng chục chương trình nghệ thuật có chất lượng phục vụ các sự kiện, các ngày lễ lớn, phục vụ nội bộ và nhân dân.

       Về hoạt động truyền thống, Hội đã tham gia phối hợp cùng Binh đoàn 12 lập hồ sơ đề nghị Nhà nước xếp hạng 37 di tích trên đường Trường Sơn và đã được Nhà nước Quyết định công nhận Hệ thống Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia Đặc biệt; Đề nghị cấp có thẩm quyền đầu tư và triển khai thực hiện các dự án bảo tồn tôn tạo các di tích đường Trường Sơn trên đất bạn Lào; Sưu tầm tư liêu, lập hồ sơ danh mục 5 trục dọc, 21 trục ngang của đường Trường Sơn và đề nghị xếp hạng tiếp 18 di tích; Tham gia lập dự án thi công và nâng cấp Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh ngoài trời (ở Trạ Ang), Sở Chỉ huy BTL Trường Sơn ở Bến Tắt (Quảng Trị), Na Bo (Lào), một số Bia di tích trên Đường 12, Đường 9… chuẩn bị cho việc bổ sung Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống. Phối hợp với Binh đoàn 12 tổng hợp tư liệu về Trường Sơn, biên tập và in 2 pho đại sách về Trường Sơn trưng bày tại Bảo tàng Trường Sơn.

      Hoạt động tuyên truyền có bước đột phá tích cực. Trang thông tin Trường Sơn (Web) của Hội ra đời tháng 3 năm 2012, đến nay đã đổi mới và nâng cấp giao diện, nâng cao chất lượng tin, bài và mở thêm nhiều chuyên mục mới, thu hút ngày càng đông đảo người truy cập (ngày đạt kỷ lục có tới hơn 2,2 vạn lượt người truy cập). Tính đến nay đã có 2,5 triệu lượt truy cập.  Đã xây dựng được một số video, Clip phản ánh các hoạt động của Hội, phát hành hàng trăm đĩa hình tới các đầu mối. Từ tháng 10/2015 Hội đã phát hành Bản tin Trường Sơn, in lịch 2016 với số lượng lớn phát hành rộng rãi trong nội bộ. Những hoạt động và kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống và tuyên truyền nâng cao vị thế của Hội.

      Về hoạt động lịch sử, Hội đã tuyên truyền và cung cấp các tư liệu, cùng với sự xác nhận của chính quyền, đặc biệt là các nhân chứng lịch sử và nhân dân địa phương sở tại, tỉnh Quảng Tri đã xác nhận việc Bộ đội Trường Sơn trực tiếp tham gia chiến dịch Quảng trị năm 1972 và 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, địa phương đã xây dựng Bia di tích lịch sử tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh, nơi xuất phát của Tiểu đoàn Ca nô 166 Bộ đội Trường Sơn vận tải chi viện cho 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và công nhận đây là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

       Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975, Hội đã xây dựng báo cáo khoa học “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh biểu tượng của khát vọng hòa bình và độc lập thống nhất đất nước” tham luận tại Hội thảo khoa học cấp Nhà nước. Trên cơ sở đó đã cung cấp các tư liệu làm rõ vai trò trực tiếp tham gia chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch tổng tiến công lớn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

       Về hoạt động tình nghĩa, Trung ương Hội đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tham gia chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo Sài Gòn Giải phóng khởi xướng, vận động các nhà tài trợ ủng hộ nhiều chục tỷ đồng xây dựng các công trình tưởng niệm và tri ân anh hùng liệt sỹ như Đền thờ Liệt sỹ Trường Sơn ở: Bến phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị), Ngã ba biên giới cửa khẩu Bờ Y ( Kon Tum), Bia Tưởng niệm Liệt sỹ Việt - Lào ở Lằng Khằng (Khăm  Muộn -  Lào) …

        Để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau, Hội đã đề xuất ý tưởng và lập Đề án xây dựng “Công viên đồi hoa trắng”.  Đây là công trình “Văn hóa - Tâm linh” để tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sỹ trẻ tuổi của cả nước đã qua Trường Sơn, chiến đấu hy sinh ở Trường Sơn (nguồn vốn đầu tư xây dựng theo phương thức xã hội hóa). Đề án đã và đang được gửi xin ý kiến một số đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.

      Thực hiện chủ trương quan tâm các đối tượng chính sách và người có công, các Hội, BLL đã tích cực vận động tài trợ từ các nguồn lực xã hội để thăm hỏi, tặng quà các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh nặng, người nhiễm chất độc da cam, hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Tri ân các anh hùng liệt sỹ. Thăm hỏi, động viên khi hội viên ốm đau, từ trần, và hướng dẫn Hội viên làm thủ tục theo quy định để giải quyết các vấn đề tồn đọng chính sách sau chiến tranh và Hội viên nghèo khó khăn về nhà ở. Các địa phương hoạt động chủ động như tỉnh Hội Yên Bái, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Khánh Hòa, Phú Thọ, Lào Cai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Bình, Hòa Bình, Gia Lai, Hà Tĩnh, F471, F470, F472, F571, Ngành Xăng dầu - Đường ống, Hội Chữ thập đỏ Binh trạm 12 Hải Phòng … Được sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, thiện nguyện trong cả nước, nhất là Vietcombank, Vietinbank, Eximbank, Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup, Quỹ Trái tim Vàng Việt Nam, Công ty Thanh Bình Hưng Yên, Công ty Eco, Công đoàn VTV, Quỹ từ thiện xã hội Công đoàn Bộ Giao thông Vận tải… Hội đã có được một nguồn lực đáng kể để tổ chức các hoạt động tình nghĩa.

      Tổng số tiền và quà tài trợ cho hoạt động tình nghĩa Hội nhận được hơn 4 năm qua trị giá gần 130 tỷ đồng. Đã hỗ trợ xây dựng 1.734 căn nhà tình nghĩa, tặng 2.597 sổ tiết kiệm (mức 3 - 5 triệu/sổ),  378 suất học bổng (800.000đ/xuất) từ Quỹ Vừ A Dính TW cho con Hội viên học giỏi, 550 chăn ấm cao cấp (800.000đ/chiếc), 38.765 suất quà cho các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Hội còn vận động các Quỹ, các tổ chức nhân đạo từ thiện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng 11 chị em nữ già yếu cô đơn; Trợ cấp thường xuyên 500.000đ/tháng cho 216 chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra các cấp Hội còn vận động quyên góp được hàng chục tấn gạo, hàng trăm thùng mỳ tôm, hàng ngàn bộ quần áo, sách vở đồ dùng học tập giúp đồng bào ở các vùng bão lụt, đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa.

      Hàng năm vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, các cấp Hội, BLL đã tổ chức cho hàng ngàn lượt hội viên về thăm lại chiến trường, viếng các nghia trang, tri ân các anh hùng liệt sỹ, thăm các di tích lịch sử cách mạng, tặng quà các đối tượng chính sách và đồng bào nghèo.

      Đặc biệt nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Viêt Nam, Trung ương Hội đã tổ chức hành hương về nguồn thăm hang Cốc Bó ở Pắc Bó và khu rừng Trần Hưng Đạo tỉnh Cao Bằng. Đoàn đã tặng 9 nhà tình nghĩa, 100 chăn ấm cao cấp cho các gia đình có công với cách mạng thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình nơi thành lập Đội VNTTGPQ; Tổ chức đoàn cán bộ vào viếng các nghĩa trang Trường Sơn; giao lưu tặng ti vi và tặng 200 chăn ấm cao cấp cho Trạm xá Quân dân y Bãi Dinh và đồng bào nghèo ở xã Dân Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, hội viên và đồng bào nghèo trên dọc tuyến đường 12 tuyến có nhiều trọng điểm ác liệt - những nơi mà đồng bào đã từng cưu mang đùm bọc, kề vai sát cánh chia lửa với bộ đội Trường Sơn trong chống Mỹ và giao lưu tặng quà Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.

      Trung ương Hội đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Binh đoàn 12 và các cơ quan có liên quan trong việc giải mã phiên hiệu đơn vị, tra cứu tìm hồ sơ lưu trữ để cung cấp thông tin về Liệt sỹ cho hàng trăm thân nhân gia đình chính sách; tư vấn hướng dẫn giúp đỡ tìm kiếm, cất bốc được 74 hài cốt liệt sỹ đưa về quê hương.

     Thực hiện cuộc vận động “Hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống” do Trung ương Hội phát động (tháng 3/2013) được các cấp hưởng ứng thực hiện đạt kết quả tốt, ở các địa phương đều có những mô hình sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ hiệu quả, Hội viên giúp nhau về vốn, giống, công nghệ, vật nuôi, cây trồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nhân Trường Sơn thành đạt đã tích cực chia sẻ, giúp đỡ đồng đội và cộng đồng. Năm 2014 Trung ương Hội sơ kết biểu dương nhiều tập thể, cá nhân điển hình, trong đó tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 56 Hội viên làm kinh tế giỏi, đã xây dựng thành phim tài liệu tuyên truyền cách thức làm ăn có hiệu quả, phát hành tới các đầu mối. 

     Ở các cấp luôn vận động Hội viên và gia đình hưởng ứng tích cực các phong trào do địa phương phát động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa” và phong trào “Xây dựng nông thôn mới”. Hội viên Trường Sơn ở một số địa phương còn tự nguyện hiến đất, ủng hộ tiền, có người đã hiến hàng trăm mét vuông đất, ủng hộ hàng chục đến vài trăm triệu đồng (như ở Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận) để làm đường và bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng.

       Hội giữ mối quan hệ thường xuyên với Bộ VHTT&DL, Bộ Nội vụ, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ và xin ý kiến chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của Hội. Đồng thời tích cực quan hệ với Hội CCB, Hội TNXP, Hội Nạn nhân CĐDC, Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam để trao đổi, học tập kinh nghiệm, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với tổ chức và hoạt động của Hội.

       Lãnh đạo Trung ương Hội đã chủ động được tiếp kiến Chủ tịch nước, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Bộ BLĐTBXH, Bộ Tài Chính, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, HLHPN Việt Nam đề báo cáo về tổ chức hoạt động của Hội và những vấn đề tồn đọng chính sách, về tình hình Hội Trường sơn, về tầm vóc và lịch sử chiến trường Trường Sơn. Qua đó, kiến nghị đề đạt với Đảng, Nhà nước, Quân đội và các cơ quan chức năng những vấn đề liên quan đến việc giữ gìn phát huy truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; Vấn đề tồn đọng chính sách sau chiến tranh liên quan tới hội viên.

        Năm 2015, Trung ương Hội đã phối hợp với Bộ GTVT tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành GTVT thông qua các hoạt động giao lưu nghệ thuật, thăm tặng quà các cán bộ lão thành Ngành giao thông và Bộ đội Trường sơn, tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Tình em gửi trọn con đường”.

        Thường trực Trung ương Hội duy trì quan hệ với Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, thông qua Đại sứ kết nối giúp đỡ thực hiện các nhiệm vụ của Hội, nhất là khảo sát xác định thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo các di tích đường Trường Sơn trên đất Bạn và tổ chức cho Hội viên sang thăm lại chiến trường xưa.

        Đối với Binh đoàn 12 là đơn vị kế tục truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, Hội có mối liên hệ chặt chẽ và luôn được Lãnh đạo Binh đoàn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt. Hội và Binh đoàn đã duy trì đều đặn chế độ làm việc theo định kỳ.

        Đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cấp, Trung ương Hội đã thành lập “Trung tâm tổ chức về thăm chiến trường xưa Bộ đội Trường Sơn - Quân tình nguyện Viêt - Lào” để tổ chức các tua về thăm chiến trường xưa kết hợp tham quan du lịch.

       Công tác vận động tài trợ cho các hoạt động thường xuyên của Hội được triển khai tích cực. Hội đã có các quy chế quy định quản lý sử dụng các nguồn tài trợ, tài chính, tài sản chặt chẽ, thực hiên đúng các quy định về chế độ kế toán của Nhà nước.

      Cán bộ các cơ quan TW Hội tâm huyết, nêu cao trách nhiệm trong công tác và phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao.

       Đó là những kết quả khởi sắc tích cực để Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tự tin chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ II (2016 - 2021) vào quý IV/2016.

 

                                                                          Đại tá Đoàn Danh Bình

                                                                          Phó Chánh Văn phòng

            

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH LỊCH SỬ

(Ảnh: Danh Bình và đồng nghiệp)

 

Đoàn Chủ tịch Đại hội lần thứ nhất Hội Trường Sơn 5/7/2011

 

Lãnh đạo Binh đoàn 12 chúc mừng TW Hội khai trương Văn phòng mới 

 

Chủ tịch nước CHXHCNVN tiếp 55 đại biểu Hội Trường Sơn 5/2014

tin tức liên quan
test 123