7/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, làm rung chuyển thế giới. Cách mạng Việt Nam đã ảnh hưởng từ thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga như thế nào ?...
Kỷ niệm 98 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại ngày 07/11/1917-07/11/2015
ẢNH HƯỞNG VỀ TINH THẦN CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VĨ ĐẠI VÀ SỰ GIÚP ĐỠ TO LỚN CỦA LIÊN XÔ/LIÊN BANG NGA ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM
I. NGHĨA CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM:
Thắng lợi Tháng Mười Nga có ý nghĩa sâu sắc, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào ý nghĩa to lớn và sâu rộng như thế. Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người”.
Trên phương diện lý luận, Cách mạng Tháng Mười khẳng định tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác và sự phát triển sáng tạo của Lê Nin trong bối cảnh lịch sử mới. Về thực tiễn, cuộc cách mạng này đã từng làm “Rung chuyển thế giới”. Những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, theo Lê Nin “Đã chỉ ra cho tất cả các nước thấy một cái gì hoàn toàn căn bản về tương lai tất yếu của họ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Với thiên tài về trí tuệ, mẫn cảm về chính trị cuối cùng Người đến với Luận cương Lê Nin và chọn con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Người dày công nghiên cứu vận dụng sáng tạo kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện cách mạng Việt Nam và quyết tâm đưa Việt Nam đi lên Chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng đắn.
Đó là vấn đề Cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, phải lấy công nông làm nòng cốt, phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, vấn đề về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, Đảng phải dựa trên những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, lấy Chủ nghĩa Mác – Lê Nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, vấn đề lực lượng và phương pháp tiến hành cách mạng vô sản, đó là lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động bị áp bức, sử dụng bạo lực cách mạng đập tan Nhà nước của giai cấp thống trị, thiết lập Nhà nước chuyên chính vô sản, thực hành xây dựng chủ nghĩa xã hội đem lại hạnh phúc cho nhân dân, vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội của giai cấp công nhân do Đảng cộng sản lãnh đạo.
Rút kinh nghiệm về những khó khăn khốc liệt mà Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới phải đương đầu. Đó là từ tháng 03/1918, 14 nước đế quốc cấu kết các lực lượng phản cách mạng trong nước bao vây xâm lược nước Nga Xô Viết, Chính quyền Xô Viết phải tuyên bố tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy và đưa ra khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến”. Thực hiện chính sách “CỘNG SẢN THỜI CHIẾN” huy động mọi sức người, sức của lo cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vừa chiến đấu vừa xây dựng quân đội hùng mạnh nên đến cuối năm 1920 lực lượng can thiệp từ bên ngoài bị đẩy lùi. Bọn phản động bên trong bị tiêu diệt. Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đứng vững trước hiểm họa thù trong giặc ngoài (1).
Từ bài học thực tế đó, Đảng Cộng sản Liên Xô hết sức coi trọng và chăm lo xây dựng quân đội hùng mạnh đủ sức đối phó với mọi tình huống để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Điều đó chứng minh hùng hồn trong Đại chiến thế giới thứ II Quân đội Liên Xô không chỉ đủ mạnh để bảo vệ Tổ quốc mình mà còn cứu nhân loại thoát khỏi nạn diệt chủng chủ nghĩa Phát xít. Quân đội Liên Xô đã tiến đánh vào trung tâm sào huyệt kẻ thù cắm lá cờ chiến thắng của Liên Bang Xô Viết trên tòa nhà Quốc hội Đức Quốc xã 09/05/1945 ở Beclin. Buộc phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Kết thúc chiến tranh thế giới thứ II tạo điều kiện cho phong trào cách mạng nhiều nước đứng lên dành độc lập trong đó có Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam thành công. Đây là mốc son vĩ đại của cách mạng Việt Nam được cách mạng Tháng Mười Nga soi sáng.
Từ bài học Cách mạng Tháng Mười và xây dựng Liên Bang Xô viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng sáng tạo vào Cách mạng Việt Nam – Về mối quan hệ giữa cách mạng “CHÍNH QUỐC” và Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Từ câu khẩu hiệu của Mác “Giai cấp vô sản toàn thế giới hãy liên hiệp lại”. Đến luận điểm của Lênin coi cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là một bộ phận không tách rời của Cách mạng thế giới và Người sáng tạo. Từ câu khẩu hiệu của Mác, Lê nin bổ sung “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới đoàn kết lại”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp một cách tài tình tư tưởng Mác – Lê nin vào điều kiện Việt Nam, trong đường lối chính trị, đường lối quân sự, phương pháp cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh, vai trò chỉ đạo nghệ thuật quân sự Việt Nam là nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Nó bắt nguồn từ quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp và tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng đó là “SỰ KẾT HỢP SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC VÀ SỨC MẠNH THỜI ĐẠI”.
II. CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ ĐẢNG TA VẬN DỤNG TRIỆT ĐỂ PHÁT HUY SỨC MẠNH CHÍNH NGHĨA CỦA DÂN TỘC VÀ SỨC MẠNH CỦA THỜI ĐẠI TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP, CHỐNG MỸ VÀ CHIẾN TRANH THẾ GIỚI PHÍA BẮC:
1. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp:
Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945, với sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định tính hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi cuộc tổng tuyển cử 1946, sự ra đời bản Hiến pháp đầu tiên và Chính phủ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được Quốc hội bầu ra.
Tuy nhiên cho đến cuối năm 1949 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn nằm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, bất lợi do bị bao vây cô lập. Trong khi đó, thế giới chưa có quốc gia nào công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.
Trong bối cảnh đó đầu năm 1950, Bác Hồ bí mật sang Liên Xô và Trung Quốc nhằm phát triển quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự giúp đỡ, đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chiều ngày 02/01/1950, Bác rời Tân Trào – Sơn Dương (Tuyên Quang) lên đường đi Trung Quốc, Liên Xô, đây là chuyến đi bí mật.
Ngày 03/02/1950 Bác rời Bắc Kinh đi Liên Xô.
Giữa tháng 02/1950 tại Matxcơva lần đầu tiên đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Việt Nam – Trung Quốc – Liên Xô. Đại nguyên soái Xtalin – Tổng bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng ủy viên nhân dân Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp thượng đỉnh Việt – Trung – Xô lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày rõ ràng vừa thân tình vừa thẳng thắn về tình hình cách mạng Việt Nam, về đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau khi nghe Hồ Chí Minh trình bày, Đại nguyên soái Xtalin rất đồng tình và tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của những người cộng sản và nhân dân Đông Dương dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và cho rằng lúc này Đảng Cộng sản Đông Dương chưa ra hoạt động công khai nên tạm thời chưa công khai quan hệ giữa hai Đảng, nhưng nhấn mạnh đến quan hệ chính thức giữa hai nhà nước, nên cần sớm thiết lập quan hệ ngoại giao, lập Đại sứ quán của hai nước. Xtalin đề nghị Việt Nam mở các chiến dịch lớn, mở rộng vùng giải phóng nhất những khu vực giáp với Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi quan hệ với các nước. Theo yêu cầu của Việt Nam, bước đầu Liên Xô giúp Việt Nam pháp cao xạ 37 ly, xe vận tải, hậu cần, vũ khí bộ binh, pháo binh trang bị cho 6 Đại đoàn có mặt ở miền Bắc. Do đó ngoài pháo binh ta thu được của Pháp, các đại đoàn chủ lực được trang bị pháo hạng nặng của Liên Xô, trong đó có pháo phản lực CACHIUSA đã góp phần sau này ta trút bão lửa xuống tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954. Như vậy chuyến ngoại giao này của Bác gặt hái được rất lớn về viện trợ quân sự và mở mặt trận ngoại giao tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự phát triển cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, ngày 13/01 và ngày 30/01/1950 Liên Xô – Trung Quốc là hai nước đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 31/3/1950 Bác về đến Bắc Kạn, thượng tuần tháng 4/1950, Bác chủ trì họp Hội đồng Chính phủ, bàn bổ nhiệm Đại sứ và chuẩn bị phương tiện tổ chức tiếp nhận hàng viện trợ và chuẩn bị giai đoạn tổng phản công. Tại cuộc họp Bác nói: “CÓ VIỆN TRỢ VỀ VẬT CHẤT, VŨ KHÍ, TRANG BỊ TA ĐỠ KHÓ KHĂN HƠN, NHƯNG DÀNH ĐƯỢC THẮNG LỢI LÀ PHẢI DO NỖ LỰC CHÍNH BẢN THÂN MÌNH QUYẾT ĐỊNH” (3). Và cuối tháng 10/1950 ta đại thắng Chiến dịch Biên giới, giải phóng một dải biên giới dài 750km giáp với Trung Quốc. Cách mạng Việt Nam đầu tiên phá tan vòng tay của chủ nghĩa đế quốc và chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn tổng phản công. Cao điểm là chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc Pháp ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954, hòa bình lập lại trên toàn cõi Đông Dương, Miền Bắc hoàn toàn giải phóng.
2. Sự giúp đỡ viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ (4):
Hiệp định Giơnevơ bị địch phá hoại, Mỹ hất cẳng thực dân Pháp âm mưu xâm chiếm lâu dài Miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm tuyên bố biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17 và hô hào Bắc tiến.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Miền Nam bắt đầu bằng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang theo nghị quyết 15 của TW mở rộng vùng giải phóng. Mỹ trực tiếp đưa quân vào tham chiến và bị sa lầy, chúng dựng lên sự kiện “VỊNH BẮC BỘ” và lấy cớ bắt đầu mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá Miền Bắc từ 05/08/1964. Biết trước âm mưu của Mỹ trước sau cũng đánh phá Miền Bắc, hậu phương lớn của cách mạng Miền Nam, nên chúng ta chuẩn bị sẵn sàng lực lượng đối phó. Bác Hồ, Trung ương Đảng đã yêu cầu Liên Xô giúp đỡ. Năm 1965 đồng chí Cốtxưgin Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô sang Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Việt Nam bàn bạc cụ thể yêu cầu của Việt Nam và sau đó thành lập đoàn cố vấn quân sự Liên Xô tại Hà Nội để điều phối thực hiện chương trình viện trợ mà hai bên đã thỏa thuận.
Phía Liên Xô đã khẩn trương viện trợ cho Việt Nam về khí tài quân sự gồm: Tên lửa, máy bay, rada, xe tăng loại hiện đại nhất của Liên Xô thời bấy giờ và kèm theo một đoàn chuyên gia quân sự hùng hậu của Liên Xô để giúp đỡ huấn luyện cho quân đội Việt Nam làm chủ khí tài trang bị do Liên Xô viện trợ. Ngoài ra, phía Việt Nam còn đưa sang Liên Xô đào tạo hàng nghìn cán bộ chiến sĩ các đơn vị tên lửa phòng không và phi công lái máy bay phản lực, trắc thủ rada. Đến đầu tháng 7/1965 các đơn vị tên lửa, máy bay, pháo cao xạ, ra đa đã sẵn sàng vào trực chiến bảo vệ Miền Bắc ở tình trạng cao nhất. Đến 14h ngày 24/7/1965 quả tên lửa đầu tiên đã bắn hạ chiếc máy bay F4 (Con Ma) của Mỹ. Bác Hồ đã gửi thư khen Bộ đội Tên lửa đánh thắng trận đầu. Bác xuống trực tiếp thăm Bộ đội Tên lửa và các cố vấn Liên Xô và Bác quyết định lấy ngày 24/7 là ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa Việt Nam. Không quân ta tuy lực lượng nhỏ nhưng vẫn làm chủ bầu trời hạ nhiều máy bay của Mỹ trong đó có cả B52.
Đỉnh điểm là 12 ngày đêm Hà Nội, “ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”, Mỹ tung vào chiến dịch này hơn 1000 lượt bay đánh phá Hà Nội và các vùng phụ cận với tất cả các loại máy hiện đại nhất mà chúng có. Trong đó có pháo đài bay B52, con át chủ bài biểu thị sức mạnh của không lực Hoa Kỳ nhằm “Đưa Bắc Việt trở về thời kỳ đồ đá”. Nhưng chỉ trong có hơn 10 ngày đêm quân và dân ta chiến đấu kiên cường với sự giúp đỡ kề vai sát cánh với các chuyên gia quân sự Liên Xô những người con quê hương Cách Mạng Tháng Mười. Ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn hạ 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 pháo đài bay B52, làm nên “ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” chấn động địa cầu. Buộc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và đi đến ký kết hiệp định tại Pari 27/01/1973. Quân Mỹ buộc rút khỏi miền Nam tạo tiền đề cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đại thắng, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Ngoài các chuyên gia Liên Xô còn giúp ta lập trạm sửa chữa xe tăng, pháo và vũ khí bộ binh phục vụ chiến trường Miền Nam tại Đồng Hới, Quảng Bình nơi thời tiết vô cùng khắc nghiệt và sự đánh phá ác liệt ngày đêm của không quân Mỹ.
Nhìn lại suốt thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ, ngoài sự viện trợ vũ khí, Liên Xô còn cử hơn 6000 tướng lĩnh, sỹ quan, quân nhân thay phiên nhau giúp nhân dân Việt Nam và có 13 quân nhân Xô Viết hy sinh trong các trận đánh, 2 thủy thủ Liên Xô hy sinh ở Cảng Hải Phòng.
Theo các đánh giá khác nhau, viện trợ hữu nghị không hoàn lại của Liên Xô cho Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ tiêu tốn ngân sách của Liên Xô từ 0,5-2 triệu USD/ngày. Như vậy quê hương Cách Mạng Tháng Mười đã giúp đỡ Việt Nam không chỉ bằng vật chất to lớn mà cả bằng xương máu.
3. Liên Xô giúp Việt Nam trong chiến tranh biên giới 1979: (5)
Ngày 17/02/1979, Trung Quốc xua quân ồ ạt vượt biên giới tấn công Việt Nam với cái cớ trừng phạt Hà Nội đưa quân tham gia lật đổ chế độ diệt chủng Pônpốt ở Campuchia.
Lực lượng Trung Quốc dùng tới 7 quân đoàn, lên đến 600.000 quân. Trước tình hình đó ngày 18/02/1979 Chính phủ Liên Xô tuyên bố. Trong đó ngoài những điểm khác, có nêu rõ “Liên Bang Xô Viết sẽ thực hiện cam kết theo hiệp ước Hữu Nghị và Hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam”. (Hiệp ước được ký tại Matxcơva ba tháng trước đó).
Để biểu thị sự hỗ trợ cho Việt Nam và hướng sự chú ý của quân đội Trung Quốc về phía Nam Liên Xô, lãnh đạo Liên Xô đã điều 29 sư đoàn gồm 250.000 quân với sự yểm trợ của không quân đến triển khai khu vực Mãn Châu Lý ở biên giới Xô – Trung.
Đồng thời Chính phủ Liên Xô đã gửi cho Việt Nam một đoàn cố vấn hùng hậu những tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm do đại tướng GENNAĐI OBATURỐP dẫn đầu.
Sáng ngày 19/02/1979 (vào ngày thứ ba cuộc xâm lược của Trung Quốc) Đại tướng GENNAĐI OBATURỐP đã trực tiếp gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Văn Tiến Dũng và Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Lê Trọng Tấn. Sau khi làm việc xong, đoàn cố vấn lên ngay tuyến đầu nơi xảy ra chiến sự để khảo sát tình hình.
Ngày 25/02/1979, Đại tướng OBATURỐP đã họp với đồng chí Lê Duẩn và phái đoàn Việt Nam suốt 3 giờ đồng hồ và cuối cùng nhất trí hàng loạt vấn đề quan trọng trong đó có quyết định di chuyển các quân đoàn chủ lực được huấn luyện tốt từ mặt trận Campuchia về mặt trận phía Bắc.
Theo lệnh của Đại tướng OBATURỐP, các phi công lái máy bay vận tải quân sự Liên Xô ngày đêm tiến hành cuộc vận chuyển đại qui mô chuyển cánh quân Việt Nam từ Campuchia lên mặt trận Lạng Sơn triển khai chiến đấu làm cho tình hình nhanh chóng có lợi cho Việt Nam. Đại tướng GENNAĐI OBATURỐP đã gửi công văn khẩn cho lãnh đạo Liên Xô đề nghị cung cấp viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam vũ khí, trang bị bằng đường không. Trong thời gian ngắn nhất Quân đội nhân dân Việt Nam đã có được tất cả mọi thứ cần thiết để chống lại kẻ thù kể cả tên lửa “Grát” là nỗi kinh hoàng cho quân xâm lược. Ngoài ra phía biển Đông, lãnh đạo Liên Xô điều lực lượng hải quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương gồm các Tuần dương hạm, khu trục hạm kể cả tàu ngầm phong tỏa vùng biển Bắc Việt Nam vô hiệu hóa hạm đội Nam Hải gồm 300 tàu chiến của Trung Quốc không đe dọa từ Biển Đông đối với Miền Bắc Việt Nam.
Với tinh thần anh dũng chiến đấu của quân và dân ta và sự viện trợ giúp đỡ kịp thời của Liên Xô, chúng ta đã ngăn chặn quân Trung Quốc không tiến lên quá 30km kể từ biên giới. Cuộc xâm lược của Trung Quốc bị sa lầy và thất bại. Ngày 05/3/1979 Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi lãnh thổ chiếm đóng, đến ngày 18/3 chiến sự hoàn toàn chấm dứt. Như vậy Liên Xô đã giúp đỡ to lớn cho Việt Nam trong cả 3 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới.
III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ SỰ SỤP ĐỔ CỦA LIÊN XÔ:
Lịch sử ghi nhận trong quá trình đấu tranh giành và giữ chính quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Ảnh hưởng về tinh thần của Cách Mạng Tháng Mười và sự giúp đỡ trực tiếp to lớn có hiệu quả của Liên Xô có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài giúp đỡ về quân sự trong ba cuộc chiến tranh nói trên.
Liên Xô còn giúp Việt Nam khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Xây dựng một số cơ sở công nghiệp quan trọng làm nền tảng việc xây dựng cơ sở vật chất xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn cán bộ đa ngành có trình độ cao, trở thành vốn quí nhất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô. Ở Phú Yên có hàng trăm đồng chí được học tập, công tác, đào tạo tại Liên Xô. Có đồng chí hiện nay đang là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng bộ, nhiều đồng chí là cán bộ đầu ngành của các sở ban ngành trong tỉnh.
Sự sụp đổ của Liên Xô làm cho chúng ta bàng hoàng nuối tiếc và cũng là sự bất ngờ lớn, bài học lớn cho phong trào cách mạng thế giới.
Bởi một đất nước rộng lớn chiếm 1/6 diện tích quả địa cầu, khi chỉ có 35.000 đảng viên mà làm nên Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. 10 ngày làm rung chuyển thế giới – Với 5,5 triệu Đảng viên, Đảng Cộng sản Liên Xô đã lãnh đạo nhân dân đánh bại Phát xít Đức cứu nhân loại khỏi thảm họa diệt chủng. Vậy nhưng khi có gần 20 triệu đảng viên với lực lượng vũ trang hùng hậu vũ khí hiện đại nhất nhì thế giới- Một cường quốc quân sự kẻ thù phải kính nể. Nhưng Đảng Cộng sản lại mất địa vị cầm quyền mặc dù không phải đối mặt với một cuộc xâm lăng hay một biến cố tự nhiên đặc biệt nào. Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng sự sụp đổ của Liên Xô không đơn thuần là cái chết về kinh tế.
Chủ yếu tác động tự diễn biến trong lãnh đạo cấp cao Liên Xô, từng bước xa rời thực tế rồi phản bội chủ nghĩa Mác – Lê nin. Sự can thiệp của bên ngoài và hậu quả chiến lược Diễn biến hòa bình (6). Như Putin – Tổng thống Nga nói: Liên Xô sụp đổ là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20 và Putin không hề giấu giếm tình cảm của mình đối với Tổ quốc từng nuôi ông khôn lớn “Ai không tiếc vì sự đổ vỡ của Liên bang Xô Viết người ấy không có trái tim. Còn ai muốn tái lập nó lại y như cũ, người ấy không có khối óc!”.
Sự kiện Liên bang Xô Viết sụp đổ, Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo phải xác định nguyên nhân chủ yếu là Đảng không nắm được quân đội. Nếu Đảng mà nắm được quân đội, chỉ huy được quân đội chỉ thị cho quân đội bảo vệ thì không thế lực nào lật đổ được.
Đây là một bài học đắt giá, do sự buông lỏng hệ thống công tác chính trị trong quân đội phi chính trị hóa quân đội. Quân đội nhân dân Việt Nam tiền thân là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, bao giờ cũng đặt vấn đề chính trị trên hết, có hệ thống chính ủy, chính trị viên coi trọng công tác Đảng trong quân đội, đặt quân đội dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng là phương pháp duy nhất đúng (7). Tổng Bí thư trực tiếp làm Bí Thư Quân ủy TW, Bí Thư các Tỉnh, Thành phố là Ủy viên Đảng bộ cấp Quân khu và làm Bí Thư Đảng ủy quân sự địa phương mình.
IV. TIẾP BƯỚC THEO CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA ĐƯA MỐI QUAN HỆ HỮU NGHỊ HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN VIỆT – NGA LÊN TẦM CAO MỚI:
Năm 2015, chúng ta kỷ niệm 98 năm Cách mạng Tháng Mười Nga – Một năm có nhiều sự kiện trọng đại làm nức lòng nhân dân hai nước Việt – Nga đó là 40 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1945 – 30/4/2015, kỷ niệm 70 năm Liên Xô chiến thắng phát xít (9/5/1945-9/5/2015), 70 năm Quốc Khánh nước CHXHCNVN (2/9/1945-2/9/2015); 65 năm thành lập Hội hữu nghị Việt – Nga (25/5/1950 – 25/5/2015).
Mặc dầu đã trải qua thăng trầm của lịch sử, nhưng lý tưởng của cách mạng Tháng Mười vẫn chiếu sáng khắp năm châu. Một số nước tiếp tục xây dựng XHCN thành công trong đó có Việt Nam. Phong trào cánh tả thế giới phát triển mạnh. Đặc biệt ở Châu Mỹ có nước tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 21. Điều đó chứng minh rằng chủ nghĩa Mác – Lê nin, lý tưởng Cách Mạng Tháng Mười Nga mãi mãi trường tồn.
Nhân dân Việt Nam đi theo con đường Cách Mạng Tháng Mười Nga mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn là hoàn toàn chính xác. Chúng ta nguyện đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam trên con đường đổi mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra. Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh. Thực hiện đầy đủ những cam kết và tuyên bố cho Việt – Nga trong chuyến thăm chính thức Liên Bang Nga thay lời mời của Tổng thống Nga Putin của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2014 để đưa mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Nga lên tầm cao mới.
Ánh sáng Cách mạng tháng Mười Nga chiếu sáng mọi thời đại.
Tình hữu nghị Việt – Nga đời đời bền vững.
Nguyễn Đắc Tấn
Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nga tỉnh Phú Yên
_______________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Nin toàn tập – tập 32 trang 120
2. Cuộc gặp Thượng Đỉnh Việt – Trung – Xô ANTG trang 28 số 923.
3. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cuộc họp Hợp đồng Chính phủ tháng 4/1950 tại Việt Bắc (ANTG số 923 SĐD).
4. Cuộc chiến tranh trên bầu trời Việt Nam và sự giúp đỡ của Liên Xô trong cuộc chiến 1979 (Cường Dũng PV-TTXVN tại Nga) đăng báo Tin Tức Nga số 5271 ngày 30/4/2012.
5. Nhật ký Đại tướng OBATURỐP và Thuyền Trưởng tàu ngầm B88 GNATUSIN thuộc hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô (Đăng nước Nga NET khoa học quốc phòng).
6. Báo QĐND số 18088 ngày 28/8/2011.
7. Trích văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11 NXBCT Quốc gia – sự thật Hà Nội 2011 trang 156-235.
Trích tuyên bố chung Việt – Nga ngày 25/11/2014 nhân chuyến thăm chính thức Liên Bang Nga của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ 23 đến 26 tháng 11 năm 2014.