Nuôi cá chình khá dễ và rất kinh tế

Ngày đăng: 08:41 01/12/2015 Lượt xem: 610

 

            NUÔI CÁ CHÌNH KHÁ DỄ VÀ RẤT KINH TẾ

 

      Các đồng chí, thân mến. Khi tôi 58 tuổi, thì tôi về huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận tập làm "nông dân". Tôi trồng cây ăn trái, đào hồ nuôi cá và nuôi gà thả vườn. Cuộc sống cũng ổn định. May mắn được gặp lại đồng chí Bùi Đức Long trước đây là Chính trị viên tiểu đoàn đường ống xăng dầu Trường Sơn mình. Anh hiện là Chủ Tịch Hội TS Bình Thuận. Vậy là tôi tham gia sinh hoạt trong "Mái nhà chung Nghĩa Tình Đồng Đội". Tôi cũng giống như nhiều đồng chí không biết về vi tính nên bị hạn chế rất nhiều trong lĩnh vực nắm bắt thông tin... Tháng 5 năm 2015, Đoàn công tác của TW Hội do Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch dẫn đầu vào thăm. Ông quan tâm gợi hướng làm ăn kinh tế cho anh chị em hội viên để cùng nhau vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó nhờ hai đồng chí Phạm Thành Long và Phạm Văn Sinh là Tổng Biên Tập và Phó TBT Trang thông tin Trường Sơn tận tình hướng dẫn mà tôi đã biết sử dụng vi tính.

  Chính vì thế mà tôi đã học hỏi được kỹ thuật nuôi cá chình nước ngọt. Tôi mới nuôi thử nghiệm lứa đầu trong dòng suối "Trường Sơn" trong khu vườn hoa Chiến Thắng do tôi tự tạo ra. “Suối” được xây bằng xi măng ốp gạch bông và hồ cảnh con Rồng với diện tích khoảng 80m2. Tôi mua về 15kg cá giống, một kg là 30 con. Tổng số là 450 con. Sau gần 6 tháng chăm sóc. Cách đây mấy ngày tôi thu hoạch được hơn 4 tạ cá thương phẩm. Con lớn nhất 1,2kg. Con nhỏ nhất 0,7kg. Hao hụt mất 4 con. Giá bán cho thương lái 280.000đ/kg. Được hơn 100 triệu đồng. Trừ tiền mua cá giống hết 33 triệu. Tiền cám hết 26 Triệu. Tôi thu được gần 5 chục triệu đồng lời.

     Nguồn thức ăn là cám công nghiệp hết gần 5 tạ. Tôi bắt thêm cá rô phi nuôi ở trong chiếc ao khác xay nhuyễn trộn vào với cám cho cá chình ăn. Nuôi cá chình cũng chẳng vất vả gì. Trong ngày tôi chỉ cho cá ăn một lần vào khoảng gần tối, bởi cá chình không thích ánh nắng. Thức ăn cho vào khay được gò bằng tôn mài nhẵn các cạnh không để khi ăn cá bị trầy xước. Chiều rộng khay là 0,60m. Dài 0,80m. Cao 0,15m. Cho cá ăn theo tỷ lệ 2,5% trọng lượng của cá. Cho ăn xong phải kéo khay thức ăn lên, tránh để thức ăn thừa làm ô nhiễm nguồn nước. Vì nuôi ít nên tôi chưa dùng máy sục khí. Đợt tới tôi nuôi ở hồ lớn với số lượng gần chục ngàn con sẽ phải lắp đặt máy sục khí để cá đủ dưỡng chất nhanh phát triển. Hàng tuần, tôi đều xả van thải 2 phần 3 số nước trong suối và bể. Phải giữ lại 1 phần nước cũ, rồi bơm nước mới vào. Độ sâu nước phải đảm bảo từ 0,80m trở lên. Lưu ý là cá chình rất nhạy cảm với nguồn nước mới. 

     Nếu có mái che, cây xanh hay bèo Nhật Bản phủ lên phần lớn cho mặt nước nuôi càng tốt. Vì cá chình không thích ánh sáng.

    Thưa các đồng chí. Đây là lứa cá chình nuôi thử nghiệm đầu tiên của tôi. Là cựu binh Trường Sơn, tôi mạnh dạn chia xẻ một chút kinh nghiệm thực tế với anh em đồng đội để chúng ta cùng vươn lên trong cuộc sống. Nếu không có điều kiện xây hồ bằng xi măng, thì có thể dùng hồ đất vét sạch bùn và khử trùng bằng vôi bột cũng được. Nhưng phải giăng lưới xung quanh đề phòng mưa bão cá thoát ra ngoài.

    Các đồng chí hãy mạnh dạn nuôi cá chình đi. Tôi là “dân cày đường nhựa” mà cũng đã thành công, thì ai cũng có thể nuôi được.

Chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và nuôi cá thành công !                                                                                                              

Phạm Tiến Đặng

HV TS Sư đoàn 471- Hội TS Binh Thuận.

Đồng chí Phạm Tiến Đặng đang cần "Người giúp việc":  có sức khỏe tốt, chăm chỉ, thật thà, có lý lịch rõ ràng, bao ăn ở, lương thỏa thuận. Xin liên hệ: Phạm Tiến Đặng, Công viên sinh thái Đăng Linh, thôn 2, xã Tân Đức, Hàm Tâm, Bình Thuận. ĐT: 0975511262.

tin tức liên quan
test 123