Khai mạc triển lãm tranh: Ký ức Trường Sơn

Ngày đăng: 08:11 17/12/2015 Lượt xem: 761
Ký ức Trường Sơn là một cuộc triển lãm tranh quy mô, lớn nhất từ trước tới nay của họa sĩ Trường Sơn Đức Dụ...

         KHAI MẠC TRIỂN LÃM TRANH KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN

      Chiều hôm qua, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh VN và Hội Mỹ thuật VN đã phối hợp tổ chức triển lãm tranh mang tên "Ký ức Trường Sơn" của họa sĩ Đức Dụ - Họa sĩ Trường Sơn.

     Tới dự có nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phác, Phó Chính ủy Học viện Quốc phòng, Trung tướng Phí Quốc Tuấn, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hà Nội.  TƯ. Hội có Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thiếu tướng: Hoàng Anh Tuấn, Trần Danh Bích, Hoàng Kiền; Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN. Tới dự còn có đại diện rất nhiều cơ quan, bộ ngành ở Trung ương và Hà Nội; đại diện các Tổng cục, các Quân binh chủng, các Bảo tàng của Quân đội và đông đảo đồng chí, bạn bè và người thân của Họa sĩ Đức Dụ.

     Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng đã có bài phát biểu giới thiệu rất trân trọng về sự nghiệp cầm cọ của Họa sĩ Đức Dụ. Anh sinh năm 1946 tại Vĩnh Duệ, Đồng Quang, Gia Lộc, Hải Dương. Năm 1965, anh gia nhập lực lượng của Bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ mở đường. Với năng khiếu bẩm sinh, vừa chiến đấu, công tác Đức Dụ vừa cầm bút vẽ. Những bức vẽ đầu tiên của anh là ký họa đồng đội và cuộc sống chiến đấu gian khổ của đơn vị anh trên Trường Sơn. Nhiều cuộc "triển lãm" đã được tổ chức ngay tại đơn vị. Rồi anh được phát hiện và trở thành cán bộ tuyên huấn của Cục Chính trị Trường Sơn. Bước chân của anh đã đi khắp các đơn vị, đến những trọng điểm nóng bỏng, ác liệt nhất của Trường Sơn; đến với các chiến sĩ cạo xạ tại những trận địa pháo, những đơn vị công binh, đơn vị xe, đơn vị đường ống xăng dầu, thông tin... của chiến trường Trường Sơn. Anh đã vẽ và vẽ tất cả những gì chứng kiến và cùng sống với đồng đội của các binh chủng trên Trường Sơn. Có thể nói, anh đã tái hiện Trường Sơn qua bút sắt và bút lông với một tình cảm và tài hoa của mình... Những năm tháng ác liệt của chiến tranh, từ 1968 đến 1972, anh đã nhiều lần gửi tranh ra Hà Nội triển lãm tranh "Từ Miền Nam gửi ra" cùng với nhiều họa sĩ từ khắp các chiến trường. Năm 1973 - 1978, anh được đơn vị cử ra học tại Đại học Mỹ thuật VN. Tốt nghiệp, anh lại trở về đơn vị và tiếp tục cầm cọ. 2 năm sau anh đã trở thành Hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam...

       Đức Dụ đã có 16 lần tổ chức triển lãm tranh cá nhân. Lần triển lãm tranh "Ký ức Trường Sơn" lần này của anh là lần thứ 17...

      Nhân dịp này, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch, thay mặt Hội đã trân trọng trao tặng họa sĩ Đức Dụ tấm Bằng khen ghi nhận đóng góp xuất sắc của anh trong việc tuyên truyền, phát huy truyền thống, lịch sử hào hùng của Trường Sơn qua hoạt động mỹ thuật...

      Các đồng chí lãnh đạo đã trân trọng cắt băng khánh thành Triển lãm tranh.

      Hàng trăm quan khách và người yêu tranh đã ùa vào 3 phòng tranh rộng đẹp treo 150 bức tranh sơn dầu lớn và tranh ký họa về Trường Sơn của Đức Dụ. Người xem trầm trồ đến ngạc nhiên khi xem những bức tranh sơn dầu của anh vẽ về trọng điểm Văng Mu, về Tập đoàn trọng điểm ATP nổi tiếng trên Trường Sơn; vẽ về những trạm giao liên Trường Sơn... 

      Khách xem triển lãm vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi được biết, nhân vật trong bức tranh vẽ về tiểu đội nuôi quân của Binh trạm bộ 44, Sư đoàn 471 Trường Sơn trong bức tranh cũng xuất hiện. Chị là Trần Thị Chung, Phó Trưởng Ban Liên lạc Nữ Chiến sĩ Trường Sơn, Phó Ban Liên lạc Toàn quốc Sư đoàn 471. Đồng chí Tiểu đội trưởng nuôi quân năm 1972, bây giờ đã là một doanh nhân thành đạt. Chị đang là Phó Giám đốc, Bí thư chi bộ Công ty Đầu tư kinh doanh phát triển nhà và thương mại Hà Nội, Chủ tịch trường mầm non Hạ Nội - Motecsory. Chị là Nhà tài trợ chính cho đồng đội Đức Dụ tổ chức cuộc triển lãm này.

      Với 150 bức tranh và ký họa, Đức Dụ đã đưa người xem đến hết sự thích thú trầm trồ và ngạc nhiên này đến sự cảm động về cuộc sống sống động của những người lính một thời đã làm nên Trường Sơn huyền thoại. Anh là một trong những họa sĩ có nhiều tranh và ký họa nhất về Trường Sơn. Và anh cũng là họa sĩ có nhiều tranh đẹp, ấn tượng nhất về Trường Sơn.

      Xin chúc mừng triển lãm và sự thành công trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Đức Dụ.

     Trường Sơn đã làm cho sự nghiệp sáng tác nghệ thuật rất thành công của anh. Và Trường Sơn đã làm cho tên tuổi của Đức Dụ rực sáng trong giới mỹ thuật vẽ về đề tài Trường Sơn. Còn với những người lính Trường Sơn hôm qua và hôm nay thì từ rất lâu rồi, cái tên Đức Dụ đã trở nên thân thiết, bởi anh đã làm cho Trường Sơn thêm rực sáng qua những bức tranh và ký họa vô giá về Trường Sơn huyền thoại..

 

                                                               Bài và ảnh: Thành Long.

 

Mở đầu khai mạc triển lãm tranh, CLB Nghệ thuật Trường Sơn đã biểu diễn một số tiết mục ngắn hát về Trường Sơn tặng đồng đội Đức Dụ.

 

Các đại biểu dự khai mạc Triển lãm tranh  của họa sĩ Đức Dụ.

 

.

  Các đại biểu là đồng đội của họa sĩ Đức Dụ.

 

     Toàn cảnh buổi lễ khai mạc.

 

  Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN, thay mặt 3 cơ quan tổ chức triển lãm đã có bài phát biểu đầy trân trọng đối với gia tài nghệ thuật về Trường Sơn của họa sĩ Đức Dụ.

 

  Họa sĩ Trường Sơn Đức Dụ cảm động tri ân sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, các nhà tài trợ và của các quý khách, người yêu nghệ thuật đối với triển lãm "Ký ức Trường Sơn" của anh hôm nay.

 

  Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội trao tặng Bằng khen cho Họa sĩ Đức Dụ vì những đóng góp xuất sắc của anh với Trường Sơn.

 

 Các đại biểu lãnh đạo cắt băng, khai mạc triển lãm.

 

Phía trước phòng trưng bày triển lãm.

 

Một số tranh sơn dầu khổ lớn được treo tại triển lãm lần này của họa sĩ Đức Dụ.

 

 

 Bộ đội Trường Sơn và đồng bào Sài Gòn trước Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

 

  Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát trọng điểm Phu La Nhích nổi tiếng ác liệt của Đường Trường Sơn Tây, mùa xuân 1973 - bức tranh anh vừa hoàn thành trước triển lãm ít ngày.

 

 Trọng điểm ngần Ta Lê.

 

  Trọng điểm Cua Chữ A.

 

  Nghệ sĩ quay phim nhiếp ảnh của TƯ. Hội Lê Hồng Huân mải mê ghi hình những bức tranh của đồng đội Đức Dụ.

 

   Doanh nhân CCB Trường Sơn Trần Thị Chung vui mừng giới thiệu với đồng đội về bức tranh họa sĩ Đức Dụ vẽ về mình - Tiểu đội trưởng nuôi quân Binh trạm bộ 44, Sư đoàn 471 năm 1972, khi chị mới 17 tuổi đời, 1 tuổi quân.

 

  Thiếu tướng Trần Danh Bích thuyết minh thêm với các đồng đội về bức tranh vẽ về chiến sĩ Trường Sơn Trần Thị Chung.

 

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, giới thiệu với người xem về bức tranh mới nhất của Họa sĩ Đức Dụ vẽ về đèo Phu La Nhích trên Trường Sơn.

 

Thiếu tướng Võ Sở và họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam ghi cảm tưởng khi xem triển lãm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan
test 123