Đội tuyên truyền văn hóa văn nghệ Sư đoàn 472 gặp mặt truyền thống

Ngày đăng: 06:03 30/12/2015 Lượt xem: 615
Một cuộc họp mặt cảm động của những chiến sĩ văn hóa văn nghệ Sư đoàn 472 sau những năm tháng rời xa Trường Sơn...

 

CÁC CCB ĐỘI TUYÊN TRUYỀN VĂN HÓA VĂN NGHỆ SƯ ĐOÀN 472

GẶP MẶT TRUYỀN THỐNG NHÂN DỊP KỶ NIỆM 44 NĂM NGÀY THÀNH LẬP

(12/1971-12/2015)

 

         Ngày 27/12/215 tại Thường Tín thành phố Hà Nội đội Tuyên truyền văn hóa Văn nghệ (Tuyên văn) Sư đoàn 472 đã tổ chức gặp mặt các thế hệ  cán bộ chiến sỹ thời kỳ 1971-1983 nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập tháng 12/1971. Tới dự có Đại tá Vũ Hùng - Phó tư lệnh Binh đoàn 12, Đại tá Nguyễn Văn Lý Hội trưởng Hội TT TS Sư đoàn 472, Đại tá Phạm Hồng Thao Hội phó Hội TT TS Sư đoàn 472 cùng 32 cán bộ chiến sỹ Tuyên văn và một số anh chị em CCB thuộc Sư đoàn và các đơn vị bạn.

 

         Tiết trời Thường Tín, TP Hà Nội sau một đợt rét đậm bỗng bừng nắng ấm đón chào những cánh chim là cán bộ chiến sỹ đội Tuyên Văn Sư đoàn 472 từ khắp mọi miền đất nước về nhà đội trưởng Nguyễn Văn Hùng gặp mặt nhân 44 năm ngày thành lập đội. Không như ngày xưa “Anh đi tìm em, em ở nơi đâu, phải qua bao nhiêu núi, bao nhịp cầu, bao dòng sông sâu”, thời công nghệ hiện đại sau một cuộc điện thoại “hẹn hò”  các anh chị em từ Cố đô Huế, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nội…có người đi ô tô từ ngày hôm trước, có người từ Hưng Nguyên, Nghệ An phải qua mấy lần chuyển xe, có người từ rừng Cúc Phương đi xe máy từ lúc 3 giờ sáng vượt qua gân 100 cây số để dự gặp mặt.

 

         Trong không khí gia đình của những người làm Văn hóa Văn nghệ, với những thủ tục đơn giản giới thiệu đại biểu và một vài lời phi lộ của đội trưởng Nguyễn Văn Hùng nhắc lại những kỷ niệm của các thế hệ đào, kép, nhạc công cũng như lãnh đạo đội, anh chị em từng người một tự giới thiệu về mình.

 

         Anh Trần Văn Tân nguyên chính trị viên đội  tuổi đã ngoài 70 nhớ lại “chiếc lán văn công” bên Lào ngày đầu thành lập đội gồm hơn chục các “đào” các “kép” trẻ măng đêm đêm nhớ nhà khóc sưng cả mắt nhưng khi biểu diễn trước hàng trăm bộ đội đang thi công các tuyến đường trên Trường Sơn, hoặc cho các đoàn xe lưng cõng hàng mấy tấn hàng rầm rì tiến vào Nam chi viện cho chiến trường thì tiếng đàn lại thánh thót, tiếng hát lại véo von và tận hưởng những tràng pháo tay vang vọng núi rừng.

 

         Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm chuyên đảm nhận các vai chính trong các vở chèo dù tuổi 70 nhưng tiếng hát vẫn còn trong trẻo, trầm ấm, thiết tha trong làn điệu Quân tử vô dịch cùng với Phạm Thị Hồng Lợi hổi tưởng lại những đêm diễn tại Trường Sơn dưới ánh đèn Măng xông, khi đèn hỏng phải đốt đèn bằng xăng để diễn cho các đơn vị bộ đội hành quân vào chiến dịch Xuân 1975, xong đêm diễn mặt mũi ai cũng bám đầy bụi khói nhưng lòng vẫn vui phơi phới và để nguyên khuôn mặt phấn son, bụi đèn đi diễn tiếp cho các đơn vị khác đến một hai giờ sáng chưa nghỉ.

 

        Các chị Dương Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Phương Thủy, Trần Hoài Thi, Hồng Liên… quê Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa nhớ lại năm 1971 bộ đội Trường Sơn về tuyển Văn công cho đi tập huấn ở Thủ đô một thời gian đã vượt Trường Sơn cùng các đoàn quân vào chiến trường làm lính Tuyên Văn Sư đoàn 472; các chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần cùng các quân binh chủng khác trên chiến trường làm nên chiến thắng lịch sử Xuân 1975. Hôm nay lứa “Văn công” ấy người còn người mất và thời gian đã trôi qua 44 năm…

 

         Nhạc công Nguyễn Trần Qua tuổi gần 80, với tiếng đàn, tiếng nhị một thời đã làm say đắm bao con tim, nhà cách xa gần 100 cây số, nghe tin Đội Tuyên văn gặp mặt đã nhờ con chở cả vợ và cháu gái đi cùng, song ông vẫn không quên mang theo cây líu, cây nhị để góp vui. Nhạc công Vương Tuấn Phong đến dự gặp mặt, trong màn chào hỏi giới thiệu về bản thân không quên giới thiệu cây đàn theo anh từ thuở ở chiến trường Trường Sơn nay đã bạc mầu, nhiều chỗ gỗ đã mòn theo năm tháng.

 

         Đến với buổi gặp mặt kỷ niệm 44 năm ngày thành lập đội Tuyên văn có nhiều cặp là vợ chồng bộ đôi, song duy chỉ có một cặp Ưng Cát Bảo Chuông và Đặng Thị Kim Phụng là cặp vợ chồng “Văn công” Sư đoàn những năm 1971-1975. Thời ấy việc nam nữ yêu nhau tại chiến trường là một việc “tế nhị”, nhưng chẳng biết thế nào khi chuẩn bị ra quân cặp đôi này đã lên Tư lệnh Sư đoàn báo cáo xin được đơn vị đứng ra làm lễ thành hôn. Và Lễ cưới của Chuông – Phụng như là một dấu mốc của các cặp vợ chồng bộ đội sau này và nó có ý nghĩa đặc biệt với vợ chồng, con cháu anh chị.

 

         Các thế hệ cán bộ chiến sỹ Tuyên văn nhập ngũ 1974, 1978, 1980 cũng lần lượt tự giới thiệu về mình.

 

         Màn chào hỏi, tự giới thiệu về mình lắng lại trong tâm sự của Đội trưởng Hùng. Anh nói: “Với chiến công của bộ đội Trường Sơn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam là to lớn, xong có lẽ việc ghị nhận chiến công của cán bộ chiến sỹ làm văn hóa văn nghệ trên Trường Sơn cũng chỉ đọng lại như một hồi ức. Từ người Đội trưởng đội Tuyên văn sau này làm trợ lý Tuyên huấn, các đơn vị hàng năm tổng kết đều ghi nhận đã mở bao nhiêu Km đường, vận chuyển bao nhiêu tấn hàng…chi viện cho chiến trường, xong việc biểu dương thành tích của đội ta thì hầu như không có. Tôi nhớ các lần đi phục vụ cho các đơn vị, đêm biểu diền, ban ngày các chiến sỹ gái về các đội điều trị chăm sóc thương binh, vào các lán trại bộ đội khâu lại vai áo sờn cho anh em đồng thời theo yêu cầu hát phục vụ bộ đội tại chỗ thực sự là nguồn động viên to lớn đối với Bộ đội ta”. Cả hội trường vỗ tay râm ran trong sự xúc động.

 

         Đại tá Nguyễn Văn Lý Hội trưởng Hội TT TS Sư đoàn 472 nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 472 phát biểu ý kiến động viên các anh, chị thuộc các thế hệ đội Tuyên Văn Sư đoàn 472 về đời thường, nay hầu hết đã nghỉ hưu có nhiều cống hiến cho lịch sử hình thành và phát triển của Sư đoàn nói riêng và Bộ đội Trường Sơn nói chung, hiên nay là hạt nhân văn hóa văn nghệ của các hội CCB tiếp tục có những đóng góp cho cuộc đời và tiếp tục “hát về Người lính Trường Sơn”.

 

         Phần liên hoan văn nghệ diễn ra sôi nổi. Các nhạc công năm xưa người cây đàn, người cây nhị, người đánh trống… hát say xưa với những bài hát về Trường Sơn, bài hát Cách mạng đi cùng năm tháng. Phạm Thị Hồng Lợi mang cả trang phục hát chèo từ quê lên trình bày bài hát văn ca ngợi quê hương đất nước, những đóng góp của đội Tuyên văn đối với Sư đoàn 472. Tốp nam, tốp nữ mặc dù xa nhau ba, bốn chục năm và khác thế hệ nhưng khi cùng hát những bài hát về Trường Sơn vẫn nhớ phối bè hòa quyện cùng nhạc phách, Vân Khánh cây ngâm thơ một thời từ Nghĩa Đàn, Nghệ An ra ngâm lại bài thơ “Khi chiếc cầu ở lại” của Đại tá Nguyễn Khải nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 và “Trên tuyến đường xe anh qua, anh có thấy những tà luy cao em đã từng bạt núi…”hát về cô gái mở đường Trường Sơn.

 

         Bắt đầu gặp mặt từ lúc 9 giờ sáng, thoáng đã 15 giờ chiêu. Thời gian đi nhanh quá. Mọi người lại phải chia tay trong sự luyến tiếc. Một tình cảm, tình thương NGƯỜI LÍNH VĂN NGHỆ TRƯỜNG SƠN.

 

         Bài Giã bạn được ngân lên. Tạm biệt Thủ đô. Hẹn gặp lại.

 

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐƯỢC GHI LẠI TRONG BUỔI GẶP MẶT

 

Quang cảnh buổi gặp mặt đội Tuyên truyền văn hóa văn nghệ Sư đoàn 472.

 

Anh Trần Văn Tân nguyên chính trị viên đội ôn những ngày đầu thành lập đội Tuyên văn Sư đoàn 472.

 

 

tin tức liên quan
test 123