Trách nhiệm của người cầm bút

Ngày đăng: 11:00 30/12/2015 Lượt xem: 1.243
... tôi lại nghĩ tới trách nhiệm của người cầm bút, của các cấp bộ hội phấn đấu ra sao đây để đáp ứng với kỳ vọng của hàng vạn chiến sỹ Trường Sơn.

 

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

 

NGUYỄN HOÀNG - CCB  F471

 

          Một tin vui đến với những người cầm bút - biên tập viên - cộng tác viên của trang “Thông tin và Bản tin Trường Sơn” là số người truy cập trang mạng đã cán mốc hơn ba triệu lượt… Bản tin Trường Sơn mới phát hành 02 số nhưng đã được đông đảo độc giả trong và ngoài Hội nô nức đón đọc và đánh giá cao cả về nội dung và hình thức. Đó là một thành công lớn của công tác tuyên truyền của hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

 

          Có người cho rằng: Lượng người truy cập đấy là do trang thông tin thay đổi giao diện mới có mục chăm sóc sức khỏe. Lại có người cho rằng do có những video clíp nóng chị em nữ Hội viên thường xem, xem có hình ảnh mình ở đó không vân vân và vân vân… Điều đó có phần đúng nhưng rất chưa đủ. Cái chính vẫn là Trang thông tin và bản tin Trường Sơn đa dạng chuyên mục, nội dung phong phú, hấp dẫn, sát thực với lịch sử và cuộc sống, lượng thông tin lớn, cập nhật kịp thời… Đặc biệt nó là tiếng nói, tiếng lòng biểu hiện tôn chỉ mục đích của hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đúng đắn. Đó là giữ gìn và phát huy truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và nghĩa tình đồng đội. Dưới sự hướng dẫn, tổ chức thực hiện chặt chẽ và cẩn trọng của ban biên tập đứng đầu là Tổng biên tập nhà báo - nhà văn Phạm Thành Long thể hiện rõ nét nội dung này trên trang viết.

 

Biên tập viên Lê Hồng Huân tác nghiệp trong lần Đoàn thăm chiến trường xưa TW Hội TT Trường Sơn

dự Đại lễ cầu siêu các Anh Hùng Liệt sỹ Thành Cổ Quảng Trị hồi tháng 7 năm 2015

 

          Chúng ta cũng cần có cái nhìn lịch sử gắn với những chế độ chính sách chúng ta đang thực hiện. Ngày xưa chúng ta vượt Trường Sơn, ở Trường Sơn đều ở cái tuổi 20 với chỉ một tấm giấy nhỏ chứng nhận “X.Y.Z.”. Về đời thường phơi nhiễm chất độc da cam Diôxin. Tới cơ quan làm chứng nhận, đồng chí mình khai: Bị phơi nhiễm khi ở binh trạm 14. Đưa giấy chứng nhận “X.Y.Z.” ra cơ quan bảo chưa đủ, phải nói rõ ở địa phương nào và  địa phương ấy có trong quy định vùng bị phơi nhiễm hay không. Vào trang thông tin điện tử Trường Sơn biết rõ binh trạm 14 ở Tây Trường Sơn (Lào). Trích lục ra đưa nộp được công nhận phơi nhiễm chất độc da cam Diôxin tức thì. Và còn nhiều trường hợp khác nữa cũng phải tìm đến trang thông tin điện tử Trường Sơn mới xong. Nhà báo - nhà văn Phạm Thành Long Tổng biên tập nói rằng: “Anh phải trả lời rất nhiều câu hỏi của nhiều người qua điện thoại liên quan tới Trường Sơn”.

 

          Hàng vạn lượt người trước đây là lính Trường Sơn, đi qua Trường Sơn và thân nhân của họ. Đồng thời cũng có rất nhiều người yêu mến truy cập Trang thông tin điện tử Trường Sơn. Họ tìm thấy ở đây những con người Trường Sơn khi xưa sống và chiến đấu. Họ tìm thấy nhiều trang viết về lịch sử truyền thống, về hoạt động của hội nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Các hoạt động nghĩa tình đồng đội và nhiều chuyên mục hấp dẫn khác. Hàng vạn lượt người truy cập mỗi ngày là phần thưởng vô giá cho những người viết và Ban biên tập. Đồng thời cũng là một áp lực lớn để trang thông tin chất lượng hơn. Đòi hỏi người cầm bút trách nhiệm hơn với trang viết của mình.

 

          Một chiều đông, người viết bài này đến thăm đại tá Hoàng Văn Khả ở phường Ngọc Thụy, biếu ông bản tin Trường Sơn. Ông trân trọng đón nhận đúng với tâm trạng của một cán bộ chính trị kỳ cựu, miệng lẩm bẩm: “Tuyệt! Tuyệt!”. Rồi ông kể: Ông ở Trường Sơn tới 9 năm, từ anh binh nhì lên đến trung úy, phần lớn thời gian ở đường 20 Quyết thắng. Ông bảo ông luôn cập nhật Trang thông tin điện tử Trường Sơn. Ông tìm thấy nhiều điều hay trong ấy và phổ biến cho mọi người cùng đọc. Biết tôi là người có mấy bài viết về lịch sử truyền thống, ông tâm sự: “Viết về lịch sử truyền thống đòi hỏi phải chân thực đúng như những gì nó có”. Rồi ông kể: Ông có đọc được ở một vài trang viết (không phải của Hội ta) có nêu: Chính ủy Đặng Tính đi đưa đón Xi Ha Núc, xe đi theo bờ ruộng trúng mìn hy sinh hoặc như có bài viết nêu phó chính ủy 471 Tam Anh bị bom tọa độ vào doanh trại hy sinh … Rồi ông tự kết luận: “Nhảm nhí, nhảm nhí hết sức”. Tôi vẫn ngồi nghe ông nói. Ông bảo: Những con số mà trang tin nêu, nhiều con số rất ấn tượng. Như viết về Vị Xuyên thời kỳ 1979-  1988 có tới hơn 4.700 liệt sỹ nhưng mới quy tụ được 1.700 phần mộ vào nghĩa trang Liệt sỹ. Cũng ở đây, trong trận đánh cao điểm 772 ngày 12.7.1984 ta mất hơn 600 tay súng. Con số thật ấn tượng khiến ta phải suy nghĩ, ứng xử sao đây. Nhưng cũng có con số làm cho ông thắc mắc như bài: “Phát động ủng hộ quỹ nghĩa tình của nữ chiến sỹ Trường Sơn” nêu: “Tỉnh hội TS Quảng Ninh có trên 8.000 hội viên nữ, trong đó có 600 hội viên nữ đã từng chiến đấu công tác trên Trường Sơn”. Ông lẩm bẩm: “Hội gì mà chỉ có 600 chiến sỹ Trường Sơn trong 8.000 hội viên mà vẫn gọi là Hội Trường Sơn”. Bất ngờ hơn ông hỏi tôi: “Cùng một hội sao có nơi gọi là “Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam” có nơi lại chỉ gọi là “Hội Trường Sơn”... 

      Tôi cười, rồi giải thích để ông rõ: Quảng Ninh có 8000 hội viên mà chỉ có 600 hội viên nữ Trường Sơn đã là quý lắm rồi. Ngày ấy với ngần ấy chị em vào Trường Sơn chiến đấu là quý lắm!. Sở dĩ có lúc viết rằng "Hội Trường Sơn" là viết tắt. Vì viết đầy đủ: Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam... nó dài, nên viết tắt là Hội Trường Sơn cho tiện. Ngày xưa, ở Nghệ An mấy ai hỏi nhau: Mi ở Hợp tác xã nào. Mà người ta thường hỏi nhau: Mi ở hợp nào? Ai cũng hiểu đấy thôi. Cũng giống như bây giờ khi cần thiết người ta vẫn viết, vẫn gọi tên đầy đủ: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhưng người ta vẫn gọi là Mặt trậnixddeer chỉ tổ chức này thì ai cũng hiểu... Nghe xong ông cười hà hà...

 

Cô gái bán hàng tại Cợ Sắt Hải Phòng, miệt mài đọc cuốn Bản tin Trường Sơn số ra đầu tiên

 

           Tiễn tôi ra tới cổng ông còn hỏi: “Binh trạm 14 sau này về Bộ tư lệnh nào?”. Tôi ở tuyến trong nên không rõ nó thuộc Sư đoàn 472 hay  Sư đoàn 473, đành khất ông tìm hiểu rồi sẽ báo cho ông. Rồi ông lại hỏi: “Hội có tua du lịch thăm đường 20 Quyết thắng không? Nếu có cho ông biết để ông tham gia”. Chia tay ông, tôi lại nghĩ tới trách nhiệm của người cầm bút. Nhu cầu thông tin của hội viên và bạn đọc thật nhiều. Những người cầm bút của Hội chắn chắn phải nỗ lực rất nhiều nữa mới đáp ứng được nhu cầu thông tin và kỳ vọng của hàng chục vạn chiến sỹ  - hội viên Trường Sơn.

 

                                                                                           Hà Nội, tháng 12.2015

 

 

tin tức liên quan
test 123