Tự hào 45 năm Sư đoàn 471 Anh hùng!

Ngày đăng: 11:23 17/04/2016 Lượt xem: 2.237
 

 

"TỰ HÀO 45 NĂM - SƯ ĐOÀN 471 ANH HÙNG"

 

 

         Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn 471 anh hùng đang diễn ra tại Nhà Văn hóa quận Tây Hồ TP Hà Nội. Từ trung tâm Ban biên tập Trang TT Trường Sơn chúng tôi đã nhận được một số hình ảnh và hoạt động đầu tiên của Lễ kỷ niệm do nhóm BTV gửi về …

 

         Xin trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và bạn đọc Trang TT Trường Sơn bài diễn văn của buổi lễ kỷ niệm Do Đại tá Nguyễn Thuận Quảng Ủy viên BCH TW Hội – Trưởng Ban LL toàn quốc Sư đoàn 471 vừa trình bày trong lễ kỷ niệm.

 

         Xin trân trọng :

 

 

 

Hình ảnh trích trong chương trình văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn 471

 

* * *

 

TỰ HÀO 45 NĂM - SƯ ĐOÀN 471 ANH HÙNG

 

(DIỄN VĂN KỶ NIỆM 45 NĂM THÀNH LẬP SƯ ĐOÀN 471 ANH HÙNG

DO ĐẠI TÁ NGUYẾN THUẬN QUẢNG,UV BCH TƯ. HỘI, 

TRƯỞNG BAN LIÊN LẠC TOÀN QUỐC SƯ ĐOÀN 471 TRÌNH BÀY)

 

 

         Kính thưa các đồng chí

 

         Bộ Tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn được thành lập theo quyết định số: 110/QĐ - QP ngày 20/7/1971 của Bộ Quốc phòng đến nay tròn 45 năm. Từ Bộ Tư lệnh khu vực 471, đến Sư đoàn ô tô vận tải 471 rồi Sư đoàn 471 làm kinh tế lâm nghiệp ở Tây Nguyên sau chiến tranh. Ở gia đoạn nào, Sư đoàn cũng đều thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Hàng vạn cán bộ chiến sỹ trong đội hình Sư đoàn 471 Trường Sơn anh hùng qua các thời kỳ đều giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Trường Sơn Anh hùng và luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của Sư đoàn Anh hùng.

 

         Kính thưa các đồng chí,

 

         Nhớ lại ngày mới thành lập, Bộ Tư lệnh khu vực 471 được giao đảm trách cả một khu vực rộng lớn thuộc Nam Lào và miền tây Quảng Nam - Đà Nẵng và Kon Tum. Trong đội hình của Bộ Tư lệnh khu vực lúc đó có 6 binh trạm: 35; 36; 38; 44; 46; 47 và 4 trung đoàn: Trung đoàn 10 công binh; Trung đoàn 210 cao xạ; Trung đoàn 593 cao xạ; Trung đoàn 59 bộ binh; các tiểu đoàn trực thuộc có: D446 thông tin; D405 kho hàng; D401 sửa chữa xe pháo; D16 vận chuyển đường sông; D18 quân y, 4 tiểu đoàn giao liên với 22 trạm giao liên và Quân y Viện 46. Bộ Tư lệnh khu vực 471 được giao đảm bảo giao thông thông dài 2.133km gồm các trục dọc: 128; 22; 24; 17 và đường ngang B46. Các trục dọc kết nối với Binh trạm 34 (Bộ Tư lệnh 472) ở phía Bắc, kết nối với Binh trạm 37 (Bộ Tư lệnh 470) ở phía Nam với nhiều trọng điểm bị không quân Mỹ - ngụy đánh phá ác liệt như Ngầm Bạc, Ngầm Sêkamán, các đoạn đường đèo, vượt dốc đều trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt gây tắc của địch điển hình là trọng điểm Bôphiên. Trục đường ngang từ Chàvằn đường 128 thuộc tỉnh Tàvenoọc thẳng hướng đông về Trung Trung bộ nối với quốc lộ 14 ở Đru đốc dài 141km cũng bị địch đánh phá gây ách tắc ở nhiều đoạn như ngầm Sêkamán, Đèo Km 70, Km 98, đầu mối Lân Tôn … Cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng công binh, cao xạ, xe máy, bộ binh … trong đội hình của Bộ Tư lệnh khu vực 471 kiên cường bám trụ đảm bảo giao thông thông suốt, đánh hàng trăm trận trên không và trên bộ, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ có cả AC130 rơi tại chỗ. Các chiến sỹ lái xe vững tay lái, chớp thời cơ chạy lấn sáng, lấn chiều đưa hàng tới đích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của cả dân tộc.

 

         Đầu năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết. Từ Tây Trường Sơn đội hình Bộ Tư lệnh khu vực 471 lật cánh về Đông Trường Sơn đảm trách khu vực từ Trao chạy dọc theo đường 14 tới Sa Thầy, Kon Tum. Các đơn vị trực thuộc được biên chế lại không còn binh trạm mà thay vào đó là các trung đoàn trực thuộc, gồm 6 trung đoàn: E536 xe vận tải; E35 công binh; E10 công binh; E99 cầu phà; E529 công binh; E545 cao xạ và các tiểu đoàn trực thuộc. Các trung đoàn công binh nhanh chóng thi công nối thông đường 14, mở đường tránh Đakpét. Trung đoàn xe 536 vận chuyển hàng cho các hướng vượt kế hoạch được giao. Trong thời gian này Sư đoàn còn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội qua khu vực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững vùng giải phóng, chống địch lấn chiếm và tham gia đánh địch giải phóng Đăkpét được cấp trên đánh giá rất cao.

 

         Ngày 8 tháng 5 năm 1974, theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, được Quân ủy Trung ương phê chuẩn, Bộ Tổng Tham mưu đã ra quyết định chuyển đổi Bộ Tư lệnh khu vực 471 thành Sư đoàn ô tô cơ động 471 với 4 trung đoàn xe: E17; E32; E33, E536 và các tiểu đoàn trực thuộc: D446 thông tin; D18 quân y. D401 sửa chữa và D15 huấn luyện. Từ Đông Trường Sơn từ căn cứ ban đầu ở Tân Lâm Đầu Mấu cả đội hình Sư đoàn lại theo tuyến Tây Trường Sơn dừng chân ở Sê Sụ (Nam Lào) vượt Tây Nguyên giao hàng cho B2. Cũng từ đây hàng ngàn xe của Sư đoàn đã chở các binh đoàn chủ lực và binh khí, đạn dược tới vị trí chiến đấu. Nhiều đội hình tiểu đoàn xe của Sư đoàn còn trực tiếp chiến đấu cùng các binh đoàn chủ lực làm chủ Sài Gòn – Gia Định trong ngày 30- 4- 1975 lịch sử.

 

         Tháng 6 năm 1976, Sư đoàn được giao làm nhiệm vụ kinh tế Lâm nghiệp ở Đăknông Tây Nguyên với 4 trung đoàn: 53; 227; 228; 537 và 7 tiểu đoàn trực thuộc: D12: chăn nuôi, khai thác chế biến hải sản; D9: trồng cà phê, chăn nuôi đại gia súc; D714 xe máy – vận tải; D15: Huấn luyện; X340 sửa chữa xe máy; X341: chế biến gỗ; D18 quân y. Sư đoàn vừa làm nhiệm vụ kinh tế lâm nghiệp vừa truy quét Phun rô vừa giúp dân ổn định đời sống chống di cư. Nhiều năm đứng chân ở Tây Nguyên Sư đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3. Sau đó Sư đoàn được tổ chức lại thành một đơn vị công binh làm nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông trên chiến trường Campuchia cho tới tháng 8 năm 1988.

 

         Kính thưa các đồng chí

 

         Như vậy Sư đoàn đã trải qua 3 thời kỳ: Thời kỳ Bộ Tư lệnh khu vực 471 với nhiệm vụ hiệp đồng binh chủng vận chuyển chi viện cho các hướng chiến trường ở khu vực Nam Lào và Đông Trường Sơn, với phương châm “Mở đường mà đi, đánh địch mà tiến, chủ động hiệp đồng lập công tập thể” đã chiến thắng mọi thủ đoạn ngăn chặn, mọi loại bom đạn của địch. Thời kỳ thứ hai là Sư đoàn ô tô vận tải cơ động thực hiện tốt hậu cần chiến dịch đảm bảo đủ đạn pháo lớn, đủ vật chất kỹ thuật cho các hướng chiến dịch. Trực tiếp cơ động các đơn vị thọc sâu và trực tiếp chiến đấu góp phần xứng đáng vào chiến dịch giải phóng Buôn Mê thuật; giải phóng Tây Nguyên; giải phóng duyên hải miền Trung; giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước. Thời kỳ thứ ba: Sư đoàn 471 làm kinh tế Lâm nghiệp ở Cao nguyên. Vượt qua vô vàn khó khăn, Sư đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày 3 tháng 6 năm 1976, Sư đoàn 471 vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu cao quí: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

         Kính thưa các đồng chí

 

         Tháng 8 năm 1988, Lịch sử Sư đoàn 471 chính thức khép lại sau 17 năm xây dựng và trưởng thành gắn bó máu thịt với đại ngàn Trường Sơn và Tây Nguyên. Thời kỳ nào Sư đoàn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

         Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 471 qua các thời kỳ luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của Sư đoàn. Có được niềm vinh quang to lớn này chính là do sự đóng góp máu xương, mồ hôi, công sức và tuổi trẻ của hàng vạn cán bộ chiến sỹ Sư đoàn. Họ đã vượt qua mưa bom, bão đạn và những thủ đoạn đánh phá ngăn chặn độc ác, tinh vi nham hiểm của kẻ thù. Vượt qua khó khăn gian khổ, đói ăn, thiếu ngủ, bệnh tật … dồn hết tâm sức, có nhiều quyết định độc đáo, sáng tạo hóa giải được nhiều thủ đoạn đánh phá thâm độc của kẻ thù, khó khăn nào cũng vượt qua, chiến đấu thắng lợi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau chiến tranh chúng ta lại vượt qua hoàn cảnh mới, thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế với sức mạnh và tâm thế, truyền thống của đơn vị Anh hùng viết tiếp những trang sử mới của Sư đoàn.

 

         Vinh dự và tự hào là chiến sỹ của đơn vị Anh hùng. Trên các cương vị công tác, cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 471 đều phát huy tốt phẩm chất của người chiến sỹ của Sư đoàn Anh hùng. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều đồng chí trở thành tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp trong quân đội, nhiều người trở thành doanh nhân cùng với doanh nghiệp làm ăn giỏi, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

 

         Kính thưa các đồng chí

 

         Sư đoàn đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử. Phiên hiệu Sư đoàn 471 không còn trong biên chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Song tình cảm của những người lính Trường Sơn một thời gian khổ và hào hùng vẫn gắn bó sâu đậm. Thể theo nguyện vọng của đông đảo cựu chiến binh Sư đoàn 471 Anh hùng. Ban Liên lạc Sư đoàn 471 toàn quốc đã hình thành từ năm 1995. Từ năm 1995 đến nay năm nào Ban Liên lạc cũng tổ chức gặp mặt ở Hà Nội vào chủ nhật tuần thứ 3 tháng tư hàng năm với hơn 500 cựu chiến binh tham dự. Ban Liên lạc đã làm được nhiều việc có ý nghĩa: Xuất bản cuốn Lịch Sử Sư đoàn 471 Anh hùng – Bộ đội Trường Sơn (năm 2012 và bổ sung, tái bản 2016); Làm Kỷ niệm chương, Giấy chứng nhận Sư đoàn Anh hùng cấp cho gần 6.000 CCB Sư đoàn; Xuất bản và tái bản, bổ sung nhiều lần cuốn Danh sách CCB Sư đoàn với hơn 3.000 hội viên; tặng quà cho nhiều hội viên của Sư đoàn…Cựu chiến binh Sư đoàn 471 vẫn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn và làm tốt nghĩa tình đồng đội giúp đỡ nhau vượt qua gian khó. Tiêu biểu là doanh nhân Trần Thị Chung – Chiến sỹ Quyết thắng - Tiểu đội trưởng nuôi quân binh trạm 44/F471 năm xưa, Phó ban liên lạc Sư đoàn 471 toàn quốc hôm nay. Ngoài giúp đỡ về tài chính, vật chất cho hoạt động của Ban Liên lạc chị còn tặng gần 30 con lợn rừng giống ngoại nhập trị giá nhiều chục triệu đồng cho các đồng đội gặp khó khăn mang lại hiệu quả rất cao.

 

         Ban Liên lạc Sư đoàn 471 toàn quốc hiện với 16 Thành viên đầu mối là các Ban Liên lạc Trung đoàn, Binh trạm, Ban Liên lạc 471 các địa phương như: Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình, Đông Bắc, Gia Lâm, Long Biên, Lương Sơn, Nho Quan, Xứ Đoài… Đặc biệt các đồng chí 471 ở miền Trung và Tây Nguyên đã thành lập được Hội Sư đoàn 471 miền Trung và Tây Nguyên hoạt động nề nếp và hiệu quả. Và mới đây, Ban Liên lạc 471 Miền Đông Nam Bộ đã được kiện toàn và đi vào hoạt động.

 

         Những chàng trai, cô gái trẻ trung năm xưa đầu quân cho Sư đoàn 471 các thời kỳ nay đều ở tuổi lục tuần trở lên và đã về với đời thường. Nhưng, tất cả vẫn giữ vững và phát huy truyền thống Anh hùng của Bộ đội Trường Sơn, tâm tưởng vẫn luôn hướng về thời trai trẻ đã sống, công tác và chiến đấu trên dãy Trường Sơn và Tây Nguyên.

 

         Kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn 471 Trường Sơn Anh hùng các cựu chiến binh Sư đoàn 471 Trường Sơn năm xưa lại quây quần bên nhau trong ngày gặp mặt, tay bắt mặt mừng cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng, nguyện gìn giữ và phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn và làm tốt hơn nữa công tác nghĩa tình đồng đội mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Tiếp tục góp phần xây dựng và phát triển Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh ngày một phát triển, vững mạnh.

 

         Nhân dịp này, thay mặt BLL tòan quốc Sư đoàn 471 Anh hùng, tôi trân trọng kính chúc sức khỏe Thiếu tướng Võ Sở - Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn; kính chức sức khỏe Đại tá Trần Kiên, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn; kính chúc sức khỏe phu nhân đồng chí Nguyễn Lạn, phu nhân đồng chí Ngô Mạnh Thu; kính chúc sức khỏe các đồng chí nguyên lãnh đạo các Phòng Ban, các Binh trạm, Trung đoàn, các Tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn các thời kỳ; kính chúc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Sư đoàn trong cả nước. Chúc các đồng chí tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống có ích cùng con cháu, gia đình và luôn dành tình cảm cho Sư đoàn 471 thân yêu của chúng ta.

 

         Một lần nữa kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc.

         Trân trọng cám ơn!

 

 

tin tức liên quan
test 123