LẴNG HOA CHÚC MỪNG VÀ ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ
Phạm Sinh
Đại hội; Khai trương; Khánh thành hay gặp mặt, giao lưu … Khách mời tặng hoa, quà kỷ niệm cho chủ nhà là nét văn hóa chẳng riêng gì của Việt Nam ta mà nó là nét văn hóa của Nhân loại – Tuy nhiên trong nhiều hoàn cảnh khác nhau việc tặng lẵng hoa hay bó hoa; tặng hoa hay tặng quà là vấn đề mà chúng ta cần suy xét …
Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã có lời nói được coi như khẩu hiệu “ Tiết kiệm là Quốc sách” và đặc biệt Bác chẳng ưa gì căn bệnh “ Hình thức và lãng phí ” . Trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước - Toàn Đảng toàn quân và toàn dân ta đã thực hiện tốt lời dạy của Bác và cho đến hôm nay lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị - Đất nước đổi mới và phát triển như hôm nay là hiện thân của việc thực hiện những lời dạy của Người …
Nền kinh tế và văn hóa xã hội phát triển, theo đó nhu cầu hưởng thụ cũng theo đà – Đó là quy luật , nhưng trong cái phát triển ấy - Tiết kiệm; chống căn bệnh hình thức và lãng phí luôn là phương châm xuyên suốt của toàn Đảng, toàn Quân và toàn dân ta . Tuy nhiên hiện nay ở nơi này, nơi kia; Đơn vị này, đơn vị kia tư duy “ Phú quý sinh lễ nghĩa” vẫn còn ẩn khuất trong đầu của một số tập thể, cá nhân và cái tư duy ấy nó sẽ dẫn đến lâm vào căn bệnh “ Hình thức và lãng phí ” …
Viết bài này tôi không ham vọng nêu ra nhiều nhiều sự vụ của căn bệnh này mà chỉ xin đơn cử đề cập một tiểu tiết nho nhỏ đó là việc tặng hoa – Điều mà không mấy khó khăn để nhiều người “ Mục sở thị” bởi hàng ngày trên phương tiện thông tin đại chúng – Kênh truyền hình này, kênh truyền hình kia đưa tin Đại hội; Khai trương; Khánh thành hay gặp mặt, giao lưu ở nơi này, nơi kia – Lẵng hoa nhiều đến mức không có chỗ xếp …
Dẫu biết rằng không thể không có việc tặng hoa và có lẽ cũng không thể không có lẵng hoa, bởi đó là nét văn hóa truyền thống, kế đó là cả quyền của tổ chức cá nhân có nghĩa cử thiện nguyện … Nhưng nhiều hoa, nhiều lẵng hoa chắc nói không sai – Đó là “ Hình thức và lãng phí” . Chúng ta thử xem hai bức ảnh dưới đây – Một Đại hội ở một tỉnh và một cuộc gặp mặt giao lưu đồng đội Trường Sơn có quy mô nho nhỏ - Hoa nhiều đến “ Giật mình”. Nhớ lại một lần xem truyền hình cùng mấy anh em CCB khi thấy cảnh một cuộc Đại hội, trên lễ đài nơi có đoàn Chủ tịch Đại hội an tọa thấy lẵng hoa chen lẵng hoa vây kín hàng ghế ngồi của các vị trong đoàn Chủ tịch, một anh bạn tôi cười và nói : “ Đây là sản phẩm của tư duy “ Phú quý sinh lễ nghĩa” đấy … Không cẩn thận có vị sẽ bị “ Ngộ độc” vì nồng độ hương thơm của các loài hoa quá mức cho phép …
Hoa của một Đại hội ( Ảnh minh họa )
Hoa của một cuộc gặp mặt giao lưu ( Ảnh minh họa )
Và hoa chuyển ra bãi rác ( Ảnh minh họa )
Trở về vấn đề đề cập trong đầu bài viết này tôi muốn đưa ra một vài vấn đề vừa là điểm lại thực tiễn, vừa là sự suy xét bởi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau việc tặng lẵng hoa hay bó hoa; tặng hoa hay tặng quà …?
Tôi nhớ vào tháng 11 năm 2013 - Lớp cựu binh là thế hệ cuối của Sư đoàn 471 thuộc 2 tỉnh ( Bắc Ninh và Bắc Giang ) tổ chức cuộc gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm ngày các bạn nhập ngũ vào Sư đoàn . Buổi gặp mặt có sự hiện diện của Đại tá Nguyễn Thuận Quảng - Nguyên Phó tư lệnh Sư đoàn 471 và nay ông là Ủy viên Trung ương Hội truyền thống Trường Sơn - Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 471.
Trước giờ tổ chức buổi gặp mặt - Tôi vinh dự được (đóng vai trợ lý) cho Đại tá Nguyễn Thuận Quảng để ông tiếp chuyện đoàn nữ chiến sĩ quê Yên Thành - Nghệ An, số chị em này nằm trong số 550 chị em Yên Thành gia nhập Trung đoàn 49 của Sư đoàn 471 năm xưa - Đại tá Nguyễn Thuận Quảng thân mật hỏi thăm tình hình cuộc sống và gia đình của các chị - Qua trao đổi và trò chuyện, chị Thủy trưởng đoàn báo cáo tình hình chung với Đại tá Nguyễn Thuận Quảng … Nói về khó khăn của chị em - Chị Thủy nêu: Không ít chị em khi rời quân ngũ trở về sức khỏe yếu, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, một số chị không có điều kiện đi xây dựng gia đình … Nhiều chị em rất muốn có một bộ Quân phục bình thường để mỗi lần đi dự đại hội CCB hoặc gặp mặt đồng đội mặc nhưng do khả năng kinh tế có hạn mà mong muốn cũng chưa thành …” Nghe đến đây tôi thấy trên khuân mặt vị nguyên Phó tư lệnh Sư đoàn thoáng nét suy tư … Và ngay sau lần gặp mặt ấy Ban liên lạc Hội TT Trường Sơn Sư đoàn 471 đã có ý tưởng và bắt đầu phôi thai được một quỹ gọi là quỹ “ HỖ TRỢ ĐỒNG ĐỘI TẤM ÁO TRƯỜNG SƠN ” … Rồi tháng 8 năm 2014 lớp nữ Cựu binh Sư đoàn 471 quê Yên Thành - Nghệ An tổ chức gặp mặt kỷ niệm ngày nhập ngũ - Ban liên lạc Hội TT Trường Sơn Sư đoàn 471 đã cử đại diện vào dự … Không lẵng hoa chúc mừng mà thay vào đó là phần quà mang tên “ HỖ TRỢ ĐỒNG ĐỘI TẤM ÁO TRƯỜNG SƠN ” với tổng giá trị 10,5 triệu đồng – Giây phút diễn ra việc trao phần quà này là một bất ngờ không tưởng, cả hội trường lặng im bởi sự xúc động đến rơi nước mắt - Nước mắt của niềm vui từ sự quan tâm với một chút vật chất đã tạo nên giá trị gia tăng lớn về tinh thần trong chị em.
Cũng bắt đầu thời kỳ này - Trên cơ sở chủ trương của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam về việc chống hình thức và lãng phí trong hoạt động Hội . Ban liên lạc Hội TT Trường Sơn Sư đoàn 471 đã vào cuộc, đi đầu trong việc vận động nội bộ với tinh thần trong hội họp và gặp mặt Truyền thống các đoàn đại biểu không mang theo lẵng hoa chúc mừng mà thay vào đó dù ít dù nhiều là những phần quà dành cho nghĩa cử “ Lá lành đùm lá rách” ...
Hoa trong ngày Đại lễ kỷ niệm 45 năm Truyền thống Sư đoàn 471 Anh hùng ( Ảnh minh họa )
Tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn
trong ngày Đại lễ kỷ niệm 45 năm Truyền thống Sư đoàn 471 Anh hùng ( Ảnh minh họa )
Nên chăng đối với các đơn vị thành viên của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam chúng ta hãy chung sức cùng đồng hành với nghĩa cử tuy giản đơn nhưng rấy nhân văn của Hội TT Trường Sơn Sư đoàn 471 đang làm .
“Tiết kiệm là Quốc sách” - “ Chống căn bệnh hình thức và lãng phí” ; Chung tay giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn - Nó càng có ý nghĩa hơn đối với Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam chúng ta, bởi Hội của chúng ta là tổ chức hoạt động mang đậm sác màu “ Truyền thống Trường Sơn và Nghĩa tình đồng đội ”.
Phạm Sinh