
Ngày 17 tháng 5 năm 2016, được sự quan tâm của tỉnh và Trung ương Hội Trường Sơn. Hội TT Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình tổ chức họp mặt chiến sĩ Trường Sơn tiêu biểu quê lúa và giao lưu giới thiệu tập thơ ...
HỌP MẶT CHIẾN SỸ TRƯỜNG SƠN TỈNH THÁI BÌNH
VÀ GIAO LƯU GIỚI THIỆU TẬP THƠ " CHIẾN SỸ TRƯỜNG SƠN QUÊ LÚA"
Ngày 17 tháng 5 năm 2016, được sự quan tâm của tỉnh và Trung ương Hội Trường Sơn. Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình tổ chức họp mặt chiến sĩ Trường Sơn quê lúa tiêu biểu tại Hội trường Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kỷ niệm 126 năm ngày sinh nhật Bác và 57 năm ngày thành lập Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn, chào mừng ngày Bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, giao lưu giới thiệu tập thơ “Chiến sỹ Trường Sơn quê lúa” tập I.
Xin trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bài viết và phát biểu: Điểm đôi nét về tập thơ “Chiến sỹ Trường Sơn quê lúa” của Nhà thơ Đoàn Anh Lộc - Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ tỉnh Thái Bình tại buổi họp mặt đầy ý nghĩa này.
ĐIỂM ĐÔI NÉT
VỀ TẬP THƠ “CHIẾN SỸ TRƯỜNG SƠN QUÊ LÚA” TẬP I
Kính thưa các vị đại biểu !
Kính thưa các vị khách quý !
Thưa các tác giả, thưa tất cả anh chị em chiến sĩ Trường Sơn quê lúa Thái Bình !
Vốn dĩ từ cổ xưa lâu lắm rồi. Thơ ca là lĩnh vực tinh thần, là tiếng nói từ trái tim và lòng trắc ẩn của con người, để lại cho mai sau trên bước đường gian nan đi tìm hạnh phúc. Các tác giả qua nhiều thế hệ cũng chẳng ai làm thơ vì mục đích thương mại kiếm tiền. Vả chăng, nếu có được những bài thơ hay hàn lâm, bác học thì khắc vào bia đá nơi Văn Miếu, hoặc để lại cho hậu thế bài thơ ấy thêu trên tấm lụa điều ngàn năm treo dưới mái Khuê Văn. Còn thơ văn hiện nay phát triển đến vô cùng, ai cũng biết làm thơ, đó là điều đáng mừng, đáng quý.
Có lẽ rồi đây, con cháu chúng ta sẽ thắp sáng ngọn lửa Thơ trên dãy Trường Sơn dằng dặc. Trên đỉnh Đồng Văn còn mây mù nơi biên thùy phía Bắc. Nơi Điện Biên một thời thắng Pháp. Nơi bạt ngàn đồng ruộng phía Nam. Hay trên tháp giàn khoan nơi Vũng Tầu biển bạc. Nơi Hoàng Sa, Trường Sa dào dạt sóng cồn… Hậu thế và thời gian hẳn sẽ lưu giữ vĩnh hằng những áng thơ văn trác Việt đậm đà bản sắc giống nòi, dạt dào tình cảm quê hương. Tác giả Trần Quang Chính đã tâm sự:
“Mượn trời thời khắc sang xuân
Mượn đời nỗi nhớ gieo vần vào thơ”.
Thưa Hội nghị ! Thưa tác giả!
Như ta đã biết: Lịch sử dân tộc ta luôn gắn liền với những cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước. Các cuộc chiến tranh đó, một bên là sự hy sinh anh dũng của những con người cụ thể bằng da, bằng thịt nơi chiến trường. Còn một bên là nỗi đau trầm tích của những người cha, người mẹ, người vợ, người con…nơi hậu phương âm thầm xa xót… Dù bên ta hay bên địch. Vâng! Người chết thì trở thành thiên cổ, còn người sống thì phải chịu nỗi đau thế hệ, nhất là những gia đình, người thân phải đi tìm “Hương cốt” của con em mình còn nằm ở đâu đó, nơi hoang lạnh xa xăm…
Khi đất nước mà kẻ thù xâm lược đã ùa vào, gây ra bao tang thương, chết chóc cho dân tộc, thì cái “Sĩ vị tri kỷ giả tử” của mỗi con người lại nhống lên, và ai cũng giám xả thân vì nghĩa lớn để trả ơn quê hương, đất nước, bảo vệ dân tộc và giống nòi. Đó là điều hiển nhiên và vinh dự.
Qua tập thơ “Chiến sỹ Trường Sơn quê lúa” Tập I, nhà xuất bản Hội nhà văn - 2015 gồm 146 bài với 59 tác giả có nam, có nữ - đều là những chiến sĩ quê lúa đã từng vào sinh ra tử chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên dãy Trường Sơn dạn dầy khói lửa những năm đánh Mỹ giải phóng quê hương. Lớp trẻ thời đại Hồ Chí Minh quê lúa Thái Bình khi có tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã hăng hái lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Vũ Khanh nhớ lại “Đò Hồ em tiễn chân anh/ Rực trời đạn pháo Trà Linh thuở nào” là vậy.
Đi chiến trường đánh Mỹ, đâu chỉ có phận nam giới. Người phụ nữ cùng đồng hành với đấng “Nam nhi” trực tiếp đóng góp xương máu của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Xã hội xưa cho rằng: Chiến tranh không mang gương mặt đàn bà. Người đàn bà chỉ là “Thiên sứ khuê phòng”, là “nội trợ, tề gia” chứ không phải “Nam nữ đồng thể” được. Thực tế thì sao? Trong thơ, các tác giả đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ nơi Trường Sơn khói lửa như một hình tượng dũng cảm anh dũng sáng ngời: “Trường Sơn ngày ấy mở đường/ Em đi mỗi bước nhớ thương theo cùng/ Xe ai vượt chuyến, tăng cung/ Hàng lên phía trước, nỗi lòng gửi sau”. Hay “Mười hai em gái quê nhà/ Tóc vương hương lúa đi ra chiến trường”. Rồi “Em vẫn đội trời xanh vào chiến dịch/ Ôi! Những đêm giật mình thổn thức/ Nhớ mảnh trăng quê hương lúa thơm non/ Mặc bom thù nổ phía đầu non/ Vẫn chỉ đường cho xe ra phía trước” và “Đêm đêm màu áo trắng ngần/ Đứng làm cột mốc hố gần, hố xa/ Dẫn đường mỗi chuyến xe qua/ Xe vào nặng nghĩa, xe ra nặng tình”.
Đoàn 559 thời đánh Mỹ có hàng vạn cán bộ chiến sĩ làm chủ Trường Sơn với đủ các binh chủng phục vụ chiến trường: Giao liên, thông tin, điện đài, cơ yếu, báo vụ, giao thông mở đường vận chuyển quân lương, vũ khí, đạn dược, công binh bắc cầu, phá bom nổ chậm, y tế, cứu thương trực bộ binh tiêu diệt địch càn quét, pháo binh diệt máy bay thù, chuyên gia giúp bạn, văn nghệ sỹ mang tinh thần đến cho chiến sỹ, đồng bào… Ôi gian lao, vất vả, vật vã dưới tầm bom đạn và hy sinh. Nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ khẳng định nằm lòng bao chiến sĩ:
“Trường Sơn Đông nắng Tây mưa
Ai chưa tới đó, như chưa rõ mình”.
Cái “Đông nắng, Tây mưa” ấy là hình tượng để nói lên cái gian khổ hy sinh thử thách tầy trời. Bom rơi, đạn nổ, cái mưa rừng, lũ quét, cái nắng se sắt cả làn da. Ai đã từng đến đây, qua đây những ngày chiến đấu, mới thấu nỗi khổ cuộc đời, là nơi thử thách tinh thần, sức lực và sự chịu đựng ghê gớm của các chiến sĩ ta: “Xe leo lên tận cổng trời/ Nóng sôi két nước mồ hôi đẫm người/ Vô lăng vững, miệng cười tươi/ Tiến về phía trước lòng ngời niềm tin”. Bất chợt khi nhớ lại: “Nhớ lắm cái thời khói lửa/ Tiếng mìn phá đá canh thâu/Trường Sơn chập trùng mây trắng/ áo xanh sương gió dãi dầu”. Vâng! “Nhớ lắm cái thời khói lửa/ Đất nâu cũng đỏ máu đào/ Chằng chịt cung đường em mở/ Mũi tên chỉ hướng xe vào”. Vâng! Em là cọc tiêu, em là mũi tên, em xi - nhan cho xe anh tiến vào chiến dịch, em là cái chuẩn mực cho xe anh vào tiền phương, vào bắt giặc xé xác phanh thây quân cướp nước. Ôi! “Trường Sơn trải suốt Bắc Nam/ Con đường huyết mạch trái tim Bác Hồ/ Trường Sơn xanh thắm ước mơ/Trường Sơn đỏ máu màu cờ vàng sao/ Trường Sơn đói rét năm nào/ Trường Sơn bom đạn thét gào ngày đêm”. Hay “Lên đường đến với Trường Sơn/ Qua rừng đạn xé, qua Truông bom cày/ Lòng ta mang nặng thù đây/ Thù quân giặc Mỹ thiêu cây phá rừng” . Hoặc “Gay nhất là đoạn đèo A/ Địch phá một ta làm ba bù vào/ Mặt đường bom xới bom đào/ Mặt đường đạn xé, đạn cào khắp nơi/ Đèn dù lơ lửng lưng trời/ Đêm mưa thằng Mỹ nó coi giúp mình/ Nhất đời là lính công binh/ Canh ba ta sửa, bình minh xong đường”. Gian khổ và sự hy sinh còn nhiều gấp bội, không sao kể hết được.
Chiến tranh đã qua đi trên 40 năm có lẻ, sự hy sinh, gian khó, cảnh máu đổ đầu rơi đã lùi vào quá khứ. Tất cả giờ đây chỉ còn là những kỷ niệm, những kỷ niệm của một thời binh hỏa chiến tranh. Rồi ở đời, mỗi con người biết bao là kỷ niệm. Có những kỷ niệm vui, có những kỷ niệm buồn, có những kỷ niệm đớn đau, lại có những kỷ niệm hân hoan náo nức. Những kỷ niệm ấy dẫu sâu sắc hay nhỏ nhoi thì bao giờ cũng được khắc sâu trong tiềm thức. Có lẽ chỉ có văn chương, chữ nghĩa mới có đủ điều kiện ghi lại những kỷ niệm lưu giữ cho tới muôn năm.
Có một thi sĩ nước ngoài đã viết: “Nếu ai đã dự bao trận đánh chống quân thù. Nếu ai đã từng gánh chịu biết bao bom rơi đạn nổ vào sống ra chết trong chiến đấu. Nếu ai đã từng cùng đồng đội vào sinh ra tử có nhau… Với biết bao kỷ niệm cuộc đời mà không lưu lại trong ký ức một điều gì. Xa quê hương mà không động lòng nhung nhớ… thì người đó không làm nên một sự nghiệp, thật đánh tiếc”. Còn các chiến sỹ Trường Sơn nói chung, các chiến sỹ Trường Sơn quê lúa Thái Bình thì mỗi một cuộc hành quân, mỗi một lần vất vả gian truân với cung đường, mỗi chuyến xe, mỗi đợt chuyển hàng… đều được các anh chị ghi lại bằng thơ, găm chặt trong tâm trí không thể nào quên “Đất quê hương, đồng ruộng bến đò/ Hạt gạo, củ khoai nuôi ta khôn lớn/ Tắt lửa tối đèn có tình khu xóm/ Dòng sông quê ký ức một thời/ Quên sao người quê của quê tôi” và “Có một thời gian khổ lắm em ơi / Bom đạn nổ hầm chao như cánh võng/ Chị nuôi quân vừa chia cơm, vừa xúc động/ Cơm đã ít rồi lại còn đẵm nước mưa”. Rồi “Có một thời giữa mùa tím hoa mua/ Đoàn quân đi tiếng cười còn gửi lại/ Cô sơn nữa giữa rừng gặp vội/ Cũng trở thành nỗi nhớ bâng khuâng”. Và đây nữa: “Có những lần giữa hai đợt xung phong/ Lá thư nhà chuyền tay nhau cùng đọc/ Cơn sốt rừng trong tầm pháo giặc/ Mẩu lương khô chia vội mỗi người”. Như vậy là: Sự vất vả, gian truân không nao núng, người chiến sĩ Trường Sơn vẫn tự hào kiêu hãnh, lạc quan, yêu đời “Xe anh vợt dốc băng đèo/ Xe anh qua nhịp cầu treo dập dềnh/ Vượt qua trọng điểm bom rình/ Bây giờ đâu cũng thênh thênh con đường/ Còn nghe tiếng gọi chiến trường/ Xe còn xuất trận khinh thường gian lao. Hoặc “Bom nổ chậm, bom bi/ Bom gì gì đi nữa/ Cần ta vẫn chữa/ Đường ta vẫn thông/ Mặc trời nắng rát, mưa giông/ Vượt đèo anh lái, qua sông em chèo”. Và “Đường ta biết mấy tự hào/ Giặc phá, giặc đào mạch máu vẫn thông”… Như thế nghĩa là tất cả những kỷ niệm của một thời gian khó, hy sinh, tự hào kiêu hãnh đã được các tác giả - Những chiến sĩ Trường Sơn quê lúa Thái Bình ghi lại rành rọt khúc triết bằng loại thơ, văn vần cho dễ nhớ, khó quên. Đúng vậy, “Ánh vàng gợi một thời rực lửa/ Kỷ niệm xưa chợt đầy ắp tâm hồn/ Mỗi tấm lòng đều có một Trường Sơn”.
Giờ đây, trong những lần gặp mặt như thế này, điểm lại có người còn, người mất. Song mỗi chúng ta ai cũng biết giữ cái ấm áp của lửa vùi trong tro trấu ngàn đời. Hoàn thành sứ mạng vinh quang mà Đảng và Tổ quốc trao cho - Các anh, các chị vẫn mủi lòng nhớ thương “Bạn mình đã hy sinh, không còn nữa/ Nén hương lòng thắp ở cõi Trường Sơn”. Chúng ta có cái may mắn là được hồi hương, cùng gia đình xây dựng tổ ấm. Vâng! Hồi hương để cấy lại mình, gieo lại mình, trồng lại mình, chăm sóc lại mình, để giữ hồn cốt cội nguồn, chứ tuyệt đối không một mai phai đi cái cốt cách người chiến sĩ - anh bộ đội cụ Hồ, phai đi cái bản sắc miền quê.
“Một thời tay số, chân ga
Nay về vui cảnh cửa nhà xóm thôn
Một thời ngang dọc Trường Sơn
Mây giăng phía trước, bom dồn phía sau
Bây giờ ta lại gặp nhau
Tóc xanh xưa đã đổi màu hoa râm”
Và “Thoắt rồi mấy chục mùa xuân/ Chiều buông đâu dễ ngày xanh nhạt nhòa”. Cuộc sống đã đi vào thi ca của các chiến sĩ Trường Sơn quê lúa Thái Bình đã được lọc qua một lăng kính suy tư tình cảm của người từng trải. Vì thế thơ của các anh, các chị chín chắn, khúc triết và ăm ắp nỗi niềm. Những kỷ niệm Trường Sơn giờ đây lại trỗi dậy, có lúc nó dóng lên như ngọn lửa trong lò, ngày nối ngày, đêm nối đêm cứ chập chờn như mơ, như mộng. Nhân ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn xin chúc các anh, các chị mạnh khỏe, phấn khởi, vạn sự như ý.
Xin trân trọng cảm ơn !
16 - 05 - 2016
Đoàn Anh Lộc
MỘT SỐ HÌNH ẢNH GHI LẠI TRONG BUỔI GIAO LƯU, GẶP MẶT
MC Trọng Thái và NSUT Hồng Vui