Tháng 7 lên thăm các Anh hùng, Liệt sĩ nơi biên cương Tổ quốc

Ngày đăng: 03:11 13/07/2016 Lượt xem: 657

     

          THÁNG 7 LÊN THĂM CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ

                    NƠI BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC.

                                                            

                   

  Các CCB bộ đội Trường Sơn Bắc Ninh - Bắc Giang viếng thăm tri ân các Anh hùng Liệt sỹ tại nghĩa trang Vị Xuyên Hà Giang.

 

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng chiến thắng lịch sử Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giang sơn thu về một mối, đến nay đã hơn 40 năm. Nhưng chưa một ai đi qua cuộc chiến tranh đó mà đã quên cuộc kháng chiến trường kỳ ấy của dân tộc. Những nỗi đau chiến tranh để lại cho hàng vạn gia đình phải vĩnh viễn xa mãi những người con, người chồng, người thân yêu của mình dâng hiến cho nền Độc lập - Tự do của Tổ Quốc chưa nguôi ngoai, thì năm 1978 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam bất ngờ xảy ra. Rồi năm sau 17/2/1979, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra trên toàn tuyến. Vì nhiều lý do khác nhau, và có lẽ là người Việt Nam chúng ta luôn coi trong “ Nghĩa, tình” mà cuộc chiến tranh này người ta ít nói đến và không hay nhắc lại nữa. Vậy mà đã hơn 30 năm đi qua, song những hình ảnh về cuộc chiến tranh ấy vẫn còn khắc sâu trong mỗi người lính, và mỗi CCB chúng tôi hôm nay.

Chiếc xe TODOTA 25 chỗ ngồi chở chúng tôi lao vun vút trong mưa gió, đi qua vùng đất trung du Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Cạn, qua bao các làng, bản, đồi núi cứ nhấp nhô, điệp trùng. Xe chạy hết tỉnh Tuyên Quang, sang đến tỉnh Hà Giang, đến đoạn cách thành phố Hà Giang 15 km, người dẫn đường đưa chúng tôi vào Nghĩa trang liệt sỹ huyện Vị Xuyên – Nơi yên nghỉ của các liệt sỹ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương của Tổ Quốc.

 Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, là nơi yên nghỉ của hơn 1.700 liệt sỹ thuộc các vùng quê trong cả nước, đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương cực Bắc Tổ Quốc, từ năm 1979 đến năm 1988. Hòa vào hàng ngũ của các CCB từ mọi miền về đây, chúng tôi đến từng phần mộ thắp cho các anh từng nén hương thơm, mang nặng nghĩa tình đồng đội. Nhìn trên bia mộ nhiều CCB chúng tôi về đã nhận ra người thân, đồng đội, đồng hương của mình: Liệt sỹ Nguyễn Đình Bộ quê ở xã Lâm Thao, Bùi Văn Nguyên xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, Nguyễn Văn Phúc xã Gia Đông, Lê Bá Phê xã Ninh Xá huyệnThuận Thành, Nguyễn Văn Chính xã Phù Khê thị xã Từ Sơn, Nguyễn Khắc Hùng phường Thị Cầu TP Bắc Ninh, liệt sỹ Trịnh Quang Chính xã Việt Hùng, Nguyễn Bá Thọ xã Ngọc Xá, Nguyễn Văn Dân xã Nam Sơn, huyện Quế Võ … Rồi các liệt sỹ quê ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Bình và có cả liệt sỹ ở TP.Hồ Chí Minh vv…

Ngày 17/2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc “ập”đến. Các anh từ các sư đoàn 312, 313, 314, 316, 325, 356, 31 và các trung đoàn độc lập: 98, 982, 983… Trong đó có nhiều đơn vị từ miền đất phương Nam nhận nhiệm vụ đặc biệt, hành quân gấp lên biên giới phía Bắc “trấn ải biên cương”.

            Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc, Hà Giang là mặt trận ác liệt nhất, thì Vị Xuyên là chiến trường khốc liệt nhất. Còn mãi khắc ghi trận đánh rạng sáng ngày 12/7/1984. Hơn 600 chiến sỹ của sư đoàn 356 hy sinh trong trận đánh cao điểm 772, nhưng nay mới chỉ quy tập được hơn 300 liệt sỹ về đây yên nghỉ. Các CCB của sư đoàn 356 coi ngày 12/7 là ngày giỗ của cả sư đoàn. Đó là ngày vào trận, cũng là ngày các chiến sỹ của sư đoàn ngã xuống nhiều nhất. Điều mà khiến mỗi ai đến đây thắp hương cho những người thân, những đồng đội, không khỏi trạnh lòng khi được biết tới con số : Cả mặt trận biên giới Hà Giang từ 1979 đến 1988, về phía ta có tới hơn 4.700 chiến sỹ đã hy sinh, nhưng đến nay mới chỉ quy tập về Nghĩa trang Vị Xuyên được gần 1.700 liệt sỹ. Nhiều ngôi mộ chưa biết tên. Số còn lại vẫn nằm lại trên chiến trường, mà nay nơi họ nằm xuoogns năm nào cây xanh đã mọc thành rừng…

            Cùng về đây thắp hương cho các liệt sỹ hôm nay, có cả các CCB ở tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. Các anh cũng đã ở tuổi ngoài “lục” “thất” tuần cả rồi. Trong đoàn có CCB tên là Châu. Anh  nguyên là chính trị viên tiểu đoàn 3, thuộc sư đoàn 356. Anh Châu tâm sự: “Đi đến hàng mộ bia nào trong nghĩa trang này tôi cũng gặp đồng đội của sư đoàn. Đã hơn 30 năm rồi, những  bóng hình, khuôn mặt thương yêu hết mực với anh em, đồng chí, nhưng kiên cường, bất khuất với quân thù của các anh, vẫn in đậm mãi trong tôi không bao giờ nguôi. Trong trận chiến giữ từng tấc đất dải biên cương, chiến sỹ Thìn quân lực tiểu đoàn, bị bay mất một mảng đầu vẫn dõng dạc hô xung phong; đại đội trưởng Minh, trên mình mang đầy thương tích, bị lạc trong rừng, khi đồng đội tìm thấy đưa lên bàn phẫu thuật, còn gắng sức nhắn anh em: Hãy bám sát đơn vị, chiến đấu để trả nợ trận này! Tiểu đoàn trưởng Thanh bị thương cả hai chân, vẫn tiến đến gần lô cốt, dùng súng AK bắn đến viên đạn cuối cùng, rồi kích nổ toàn bộ cơ số lựu đạn mang trên người, khiến quân thù khiếp sợ; y tá Lê Trần Mãn xông lên giật cờ, quyết không cho quân xâm lược cắm cờ trên điểm cao 685; Nguyễn Viết Ninh trước khi vào trận, đã khắc vào báng súng lời thề: Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử. Có một nỗi đau day dứt, đến xé ruột tâm can với mỗi người lính sư đoàn 356 ngày ấy - cựu chiến binh Đỗ Quang Huy nguyên chiến sỹ trinh sát của sư đoàn 356 bùi ngùi kể lại trong nước mắt: “Nỗi đau ấy đồng đội chúng tôi ai cũng biết, nhưng vì có những “lý do đặc biệt” nào đó, mà những người  trên mặt trận ngày ấy, chưa được kể với những người ở hậu phương. Đấy là khi tận mắt nhìn thấy những đồng đội của mình hy sinh rồi, mà thân thể không được yên lành, vì những dã tâm ác độc của quân giặc xâm lược. Sau trận chiến ngày 12/7/1984 là những ngày mưa dầm dề, dai dẳng, vách núi cao dựng đứng, chiến hào nào cũng cày xới nham nhở bởi đạn pháo, mìn vướng. Các chiến sỹ của ta phải mang theo dây võng, đưa đồng đội  từ trận địa về. Nước mắt người sống, chan hòa vào máu người nằm xuống. Họ chỉ đưa được những tử sỹ dưới chân cao điểm về, còn những đồng đội ở gần chiến hào quân Bành trướng xâm lược, thì vĩnh viễn nằm lại. Bởi ai có thể ngờ được sau trận chiến ấy, phía giặc Bành trướng đã bắn truyền đơn cho quân ta nội dung: Cho phía ta đi lấy xác tử sỹ, nhưng họ yêu cầu ta, khi đi phải vào ban ngày, mỗi lượt đi không quá 50 người, không mang theo vũ khí phòng vệ, phải mang theo cờ  trắng chữ thập đỏ. Dẫu thương anh em nằm đó nhiều nhiều lắm, nhưng không ai đi, vì không tin được dã tâm, mưu quỷ của quân giặc... Sau đó trinh sát của ta từ các điểm cao báo về, bọn giặc Bành trướng đã rắp tâm rải hóa chất, rồi mang thiêu xác anh em.”.

Những đồng đội của sư đoàn 356 hôm nay, ai còn, mỗi khi có dịp về đây thắp hương cho đồng đội đều nhớ nhắc nhau, đọc to bài văn tế của sư đoàn, viếng các anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Vị Xuyên :“ Những chiến sỹ, con dân đất Việt/ Khi Tổ quốc cần, tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong / Đạn xé nát vai, đạn cày rách mặt / Súng trên tay rực lửa, xung phong giữ biên thùy !...”

            Đứng lặng nhìn trông những nấm mộ các anh, hàng dọc, hàng ngang thẳng tắp, vẫn xếp đều như đội hình của những trung đoàn, sư đoàn năm xưa. Chúng tôi ai cũng nước mắt tràn mi, thầm gọi tên đồng đội: “Hôm nay chúng tôi mới đến thăm được các anh, xin được mời các anh vui với chúng tôi một chén nước trà, cái kẹo, cái bánh, hút với chúng tôi một điếu thuốc. Sau tuần nhang này, anh em chúng tôi lại phải trở về với gia đình, quê hương, hẹn một ngày khác chúng tôi lại lên thăm các ạnh !”.

 Để làm dịu bớt đi những nỗi thương đau cho các gia đình liệt sỹ. Thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang và các CCB trong cả nước. Đề nghị Nhà nước tiếp tục có chính sách: chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc ở các chiến trường vùng biên nói chung, và tỉnh Hà Giang nói riêng. Nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên thành nghĩa trang Liệt sỹ Quốc Gia. Để đánh dấu mốc chấm dứt chiến tranh, ghi nhận sự hy sinh của quân đội và nhân dân các dân tộc toàn tuyến biên giới, trong cuộc đấu tranh bảo vệ vùng biên. Trước đây chưa có một chỉ đạo cụ thể cho những vấn đề liên quan đến chiến tranh biên giới phía Bắc. Nhưng trước tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, nóng lên như hiện nay, thì âu đó cũng là những việc cần thiết, hết sức phải làm. Làm không chỉ vì những người đã ngã xuống, vì từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ Quốc, mà còn vì cho cả những người đang sống, cho thế hệ mai sau được hiểu tường tận hơn, cái giá trị đích thực của Độc lập, Tự do, được sống trong đất nước Hòa bình hôm nay.

 

                                                                              Vị Xuyên tháng 7 năm 2016.

                                                                             CCB PHẠM HUY CHƯƠNG

                                                                                     Hội Nhà báo Bắc Ninh

 

 

 

tin tức liên quan
test 123