HỘI TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM TỔNG KẾT PHIM " Trường Sơn một thời con gái "
HỘI TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM TỔNG KẾT PHIM
" Trường Sơn một thời con gái "
Sáng 27/6/2020, tại trụ sở Hội Trường Sơn Việt Nam – Tầng 5 tòa nhà Binh đoàn 12 số 475 Nguyễn Trãi Thanh Xuân Hà Nội; Hội Trường Sơn Việt Nam tổ chức Tổng kết Phim "Trường Sơn một thời con gái". Bộ phim dài 9 tập, thời lượng 270 phút, với một tập chính luận và 8 tập chuyên đề.
Phim đã ghi nhận, tôn vinh, tái hiện hình ảnh các lực lượng Nữ (Bộ đội, TNXP, Dân công hỏa tuyến, Công nhân viên giao thông), đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, công tác trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ, ác liệt trên chiến trường Trường sơn anh hùng, huyền thoại.
Thiếu tướng Võ Sở-Chủ tịch Hội TSVN chủ trì hội nghị;
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực Hội TSVN, đánh giá, nhận xét về chất lượng nghệ thuật phim và quá trình thực hiện bộ phim. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định trong báo cáo Tổng kết Phim:
PHIM TRƯỜNG SƠN MỘT THỜI CON GÁI THÀNH CÔNG NGOÀI MONG ĐỢI.
Chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn – 19/5/2019, trong kế hoạch chuẩn bị tổ chức sự kiện trọng đại này của Trường Sơn, từ giữa năm 2018, Hội Trường Sơn Việt Nam chúng tôi đã dự kiến làm phim về sự kiện đầy ý nghĩa này. Một sự trùng hợp và may mắn là, Hội chúng tôi đã nhận được kế hoạch làm phim “Trường Sơn một thời con gái” từ ý tưởng của đồng chí Nguyễn Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam và đạo diễn Trần Tuấn Hiệp cùng nhà biên kịch Hạnh Lê…
Hội Trường Sơn Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc cùng các đồng chí để xin tài trợ thực hiện bộ phim “Trường Sơn một thời con gái”.
Với tư cách làm chủ đầu tư, Hội TSVN đã nhanh chóng ký kết hợp đồng cùng Cổng Thông tin Hội Nhà báo Việt Nam và Đoàn làm phim thực hiện bộ phim “Trường Sơn một thời con gái”. Do thời gian, hai bên đã thống nhất thực hiện làm hai giai đoạn. Tập phim “60 năm Trường Sơn Anh hùng” – tập phim tổng hợp về chặng đường 60 năm truyền thống Trường Sơn Anh hùng được thực hiện để kịp chiếu trong dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Tập phim tư liệu mang tính chính luận này đã gây ấn tượng mạnh với xã hội trước thềm kỷ niệm. Tập phim đã dành Giải Ba Giải thưởng của Bộ Quốc phòng năm 2019 đã khẳng định chất lượng của tập phim.
Để triển khai kế hoạch thực hiện 8 tập phim còn lại theo Hợp đồng, Hội TSVN đã tích cực chuẩn bị các nhân chứng lịch sử, cung cấp các địa chỉ và tổ chức để Đoàn làm phim thực hiện ghi hình các nhân chứng tại nhiều địa phương. Đoàn làm phim đã thực hiện nhiều chuyến đi gặp nhân chứng, ghi hình, sưu tầm tài liệu. Đạo diễn và ê kíp làm phim đã sưu tầm nhiều thước phim, hình ảnh tư liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về cuộc sống chiến đấu các binh chủng của bộ đội Trường Sơn…
Điều ấn tượng với người xem là việc chọn nhân vật “dẫn chuyện” đưa khán giả khám phá các chủ đề về các tập phim. Đạo diễn đã chọn người dẫn chuyện là đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên – Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Việt Nam – người quê hương Quảng Bình, nơi mảnh đất khởi đầu và có nhiều gắn bó với Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn. Với chất giọng Quảng Bình ngọt ngào, tình cảm, người “dẫn chuyện” Hoàng Thị Ái Nhiên đã đưa khán giả gặp gỡ một cách tự nhiên, chân thực các cô gái Trường Sơn năm nào. Ký ức một thời tuổi trẻ hồn nhiên tươi đẹp và phơi phới ước mơ; ký ức về cuộc sống chiến đấu gian khổ cùng cực trên Trường Sơn; về tình cảm đồng đội, về hạnh phúc gia đình, về những thiệt thòi của những cô gái Trường Sơn năm nào trở về với cuộc sống đời thường, họ đã phải vật lộn với bao khó khăn trong cuộc sống và sức khỏe để tiếp tục xây dựng cuộc sống mới…Những gương mặt con gái Trường Sơn năm xưa, giờ thời gian và cuộc sống đã hằn sâu trên gương mặt họ. Nhưng hôm nay trong tâm sự của họ vẫn tràn đầy chất “Trường Sơn” – yêu đời, hồn nhiên và chân thật qua lời nói, cử chỉ… Suốt 220 phút của 8 tập phim “Trường Sơn một thời con gái” hàng chục nhân chứng xuất hiện trên phim đã làm bật lên chủ đề của mỗi tập phim. Không một lần người xem thấy hình bóng người phỏng vấn. Các nhân chứng “Trường Sơn” đã trực tiếp tham gia làm rõ chủ đề một cách tự nhiên, chân thực. Trong nhiều tập phim, người “dẫn chuyện” tham gia trò chuyện cùng các nhân chứng Trường Sơn. Người xem không cảm thấy sự bố chí, dàn cảnh khô cứng, giả tạo. Nó diễn ra tự nhiên như vốn có của cuộc sống… Cách thể hiện ấy đã góp phần làm cho các tập phim “ngọt” hơn “thật” hơn…
Với tinh thần “Vì Trường Sơn” đạo diễn Trần Tuấn Hiệp và ê kíp làm phim đã tập trung dựng 8 tập phim: Những cô gái ra trận. Ký ức ở Trường Sơn. Tuổi xuân để lại chiến trường. Tiếng hát át tiếng bom. Những cô gái ở hai đầu đất nước. Mối tình Trường Sơn. Buồn vui một thời can gái. Xa rồi thời con gái ấy.
Ngày 5/5/2020, Cổng thông tin Hội Nhà báo Việt Nam và e kíp làm phim đã tổ chức trình chiếu báo cáo Hội Trường Sơn Việt Nam cho ý kiến và nghiệm thu 8 tập phim “Trường Sơn một thời con gái”. Lãnh đạo Hội TSVN đã hoàn nghênh và góp những ý kiến cho 8 tập phim.
Từ ngày 15/5/2020, trên VTV2 và một số kênh truyền hình: QPVN, VTC, VOV, HTV… đã đồng loạt khởi chiếu phim “Trường Sơn một thời con gái”.
8 tập phim đã thu hút sự chú ý của các đối tượng xã hội là khán giả xem truyền hình. Phim “Trường Sơn một thời con gái” đã góp phần tuyên truyền và lan tỏa về lịch sử, truyền thống Trường Sơn đối với xã hội.
Có thể nói 8 tập phim “Trường Sơn một thời con gái” là một góc nhìn mới, cách thể hiện mới về một lực lượng đặc biệt của Trường Sơn. Đó là các nữ chiến sĩ bộ đội và TNXP Trường Sơn – lực lượng đã góp phần quan trọng làm nên một Trường Sơn huyền thoại. Bằng hình thức để các nhân chứng tự kể về những câu chuyện chân thực của cuộc sống chiến đấu gian khổ của chính mình và đồng đội trên Trường Sơn, kể về những ước mơ, những câu chuyện tình yêu, chuyện những mất mát hy sinh, cả những góc khuất của số phận trong chiến tranh và sau cuộc chiến được đã được hé lộ… Chiến trường Trường Sơn qua số phận của một thế hệ con gái Trường Sơn hiện ra với những gam màu khác nhau, phong phú và chân thực. Tính chính luận càng được thể hiện rõ qua tiết tấu nhanh của phim. Nhưng trong các tập phim “Trường Sơn một thời con gái” cũng không thiếu những trường đoạn lắng sâu của cảm xúc…
Có một câu chuyện cảm động về sự lan tỏa từ 8 tập phim là: Khi xem 8 tập phim “Trường Sơn một thời con gái”, chị Nguyễn Khánh Loan và Đặng Thị Hưng, đều đã 73 tuổi, nguyên cán bộ Bộ Ngoại thương đã nhiều lần rơi nước mắt vì cảm động. Các chị đã gặp đồng chí Phạm Thành Long, Trưởng ban Tuyên truyền – Thi đua Hội TSVN bày tỏ nguyện vọng được tặng quà cho 5 chị nữ chiến sĩ Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn. 5 đồng chí nữ chiến sĩ Trường Sơn theo giới thiệu của Hội Nữ CSTS có hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn và mắc bệnh hiểm nghèo ở Hà Nội và Phú Thọ đã được hai chị tặng 17 triệu đồng. Hai chị còn gửi tặng Quỹ nghĩa tình Trường Sơn của Hội TSVN 5 triệu đồng. Nhân dịp này 2 hội viên nữ Trường Sơn đã tặng thêm mỗi chị một túi quà và 20 kg gạo.
Tuy về thời gian, phim “Trường Sơn một thời con gái” đã không thực hiện được theo đúng kế hoạch đặt ra từ ban đầu. Song đó là do chúng ta đã không lường hết được khối lượng công việc đồ sộ khi thực hiện 9 tập phim này. Vì thế chúng ta đã thống nhất có những bước điều chỉnh kế hoạch thời gian của Hợp đồng.
Với tư cách là chủ đầu tư, Hội TSVN đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà sản xuất và ê kíp làm phim thực hiện theo kế hoạch. Tiến độ cấp kinh phí thực hiện một cách thuận lợi theo đúng Hợp đồng.
Đến bây giờ, chúng ta có thể khẳng định rằng, bộ phim “Trường Sơn một thời con gái” đã hoàn thành tốt đẹp. Quyết định đầu tư của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho bộ phim này đã được chúng ta khẳng định: Sự đầu tư đặc biệt cho Trường Sơn ấy là xứng đáng. Bộ phim đã góp phần không chỉ làm phong phú thêm cho những giá trị cống hiến của Trường Sơn mà còn góp thêm một góc nhìn về hiện thực Trường Sơn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.
Nhân dịp này, thay mặt Hội TSVN, tôi trân trọng cám ơn sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Quốc phòng, của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và Tổng cục Chính trị và Cục Tài chính với Hội Trường Sơn Việt Nam. Nếu không có sự quan tâm đầy ý nghĩa đó, chúng ta không thể có phim “Trường Sơn một thời con gái”.
Trân trọng cám ơn đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, người đã “kể câu chuyện hấp dẫn” về số phận của một lớp thế hệ con gái Trường Sơn.
Trân trọng cám ơn chị Hoàng Thị Ái Nhiên “người dẫn chuyện” tuyệt vời của 8 tập phim. Cám ơn sự nhiệt tình đầy trách nhiệm của chị từ khi còn là ý tưởng cho tới quá trình thực hiện các tập phim. Thiếu chị, chắc chắn “Trường Sơn một thời con gái” không thể có điều kiện ra mắt hôm nay.
Trân trọng cám ơn Nhà văn Hạnh Lê người viết kịch bản cho bộ phim.
Trân trọng cám ơn ê kíp của Đoàn làm phim đã vượt qua khó khăn để phim “Trường Sơn một thời con gái” kịp ra mắt khán giả.
Trân trọng cám ơn đồng chí Hòa Văn và Cổng Thông tin Hội Nhà báo Việt Nam với vai trò là đơn vị sản xuất phim đã giúp chúng tôi và Đoàn làm phim thực hiện tốt đẹp Hợp đồng để hoàn thành phim này.
Trân trọng cám ơn các nữ CSTS – những nhân chứng của phim “Trường Sơn một thời con gái”. Các chị đã làm nên hồn cốt của 8 tập phim đầy ý nghĩa này.
Trân trọng cám ơn và kính chúc sức khỏe các đồng chí. Chúng tôi mong rằng, trong tương lai chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả cho những tập phim khác về Trường Sơn, về Hội TSVN"
Đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên-Phó chủ tịch TT Hội Liên hiệp PNVN, người đề xuất ý tưởng, chủ đề, nội dung phim; đồng chí Đại tá Nguyễn Hoà Văn, đại diện CổngThông tin điện tử/ Hội nhà báo Việt Nam; đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, trưởng Ê kíp làm phim ; đồng chí Đại tá Tú Lệ, Trưởng phòng Phát hành phim Quân đội; Đại diện Cơ quan Chính trị BĐ12/BQP, cùng nhiều đại biểu khách quý tới dự và phát biểu, đánh giá thành công to lớn của Phim "Trường Sơn một thời con gái " trong công chúng trong và ngoài quân đội
Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo- nguyên Phó Chủ tịch Hội TSVN, nguyên Chủ tịch Hội Nữ CSTSVN, người cùng đồng chí Ái Nhiên đề xuất ý tưởng, nội dung phim và cũng là nữ TNXP tiêu biểu trên tuyến Đường 20 Quyết thắng những năm 1965 đã phát biểu cảm tưởng về bộ phim.
Nữ Trung tá, Bác sỹ Trần Thị Thục Oanh (năm nay 88 tuổi), nhập ngũ năm 1953, tham gia chiến địch Điện Biên Phủ và vào chiền trường Trường Sơn từ những năm 1965 với vai trò “Trợ lý cho ông chủ lớn-Nhà Tư bản- Nhà Tình báo Hậu cần chiến lược Nguyễn Đức Phương của QĐNDVN” . Bà đi khắp các chiến trường ba nước Đông Dương và là một trong những Nữ nhân chứng, nhân vật xuất hiện không nhiều trong phim, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả; Bà đã phát biểu cảm tưởng về bộ phim trong xúc động rơi nước mắt.
Các đồng chí Phó Chủ tịch Hội TSVN: Thiếu tướng Hoàng Kiền; đại tá Trần Văn Phúc; Cùng cán bộ chủ trì các Ban và đại diện Hội Nữ CSTS Việt Nam đã tới dự buổi tổng kết bộ phim và phát biểu cảm tưởng tốt đẹp khi xem bộ phim "Trường Sơn một thời con gái ": xem mãi không biết chán, muốn xem lại nhiều lần nữa...
Phim " Trường Sơn một thời con gái " đã hoàn thành và được công chiếu trên 9 kênh của Đài truyền hình Việt Nam, dịp 19/5/2020. Phim tài liệu " 60 năm Trường Sơn huyền thoại " đã công chiếu tháng 5/2019 và phát lại vào tháng 6 năm 2020. Đặc biệt Phim được Hội nhà Báo Việt Nam tặng giải C cùng với các phim đạt giải xuất sắc trong toàn quốc.
Ghi nhận thành tích của Nhà làm phim, Đạo diễn. Kịch bản, Êkip làm phim, các đồng chí Lãnh đạo Hội TSVN trao tặng Bằng Vinh Danh cho Cổng thông tin điện tử / Hội Nhà báo Việt Nam; tặng Bàng Vinh Danh cho đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên, người có nhiều đóng góp, đồng hành và dẫn chuyện trong phim; tặng Bằng khen cho Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp Trưởng Ê kíp làm phim và Nhà biên kịch Hạnh Lê.
Thay mặt Lãnh đạo Hội TSVN, thiếu tướng Võ Sở đã trân trọng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng Bộ quóc phòng; Thủ trưởng Tổng Cục Chính trị, Cục Tài chính và các cơ quan của Tổng Cục Chính trị QĐNDVN. Cảm ơn Ban Tuyên giáo Trung ương; Trung ương Hội Liên hiệp PNVN; Cổng thông tin điện tử / Hội nhà báo Việt Nam; Đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên; Đồng chí Nguyễn Hoà Văn, Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, Các Nhà quay phim, dựng phim; cùng các hội viên Trường Sơn trong toàn quốc, nhất là các Nữ CSTS là nhân vật, nhân chứng lịch sử tiêu biểu, góp phần cho Phim thành công, đạt mục đích yêu cầu đề ra.
Ban Thường vụ Hội Nữ CSTSVN cũng đã tặng hoa, cảm ơn chị Ái Nhiên cùng Đạo diễn Tuấn Hiệp.
Đại diện Lãnh đạo Cổng thông tin điện tử / Hội nhà Báo Việt Nam đã tặng hoa chúc mừng Hội Trường Sơn Việt Nam và Ê kíp làm phim.
Phim "Trường Sơn một thời con gái " thuộc bản quyền của Hội TSVN, Đạo diễn và Êkip làm phim; Phim sẽ được sao in gửi Cục xuất bản phim để phát hành và công chiếu trên các kênh thông tin chính thống của Quốc gia.
Thể theo nguyện vọng của nhiều tổ chức và cá nhân, Phim sẽ tiếp tục được trình chiếu nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm trong năm 2020 – 2021 và các năm tiếp theo.
Bài, ảnh: Quốc Huy, Thành Long – Ban Tuyên truyền - Thi đua.
Toàn cảnh hội nghị.
Đồng chí Phạm Thành Long -Trưởng Ban Tuyên truyền - Thi đua dẫn chương trình hội nghị .
Đại diện Nhà làm phim dự hội nghị .
Đại diện Lãnh đạo Hội TSVN dự hội nghị .
Đại diện Lãnh đạo Hội TSVN và khách mời dự hội nghị .
Đại diện các Ban Hội TSVN dự hội nghị .
Đại diện các Ban Hội TSVN dự hội nghị .
Đại diện các Ban Hội TSVN dự hội nghị .
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội TSVN báo cáo tổng kết Phim .
Đồng chí Nguyễn Hòa Văn - đại diện Nhà Sản xuất Phim phát biểu .
Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp - Đạo diễn Phim phát biểu .
Đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên - Người dẫn chuyện trong phim Phim phát biểu .
Đồng chí Trần Thị Thục Oanh - Nhân vật, Nhân chứng trong Phim phát biểu .
Đồng chí Phạm Tiến Ích - Phó Ban TTTĐ công bố các Quyết định khen thưởng đoàn làm phim .
Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội TSVN trao tặng Bằng Vinh Danh Nhà Sản xuất Phim và đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên.
Hội Nữ CSTSVN tặng hoa chúc mừng Chị Ái Nhiên Hội LHPNVN người dẫn chuyện trong Phim .
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội TSVN trao tặng Bằng khen cho Đạo diễn Tuấn Hiệp .
Hội Nữ CSTSVN tặng hoa chúc mừng Đạo diễn phim Trần Tuấn Hiệp .
Hội LHPNVN tặng hoa chúc mừng Đạo diễn phim Trần Tuấn Hiệp .
Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội TSVN Tặng Giải Ba Giải Báo chí Quốc gia cho Đạo diễn phim Trần Tuấn Hiệp .
Hội TSVN trao tặng Bằng khen và chụp ảnh lưu niệm với Ê Kíp làm phim.
Hội Nữ CSTSVN chụp ảnh lưu niệm với Ê Kíp làm phim.
Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội TSVN phát biểu kết luận thành công của phim.