Chúng tôi những người lính Trường Sơn năm xưa lại được trở lại Thủ đô của đất nước triệu Voi để tham dự một cuộc triển lãm về “ Đường Tây Trường Sơn” - Con đường chiến thắng, vinh quang và hữu nghị của hai dân tộc Việt - Lào.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU HỘI TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM DỰ TRIỂN LÃM ẢNH
“ Đường Tây Trường Sơn thời kỳ 1961 - 1975 “
Tại nước CHDCND Lào
( Tiếp theo , kỳ 5 )
VI. Đời thường giữa Viên Chăn .
1.Ông Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại CHDCND Lào
Chiều ngày 25/9/2016 Đoàn tới Bảo tàng Lịch sử Quân sự QĐND Lào, được tham gia cùng Đại sứ Quán Việt Nam và các bạn Lào kiểm tra công tác chuẩn bị khai mạc. Có rất nhiều người tham gia các công việc khác nhau, tôi quan sát tại góc phòng có một người đứng tuổi, thân gầy, mặc áo phông, tóc quăn mang dáng nghệ sỹ, không rõ bạn Lào hay dân Việt, đang cắm từng bông hoa vào chân tường để trang trí . Tôi mạnh dạn tới làm quen :
- Dẫy hoa này anh cắm rất đẹp …
- Cám ơn. Anh quá khen.Tôi được tham gia trang trí Triển lãm …
Thế là chúng tôi nói chuyện với nhau rất tự nhiên. Anh tên là Nguyễn Gia Lâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào. Anh khoe có bạn đồng nghiệp là Họa sỹ Ngân Chài nguyên Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Chúng tôi cảm thấy như người thân, hôm nay được gặp lại trên đất bạn Lào!. Trưa ngày 26/9/2016 anh lái xe đưa chúng tôi từ phòng Triển lãm về thăm cơ quan. Anh dẫn đi xem Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào: Căn biệt thự 2 tầng, mặt bằng rộng chừng 200 m2. Tầng 1 trang trí các tranh ảnh về những nét tiêu biểu nền Văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, trưng bày các loại sách báo tiếng Việt. Bên cạnh có phòng đọc sách, phòng học tiếng Việt chứa được 120 chỗ ngồi, có màn hình để minh họa. Anh cho biết, rất nhiều cán bộ các ngành của bạn Lào tới đây theo học tiếng Việt.
Nhân dịp này tôi thay mặt Đoàn tặng Huy hiệu Trường Sơn cho cán bộ ở Trung tâm VH . Anh Lâm thay mặt TT tặng chúng tôi bức tranh kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào ( 1995 – 2015 ), một bên là hình Chùa Một cột và một bên là hình Thạp Luồng. Ngày hôm sau trước khi chia tay anh đến khách sạn tặng chúng tôi một số tờ báo tiếng Lào viết về Triển lãm Đường Tây Trường Sơn , có rất nhiều ảnh đẹp in hình Đoàn tham dự khai mạc.Tôi chỉ còn biết cám ơn và hẹn gặp nhau tại Hà Nội…
2. Gặp phóng viên Báo QĐND tại Lào .
Tại cuộc Triển lãm rất nhiều phóng viên từ báo viết, báo nói tới báo hình đến phỏng vấn Đoàn. Có một phóng viên khá trẻ, đẹp trai, ăn mặc lịch sự và hơi thư sinh. Tôi hỏi anh ở báo nào :
- Cháu ở Báo QĐND, bút danh là Chiến Thắng .
Tôi nắm tay anh và nói: Nhà báo Đỗ Phú Thọ, Trần Hoàng Tiến, Bích Trang …là những người thân với Hội Trường Sơn, hôm nay lại gặp anh. Anh Thắng ghi vội cho tôi số điện thoại rồi đi theo Đoàn Đại biểu Quốc hội. Ngày 28/9/2016, cầm tờ báo QĐND trên tay tôi đọc bài Trường Sơn một dải nghĩa tình, ghi tác giả Chiến Thắng ( từ Viên Chăn ). Tôi “ à “ lên một tiếng ! Sau đó trên mặt báo QĐND có rất nhiều bài của anh từ Phnom penh đến My an ma … Chiều ngày 6/10 tôi điện cho anh và nhắc lại đã gặp nhau tại Viên Chăn rồi nói :
- Cám ơn anh Chiến Thắng đã nói giúp Bô đội Trường Sơn qua cuộc triển lãm trên đất bạn Lào. Tuy chúng tôi là những nhân chứng sống của Lịch sử, nhưng qua bài viết của anh đã nói lên những tình cảm sâu nặng nghĩa tình của của nhân dân Lào với Bộ đội Việt Nam được ngưng đọng qua từng bức ảnh để truyền thụ tới các bạn trẻ …
- Cám ơn Bác và các Bác trong đoàn. Chính chúng cháu mới là những người cám ơn các Bác đã góp phần làm sinh động cho buổi Triển lãm và đã góp phần thêu dệt nên tình.hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam và Việt Nam - Lào trước đây, hiện nay và trong tương lai ..
3. Những Nhà sư đi khất thực buổi sáng .
Tôi có một kỷ niệm không quên cách đây 41 năm . Đó là vào tháng 3/1975 Đoàn cán bộ của Cục Công binh Trường Sơn do cố Cục phó Đỗ Xuân Diễn dẫn đầu đi kiểm tra đường từ Đường 9, qua Bản Đông, qua Bạc và tới Tà Ngâu giáp Campuchia để chuẩn bị cho chiến dịch lớn. Những đoàn xe chở quân, binh khí kỹ thuật ầm ầm lao về phía nam làm cho con đường ra trận mịt mù cát bụi nhưng vẫn thấp thoáng những ngôi chùa cổ kính ở Tha Teng , Bản Phồn …Đoàn dừng lại ở thị xã Atopo nơi có Tiểu đoàn Công binh đang làm nhiệm vụ. Đoàn tranh thủ đến thăm một ngôi Chùa được ca ngợi là có các Nhà sư rất cảm tình với cách mạng . Đây là lần đầu tiên tôi được thăm ngôi Chùa ở Lào soi bóng bên dòng sông Mê Kông trong xanh .
Ngôi Chùa có dáng mái rất dốc, có nhiều đỉnh nhọn của những ngọn tháp và thấp thoáng những cây thốt nốt, hoa Chăm pa. Đó là hai biểu tượng vừa bất khuất , vừa hiên hiên ngang của dân tộc Lào .
Hôm nay được thăm Viên Chăn có rất nhiều ngôi Chùa còn đẹp hơn ở Atopo, nhưng kỷ niệm trong tôi vẫn còn nguyên vẹn. Có nhiều người nói: Đến thăm Lào, vào Chùa thắp hương mà không đi xem Nhà Sư đi khất thực buổi sáng thì chưa phải là đã … thăm Lào .
Sớm nay tôi dậy từ 5 giờ sáng, nghe âm thanh tiếng chuông xa xa vọng lại, gần gũi như tiếng chuông Chùa ở Việt Nam. Đó là hiệu lệnh để các Nhà Sư tập trung. Tôi đi dần tới Chùa đã thấy từng đoàn Nhà Sư đi ra các hướng , khoảng 8 - 15 người. Chân trần, khoác áo Cà sa mầu vàng, vai đeo túi, đi thành hàng như như những người lính hành quân. Các nhà ở mặt đường đã dậy, quét dọn sạch sẽ, trải chiếu và để lên chiếc bàn nhỏ như típ xôi, bánh kẹo, hoa quả, tiền kíp …Tôi để ý thấy khi đoàn Nhà Sư đi tới, mọi người quỳ và chắp tay trước ngực cung kính thay lời chào ( mắt không được ngước nhìn Nhà Sư ) từng người lấy hoa quả , xôi , tiền … cho vào các túi của các nhà sư . Sau đó vẫn quỳ và lại chắp tay trước ngực như vái . Tôi cũng làm theo : đầu gối quỳ xuống, chắp tay trước ngực và trao mấy đồng tiền kíp vào túi các Nhà Sư …Các Nhà Sư nhận xong quà ra đứng thành hàng quay mặt vào những người đã kính tặng quà và đoc… tạm gọi là đọc … kinh với âm điệu rất đều như màn đồng ca rồi các Nhà Sư đi tiếp! ( rất tiếc là tôi không biết tiếng Lào ). Sau đó mọi người trong gia đình mới tiếp tục công việc thường nhật. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ , chính các Nhà Sư đi khất thực như vậy đã giúp đỡ rất nhiều Cán bộ, Bộ đội Việt Nam và Lào trụ vững trong những tháng năm gian khổ ác liệt để để hoạt động Cách mạng cho đến ngày thắng lợi và tôi càng hiểu thêm về các Nhà Sư họ không : Tham ,Sân , Si…
4. Chợ Sáng em đi buổi chiều …
Mặc dù chương trình ở Viên Chăn mấy ngày dự Triển lãm rất bận, nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ đi tham quan thành phố và đi chợ. Đến thăm cổng Hoàn môn ở Trung tâm thành phố, nghe nói được xây dựng từ thời ông Coong le những năm 60 của thế kỷ trươc. Cả một không gian thoáng mát rộng hàng chục ha, cây cối hoa lá xanh tươi gợi lên một cuộc sống thanh bình của đất nước Triệu voi. Rất nhiều khách nước ngoài và dân Lào, khá nhiều trẻ em , các đôi nam nữ cũng tới dạo chơi và chụp ảnh kỷ niệm. Mọi người thường lấy cảnh : mặt hướng về phía mặt trời, phía sau là đài phun nước, phun vút lên cao hàng chục mét, được mặt trời phản chiếu óng ánh càng tô thêm cho cổng Hoàn môn hoành tráng .
Chúng tôi đến chợ Sáng vào một buổi chiều, là Trung tâm Thương mại có hàng thế kỷ . Tôi vẫn nhớ cách đây gần 30 năm, vào những năm 1988 – 1989, chợ Sáng được bạn Lào xây dựng lại do nhà thầu Việt Nam xây dựng. Binh đoàn 12 là đơn vị cung cấp sắt thép, được tái xuất sang Lào. Sau khi xây dựng xong tôi được Binh đoàn cử sang làm việc với bạn để thanh quyết toán. Phía bạn cử một đồng chí có hàm Cục trưởng, trong khi tôi chỉ có chức Trưởng phòng Kế hoạch Binh đoàn 12. Anh Hoàn phiên dịch nói nhỏ: Em sẽ giới thiệu anh là Cục trưởng Cục Kế hoạch của Binh đoàn 12. Tôi hơi lưỡng lự thì anh Hoàn nói: Thế mới môn đăng hộ đối về đối ngoại. Tôi cười rồi ung dung vào cuộc họp và sau này luôn mơ thấy mình là Cục trưởng cách đây gần 30 năm…Không ngờ hôm nay “ ông Cục trưởng “ lại có mặt tại chợ Sáng …
Chợ Sáng mới đã được xây dựng ngay bên cạnh chợ Sáng cũ, trông khang trang to đẹp hơn, nhưng nhịp sống Thương mại không vì thế mà yếu đi. Chúng tôi đi tìm những gian hàng có chủ là người Việt Nam, dễ giao lưu lại trả bằng tiền Việt, khỏi phải mua tiền Kíp, xem giá trên máy tính rồi nhẩm ra tiền Việt để so sánh đắt, rẻ mới quyết định cuối cùng. Nhiều người chỉ mua hàng tầm tầm làm kỷ niệm, như : xà phòng thơm con vẹt, thuốc đánh răng, dầu xoa bóp Thái Lan, bấm móng tay có hình di tích lịch sử của Lào, áo phông …Cũng có người mua hàng điện tử... Thế mà có người tiêu hàng triệu đồng tiền Việt và vét tới đồng tiền kip cuối cùng. Vậy có thơ rằng :
Em đi chợ Sáng buổi chiều
Tiền kíp thì ít , hàng nhiều , người đông …
Quanh đi quẩn lại mấy vòng ,
Thôi đành mua mấy áo phông làm quà …
5. Ống thuốc đánh răng ở lại sân bay Wattay ( Viên Chăn )
Đoàn ra máy bay Wattay lúc 18h30 để làm thủ tục. Mọi người nhắc nhau không được mang theo hàng kim khí, hàng nước … vào túi xách tay . Khi qua cổng kiểm tra an ninh, đèn điện tử nhấp nháy liên tục và tiếng còi rít lên, báo hiệu có vật lạ trong túi xách của anh Đặng Sơn. Anh Đặng Sơn được mời dừng lại và kiểm tra từng mặt hàng. Đây rồi ống thuốc đánh răng Thái, mới mua buổi chiều mắt gần 50.000 kíp ( tương đương 150.000 VND ). Lại đây một miếng lương khô Bay còn nguyên vẹn giấy bọc thiếc. Nhân viên anh ninh đưa lên ngắm nghía nhiều lần chưa biết là cái gì . Anh Cam thấy vậy lấy tay làm hiệu đưa lên miệng nói to : Phát phút, phảt phút ( tiếng Anh là đồ ăn liền ) . Nhân viên an ninh nhìn lần nữa rồi mỉm cười trả lại anh Sơn. Riêng ống thuốc đánh răng nhân viên an ninh cầm lấy và vứt luôn vào thùng chứa bọc nhựa trong suốt có khóa ( bên trong đủ thứ nào kéo nhựa, chìa khóa, bấm móng tay …) Tôi để ý thấy nét mặt anh Sơn như căng ra và đôi mắt hút mãi vào thùng chứa …chắc là anh rất tiếc …Đây là quy định rất chặt chẽ của ngành Hàng không để đề phòng chống khủng bố . Khi đã yên vị trên ghế trong máy bay, tôi chia sẻ với anh Sơn :
Nghĩ mà khổ cái thân này
Thuốc đánh răng để lại để tôi bay một mình .
Lương khô xem kỹ , mấy lần
Anh Cam ra hiệu phát phút mới dần dần cho qua .
Tưởng rằng trọn vẹn gói quà
( Đâu ngờ ) Năm mươi ngàn kíp , thế là đi tong …
Cả đoàn cười ồ lên … Vui, chúng tôi vui với những ngày được sống lại như một giấc mơ về ký ức - Ký ức một thời mà trong gian khó - Hai Dân tộc; Hai Đảng và Quân đội nhân dân hai nước đã gắn bó thủy chung bằng tình đoàn kết đặc biệt … Để rồi hôm nay đây - Chúng tôi những người lính Trường Sơn năm xưa lại được trở lại Thủ đô của đất nước triệu Voi để tham dự một cuộc triển lãm về “ Đường Tây Trường Sơn” - Con đường chiến thắng, vinh quang và hữu nghị của hai dân tộc Việt - Lào.
ĐỜI THƯỜNG GIỮA VIÊN CHĂN - NHỮNG HÌNH ẢNH GHI LẠI
Đoàn chụp ảnh kỷ niệm với ông Nguyễn Gia Lâm - GĐ Trung tâm VH VN tại Lào
Đồng chí Nguyễn Bá Tòng (bên phải) chụp ảnh kỷ niệm với ông Nguyễn Gia Lâm - GĐ TTVH VN tại Lào
Ông Nguyễn Gia Lâm lái xe đưa đoàn thăm TTVH VN tại Lào
Ông Nguyễn Gia Lâm (ở giữa ) - GĐ TTVH VN tại Lào tặng tranh cho đoàn
Ông Nguyễn Gia Lâm giới thiệu phòng trưng bày tư liệu về VN với đoàn
Các Nhà Sư đi khất thực buổi sáng
Người dân dâng lễ vật cho các Nhà Sư
Các Nhà Sư đọc kinh sau khi nhận lễ vật của người dân
Ông Trần Văn Phúc chụp ảnh với một số người dân dâng lễ buổi sáng
Một góc chợ Sáng cũ (bên trái) và chợ Sáng mới
Đoàn dừng tại 1 cửa hàng điện tử ở Sáng cũ
Bức tranh phong cảnh Trung tâm VH VN tại Lào tặng đoàn
Bức ảnh của pv Chiến Thắng (báo QĐND) chụp tại triển lãm
Bài báo của pv Chiến Thắng (đăng trên báo QĐND số ra 28/09/2016)
Các báo tiếng Lào đưa tin về triển lãm Đường tây TS ra ngày 27/09/2016
(báo ND , QĐND ,Thời báo kinh tế , An ninh, Viên-chăn)
Bài và ảnh Trần Văn Phúc
(Chánh Văn phòng TW Hội Trường Sơn)