C756 TNXP-N75 Ngày ấy bây giờ.
Ngày ấy, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang trên đà phát triển mạnh, thì hơn 200 nam thanh, nữ tú con em của huyện Hà Trung đã náo nức viết đơn tình nguyện gia nhập đội TNXP chống Mỹ cứu nước. Buổi sáng ngày 25/10/1968 tại sân đình làng Mậu Yên, xã Hà Lai nhôn nhịp hẳn lên. Sau lễ bàn giao thì chúng tôi đã trở thành những chiến sĩ TNXP trong mầu áo xanh người lính. Sau một tuần học tập chính trị, rèn luyện đội ngũ, vào hồi 16 giờ ngày 01/11/1968 đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân vào tuyến lửa. Ga Đò Lèn là địa điểm dừng chân trước khi lên tầu của đơn vị, đến 17g cùng ngày đoàn tầu Thanh Hóa- Vinh chuyển bánh đưa đơn vị hướng vào phương Nam.
Đêm đầu tiên xa nhà, xa quê hương cả đơn vị không ai chợp mắt được, đến gần sáng hôm sau đơn vị đã tới ga Vinh, từ đây đơn vị tiếp tục hành quân theo đường giao liên. Mặc dù vất vả đường dốc, cheo leo nhưng các chiến sĩ trong đơn vị đều chấp hành tốt kỷ luật hành quân. Một điều làm cho mọi người trong đơn vị không bao giờ quên là, trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, do máy bay liên tục ném bom bắn phá, nhưng các trạm giao liên mà đơn vị đi qua đều được anh chị em trong trạm chuẩn bị chu đáo, từ bữa ăn, giấc ngủ cho chiến sĩ.
Sau gần 20 ngày hành quân vất vả, băng rừng, lội suối, đơn vị TNXP C756 cũng đã đặt chân lên tuyến lửa Quảng Bình. Tại đây 150 đồng chí được biên chế vào C756-N75-P31, còn lại 50 đồng chí được biên chế vào C833, C834 N83 và sau này được đổi thành N89. Sau đó C756 đóng quân tại xóm Trứng, xã Minh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, còn C833 tiếp tục hành quân vào đường 12. Những tháng ngày tiếp theo có biết bao gian khổ, hy sinh, nhưng dù bom đạn ác liệt cán bộ chiến sĩ C756 vẫn lạc quan yêu đời và những đoàn xe vẫn nối đuôi nhau vào chiến trường phía Nam. Những năm tháng tuổi trẻ của cán bộ chiến sĩ C756 còn ghi đậm trong mỗi người, có biết bao kỷ niệm buồn vui hiện hữu. Đó là vào tháng 2/1970, máy bay Mỹ đã ném bom vào giữa đội hình đóng quân của đơn vị làm cho lán trại cháy gần hết, lượng thực thực phẩm mất hết, quần áo cán bộ, chiến sĩ cũng cháy hết. Cũng thời gian ấy C833 bị máy bay ném bom vào độ hình đơn vị khi đang làm nhiệm vụ trên tuyến, một số đồng chí hy sinh như đ/c Lèo, đ/c Ngưu, đ/c Thành.
Thời gian qua đi, nỗi đau vơi dần, đơn vị lại tiếp tục hành quân đến những cung đường mới, cây cầu mới. Nhưng dù ở đâu cán bộ chiến sĩ C756 luôn thấm nhuần câu khẩu hiệu “ Sống Bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Những năm tháng trên Trường Sơn, những trọng điểm ác liệt như cầu Khe Ve, cầu Khe Tang, trọng điểm 468 đường 15A, rồi La Trọng, Bãi Dinh… vẫn còn in đậm trong tâm trí của mỗi cán bộ chiến sĩ C756. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, một số đồng chí đi học, hay chuyển ngành, một số đồng chí chuyển vào các đơn vị quân đội tiếp tục ở lại Trường Sơn. Còn đa số anh chị em trở về địa phương xây dựng cuộc sống mới, nhiều anh chị em trưởng thành trong các cơ quan, xí nghiệp của nhà nước.
Năm 2001 thể theo nguyện vọng của nhiều đồng chí một Ban Liên lạc được thành lập, từ đó Ban Liên lạc hoạt động có hiệu quả. Hàng năm tổ chức cho anh chị em gặp mặt nhau để ôn lại những năm tháng ở Trường Sơn, thăm hỏi động viên anh chị em trong đời thường có hoàn cảnh khó khăn, tạo mọi điều kiện để vượt qua. Đồng thời Ban liên lạc còn là nhân chứng lịch sử, giúp các cơ quan có thẩm quyền rà soát thực hiện chính sách cho người có công, Vì vậy nhiều anh chị em được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Một điều đáng được quan tâm là mỗi lần gặp mặt truyền thống, Ban liên lạc đã dành một món quà nhỏ trao tặng cho một số anh chị em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Với những thành tích hoạt động nói trên, nhân dịp Đại hội Đại biểu Hội cựu TNXP huyện Hà Trung niệm ký III ( 2015-2020). C756 vinh dự được tỉnh Hội Cựu TNXP Thanh Hóa tặng cờ truyền thống. Đây là món quà ý nghĩa, là động lực giúp C756 tiếp tục vươn lên và làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội./
Bùi Văn Hoằng
Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hóa
Email : hoang1592@gmail.com
Đồng chí Lê Trung Sơn chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa tặng cờ truyền thống cho C756.
Chụp ảnh lưu niệm