Thăm chiến trường xưa trên đất Bạn Lào - Phạm Huy Chương

Ngày đăng: 08:00 25/04/2017 Lượt xem: 709

Kỷ niệm 42 năm miền nam hoàn toàn giải phóng 30/4 và 70 năm ngày TBLS (27/7/1947 – 27/7/2017.)

 

            THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA TRÊN ĐẤT BẠN LÀO

                                                           Ghi chép của Phạm Huy Chương

 

      Kỷ niệm 42 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/. Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày TBLS ( 27/7/1947 – 27/7/2017). Trong không khí tưng bừng cùng cả nước hướng về ngày ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Trung tâm Tổ chức thăm chiến trường xưa Bộ đội Trường Sơn - Quân tình nguyện Việt – Lào, vừa tổ chức chuyến thăm chiến trường xưa của đoàn CCB Bộ đội Trường Sơn và BTL Công binh trên đất bạn Lào.

     Trước chuyến đi, đoàn đã về thăm và dâng hương kính Bác tại Hoàng Trù và Làng Sen quê của Người. Với chúng tôi, dẫu đến đây không phải là lần đầu, nhưng trong ai cũng bồi hồi, xúc động, khi trở lại được ngắm nhìn từng cảnh vật, hiện vật còn được lưu giữ nguyên vẹn ở cả hai quê, nội, ngoại của Người. Về thăm quê Bác trong mỗi chúng tôi lại trào lên nỗi nhớ Bác không nguôi. Dẫu trong lớp tuổi chúng tôi có nhiều người chưa được gặp Bác lần nào, nhưng đi suốt cuộc đời, từ khi còn ngồi học dưới mái trường làng, đến lúc trưởng thành  bước vào quân ngũ, rồi vượt Trường Sơn ra trận, bóng hình của Bác vẫn luôn bên chúng tôi, cùng hành quân trên đường ra trận. Và hôm nay đã gần 50 năm ngày Bác đi xa, nhưng đạo đức của Người, phong cách của Người, những lời dạy của Người, chúng con vẫn nhớ khắc ghi trong lòng. Về thăm Bác hôm nay, chúng con nguyện hứa với Bác: sẽ mãi gìn giữ sáng trong phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

      Xe đưa chúng tôi vượt ngang dãy núi Trường Sơn hùng vỹ, theo đường  quốc lộ số 8, qua cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh. Chặng đường  đi hơn 400 cây số qua quốc lộ 8, quốc lộ 13, chúng tôi đến thủ đô Viêng Chăn. Buổi sáng đầu tiên trên đất bạn, thay mặt đoàn CCB Bộ đội Trường Sơn, các đồng chí: Thiếu tướng AHLLVTND Hoàng Kiền, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Thiếu tướng Mai Ngọc Linh, Thiếu tướng Hoàng Sỹ Nam, Thiếu tướng Vũ Nhật Minh và sỹ quan cao cấp nguyên là Chính ủy, Tư lệnh, Phó Tư lệnh Công binh qua các thời kỳ, đã đến thăm Cục Công binh Quân đội ND Cách mạng Lào. Tại đây các tướng lĩnh và sỹ quan  nguyên là lãnh đạo binh chủng Công binh Lào – Công binh Việt Nam đã có dịp ôn lại những kỷ niệm về những năm tháng không thể nào quên trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, của hai dân tộc Việt – Lào. Họ đã sát cánh bên nhau ngày đêm xây dựng nên hàng trăm cung đường phía tây Trường Sơn. Đấy là những con đường ô tô, đường giao liên, đường đi bộ gùi hàng, đường cho xe thồ, đường lên bản; Trên những con sông Sê Pôn, Sê Băng Hiêng là những con đường giao thông thủy… tổng chiều dài của những con đường ấy hơn hai vạn cây số vượt Tây Trường Sơn, qua đất bạn Lào để chi viện sức người, sức của ra tiền tuyến. Nhờ có hệ thống đường như thế mà chúng ta đã làm nên chiến thắng: Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, Cánh đồng Chum, Mường Phìn,  Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, chiến thắng Bản Đông, Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Chiến thắng Tây Nguyên, để đi đến Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh 30/4 toàn thắng. Chiến thắng kẻ thù chung, hai đất nước anh em Việt – Lào đã giành được độc lập trọn vẹn. Nhân dân hai nước cùng bước vào công cuộc dựng xây kiến thiết đất nước. Trong sự nghiệp ấy, lực lượng công binh Lào – Việt lại càng thêm gắn bó, thủy chung, giúp đỡ nhau cùng xây dựng lực lượng, xây dựng quân đội Lào – Việt ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ Tổ quốc trong mọi tình huống.

      Tại tỉnh Chăm Pa Sắk. Đoàn CCB Bộ đội Trường Sơn, BTL Công binh đã đến thăm và giao lưu với  Hội CCB tỉnh Chăm Pa Sắk. Các CCB tỉnh chăm Pa Sắk dành cho đoàn những tình cảm nồng thắm, mang nặng nghĩa tình đoàn kết, keo sơn gắn bó giữa hai quân đội, hai dân tộc Lào – Việt anh em. Thay mặt Hiệp hội CCB tỉnh Chăm Pa Sắk Trung tá Khăm Xing, Chủ tịch Hiệp hội, ghi nhận và bày tỏ sự biết ơn, sự giúp đỡ của Đảng, nhân dân, quân đội Việt Nam, đã giành cho nhân dân quân đội Lào nói chung, và giành cho tỉnh Chăm Pa Sắk nói riêng, cả tinh thần và vật lực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập, tự do cho đất nước Lào tươi đẹp. Để có những thành quả như hôm nay, đã có biết bao đồng chí, là bộ đội quân tình nguyện Việt – Lào anh dũng hy sinh, quên mình trên đất nước Lào. Cho đến nay cuộc chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng nhiều đồng chí vẫn còn nằm lại nơi đây chưa về được với đất mẹ Tổ quốc. Gương hy sinh anh dũng của các anh, dành cho đất nước Lào tươi đẹp, là những tấm gương sáng cho các CCB, nhân dân, quân đội Lào đời đời biết ơn và noi theo. Thay mặt đoàn CCB Bộ đội Trường Sơn, BTL Công binh  về thăm chiến trường xưa trên đất bạn Lào, AHLLVTND Thiếu tướng Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam, nguyên Tư lệnh Công binh,  bày tỏ cảm ơn tỉnh cảm của nhân dân và các CCB tỉnh Chăm Pa Sắk đã dành cho đoàn. Được trở lại thăm những địa danh, từng là chiến trường năm xưa của Bộ đội Trường Sơn, của quân tình nguyện Việt - Lào, sang làm nhiệm vụ Quốc tế cao cả,  mà Đảng, nhân dân, quân đội hai nước đã giao phó. Hôm nay đất nước đã thanh bình, các CCB Bộ đội Trường Sơn Việt – Lào, cùng chung một chiến hào đánh Mỹ năm xưa đã trở về với cuộc sống đời thường, vẫn tiếp tục đoàn kết, chung tay góp sức xây dựng cuộc sống mới trên quê hương đất nước, thêm mạnh giàu hơn.

    Buổi sáng, Cao nguyên Pô Nô Ven, đầy nắng, đầy gió, của đất nước Lào tươi đẹp. Đoàn CCB Bộ đội Trường Sơn, BTL Công binh và đại biểu của Hiệp hội CCB Lào, đã  cùng đến thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ, Bộ đội Trường Sơn, quân tình nguyện Việt - Lào tại Đài tưởng niệm liệt sỹ  Việt – Lào vừa mới được xây dựng và cắt băng khánh thành tại huyện Pắc Xoòng tỉnh Chăm Pa Sắk. Trên mảnh đất cao nguyên Pô Nô Ven anh hùng này. Nơi đây hơn 40 năm về trước, là những trận giao tranh diễn ra ác liệt giữa ta và địch. Để có được Chăm Pa Sắk và đất nước Lào tươi đẹp hôm nay đã có biết bao máu đào của các liệt sỹ Pha Thét Lào, và bộ đội quân tình nguyện Việt Nam đổ xuống nơi đây. Chúng tôi bồi hồi xúc động, thắp cho các anh những nén hương thơm mang từ đất mẹ quê nhà. Chúng tôi thầm gọi tên các anh. Các anh ơi, đồng đội yêu dấu của tôi ơi! Đất nước hòa bình đã hơn 40 năm rồi. Hôm nay từ đất mẹ Việt Nam, chúng tôi mới đến thăm các anh đây. Các anh ơi có biết! Ở quê nhà, đất nước quê hương mình, đang đổi mới từng ngày. Ai cũng hiểu rằng: có được cuộc sống như ngày hôm nay, là có sự hy sinh lớn lao của các anh – những người đã hiến trọn tuổi thanh xuân vì nghĩa lớn của hai dân tộc Việt – Lào hôm nay. Chúng tôi những đồng đội của các anh năm xưa, nguyện hứa: sẽ sống phần còn lại của cuộc đời mình một cách xứng đáng với máu đào của các anh đã hiến dâng cho Tổ quốc.

     Từ Chăm Pa Sak, chúng tôi tiếp tục xuôi đường 13, đường 16 đi Sê Koong đến At Tô Pư - Nam Lào. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, At Tô Pư là một trong những tỉnh nghèo của vùng đất Cao nguyên Pô Nô Ven. Song đây cũng là chiến trường ác liệt giữa ta và địch trên ở Nam Lào. Trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ ấy, đã có bao người con yêu dấu của quê hương đất nước Lào và bộ đội quân tình nguyện Việt Nam anh dũng hy sinh trên miền đất này. Tưởng nhớ và biết ơn sự hy sinh anh dũng của các anh, nhân dân, đồng bào các dân tộc tỉnh At Tô Pư đã dựng lên tượng đài tri ân các anh hùng liệt sỹ ngay tại tại thị xã At Tô Pư  này để hàng ngày đồng bào và nhân dân nơi đây được thay mặt người thân của các anh ở xa quê nhà, thường xuyên đến thăm viếng các anh. Và hôm nay điều ấy lại càng làm cho mỗi CCB Bộ đội Trường Sơn chúng tôi về đây xúc động hơn. Trong những người về thăm các anh hôm nay, có cả các CCB và bà con nhân dân trên đất bạn Lào, đã cùng chúng tôi về đây thắp hương tri ân các anh…

     Những ngày về thăm chiến trường xưa trên đất bạn Lào không nhiều. Chúng tôi chưa đi hết được những nghĩa trang, những đài kỷ niệm các anh hùng liệt sỹ để thắp hương cho các anh. Chúng tôi biết trên dải đất nước Lào bên Tây Trường Sơn dài mênh mông này, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có tới hàng vạn bộ đội quân tình nguyện – những người con ưu tú của Tổ quốc đã nằm lại nơi đây. Trong số đó mới có hai phần ba các liệt sỹ được quy tập, tìm thấy đưa về với đất mẹ. Hiện giờ vẫn còn nhiều các anh đang nằm lại trên những cánh rừng khộp, những cánh rừng già đại ngàn, trên những vùng đất Cao nguyên mênh mông, trên từng buôn, bản làng của đồng bào các bộ tộc Lào bên Tây Trường Sơn này. Thương nhớ các anh, chúng tôi tìm đến với những cánh rừng – nơi trước đây từng là địa điểm đứng chân của các binh trạm, điểm trú quân của các đơn vị hành quân qua đây. Chúng tôi thắp cho các anh nén hương quê nhà, tưởng nhớ tri ân nghĩa tình đồng đội, cầu mong cho các anh yên nghỉ nơi vĩnh hằng và mong sao sớm đến một ngày, được trở về với Tổ quốc.

Trước ngày tạm biệt đất nước Lào tươi đẹp, đoàn CCB Bộ đội Trường Sơn, BTL Công binh, đã có buổi gặp mặt giao lưu với bà con Việt Kiều tại tỉnh Chăm Pa Sắk và một số các gia đình CCB, gia đình quân nhân tại Thủ đo Viêng Chăn. Đi đến đâu, ở đâu? gặp gỡ với Việt kiều, đồng bào các địa phương trên đất bạn Lào, ai cũng đều có chung một suy nghĩ rằng: “Đã hơn 40 năm rồi, chiến tranh đã đi qua, nhưng các phò, các me vẫn nhớ như in từng người, từng câu chuyện, những kỷ niệm không thể nào quên về những năm tháng đất nước Lào còn chiến tranh gian khổ. Có bộ đội tình nguyện Việt Nam đến với bản làng, giúp đồng bào đánh đuổi giặc, giải phóng quê hương, giúp đồng bào làm ăn, nhân dân các bộ tộc Lào mãi nhớ ơn bộ đội Việt Nam nhiều, nhiều lắm! Những bài hát truyền thống, những làn điệu dân ca, múa Lăm Vông cứ hòa quyện, đằm thắm, ngân vang. Những âm thanh, những tình cảm ấy như bừng sáng, làm sống lại những những kỷ niệm không phai của một thời cả hai dân tộc Việt – Lào anh em cùng nhau sát cánh chung dải Trường Sơn đánh Mỹ, giải phóng quê hương đất nước.

    Trên đường trở về theo quốc lộ 9, qua cửa khẩu Lao Bảo chúng tôi đến thăm, thắp hương tri ân cho các anh hùng liệt sỹ ở Làng Vây – Khe Sanh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây là chiến trường ác liệt nhất  giữa quân giải phóng với lính Mỹ xâm lược, được trang bị chính quy hiện đại nhất trên chiến trường Đông Dương. Khe Sanh – Làng Vây là địa danh đồng thời cũng là tên gọi của hai cứ điểm quan trọng nhất trong hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Mỹ - ngụy đã chọn đây là cứ điểm án ngữ, “chốt cứng” có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phòng ngự, ngăn chặn lực lượng của ta của Mỹ - ngụy ở Tây bắc chiến trường Trị – Thiên – Huế. Chiến dịch Khe Sanh – Làng Vây được mở màn bằng trận đánh phục kích của bộ đội ta vào đoàn xe vận tải trên đoạn đường Tân Lâm – Ca Lu ngày 13/1/1968. Trận đánh ấy đã phá hủy 9 xe quân sự, diệt gọn 100 tên xâm lược Mỹ. Đêm 20/1, quân ta bất ngờ tấn công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, mở đầu chiến dịch Khe Sanh. Tiếp đó ngày 21/1, bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực, chỉ sau vài giờ, toàn bộ chi khu quân sự này đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Lực lượng quân ngụy đóng trong chi khu, cùng bộ máy chính quyền tay sai của quận Hướng Hóa bị tiêu diệt một cách nhanh chóng, buộc lực lượng quân Mỹ phải dồn cả về căn cứ Tà Cơn. Chớp thời cơ, thừa thắng xốc tới. Đêm rạng sáng ngày 7/2/1968, quân ta tấn công giải phóng Làng Vây. Đặc biệt tham gia trận đánh Làng Vây, có 2 đại đội xe tăng. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, bộ đội xe tăng quân giải phóng xuất kích, tham gia vào một trận đánh hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn. Mở đầu trận đánh, hỏa lực của ta dội bão lửa lên đầu thù. Căn cứ Làng Vây trùm trong khói lửa mịt mùng. Chỉ sau gần 2 giờ chiến đấu, quân ta đã làm chủ cứ điểm Làng Vây. Toàn bộ quân địch tại cứ điểm Làng Vây bị ta tiêu diệt và bắt sống. Cuộc tiến công diễn ra chớp nhoáng, đến nỗi căn cứ Tà Cơn ở ngay sát cạnh, có cả hàng ngàn lính Mỹ mà không kịp trở tay ứng cứu. Chiến thắng Khe Sanh – Làng Vây đã góp phần to lớn làm đảo lộn cục diện chiến trường ở lòng chảo Khe Sanh, đẩy Mỹ - ngụy vào thế bị động và cầm chắc thất bại. Chiến thắng Làng Vây còn có ý nghĩa mở đầu cho một thời kỳ đánh hiệp đồng quy mô lớn của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

    Kết thúc cuộc hành trình về thăm chiến trường xưa trên đất bạn Lào, đoàn CCB Bộ đội Trường Sơn, BTL Công binh đã đến thăm, thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh  – người Anh Cả của QĐND Việt Nam. Trước anh linh Đại tướng, các CCB bồi hồi xúc động, thầm hứa với Đại tướng: Trong cuộc chiến trinh của dân tộc, theo Đảng, theo Bác, theo Đại tướng lên đường ra trận giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nay trở về với đời thường, phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa, nguyện nêu gương sáng cho các thế hệ sau tiếp bước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng đất nước ngày thêm giàu mạnh.

 

                                                               Hội viên TS Bắc Ninh

                                                               PHẠM HUY CHƯƠNG

 

 

tin tức liên quan
test 123