Đoàn CCB quân tình nguyện và chuyên gia giúp Lào tỉnh Thanh Hóa thăm chiến trường xưa

Ngày đăng: 04:18 27/04/2017 Lượt xem: 854

Đoàn CCB Quân tình nguyện và chuyên gia giúp Lào

tỉnh Thanh Hóa trở lại thăm lại chiến trường xưa

 

    Trải qua 2 cuộc chiến tranh, Quân tình nguyện Việt Nam đã phát huy truyền thống quân đội anh hùng, có gần 50 vạn cán bộ chiến sĩ là bộ đội, dân công, quân tình nguyện và chuyên gia giúp Lào; đã có trên 5 vạn đồng chí bị thương, 4 vạn đồng chí hy sinh.

     Hiện nay, Tỉnh Thanh Hóa có 3,8 nghìn đồng chí tham gia các đơn vị tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào đang sinh hoạt tại các đơn vị BLL cấp huyện.

    Để ghi nhận những chiến công và sự hy sinh của lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, năm 2016, CHDNND Lào tiếp tục xem xét và đã quyết định tặng thưởng Huân, Huy chương cho 3,2 ngàn cán bộ, chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tại Thanh Hóa.

     Sáng ngày 14 tháng 4 năm 2017. Được sự đồng ý của Phòng Ngoại vụ Tỉnh đội Thanh Hóa, Ban LL quân TN& Chuyên Gia Giúp Lào do đồng chí Lê Hồng Ngoan làm Trưởng đoàn, đã vượt qua 300 km dốc đèo, đoàn đã có mặt tại Thị trấn Sầm Nưa tỉnh Hủa Phăn. Bắt đầu chuyến thăm lại chiến trường xưa trên đất bạn Lào. Đúng vào dịp Tết cổ truyền Bun Pi May (Tết té nước của các bộ tộc Lào)

      Chuyến đi này gồm 47 CCB quân TN và chuyên gia giúp Lào, trong đó có 3 đồng chí là nhân chứng lịch sử được bạn mời để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Pa Thí (10/3/1968 - 10/3/2018).

 

       

 

     Hủa Phăn là một tỉnh kết nghĩa với tỉnh Thanh Hóa. Thị xã Sầm Nưa kết nghĩa với TP. Thanh Hóa của Việt Nam.

    Chiều hôm đó, được tin đoàn chúng tôi đến Sầm Nưa, Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn đã sang chúc mừng và chiêu đãi đoàn.

     Sầm Nưa là Thị xã mới phát triển. Diện tích khoảng 12 km2  . Cả Thị xã có một ngã tư đèn đỏ duy nhất. Nhưng lượng xe cộ đi lại không nhiều, chẳng bao giờ bị tắc đường. Lực lượng đảm bảo giao thông chưa bao giờ phải xử lý. Nhìn cảnh xe cộ đi lại cứ ngỡ TP. Thanh Hóa 30 năm trước.

     Nhìn toàn cảnh Sầm Nưa gần giống khu lòng chảo Điện Biên Phủ. Xung quanh núi đồi bao bọc. Khí hậu mát mẻ. Các công trình xây dựng tại khu trung tâm hành chính tỉnh, các cơ quan, ngân hàng, khách sạn... khang trang. Đặc biệt không có ngôi nhà nào vượt quá 3 tầng. Kiến trúc đặc trưng của Lào Thái.

 

 

    Sáng ngày 15/4, xe chúng tôi chạy ngược Sầm Nưa – Viêng Xay 30km. Trước khi đi thăm lại khu bảo tàng Tổng Bí thư Cay Sỏn Phonvihan và khu căn cứ Thủ đô kháng chiến. Theo lịch trình, đoàn đến Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn dự chương trình giao lưu. Đồng chí Phansil Chỉ huy trưởng, đồng chí Munfay Phó CHT, đồng chí Sònphẳn Chủ tịch MTTQ và đồng chí Say Bun Mạ Ni Văn - Huyện trưởng huyện Sầm Nưa cùng các ban ngành chiến sĩ trong Bộ CHQS đã dón tiếp Đơàn. Trong diễn văn chào mừng, sau phần nghi thức chào hỏi. Đồng chí Phansil đã không quên cảm ơn tình cảm của nhân dân Thanh Hóa nói chung và TP. Thanh Hóa đã hổ trợ tích cực có hiệu quả trong công cuộc xây dựng tái thiết Thị xã Sầm Nưa không ngừng thay đổi như hôm nay: ‘‘Đặc biệt là những kết quả trong chương trình hợp tác KT-XH giai đoạn 2013 - 2016 với nhiều nét nổi bật như: TP Thanh Hóa thực hiện hỗ trợ 5 tỷ đồng xây dựng 2 trường mầm non tại bản Na Thong và bản Na Thong Choong (Sầm Nưa). Năm 2016, tiếp tục hỗ trợ thêm 2 tỷ đồng để xây dựng 2 trường mầm non khác tại bản Phăn Say và bản Thạt Mương trên tổng kinh phí dự kiến hơn 7 tỷ đồng... Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang nhất là thế hệ trẻ của cả 2 địa phương được chú trọng thực hiện càng tô thắm thêm tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa 2 Đảng, 2 nhà nước nói chung và giữa tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn nói riêng.”...

Viêng xay là Thủ đô kháng chiến của Lào.

Sau chương trình giao lưu chúc sức khỏe nhân dịp năm mới, trao quà lưu niệm, chúc chuyến đi của Đoàn thành công tốt đẹp. Đồng chí Mùnfay đã hướng dẫn đoàn đi thăm quan hang CaySỏn, nơi cố TBT Caysỏn Phonvihan đã làm việc thời kỳ 1964 – 1973. Thăm hang Văn công nơi BQP Quân GPND Lào đã đóng tại đây. Hang này do cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 6 thi công. Hôm nay nhiều đồng chí đã có mặt nhìn lại thành quả lao động hơn 50 năm về trước của chính mình.

 

Thăm tượng đài Cay Sonfonvihan. 

 

 

                                                                       

Tác giả và đồng đội chụp ảnh kỷ niệm tại Cánh Đồng chum

 

     Trưa hôm đó chúng tôi dự chiêu đãi tại nhà hàng Hưng Phát. Giám đốc Bùi Văn Phát, do công tác chưa về kịp. Anh đã ủy quyền cho con trai Bùi Văn Ngọc chủ trì tiếp đòn chúng tôi. Các đồng chí lảnh đạo Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn cũng cùng tham dự giao lưu chia tay đoàn.

     Thị xã Sầm Nưa trông sống động và sầm uất hơn hẳn cùng với vẻ thanh bình và yên ả khi dạo qua phố phường. Tạm biệt vùng đất đã đi vào thơ ca của người Việt, chúng tôi ngồi trong xe mà những giai điệu “Cô gái Sầm Nưa” vẫn vang lên mãi.

     Chiều cùng ngày chúng tôi lại hành quân xuống Cánh đồng Chum tỉnh Siêng Khoảng.

     Sáng ngày 16/4. Đoàn thăm Cánh đồng chum.

    Chúng tôi rẽ qua nhà hàng Huế Thương ăn sáng bằng món bún Huế trên nước bạn Lào, mua mấy thùng nước uống tinh khiết Lào, chất đầy xe đi đường.

     Cánh đồng Chum là một khu vực văn hóa lịch sử khá nổi tiếng của du lịch Lào, nơi đây rộng khoảng 25ha. Ước tính có khoảng 1.969 chiếc chum, nằm rải rác tại 52 địa điểm ở tỉnh Xiêng Khoảng, chiếc lớn nhất được tìm thấy cao 3m, chiếc nặng nhất tới 14 tấn, còn phần lớn cao chừng 1 đến 2m..

    Các câu chuyện huyền thoại của người Lào cho rằng có những người khổng lồ đã từng định cư ở khu vực này. Theo một truyền thuyết khác, một vị vua cổ đại tên là Khun Cheung - đã tiến hành cuộc chiến chống lại kẻ thù thành công. Ông đã cho tạo lập cánh đồng chum để ủ lên men và chứa số lượng lớn rượu gạo để ăn mừng chiến thắng.Có ý kiến lại nói, vì Xiêng Khoảng nằm ở cao nguyên, có hai mùa rõ rệt, mùa mưa thối đất, mùa khô hạn đến quắt queo, nên người xưa đã làm nên những chiếc chum khổng lồ này để tích nước... Ngay đến cả chất liệu làm ra các chum này cũng gây tranh cãi. Một số người cho rằng, chúng được làm từ đá vôi, số khác lại nói chúng được làm từ đá ong và đá cẩm thạch trộn lẫn những nguyên liệu đặc biệt nào đó thời cổ đại, nay đã thất truyền. Còn theo các nhà nghiên cứu phương Tây thì giả thuyết rằng, mỗi cái chum là một cái quách chôn người chết. với đủ thi hài, tro cốt..bên trong.(1)

     Trong khu này hiện có ngọn đồi tương đối cao, bên trong có một cái hang. Người ta gọi là cái chum ngược. Cửa hang có bàn thờ thờ vị nữ tướng Bùi Thị Xuân thời nhà Nguyễn. Tương truyền khi chiến thắng quân Chiêm đã đưa quân sỉ về đây khao rượu. Ngày nay du khách đến đây khi nghỉ đến công lao của các thế hệ đã chiến đấu hy sinh tại đây; Mỗi người thường lặt bỏ một vài viên đá xếp vào các đống để ở cạnh hang, để tỏ lòng tri ân. Mỗi viên đá  đó là linh hồn một chiến sỉ.

     Nhìn từ xa, Cánh đồng Chum như một bàn cờ, những chiếc chum như những quân cờ lổm nhổm thật kỳ thú. Khi đến gần mới thấy chúng nằm lẫn lộn vào nhau không theo quy luật sắp xếp nào. Cái trồi hẳn trên mặt đất, cái chìm một phần thân dưới đất. 

    Rời Cánh đồng chum. Chiều chúng tôi hành quân 150km qua bao đèo cao, dốc thẳm, đường cong queo chử Z chử M. Đến ngả ba SaLaPhuKhun và nghỉ đêm tại đây.

    Chiều tối, do ở đây không có nhà hàng khách sạn lớn, nên việc nấu ăn chúng tôi phải nhờ một nhà hàng ven đường. Tất cả mọi ngón nghề anh nuôi ngày xưa được các chị em nữ trong đoàn đem ra trổ tài. Chỉ còn thiếu chiếc bếp Hoàng Cầm nữa là đủ một bếp ăn trong chiến tranh. Mọi người hồ hởi phấn khởi cùng nhau tạo một bữa ăn tối dã chiến đầy thú vị và ngon miệng.

    Cả ngày 17/4. Chúng tôi hành quân hơn 300km đến Luang Prabang. Chiều tối 17/4, tại nhà hàng Hoa Ban Trắng, nghe tin chúng tôi đã đến, Bộ CHQS tỉnh Luôngphabang do đồng chí Níxa Xon Chỉ huy Trưởng Bộ CHQS tỉnh cùng lãnh đạo cơ quan Sở Nội vụ đã sang chúc mừng và chiêu đãi đoàn. Sau buổi chiêu đải là lễ “Buộc chỉ cổ tay” để tỏ lòng đón khách quý nhân dịp năm mới. Ngày Tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Trong suốt ba ngày Tết, ai có nhiều chỉ buộc cổ tay được coi là người sẽ gặp may mắn cả năm.

    Ngày nghỉ Tết bù, cũng là ngày cuối cùng với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Trước khi té nước, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Bạn bè té nước vào nhau. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều sẽ hạnh phúc nhiều.

    Trên đường đi, xe chúng tôi luôn được té những thùng nước xối xả. Cả xe vỗ tay chào đón người dân Lào hai bên đường vô tư hắt nước vào bất cứ ai.

 

 

           

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn đón đoàn

 

    Sáng 18/4: Tại Hội trường lớn Bộ CHQS tỉnh. Đoàn đã có chương trình giao lưu với cán bộ và chiến sỹ Tỉnh đội. Buổi đón tíếp diễn ra trọng thể theo nghi thức trang trọng giữa hai thế hệ quân đội nhân dân. Một bên là các CCB quân Tình nguyện & Chuyên gia Việt Nam giúp Lào và các cán bộ chiến sỹ tại ngũ quân đội nhân dân Lào. Buổi gặp gỡ giao lưu chúc mừng tặng quà kỷ niêm diễn ra thật ấm tình hữu nghị hai nước Lào Việt.

 

 

Đoàn giao lưu tại Tỉnh đội Hửa Phăn.

 

                      

                 

Đoàn trao quà tặng bạn.

 

      Sau chương trình giao lưu. Đoàn ghé tham quan và chinh phục đỉnh Phousy và ngắm toàn cảnh cố đô Luôngphabang, ghé tham quan Cung điện Hoàng gia, cung điện của vua Phả-Ngừm, tham quan chùa Vat Xiêng Thong - Đền Vàng .

      Ăn trưa tại nhà hàng Hoa Ban Trắng do bộ CHQS Tỉnh chủ trì để tiển chân chúng tôi.

      Chia tay các bạn Lào. Chúng tôi hành quân thẳng tiến về thủ đô Viêng Chăn.

 

                                    

                                                 

Đoàn thăm Thạt Luổng tại Thủ đô Viêng Chăn.

 

     Đường hành quân đồi núi san sát. Đường quanh co, những cua chữ A, M, Z...những chiếc thang lên trời đã đưa chúng tôi lên trên những tầng mây. Rồi những quãng đổ đèo. Tai ù đặc như đang ngồi trên máy bay VietJeet hạ độ cao xuống sân bay vậy.  Cả ngày đi suốt gần 400km. Nhưng mọi người vẫn hát hò, truyện tếu vui vẻ.

     Chiều tối 18/4. Chúng tôi đến thủ đô Viêng Chăn. Như đã hẹn, anh PhunVi Say Giám đốc công ty TNHH XDTM PHUVISAYTHANI đã ra đón khi xe đến ngoại ô. Đưa chúng tôi về Nhà hàng của Công ty dự chiêu đãi món ăn dân tộc Lào.

    Sau buổi đại tiệc mang đậm vị Tết Lào là lể “Buộc chỉ cổ tay” để tỏ lòng thân thiện với những người thân - Khách quý của gia đình và Công ty. Tham dự chương trình có chủ nhà là anh chị Phun Vi Say (anh người Lào, chị người Hoa) có vợ chồng anh Pathisỏn Đại biểu QH, chị là người Hà Nội hiện là cán bộ trong Ban Nội vụ TƯ Đảng NDCM Lào. Ban nhạc gồm các nhạc công, ca sĩ, cùng hát múa Lăm Vông với các CCB quân tình nguyện. Khi bản nhạc “Cô gái Sầm Nưa” vang lên. Từng cặp các cô gái Lào tiến lại chắp tay cung kính trước ngực miệng cười tươi, đến chào mời các bác CCB quân tình nguyện ra cùng nhảy múa. Bắt đầu là điệu múa chúc phúc cho gia chủ; Đến hai người cao tuổi nhất đoàn; tiếp theo là hai người trẻ nhất, và lần lượt bài múa theo nhịp “ Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Mọi người xoay quanh “Mâm Khoắn “ múa hát như không bao giờ nghỉ. Buổi lể tưởng như không bao giờ kết thúc, nếu như ngày mai đoàn chúng tôi không còn phải tiếp tục hành quân.

     23 giờ, khi tất cả mọi người đã ướt đẩm nước hoa thơm. Chúng tôi lên xe về khách sạn PhunViSay nghỉ đêm..

    Khác với người Việt, người Lào không bao giờ cầu cho mình mà chỉ cầu cho người khác. Bởi theo quan niệm của người Lào, khi bạn cầu điều tốt lành cho người khác, tất nhiên họ sẽ cầu chúc điều tốt lành đến với bạn.  “Buộc chỉ cổ tay”- Một phong tục văn hóa độc đáo của Lào. Lễ buộc chỉ cổ tay là một phong tục lâu đời mang đậm nét văn hóa của đất nước Lào. Đặc biệt, phong tục này còn được dành cho bạn thân thiết của gia chủ hoặc của cơ quan hay tổ chức nào đó.                                               .

    Viên Chăn sáng ngày 19/4. Anh PhunViSay trực tiếp đưa chúng tôi đi tham quan các di tích thắng cảnh tại thủ đô Viên Chăn.

    Thạt Luổng (Thạt Lớn trong tiếng Lào) là một  tháp Phật giáo ở Viêng ChănLào. Thạt này được xây từ năm 1566 dưới triều vua Xệt-thả-thi-lạt, theo hình một nậm rượu, trên một phế tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ 13. Bên ngoài ngôi chùa được dát vàng. Tháp có ba cấp độ,  mỗi cấp độ mang một ý nghĩa giáo lý của đức phật đó là dục giới, sắc giớivô sắc giới. Bao quanh là cổng để giữ cho tháp và trên các bức tường là các tác phẩm nghệ thuật cực kì đặc sắc.

 

    Thăm Thủ đô Viêng Chăn . Điểm đầu tiên là Chùa Sisaket- nơi lưu giữ hàng vạn bức tượng Phật lớn nhỏ khác nhau. Đây cũng là một ngôi chùa ít bị phá huỷ khi quân Xiêm (Thái) xâm lược Lào một ngôi đền cổ kính nhất thủ đô với bộ sưu tập các bức tượng Phật quý. Điểm tiếp theo Tượng đài Chiến thắng Patuxay được xem là Khải Hoàn Môn của thủ đô Viêng Chăn, thăm quan Tháp Thạt Luổng biểu tượng của Phật giáo Tiểu thừa Lào, biểu tượng linh thiêng được in trên đồng tiền KIP của Lào. Nhà Quốc hội Lào là công trình hữu nghị Việt Nam –Lào, được xây dựng trên diện tích 5.200m2, gồm 5 tầng,  vào tháng 2/2009. Thăm cửa khẩu Lào Thái ...   

                       

   

             

Vượt đèo Mây trở lại Việt Nam.

 

    Viêng Chăn không diễm lệ nhưng đẹp kín đáo và dịu dàng như một thiếu nữ quê, để bạn sẽ lặng lẽ ngắm bằng suy tưởng của mình. Viêng Chăn cũng không ồn ào náo nhiệt với nhiều trung tâm thương mại mà thanh bình với những ngôi chùa trăm năm, để Viêng Chăn xứng đáng là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn của Lào.

     Trưa hôm đó Tại khách sạn BoonVi Say Công ty mời cơm chia tay cùng đoàn.

    Chiều 19/4. Chúng tôi từ  Viêng Chăn rẽ về quốc lộ 8. Đoàn lại có dịp chiêm ngưỡng dãy Trường Sơn hùng vĩ và cũng là biên giới tự nhiên giữa 2 nước Việt-Lào. Đoàn dùng bữa tối tại thị trấn Laksao.

    7h30 sáng 20/4 đoàn đi chợ Sáng tại Thị trấn Laksao cách cầu treo Hà Tĩnh 30km. Ngày này cách đây đúng 50 năm, năm 1967, khi tôi vào đây, nơi đây không một bóng người. Dân Lào thời đó để tránh máy bay Mỹ ném bom hủy dịêt các tuyến đường, họ tập trung sống vào các hang núi trong dẫy Trường Sơn. Bộ đội ta vào đây cũng ở tại các hang động để tránh thương vong trong những ngày chiến đấu, công tác ở đây.

    Vậy mà hôm nay, tại đây đã có một Thị trấn sầm uất, có đường nhựa dọc ngang, tương đương với Sầm Nưa vậy. Nhưng chợ Sáng LakSao mới được xây dựng khang trang to đẹp rộng lớn tại địa điểm mới. Hàng hóa nơi đây “Trên trời dưới hàng” thỏa thích mua sắm. Trong chợ bên cạnh các cô gái Lào xinh đẹp còn có rất nhiều người dân từ Thanh Hóa đến Nghệ Tĩnh sang đây buôn bán, nên việc mua bán của khách du lịch lại càng thuận lợi.

    9 giờ sáng, chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh. Nhìn khung cảnh biên giới thanh bình như hôm nay. Lòng chúng tôi vui mừng khôn tả. Ôi Trường Sơn! Nơi đây cách đây nữa thế kỷ trước, là những trận bom B52 hủy diệt, cây cỏ không mọc lên được; đất đá bị bom cày xới ngỗn ngang, khi mùa mưa đén núi trượt lấp hết đường. Để thông đường đảm bảo giao thông cho những đoàn xe chở gạo và quân nhu cho tuyền tuyến. Nơi đây đã ghi dấu bao chiến sĩ là bộ đội, TNXP, DCHT. Trong các anh chị bao người đã anh dũng hy sinh cho hôm nay đất nước thanh bình...

    Nghĩ lại bẩy ngày rong ruổi trên đất bạn. Cái gì đã kết thành tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước Việt Lào? Cái gì đã để lại trong lòng những người Lào mà chúng tôi đã gặp những ngày qua? Lòng biết ơn! Vâng, vì chúng ta là Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào, chiến đấu mang lại màu xanh cho đất nước Triệu Voi này.

     Quãng đường gần 3000 km mà chúng tôi đi qua thật vô cùng ý nghĩa.

 

                                                          Ngày 21 tháng 4 năm 2017.

                                                                       Lê Thuần

                                               CTV Trang TT Hội Trường Sơn Việt Nam.

 

 

 

 

tin tức liên quan
test 123