Kỷ niệm một chuyến đi - Thanh Bình

Ngày đăng: 07:36 04/05/2017 Lượt xem: 528

KỶ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI

(ký của Thanh Bình, HV Hội TTTS - Bình Thuận )

 

          Không riêng chúng tôi ở Huyện Hàm Tân, anh, chị em đồng đội Trường Sơn Bình Thuận đều biết và hiểu về anh. Một người sống gương mẫu, thẳng thắn, chân thành luôn hết lòng vì công việc chung, vì anh em đồng đội. Vẫn biết hoàn cảnh của anh khá đặc biệt, nên anh đã từ chối và xin rút không nhận làm người đứng đầu Hội TS của huyện. Nhưng khi vào Đại hội, cánh lính trong huyện chúng tôi và tất cả các đồng chí ở các huyện Hội bạn đến dự cũng như lãnh đạo Tỉnh Hội đều đồng lòng động viên, chia xẻ và "buộc" anh vào cái chức: Người đứng đầu Hội Truyền thống Trường Sơn huyện.

 Hội viên TS Hàm Tân, Bình Thuận đi giao lưu tại TP. Hồ Chí Minh.

 

Đã mấy tháng. Hôm nay anh mới dứt được công việc ra để rủ tôi cùng đi thăm anh em đồng đội.

Anh bảo: Cậu đến tớ chiều nay ăn uống, nghỉ lại mai mình đi sớm. Biết hôm nay không có sương mù, giá lạnh. Anh dạy từ bốn giờ sáng. Múc nước, đổ thức ăn vào các máng chứa. Rồi mở sẵn cửa chuồng để trời sáng đàn gà tự ra ăn, uống.

Lên nhà, anh bảo tôi lấy hai gói mỳ trong bếp ra chế biến. Rồi hai anh em cùng ăn nhanh tô mì. Chúng tôi thay đồ, khoá cửa lên đường. 

Sáng sớm chạy xe hơi lạnh. Nói là trong huyện, nhưng từ nhà anh đi đến xã Thắng Hải điểm cuối cùng của huyện cũng trên bảy mươi cây số. Tới xã Sơn Mỹ, tôi cùng anh tấp vào quán cà phê. Anh mở điện thoại gọi đồng chí Khai, Phó Hội trưởng Thường trực.

Anh Khai cũng hoàn cảnh. Chị vợ mất đã hơn năm. Các con đều công tác xa nhà. Anh phải tự chăm lo cuộc sống. Có đỡ hơn đôi chút là anh Khai còn có anh em, bà con ở cạnh nhà.

 

Chúng tôi gặp mặt tại gia đình đồng chí Điều

 

        Đồng chí Lê Phước Cọt trước ngôi nhà tạm bợ của mình.

 

Nghe điện thoại, anh Khai cười khà...khà. Các ông ngồi đó nghỉ chút, nhâm nhi cà phê đi. Tôi cũng vừa cho gà, lươn ăn xong. Thay đồ tôi chạy ra liền. Đúng là tác phong của lính. Chưa đầy mười năm phút anh đã tới. Chúng tôi uống cà phê và tranh thủ hội ý chuyến đi. Anh bàn với anh em : Hôm nay mình tranh thủ thời gian đi cho hết ba xã - Sơn Mỹ, Tân Thắng và Thắng Hải. Để thăm và hiểu hoàn cảnh của từng anh em, đồng đội. Ở vùng trảng cát này chắc trưa nắng nóng lắm? Mệt đấy! Đi suốt ngày các ông chịu nổi không?
Tôi và anh Khai nhìn nhau cười ngụ ý: "ông ốm so thế kia liệu trụ nổi không mà lo cho hai thằng mối mọt ăn không lủng tụi tôi?"

Chúng tôi lên đường. Tới nhà đồng chí Phước. Người lính biệt động năm xưa, nay đã bảy mươi hai tuổi nhưng vẫn nhanh lẹ, sốc vác và vui tính. Chỉ căn nhà cấp bốn xuềng xoàng anh khoe: Nhà tình nghĩa địa phương cho mình đấy ! Qua tâm sự...Tôi được biết từ ngày về địa phương anh tham gia công tác liên tục hết phụ trách công tác hội cựu chiến binh, bí thư chi bộ, đến nay vẫn cáng đáng chức Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam của xã. Tìm hiểu thêm nơi bà con lối xóm, tôi được biết: Với địa phương anh Phước là người uy tín. Có thể nói - anh là một trong số ít người mà nhân dân và cán bộ địa phương trân trọng thuộc hàng "khai quốc, công thần" ở đây. Điều làm tôi tâm đắc nhất là câu anh Phước nói : Làm gì thì làm, nhưng then chốt của mọi vấn đề vẫn là sự gương mẫu của người đứng đầu và sự đoàn kết, chân thành, nhất trí tuyệt đối trong anh em đồng đội.
      Ba chúng tôi quay về nhà anh Khai. Thắp nén hương thơm trước bàn thờ chị. Nghe anh Phước bảo: Thằng Khai có phước. Nhờ vợ nó giỏi giang, tần tảo nên thời kỳ đầu từ Quảng Trị vô đây. Khó khăn thế mà đều nuôi dạy con cái nên người. Tôi nhìn bức di ảnh người phụ nữ quá cố với gương mặt phúc hậu, đoan trang, cặp mắt trong sáng, thông minh. Thầm cầu xin chị phù hộ cho anh Khai và tất cả những người lính Trường Sơn đồng đội của anh luôn mạnh giỏi, đoàn kết, yêu thương!

                                                                                   

   

  Chúng tôi tới thăm nữ hội viên TS cao tuổi nhất của chúng tôi - chị Căn đã 80 tuổi

 

      Anh Khai chạy vào phòng, mang bức ảnh cưới của cậu con trai với cô con dâu giáo viên cấp ba ra khoe với vẻ tự hào: Các ông thấy tụi nó đẹp đôi không ? Con trai tôi là đại uý công an. Quân hàm còn to hơn cả bố nó trước kia rồi đấy !
Nhìn gương mặt rạng ngời của đôi trẻ trong ngày vui hạnh phúc, ánh mắt long lanh trong sáng và kiên định, tôi nói với anh: Các cháu đúng là cặp đôi hoàn hảo !

     Uống mới xong tách trà. Chúng tôi giục nhau lên xe phi xuống nhà đồng chí Được. Hai vợ chồng Được cũng vừa đi cào ngao ngoài bãi biển về. Thấy tụi tôi đến. Vợ chồng Được thả lưới, thả ngêu xuống đất đon đả chạy ra giơ hai bàn tay còn dính đầy cát với rong rêu ra bắt. Được nói: Tối qua em nghe anh Khai thông báo hôm nay các anh về chơi, nên vợ chồng em tranh thủ về sớm. Tôi nhìn thùng ngêu to nhỏ và những con ốc cỡ đầu ngón chân cái, ước đến mười ký. Hỏi Được: Số ngêu, ốc này giá bán khoảng bao nhiêu? Được bảo: Ngêu nhỏ tám chục, ngêu to trăm rưởi. Còn ốc đó hai trăm rưởi một ký anh ạ ! Tụi em đi cào về được bao nhiêu là trưa, chiều thương lái vào cân sạch.
Tôi hỏi thăm Được về sức khoẻ của chị Cặn mẹ Được. Được bảo : Tay mẹ bị gẫy cũng đã đỡ nhiều rồi. Nhưng ăn uống, đi lại cũng còn nhiều khó khăn không được như trước.
Nghe Được nói vậy. Anh đứng dạy nổ máy xe chạy ra quán tạp hoá đầu đường mua ít đường, sữa rồi chạy vào bảo chúng tôi cùng qua nhà thăm đồng chí Cặn. 

       ...Ngày hai, tháng tư. Chúng tôi tổ chức cho anh chị em Trường Sơn Hàm tân - Bình Thuận vào thành phố Hồ Chí Minh, giao lưu nhân buổi họp mặt Sư 471 Anh hùng. Sau buổi liên hoan, theo nguyện vọng của anh em đồng đội. Chúng tôi cùng nhau đi tham quan bảo tàng chứng tích chiến tranh và Dinh Độc lập. Anh làm thủ tục với người phụ trách khu bảo tàng để đoàn vào tham quan. Trước khi anh ghé vào quán nước nghỉ ngơi đã dặn kỹ anh em: Phải bám sát nhau theo đoàn kẻo đông người dễ lạc. Những người lính Trường Sơn giải ngũ sau cuộc chiến năm nào, mải lo toan cơm áo, gạo tiền, hôm nay họ mới có dịp tìm về kỷ niệm, ký ức của một thời chiến cuộc...Ai nấy đều mải mê xem hiện vật và chăm chú theo dõi hướng dẫn viên thuyết trình trên sa bàn. Họ quên bẵng đi người nữ cựu binh già tám mươi hai tuổi. Đang lọ mọ leo lên từng bậc thang trong khu chứng tích. Do sơ sẩy, nữ đồng chí Cặn trượt chân bị ngã gẫy xương cườm tay. Thế là tất cả anh em cùng nhau bế, cõng đưa chị lên xe quay về Quân y viện 175. Các y, bác sỹ phòng cấp cứu sau khi nghe anh trình bày ngắn gọn. Đã hối hả bắt tay vào công việc. Họ đưa chị Cặn đi chụp X quang và bó bột. Anh em trong BCH chúng tôi hội ý chớp nhoáng. Nếu ở đây chờ vừa ồn ào nơi phòng cấp cứu, vừa bỏ lỡ cơ hội tham quan không mấy khi có dịp. Chúng tôi cử hai vợ chồng đồng chí Được là con trai và con dâu chị Cặn ở lại để theo dõi và chăm sóc cho đồng chí mẹ. Có gì gọi điện thông báo cho đoàn.

      Sau hai giờ tham quan Dinh Độc lập. Chúng tôi quay lại quân y viện 175. Với tinh thần và trách nhiệm của những người lính Blu trắng. Các y, Bác sỹ ở đây đã xử lý hoàn thiện tất cả các khâu và bó bột cho đồng chí Cặn. Đồng ý để chị về điều trị ngoại trú.

      Cảm ơn cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện 175. Mọi người lên xe đưa chị Cặn ra về. Suốt chặng đường từ TP. Hồ Chí Minh về Bình Thuận, cánh lính già chúng tôi tranh nhau đọc thơ và ca hát. Phải chăng hôm nay trong mỗi con người đã tìm lại được niềm vui, kỷ niệm của một thời máu lửa thông qua ngày gặp mặt ? Hay họ hát, họ hát thật nhiều để động viên người nữ đồng đội già vui mà quên đi nỗi đau thể xác khi bàn tay bị gẫy vừa bó bột ?

      Cái nắng đã bắt đầu chói chang khi anh em chúng tôi kéo nhau qua nhà thăm chị Cặn. Khuôn mặt phúc hậu với nụ cười luôn thường trực trên môi, cánh tay bó bột vẫn còn treo vắt chéo bên vai. Người nữ đồng đội già đưa bàn tay còn lành lặn ra nắm chặt tay từng đứa em đồng đội. Chúng tôi ngồi quanh bộ bàn ghế cũ trong căn nhà cấp bốn tuềng toàng của chị. Thấy đồng đội lo lắng, quan tâm cho sức khoẻ mình, chị cười bảo: Các đồng chí cứ yên tâm sắp xếp công việc của Hội sao cho tốt. Làm sao cho đoàn kết, tổ chức vững chắc, cùng nhau làm tốt công tác nghĩa tình là chị vui khoẻ ra rồi.

     Anh động viên và trêu chị Cặn: Chị gắng ăn uống, dưỡng thương cho nhanh khoẻ. Đừng để sắp tới Hội mình tổ chức những chuyến đi thăm chiến trường xưa, chị lại ở ngoài danh sách đó !

  Chị cười: Sao mà ngoài được. Chắc chắn mình sẽ cùng anh em đồng đội tiếp tục hành quân chứ !


     Buổi trưa miền trảng cát. Nắng như thiêu, như đốt. Mấy chú gà choai tụ lại dưới gốc điều, bới đất nằm chống nóng. Nhà Được hôm nay cúp điện. Anh em chúng tôi hú nhau ra vườn, cởi trần quây quần dưới bóng cây điều cổ thụ, quanh bộ bàn ghế "Trường Sơn" nhà Được cho dễ thở. Những kỷ niệm về cuộc chiến khốc liệt năm nào...Những chuyện đời thường của cựu lính hôm nay được anh em mang ra cùng chia xẻ...Thỉnh thoảng một cơn gió mang hương biển thổi vào kèm theo bụi cát, hất tung lên những mái đầu trắng bạc. Vợ chồng Được "chiêu đãi" tụi tôi món nghêu mới cào về từ biển. Bẻ miếng bánh tráng xúc ít nghêu cho vào miệng. Mùi thơm ròn của bánh, vị ngọt béo của nghêu thật tuyệt cú mèo. 

      Mặc cho anh em tụi tôi réo gọi...chị Mai cựu tù chính trị cùng vợ Được cứ lui cui bên đống than hồng quạt nướng những chú nghêu to và những con ốc vàng ươm, thơm nựng mang vào tiếp thêm mồi cho cánh đàn ông cựu lính ! Nhìn gương mặt hai chị mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, tóc tai đầy bụi, tôi càng thấm hiểu bản chất người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, thuỷ chung, yêu chồng, thương con hết mực !

 

                

                     Chiếc bằng vinh danh của hội viên Lê Phước Cọt.

 

     Đầu giờ chiều chúng tôi về tới xã Thắng Hải. Xã vùng sâu vùng xa cuối cùng của huyện. 

     Chẳng cần phải gọi. Chúng tôi tới thăm ai là anh chị em tự động gác lại công việc làm ăn, buôn bán hoà nhập theo đoàn.

     Tới thăm đồng chí Cọt, cựu TNXP năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Gọi là nhà, nhưng chỉ có mấy chiếc cột bằng cây bạch đàn và ít tấm tôn hoen rỉ lợp và quây xung quanh để che mưa, che nắng. Vật dụng sinh hoạt chẳng có thứ gì đáng giá. Có chăng là tấm hình của Bác và chiếc bằng Vinh danh Trường Sơn với tám chữ vàng : TRƯỜNG SƠN ANH HÙNG, NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI được anh treo trang trọng ngay ngắn trên vách giữa nhà.

     Điểm cuối cùng chúng tôi đến thăm là nhà vợ chồng hai đồng chí Diệu - Hạnh. Biết Hội chưa có quỹ, anh đưa tiền bảo tôi ra mua ít đường, sữa gọi là có chút quà tặng cho người ốm bệnh.

                      Chúng tôi và Chi hội trưởng Tiến Đặng (người ngồi giữa).

 

     Mới đây, vào tháng năm, năm hai không mười năm, đoàn lãnh đạo cao cấp của Trung ương Hội do Chủ tịch Võ Sở dẫn đầu đã về thăm những người lính Trường sơn Hàm Tân, Bình Thuận. Trong cuộc gặp mặt giản dị, ấm áp, nghĩa tình chân thành ấy. Đồng chí Phạm Thành Long, TBT báo TS, một nhà báo gạo cội đã phát hiện ra cặp đôi chiến sỹ Diệu - Hạnh. Quê anh chị ở Gio linh, Quảng Trị. Trong chiến dịch Mậu Thân, anh là người trực tiếp tham gia chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị. Chị là người tiếp lương, tải đạn, đưa đón thương binh. Đồng chí Long đã mời anh chị lên phát biểu. Mới đó thôi, chị Hạnh còn nhanh nhẹn xốc vác với các công tác địa phương và công tác Hội. Ấy vậy mà chưa đầy hai năm, hôm nay gặp lại, chị đã phải ngồi xe lăn vì căn bệnh tai biến quái ác.

  Chiều, không khí dịu mát. Những người lính Trường Sơn chúng tôi lại cùng nhau hát vang những bài ca đi cùng năm tháng dưới tán lá cây điều.

  Nghe đồng đội hát, gương mặt Hạnh như dãn ra. Ánh mắt dõi nhìn về xa xa...nơi có những ngọn núi, rừng cây...Có lẽ từ trong thẳm sâu tiềm thức của người nữ chiến sỹ Trường Sơn năm xưa đang nhớ về những đỉnh đèo, con suối, những cung đường và những đoàn xe đang vượt ngầm, leo dốc..?

  

  Kết thúc ngày thăm và gặp anh em. Anh đứng dạy nêu ý kiến! Thưa các đồng chí: Sáng giờ chúng ta đã đi thăm được hầu như tất thảy anh em đồng đội. Chúng ta đã nghe và đã thấy...Tôi xin nêu hai ý kiến để anh em cùng thảo luận: 

-Thắng Hải có trường hợp đồng chí Cọt, Tân Xuân có một đồng chí nữ cũng chưa có nhà để ở. Trách nhiệm chúng tôi sẽ báo cáo lên trên để xin cho các đồng chí ấy căn nhà. Riêng anh em đồng đội chúng ta có trách nhiệm vận động, cùng nhau đóng góp ít nhiều để mua thêm chút vật dụng sinh hoạt thiết thực tặng cho hai đồng đội.

-Về vấn đề quỹ Hội. Thực tế tôi thấy hoàn cảnh của nhiều hội viên còn quá khó khăn. Chắc sẽ gặp trở ngại khi góp quỹ. Theo tôi anh chị em chúng ta nên nuôi lấy mỗi người khoảng chục con gà nhỏ. Sau sáu tháng ngoài số để bồi dưỡng hay nhân đàn, chỉ cần bán đi vài con là mỗi đồng chí có thể góp ngay được năm trăm ngàn chân quỹ. Nếu các đồng chí đồng ý. Tôi sẽ giao cho mỗi hội viên một con gà mẹ cùng một số con trống để nhân đàn.

  Tất cả anh em chúng tôi đều nhất lòng vỗ tay tán thưởng.

  Đồng chí Khai năng nổ: Theo tôi lính Trường Sơn đã nói là làm. Tôi đề nghị mỗi đồng chí góp ngay năm chục ngàn. Để ngày mai tôi, đồng chí Mai, đồng chí Được mua lưới về quây làm chuồng đi bắt gà về nuôi cho kịp.

  

  Sáng 30 tháng 4. Mới hơn sáu giờ sáng, ba anh em chúng tôi và nữ đồng chí Chung đã đến Hoa viên sinh thái của anh để nhận gà. Chờ cho anh em uống vừa xong ly nước, anh đã giục chúng tôi xuống trại để lựa gà. Lựa xong cho vào lồng chở lên đến nhà, đã thấy anh giục: Các ông tấp xe vào gốc cây cho mát, vào đây tranh thủ ăn chút ít để có sức hành quân đưa gà về cho khoẻ.

  Chẳng hiểu anh nấu nướng thế nào mà nhanh đến vậy ? Ngoài đĩa thịt gà luộc béo ngậy nóng hổi còn có thêm món canh sườn hầm với cà rốt, khoai tây.

 

   Chi  Hội trưởng Tiến Đặng đã tặng anh em hội viên chúng tôi từ đàn gà đông đúc của anh để chúng tôi nhân đàn gây quỹ Hội.

 

  Về đến, sau khi thả gà. Tôi nghỉ uống trà cho đỡ mệt và nghĩ về anh - người lãnh đạo huyện Hội của chúng tôi! Đâu chỉ hôm nay anh mới giúp cho anh em Trường Sơn con giống để về gây quỹ Hội. Mà ngay từ cách đây bảy năm, ngày anh về mua và cải tạo mảnh đất hơn hai hecta bạc màu này. Bằng vào trí tuệ, nghị lực, mồ hôi và nước mắt cùng bản lĩnh quyết đoán. anh đã biến mảnh đất khô cằn thành vườn cây ăn trái trĩu quả, xanh tươi rợp mát. Cùng trang trại với những đàn gà, vịt xiêm đông đúc hôm nay.

  Những đồng tiền anh kiếm được. Anh chi tiêu tằn tiệm, còn lại anh giúp cho các Hội đoàn, những đồng đội, những mảnh đời bất hạnh khi con bò, khi ít tiền, ít gạo và tặng nhiều phần quà giúp các em học sinh nghèo vững bước tới trường...

  Chúng tôi đến thăm khi anh đang làm cỏ, hỏi anh: Động cơ nào để anh xẻ chia như vậy ?

  Anh dừng cuốc, quệt bàn tay lấm lem bụi đất vào vạt áo. Ngồi xuống đống cỏ vừa mới dẫy, châm điếu thuốc thong thả nhả khói. Ánh mắt như hướng về nơi xa xăm...rồi nói: Ngày xưa mình khổ lắm. Bây giờ có cuộc sống tương đối thế này thì nên xẻ chia với những mảnh đời bất hạnh !

  Anh là - Thiếu tá Phạm tiến Đặng. Nguyên Trợ lý phụ trách kho hàng của Sư đoàn 471 Trường Sơn Anh hùng ngày ấy và hôm nay đang là người Hội trưởng của chúng tôi.

                                 Bình Thuận mùa khô 2017

      Thanh Bình

HV Hội TTTS - Bình Thuận.

 

tin tức liên quan
test 123