HỘI TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM
THAM DỰ LỄ KHÁNH THÀNH BẢO TÀNG TỐ HỮU
Sáng nay (11 tháng 10 năm 2020), tại Làng Quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Ban tổ chức cùng gia đình Nhà thơ Tố Hữu đã long trọng tổ chức lễ cắt băng Khánh thành Bảo tàng Tố Hữu.
Đại biểu khách mời tham dự buổi lễ gồm có: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng , Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhà thơ, Nhà báo Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng đông đảo đại biểu là lãnh đạo các tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương, bạn bè đồng nghiệp, các Văn nghệ sỹ, những người yêu mến ông và yêu thơ ông…
Nhận lời mời của Ban tổ chức và gia đình Cố Nhà thơ Tố Hữu, Đoàn đại biểu Trung ương Hội Trường Sơn Việt Nam gồm có: Thiếu tướng Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội – Trưởng đoàn; đồng chí Lê Hồng Huân, Phó Ban TT thi đua; đồng chí Phạm Sinh, Ban Biên tập Trang TT Trường Sơn đã đến dự buổi lễ.
Tố Hữu là một Nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ cách mạng lão thành, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị như: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương Đảng CSVN, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương...
Vừa qua Đảng và Nhà nước đã tổ chức một số hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhà thơ Tố Hữu (04/10/1920 - 04/10/2020) và cũng nhân dịp này Bảo Tàng Tố Hữu hoàn thành để đưa vào sử dụng sau khi nâng cấp từ ngôi nhà Lưu niệm.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng; Nguyễn Văn Hùng; Trần Đăng Khoa
trực tiếp tham gia cắt băng khánh thành
Để ra đời được ngôi nhà Lưu niệm cách nay cả chục năm và nay là Bảo tàng Tố Hữu thì người vợ của ông – Bà Vũ thị Thanh với tâm nguyện của mình bà đã công phu gìn giữ tất cả khối tư liệu về ông trong suốt cả cuộc đời với tất cả tình yêu và lòng kính trọng dành cho ông. Và tâm nguyện của bà Vũ thị Thanh đã được hoàn thành trước lúc bà đi xa, đó là nhà Lưu niệm Tố Hữu được hoàn thành năm 2009. Mặc dù quy mô, bố cục và cách bài trí ban đầu của nhà Lưu niệm còn đơn sơ, thiếu chuyên nghiệp nhưng công trình này đã đón nhận được sự quan tâm và những tình cảm nồng ấm của các tổ chức, cá nhân và bạn bè gần xa suốt gần 10 năm mở cửa. Đã có không ít người nhiều lần quay trở lại nhà Lưu niệm với mong muốn được biết thêm về cuộc đời của ông…
Đi theo thời gian và sự phát triển chung của xã hội, các con cháu của Nhà thơ Tố Hữu ý thức được rằng: Di sản Văn hóa của cha ông mình để lại rất đồ sộ và phong phú, nhưng với quy mô và cách trưng bày bấy nay của nhà Lưu niệm đã biểu lộ những hạn chế làm ảnh hưởng đến việc duy trì, bảo tồn và chuyển tải đúng bản chất về nội dung tới người xem… Những băn khoăn trăn trở của thế hệ con cháu Nhà thơ Tố Hữu đã trở thành động lực để thúc đẩy nội lực phấn đấu… theo đó một điều may mắn họ đã gặp được nhóm chuyên gia về Bảo tàng, đứng đầu là Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy cùng đồng sự tập trung tư vấn hỗ trợ nên sau 2 năm làm việc tận tâm, việc nâng cấp nhà Lưu niệm thành Bảo tàng Tố Hữu đã được hoàn tất để tiếp tục mở cửa đón khách.
Bảo tàng Tố Hữu là công trình được đầu tư tổng thể bằng nội lực của gia đình Nhà thơ, đây là biểu hiện phần kế tục truyền thống cống hiến cho xã hội của gia đình đồng thời cũng là lời tri ân sâu sắc của gia đình và con cháu đối với ông.
Với lịch trình thời gian mở cửa vào ngày thứ bảy hàng tuần – Hy vọng Bảo tàng Tố Hữu sẽ đem đến cho khách tới thăm một cái nhìn mới hơn về ông, không chỉ coi ông như một Nhà thơ, một chiến sỹ cách mạng mà ông còn là người bạn thân kính của tất cả mọi người.
Còn với chúng ta – Những người lính Trường Sơn một thời ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc – Bên cạnh tiếng gọi thiêng liêng ấy trí ta vững hơn, lực ta mạnh hơn khi ai đến Trường Sơn mà không một lần nhắc đến câu thơ bất hủ trong bài thơ bất hủ “Theo chân Bác” của Nhà thơ Tố Hữu – Câu thơ:
“Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai!”
Bộ đội Trường Sơn chúng ta còn nhớ mãi hình ảnh Nhà thơ Tố Hữu có chuyến công tác xuyên dọc Trường Sơn đầu năm 1973 để sau đó cho ra đời bài thơ "Nước non ngàn dặm" nổi tiếng mà không một chiến sĩ Trường Sơn nào không thuộc...
Tố Hữu viết thơ về Trường Sơn thì nhiều lắm, nhưng chỉ hai câu thơ trên thôi nó đã như một “cái duyên” để rồi nó gắn kết Tố Hữu với Trường Sơn và Trường Sơn với Tố Hữu… Và hôm nay sự hiện diện của đoàn đại biểu Hội Trường Sơn chúng ta trong sự kiện trọng đại – Khánh thành Bảo tàng Tố Hữu phải chăng cũng vì cái duyên từ hai câu thơ ấy…
.jpg)
.jpg)
.jpg)
Đoàn Đại biểu Hội Trường Sơn Việt Nam tham dự lễ khánh thành Bảo tàng Tố Hữu (3 ảnh trên)
Phạm Sinh và Lê Huân