"Nỗi niềm những CCB Trường Sơn trên Thành phố mang tên Bác" - TG: Hoàng Kiền

Ngày đăng: 09:30 16/10/2020 Lượt xem: 1.114
NỖI NIỀM NHỮNG CỰU CHIẾN BINH TRƯỜNG SƠN
TRÊN THÀNH PHỐ MANG TÊN BÁC

         Họp Thường vụ Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, lần nào cũng nghe Đại tá Đinh Công Ty trình bày về việc xin thành lập Hội Trường Sơn mà chưa được. Hôm nay tôi tặng Bác cuốn sách "Trường Sơn Huyền Thoại" do tôi viết mới hoàn thành. Cùng ngồi nói chuyện thêm về vấn đề vướng mắc trong lập Hội ở TP Hồ Chí Minh. Nghe mãi, nghe thêm càng thêm bức xúc.
         Ban liên lạc Truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 1989. Năm 2011 khi Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam được thành lập, Ban liên lạc Thành Phố Hồ Chí Minh xin tham gia là một tổ chức trực thuộc, với 980 hội viên, trong đó có 100 Thanh niên xung phong còn lại là Bộ đội. Trong suốt 10 năm qua, Ban liên lạc do Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - người chỉ huy duy nhất của Bộ đội Trường Sơn còn lại làm Trưởng ban, liên tục đề nghị từ khi 81 xuân xanh nay đã 91 tuổi rồi Thành phố vẫn không cho thành lập. Ông giao lại trách nhiệm này cho người làm Phó ban liên lạc là Đại tá Đinh Công Ty năm nay 86 xuân xanh tiếp tục đề nghị. Vẫn chưa thành công.
         Tôi hỏi thế dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, Thành phố có quan tâm chỉ đạo gì không anh?
         Bác Ty nói:
- Có Phó Chủ tịch ạ, Thành phố cho 1 tỷ để gặp mặt kỷ niệm, ăn một bữa liên hoan hết hơn 500 triệu, còn lại tổ chức cho đi du lịch chứ không cho lấy tiền.
- Thế cũng là có quan tâm nhưng chưa đủ, chưa đúng với nhu cầu của Hội ta Bác ạ, vấn đề nhận thức của họ chưa xứng tầm, họ chỉ nghĩ đến các cựu chiến sĩ Trường Sơn còn sống gặp mặt ăn bữa cơm, đi du lịch là xong thì chưa phải. Chúng ta lập Hội Trường Sơn để làm việc có ý nghĩa cao cả là : Phát huy truyền thống của Trường Sơn Anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và làm việc nghĩa tình đồng đội.
         Đường Trường Sơn, con đường chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam, con đường thống nhất non sông, con đường đã đưa cả dân tộc ta ra chiến trường để đánh Mỹ và thắng Mỹ, con đường mà toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta đã dốc sức chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Con đường đã làm nên Huyền thoại.
         Bộ đội Trường Sơn Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
         Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
         Nhiệm vụ chính của Bộ đội Trường Sơn là cơ động lực lượng chủ lực hành tiến tiến công quân địch. Các Sư đoàn công binh 470, 472, 473 và một số trung đoàn độc lập tập trung bắc cầu, sửa cầu, bảo đảm cầu đường cơ động trên các hướng chiến dịch.
         Hai Sư đoàn ô tô vận tải 471 và 571 với hơn 5.000 xe ô tô đã bảo đảm cơ động cho các Quân đoàn 1, 2, 3 trên các hướng tiến công nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu của Chiến dịch và tiến công đánh chiếm Dinh Độc lập.
        Sư đoàn phòng không 377 cùng các Trung đoàn độc lập 527 và 528 cơ động bảo vệ đội hình tiến công Chiến dịch gồm các Quân đoàn 1, 2, 3.
         Bộ đội đường ống bảo đảm kịp thời đầy đủ xăng dầu cho các phương tiện cơ giới tham gia Chiến dịch.
Lực lượng của BTL Trường Sơn gồm 6 Sư đoàn và một số Trung đoàn độc lập đã tham gia bảo đảm chiến đấu, chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
        Ngày 15/5/1975, hàng trăm "Tuấn mã" Trường Sơn của Sư đoàn ô tô vận tải 471 được tham gia diễu binh trong Lễ mừng Toàn thắng và ra mắt của Ủy ban Quân quản Sài Gòn do Trung tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch.
Sài Gòn được giải phóng, hàng trăm chiến sĩ Trường Sơn ở lại công tác, sinh sống góp phần xây dựng Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
         Có được chiến thắng vĩ của dân tộc, để làm nên một Trường Sơn Huyền Thoại, Trong 16 năm hoạt động, hơn 20.000 cán bộ chiến sĩ Trường Sơn hi sinh, hơn 30.000 người bị thương .
         Ngoài những tổn thất trực tiếp trên chiến trường còn phải kể đến những tổn thương kéo dài nhiều thập kỷ sau chiến tranh. Đó là ảnh hưởng của chất độc dioxin với số lượng rất lớn những chiến sĩ trên chiến trường Trường Sơn.
         Ảnh hưởng này kéo dài đối với con người, đời con, cháu của họ và còn qua nhiều thế hệ. Điều thương tâm nữa là hàng vạn thiếu nữ vào chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn, hoà bình lập lại cả nước được hưởng yên vui thái bình thì tuổi xuân của họ đã để lại chiến trường, hàng nghìn người không có chồng, con. Về đời thường rất nhiều người cuộc sống còn rất khó khăn về nhà ở về sinh hoạt cần sự giúp đỡ của đồng đội.
Từ thực tế đó Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã báo cáo, được Chính phủ chỉ đạo cho phép thành lập Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Đến nay sau gần 10 năm, Hội đã được thành lập ở cả 4 cấp, bao gồm :
         Cấp toàn quốc với 32 vạn hội viên
         Cấp tỉnh với 40 tỉnh thành
         Cấp huyện với 310 huyện thị
          Cấp xã với 3100 xã phường.
         Hội đã hỗ trợ: Việc tìm kiếm hài cốt, công nhận liệt sỹ, làm chế độ chính sách thương binh, nhiễm chất độc da cam cho các trường hợp mất giấy tờ.
         Những năm vừa qua, Hội Trường Sơn đã vận động các nhà hảo tâm, các hội viên Trường Sơn, các tập thể, cá nhân trong cả nước ủng hộ xây dựng được 2500 ngôi nhà tình nghĩa, tặng 3357 sổ tiết kiệm mỗi sổ từ 3 đến 5 triệu đồng, 558 suất học bổng mỗi suất 1 triệu đồng, 83.700 suất quà, 1.150 chăn ấm cao cấp. Vận động trung tâm nhân đạo Phật Tích nuôi dưỡng suốt đời 14 chị em nữ cô đơn, không nơi nương tựa, trợ cấp thường xuyên cho 216 chị em nữ mỗi tháng 500 nghìn đồng/ người, cùng với nhiều hiện vật khác. Đã phát động phong trào" Hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, xoá đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn nâng cao đời sống", kết quả 3.000 gia đình hội viên vươn lên thoát nghèo, 5.000 gia đình hội viên từ cận nghèo lên trung bình.
       Quan tâm và nhận thấy sự đóng góp to lớn của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và ngày nay là tầm ảnh hưởng tích cực cho xã hội của lực lượng này – Ngày 13 tháng 5 năm 2011 Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 1032/ QĐ – BNV về việc cho phép thành lập Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh và trên cơ sở chủ trương của Đảng và Nhà nước - tại phiên họp toàn thể ngày 30-12-2015, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhất trí kết nạp Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam là thành viên thứ 46 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thiếu tướng Võ Sở Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh được bầu là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo đó các cấp của Hội Trường Sơn đều được tham gia là thành viên của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp. Hội đã tích cực hoạt động góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cùng các hoạt động thiết thực khác . Các Hội đều hoàn toàn tự chủ về tài chính, không ai bảo đảm cả. Trong chống Mỹ hăng hái đánh giặc, nay về đời thường hăng hái "vác tù và hàng tổng".
         Cớ sao Thành Phố Hồ Chí Minh lại không cho thành lập cả cấp thành phố, quận huyện, phường xã, trong khi Thủ đô Hà Nội và 39 tỉnh thành đều được thành lập ở cả 3 cấp.
        Thực trạng này có thể nói là do những người có trách nhiệm của TP Hồ Chí Minh nhưng lại thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm nên đã ngăn cản… Chúng tôi mong cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh hãy xem xét lại để giải quyết nguyện vọng của những Chiến sĩ Trường Sơn, nhất là những người cao tuổi được mãn nguyện là Hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí trên Thành Phố Hồ Chí Minh.

 

Đoàn đại biểu Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn tp Hồ Chí Minh dâng hương tri ân
các anh hùng LS Trường Sơn tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) 

Sáng ngày 18-7-2020)


Đoàn đại biểu Hội Trường Sơn Việt Nam do Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch TT dẫn đầu
vào TP Hồ Chí Minh thăm Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn


Thiếu tướng Hoàng Kiền tặng Đại tá Đinh Công Ty - Trưởng Ban LL truyền thống Trường Sơn TP Hồ Chí Minh cuốn sách TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI - Tác phẩm vừa xuất bản của Thiếu tướng Hoàng Kiền.  
 
Hà Nội ngày 15/10/2020
Hoàng Kiền

 

tin tức liên quan
test 123