Đại hội Đại biểu nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Nam Định - "Vẫn nguyên chất lính xanh màu Trường Sơn"

Ngày đăng: 01:52 08/12/2020 Lượt xem: 492
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU NỮ CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN TỈNH NAM ĐỊNH.
“VẪN NGUYÊN CHẤT LÍNH XANH MÀU TRƯỜNG SƠN”

 
          Buổi sáng giữa mùa đông mà trời vẫn trong xanh. Nắng vẫn vàng rực rỡ như điểm tô thêm nét ngạo nghễ trên bức tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn uy nghi trước Trung tâm Văn hóa 3-2 tỉnh Nam Định. Tấm Pano với kích thước lớn được CCB Trường Sơn Phạm Sinh thiết kế đặt trang trọng chiếm gần hết sảnh, chào mừng Đại hội lần thứ II - Nữ Chiến sỹ Trường Sơn –Đường Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định với những nét cười rạng rỡ của bao nữ chiến sĩ tuổi mười tám đôi mươi một thời giữa mưa bom bão đạn, với những hoạt động nghĩa tình, với khái quát những việc mà Ban liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Nam Định đã làm được trong năm năm qua.
       Trên sân khấu, trong tràn ngập sắc hoa của các cấp, các Ban ngành mang đến tặng, những tiết mục Văn nghệ đặc sắc đưa người nghe về với những năm tháng hào hùng cả nước lên đường với quyết tâm: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập” (Hồ Chí Minh). Nếu cách đây gần nửa thế kỉ, họ là những người con gái với “…Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn” để “…đi bắc những nhịp cầu/ Nối những con đường Tổ quốc yêu thương cho xe thẳng tới chiến trường…”, bởi họ: “… yêu lẽ sống! Yêu tự do! Yêu cuộc đời!” thì giờ đây, vẫn những người con gái ấy nhưng tóc đã bạc, khuôn mặt hằn sâu những nếp gấp của thời gian vẫn cất cao giọng hát. Họ hát bằng tiếng hát từ trái tim. Hát cho đồng đội cùng nghe. Hát cả cho những người nằm xuống. Với họ: “Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính.”
         Ngồi bên tôi là chị Vũ Thị Dùng (CCB Sư đoàn 472), quê ở Nam Phong. Học xong lớp 7, chị tham gia du kích xã. Cái làng quê nằm bên bờ  sông Đào đỏ nặng phù sa là nơi đóng quân của ba đơn vị pháo bảo vệ thành phố và một kho đạn. Không có một trận chiến đấu nào của các đơn vị pháo, đội du kích của chị không có mặt. Như những con thoi, họ thoăn thoắt tải thương, tải đạn cho các đơn vị. Có lần, trận đánh kết thúc, cả đội ngồi nghỉ ngơi, chị thấy mát lạnh bờ vai. Không biết trong quá trình tải đạn, những thùng đạn đã làm xước bờ vai chị từ lúc nào mà bây giờ vẫn còn đẫm máu. Một năm sau, chị xung phong đi Bộ đội. Sau đợt huấn luyện ở Nhân Hậu (Lý Nhân-Hà Nam), chị cùng đơn vị hành quân sang Lào. Năm 1973, chị được lệnh về Quảng Trị với nhiệm vụ đảm bảo thông suốt trên đường Trường Sơn với phương châm “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm.” Năm 1976, chị ra quân. Người phụ nữ của “một thời đạn bom” ấy tích cực tham gia các công tác xã hội trong vai trò Tổ trưởng Tổ dân phố, Thường vụ Hội phụ nữ Phường, Chi hội trưởng chi hội Chữ thập đỏ,Trưởng Ban liên lạc nữ Trường Sơn thành phố Nam Định.
          Với nét mặt tươi tắn, giọng nói trầm ấm, chị Trịnh Thị Hằng (CCB Sư đoàn 473), quê ở xã Nam Mỹ (huyện Nam Trực) kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng hào hùng nhưng cũng đầy hy sinh mất mát của đồng đội. Nước mắt rưng rưng, chị nhớ về bảy người đồng đội thân yêu đã hy sinh khi sập taly ở c21. Từ đó, mỗi lần trước khi đi làm, các chị lại xếp hàng dài, cúi đầu trước những nấm mộ của bảy người đồng đội thân yêu mà cảm thấy như được tăng thêm sức mạnh chiến đấu với quân thù. Đất nước thống nhất, trở về quê hương, chị tiếp tục đi học lớp công nhân kỹ thuật nấu ăn rồi về công tác tại Công ty thương nghiệp huyện Nam Trực. Sau này, về với đời thường tại thành phố Nam Định, chị tham gia các công tác của phường và làm Tổ trưởng tổ dân phố cho đến bây giờ.
         Được sự ủng hộ nhiệt tình của các Cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, Ban liên lạc Nữ chiến sỹ Trường Sơn Nam Định trong năm năm qua  đã phát huy vai trò chủ động, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thống, tình nghĩa. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phát huy truyền thống của Bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Tổ chức tốt các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của đại phương, động viên hội viên hưởng ứng cuộc vận động hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Trong tổng số 6.500 nữ thanh niên vào chiến trường, hiện nay Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn Nam Định có 4.550 người. Thời gian qua, Hội đã xây dựng 27 nhà tình nghĩa với tổng giá trị 1.070.000.000đ cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Tặng 730 xuất quà cho hội viên với tổng giá trị 365.000.000đ. Tặng 6 xe lăn cho các đồng chí Thương binh và chị em nhiễm chất độc da cam. Trong chiến tranh, các chị đã cùng: “Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết” (Chính Hữu) thì giờ đây họ lại cùng sát cánh bên nhau, chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, bệnh tật, khi đời sống khó khăn. Những việc làm tình nghĩa đó còn lan tỏa đến các địa phương. Những con số thống kê ẩn chứa bao tấm lòng thơm thảo của những nữ chiến sỹ Trường Sơn: Hỗ trợ đồng bào lũ lụt với tổng giá trị 485.000.000đ. Với mảnh đất Quảng Trị  gian lao, anh dũng, nơi in đậm bao chiến công chói ngời và sự hy sinh lớn lao của bao người, Ban liên lạc đã tặng các cựu chiến binh nghèo và các học sinh  450 xuất quà trị giá 220.000.000đ.  Những chuyến đi thăm Điện Biên, Cao Bằng, Quảng Ninh…đều là những chuyến đi trĩu nặng ân tình của truyền thống  “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” với tổng số 115.000.000đ, tặng các nữ Chiến sỹ Trường Sơn, các học sinh nghèo vượt khó. Bên cạnh đó, năm năm qua, Ban liên lạc còn tổ chức cho 1.650 lượt hội viên và thân nhân Liệt sỹ, người có công thăm lại chiến trường xưa. Mỗi chuyến đi là một lần - một lần tri ân các anh hùng Liệt sỹ, tặng quà cho các hội viên Trường Sơn, ôn lại những kỉ niệm của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

         Tiếp nối những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kì tới, Ban liên lạc tiếp tục xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, tri ân, nghĩa tình, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của hội viên Trường Sơn. Làm tốt hơn nữa hoạt động tình nghĩa, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ giúp đỡ hộ viên, tri ân đồng đội nơi chiến trường xưa, làm cho các hội viên phấn khởi, tự hào, tin tưởng, gắn bó với hội, lan tỏa sức mạnh Truyền thống Trường Sơn trong cộng đồng, như sự chỉ đạo của Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh: “Việc tổ chức Hội Nữ CSTS là yêu cầu thiết thực để phát huy vai trò của chị em trong việc phát huy truyền thống và tình nghĩa.”.
          Trong những năm qua, Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn đã thực sự là ngôi nhà chung của những người phụ nữ Nam Định một thời mặc áo lính trên tuyến đường Trường Sơn. Có thể nói chất lính của những năm khói lửa Trường Sơn vẫn in đậm trong trái tim của họ. Đại hội diễn ra sôi nổi, thành công bởi có sự tham dự của đại biểu thay mặt tỉnh Ủy, UBND tỉnh cùng các Sở, Ban ngành tỉnh Nam Định, có sự tham dự của các đồng chí cán bộ của Hội Trường Sơn Việt Nam như Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch TT Hội; Thiếu tướng Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội; Đồng chí Trần Thị Chung, Chủ tịch Hội nữ Chiến sỹ Trường Sơn toàn quốc; các  đại diện Hội Nữ chiến sỹ Trường Sơn các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình…
          Chất lính “một thời đạn bom, một thời hòa bình”  của nữ Chiến sỹ Trường Sơn thể hiện rõ nét trong tấm Pano in đậm khổ thơ “song thất lục bát” của 2 tác giả: Đại tá – Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý và Phạm Sinh.
“Thời con gái là thời cầm súng
Thời phá bom, xẻ núi, bắc cầu
Trở về… tình nghĩa bên nhau
Vẫn nguyên chất lính xanh màu Trường Sơn”
 
Phạm Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam tại Nam Định

tin tức liên quan
test 123