Vui buồn chuyện lo quà Tết cho hội viên - Phiếm bàn của Phạm Thành Long

Ngày đăng: 05:00 10/02/2021 Lượt xem: 1.662
VUI BUỒN CHUYỆN LO QUÀ TẾT CHO HỘI VIÊN

                    Phiếm bàn của Phạm Thành Long



Tặng quà Tết Tân Sửu cho hội viên TS tỉnh Thanh Hóa.


        “Hoạt động tình nghĩa Trường Sơn” là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của Hội Trường Sơn Việt Nam chúng ta.
        Hội chúng ta phải tự tranh trải toàn bộ kinh phí hoạt động nên việc lo kinh phí cho công tác tình nghĩa đã choán rất nhiều công sức, thời gian và nhân lực của Hội. 10 năm thành lập, Hội chúng ta đã huy động nội lực và các nguồn lực xã hội để xây tặng hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở hơn 2.400 ngôi nhà tình nghĩa; tặng hơn 70.000 suất quà…Ấy vậy mà theo điều tra cuối năm 2018 của Ban Chính sách thì Hội chúng ta trong cả nước vẫn còn hơn 3.500 hội viên rất khó khăn về đời sống và nhà ở. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm của chúng ta phải nỗ lực chung tay sẻ chia khó khăn cùng các đồng đội.
         Có lẽ chính vì thế mà hằng năm các cấp Hội trong cả nước đã làm, đã tìm mọi cách để có kinh phí tặng nhà, tặng quà đồng đội…Trong sự nỗ lực ấy, Lãnh đạo Trung ương Hội đã làm hết sức mình để tìm kinh phí cho công tác nghĩa tình Trường Sơn: “Chạy” các cửa để các cơ quan chức năng đồng ý cho phép Hội Trường Sơn Việt Nam hằng năm được tổ chức Chương trình “Nhắn tin tri ân chiến sĩ Trường Sơn”. Năm 2020 là năm thứ 3 Hội chúng ta tổ chức Chương trình nhắn tin trên Cổng Thông tin Nhân đạo Quốc gia 1400. Mặc dù mỗi năm Chương trình của chúng ta chỉ thu được trên dưới 1 tỷ đồng. Song, nhận thức: Một đồng để tri ân đồng đội cũng quý, vì thế mà Thiếu tướng Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội đã không quản ngại đi lại nhiều lần, gặp gỡ thuyết phục các cơ quan hữu quan cho phép Hội TSVN được tổ chức Chương trình “Nhắn tin tri ân chiến sĩ Trường Sơn”. Để có kinh phí cho Hội, Thiếu tướng còn vào Nam, ra Bắc, đi tới nhiều địa chỉ để xin hỗ trợ kinh phí…Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cũng đã huy động mọi mối quan hệ, nhiều cá nhân, đơn vị hảo tâm sẻ chia cùng Hội. Anh còn vận động nhiều người lính Trường Sơn ngày xưa là lính mà anh trực tiếp phụ trách, giờ thành công trên con đường lập nghiệp ủng hộ, tài trợ kinh phí cho nhiều hoạt động của Hội…Tiến sĩ Lê Thị Phương Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội, chị cũng khá “mát tay” trong việc xin tài trợ kinh phí cho hoạt động Nghĩa tình Trường Sơn. Hằng trăm ngôi nhà tình nghĩa; hằng ngàn suất quà tặng hội viên nữ; hằng chục hội viên nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận nuôi dưỡng; hơn 200 chị em khó khăn được trợ cấp hằng tháng…là “quả ngọt” từ “sự vất vả” “đi tìm” và “gõ cửa” các nhà tài trợ mà chị mang về cho Hội…
      Còn một số đồng chí cán bộ Cơ quan Trung ương Hội đã vận động mang về hằng trăm triệu đồng, hằng tỷ đồng cho công tác tình nghĩa Trường Sơn của Hội mà tôi chưa có dịp đề cập trong bài viết này.
Nêu ra mấy “dẫn chứng” trên đây về trách nhiệm cho công tác nghĩa tình Trường Sơn để chúng ta thấy: Việc lo quà Tết, lo nhà tình nghĩa luôn là mối quan tâm thường trực, là nỗi trăn trở, tìm tòi của Hội Trường Sơn các cấp chúng ta.
      Không chờ xuân về, Tết đến Hội chúng ta mới bắt tay “đi tìm” quà Tết, “tìm” nhà tình nghĩa tặng hội viên. Có thể nói rằng, khi những cơn mưa xuân đi qua, nhường chỗ cho những trận mưa rào mùa hè bắt đầu thì các cán bộ Hội đã lo “chạy” quà Tết rồi. Xin đưa ra con số của 3 năm gần đây để thấy Hội TSVN các cấp đã chăm lo cho công tác Nghĩa tình Trường Sơn đầy ý nghĩa như thế nào:
       -Năm 2018: huy động được 17,661 tỷ đồng, trong đó tặng 87 nhà tình nghĩa, tặng 12.230 suất quà các loại…
      -Năm 2019: Huy động được 16,305 tỷ đồng, trong đó tặng 144 căn nhà tình nghĩa, 450 chăm ấm, 328 sổ tiết kiệm, 5 tấn gạo và 17.124 suất quà tặng…
      -Năm 2020: Là năm cả nước bị ảnh hưởng bởi Covid nhưng chúng ta vẫn lo được 16,9 tỷ đồng cho công tác tình nghĩa, trong đó tặng 79 căn nhà mới, sửa chữa 75 nhà cũ, tặng 11.016 suất quà tình nghĩa…
     Dịp Tết Tân Sửu năm nay - Năm 2021 toàn Hội chúng ta vẫn rất tích cực chăm lo quà Tết cho hội viên. Ban Liên lạc Trung đoàn 98 đã tặng 30 triệu đồng quà cho hội viên. Hội Trường Sơn Thái Bình đã xin được 850 suất quà Tết, mỗi suất 200 ngàn đồng để tặng hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm nay, Hội TS Thái Bình là Hội đã vận động được quà Tết nhiều nhất trong các Hội Trường Sơn cả nước. 200 phần quà Tết mỗi suất 500 ngàn đồng đã được Hội Trường Sơn Việt Nam tặng hội viên Trường Sơn gặp khó khăn từ nguồn tài trợ của Quỹ Xã hội – Từ thiện của Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam. Hội Nữ CSTS Đường Hồ Chí Minh đã huy động từ nhiều nguồn quỹ đã gửi 200 suất quà (mỗi suất 500 ngàn đồng) tặng hội viên nữ cả nước. Hội TS tỉnh Nam Định ủng hộ 40 triệu đồng cho công tác tình nghĩa. Thường trực Hội TSVN ngay lập tức đã phân bổ tặng Hội TS Hà Tĩnh 18 triệu đồng và Hội TS tỉnh Bình Định 22 triệu đồng để hỗ trợ các hội viên khó khăn vào dịp trước Tết do bị thiệt hại trong trận bão lũ cuối năm 2020 vừa qua. Ban Chính sách của Hội trước Tết đã nhận được thông tin: Một hội viên Trường Sơn Yên Bái đầu xuân bị cơn lốc, ngôi nhà bị hư hỏng toàn bộ, vợ anh bị chấn thương sọ não. Hiện hội viên này đang sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”. Một hội viên ở Tuyên Quang vừa bị cháy toàn bộ ngôi nhà và tài sản, cần được hỗ trợ khẩn cấp. Ngay lập tức, Thường trực Hội đã quyết định trích Quỹ nghĩa tình Trường Sơn 100 triệu đồng hỗ trợ 2 hội viên gặp khó khăn đặc biệt từ Yên Bái và Tuyên Quang…
       Trong khi phần lớn các cấp Hội và rất nhiều các đồng chí cán bộ Hội ngày đêm tìm đủ mọi cách để lo quà tặng các hội viên gặp khó khăn thì lại có những cán bộ Hội thờ ở trước quà tặng của hội viên. Đấy là chuyện buồn nhưng không thể không nói.
        Năm trước, để tránh tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình xin kinh phí cho Hội, đồng chí Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh B đã ban ra một công văn gửi các cấp Hội trực thuộc đề nghị không tới gặp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh để xin xin kinh phí. Công văn còn “đồng kính gửi” các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn tỉnh “để biết”!!! Thế là cái công văn “vô hồn’ kia đã “cắt đứt” cơ hội để các đơn vị Trường Sơn cấp dưới huy động các nguồn lực từ xã hội hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nghĩa tình Trường Sơn. Bị các đơn vị phản đối, cuối cùng đồng chí Chủ tịch Hội ấy đã phải thu hồi cái công văn kỳ lạ kia!
        Mới đây, đồng chí Chủ tịch Hội TS Sư đoàn nọ đã phản ứng khá quyết liệt khi cơ quan chính sách của Hội phổ biến số lượng phân bổ quà Tết tặng hội viên cho đơn vị và hướng dẫn thủ tục cung cấp thông tin về người được nhận quà, trong đó có việc cung cấp số chứng minh hoặc căn cước công dân. Đồng chí Chủ tịch ấy đã phản đối quyết liệt, cho rằng tại sao Trung ương Hội lại “bắt” cung cấp số căn cước công dân? Có phải là Hội không tin tưởng Hội cấp dưới hay không? Sao Hội Trường Sơn chúng ta lại làm phức tạp như thế!... Mặc dù đồng chí Trưởng ban Chính sách của Hội đã giải thích rằng: Đây là quy định của cơ quan tài trợ. Nếu thiếu thông tin này thì họ sẽ không chuyển kinh phí. Nhưng, đồng chí Chủ tịch nọ vẫn không chấp nhận và từ chối số lượng quà Tết mà Hội đã phân bổ. Thế là mấy hội viên khó khăn của đơn vị đã không có cơ hội nhận được quà Tết chỉ vì sự hành xử của “ông’ Chủ tịch Hội nọ.
        Tết này, đồng chí Phó Chủ tịch Hội TS tỉnh G đã liên hệ xin được 25 suất quà Tết, mỗi suất 500 ngàn đồng tặng hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng chí này báo cáo với đồng chí Chủ tịch Hội và đề nghị ông Chủ tịch ký công văn xin quà Tết nói trên. Ông Chủ tịch nọ kiên quyết không ký công văn vì cho rằng: Chẳng có quy định nào tặng quà Tết lại “bắt” phải có công văn mới cho quà Tết cho đối tượng chính sách? Ta không “ngửa tay” đi xin như thế! Dù đồng chí Phó Chủ tịch đã giải thích rằng: Đây chỉ là thủ tục hành chính để cơ quan họ có căn cứ thanh toán kinh phí, nhưng ông Chủ tịch Hội nọ vẫn kiên quyết không ký! Thế là 25 hội viên có hoàn cảnh khó khăn của một tỉnh miền núi như Hội TS tỉnh G đã không có cơ hội được nhận quà Tết! Thật đáng tiếc!
       Hội Trường Sơn chúng ta nói vui theo ngữ nghĩa của lính Trường Sơn là Hội “tay không bắt giặc”. Không ai cấp kinh phí cho chúng ta cả. Chúng ta khéo vận động thì sẽ khai thác được các nguồn lực của xã hội để thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng của Hội. Nhiều đồng chí lãnh đạo Hội đã tìm mọi cách để “đi xin tiền” cho Hội. Thiếu tướng - Anh hùng Hoàng Kiền nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên “Chính ủy” Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng. Các anh đều có “vai vế oai phong” khi còn đương chức. Thế mà vì đồng đội, các anh không từ nan bất cứ việc gì, “chạy vạy, gõ cửa” các nơi, làm “thuyết khách” để xin kinh phí cho Hội… Khi thấy sự ứng xử của mấy ông Chủ tịch Hội địa phương kia mà thấy buồn. Chỉ vì nhận thức không đầy đủ, chỉ vì cứng nhắc và một chút “công thần” Trường Sơn mà họ đã “cắt đứt” cơ hội được nhận quà của những hội viên có hoàn cảnh khó khăn của đơn vị. Thật đáng tiếc biết bao! Việc chăm lo cho công tác nghĩa tình Trường Sơn là nhiệm vụ của các cấp Hội, các đơn vị truyền thống Trường Sơn trong cả nước. Mỗi đơn vị cần phải chủ động chăm lo và thực hiện thật tốt công tác tình nghĩa Trường Sơn. Nhưng vẫn còn những Hội, những đơn vị truyền thống thiếu năng động, thụ động trong việc tìm các nguồn lực từ xã hội mà trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên.
       Có số ít Hội Trường Sơn địa phương đã phải chịu thiệt thòi chỉ vì một cán bộ Hội không được lòng lãnh đạo địa phương. Chuyện chả có gì to tát. Nghỉ hưu với quân hàm đại tá, đồng chí này tự cho mình cũng có “vai vế”, lại có quá trình công hiến, huân huy chương đầy ngực. Thế là tính công thần nổi lên. Những đồng chí lãnh đạo địa phương hiện tại chỉ là lớp con cháu. Vì thế, đồng chí này cứ mang cái “tâm thế” ngày xưa của mình để “ứng xử’ khi làm việc với lãnh đạo địa phương. Ông ta đã không lấy được tình cảm của lãnh đạo địa phương. Bởi thế mà Hội của ông ta không nhận được sự ủng hộ từ địa phương. Chịu thiệt thòi lại chính là các hội viên Trường Sơn.
Là Hội Trường Sơn Việt Nam chúng ta là Hội Truyền thống chứ không phải là Hội Cựu chiến binh. Ấy vậy mà rất nhiều đồng chí của Hội Trường Sơn chúng ta nhìn nhận con người lại nặng về cấp bậc quân hàm. Nhiều anh em nói vui rằng đó là hiện tượng “hội chứng quân hàm”! Nhiều Hội địa phương, đồng chí chủ trì có quân hàm rất thấp vì chuyển ngành khá sớm. Nhưng đồng chí ấy đã phấn đấu trưởng thành và giữ những trọng trách ở địa phương. Nhờ sự khiên tốn và uy tín của người đứng đầu mà Hội địa phương ấy được nhờ. Chủ tịch Hội TS Thái Bình Vũ Hồng Thái, quân hàm chỉ là Đại úy. Nhưng khi chuyển ngành, anh là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Thái Bình. Hội TS Thái Bình hoạt động hiệu quả nên rất có uy tín với địa phương. Nhờ uy tín và khéo vận động, năm nào anh cũng xin được hỗ trợ từ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân được rất nhiều quà tặng cho hội viên. Đồng chí Nguyễn Hữu Thiện, Chủ tịch Hội TS quận Tây Hồ, Hà Nội, quân hàm cũng chỉ Đại úy. Nhưng có uy tín với địa phương mà Trụ sở làm việc của Hội TS Tây Hồ thuộc loại khang trang, rộng đẹp nhất nhì Hội TS Hà Nội. Đồng chí Chủ tịch Hội TS huyện Mỹ Đức, Hà Nội khi chuyển ngành chỉ với quân hàm Trung úy. Khi nghỉ hưu, anh là Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện. Nhờ uy tín của anh ở địa phương mà Hội TS Mỹ Đức có trụ sở rộng đẹp đứng đầu Hội TS cấp quận huyện của Hà Nội. Đấy là chưa kể, hằng năm Hội còn được Huyện cấp kinh phí hoạt động 60 triệu đồng…Hội TS huyện Thạch Thất, nhờ uy tín và khéo vận động của đồng chí Thượng tá Chủ tịch Hội mà không những Hội TS huyện được bố trí phòng làm việc mà còn được cấp kinh phí hằng năm. Hội TS xã nào cũng được các địa phương cấp kinh phí hoạt động...
       Còn rất nhiều những đồng chí như thế. Những đồng chí này không chỉ có tâm huyết mà còn đầy trách nhiệm với đồng đội. Họ làm tất cả vì đồng đội chứ tuyệt nhiên không vì lợi ích cá nhân trong đó. Nhờ những đồng chí ấy, các hội viên Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn sẽ có cơ hội nhận được sự tri ân cần thiết. Họ là những người thật sự vì Trường Sơn hôm qua, vì Trường Sơn hôm nay và vì Trường Sơn mãi mãi mai sau.
      Hội Trường Sơn Việt Nam rất cần nhiều những người như họ và Hội không cần những người có tính “công thần Trường Sơn”!
 
 

tin tức liên quan
test 123