Tản mạn về những cột cờ Tổ quốc.

Ngày đăng: 07:58 17/02/2021 Lượt xem: 566
NGÀY XUÂN, TẢN MẠN VỀ NHỮNG CỘT CỜ TỔ QUỐC

Vũ Trình Tường
 
     Đối với mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh lá Quốc kỳ là vô cùng thiêng liêng. Quốc kỳ là biểu tượng của Lãnh thổ, Tổ quốc, Dân tộc, Nhân dân  Màu cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của ý Đảng, lòng Dân, thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược và xây dựng đất nước hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc. Nhân ngày Xuân Tân Sửu, xin điểm lại một số câu chuyện xung quanh những “cột cờ” nổi tiếng.
 
1- Cột cờ Lũng Cú.
 

 
     Trên cực Bắc của Tổ quốc là xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - Nơi biên cương, phên giậu của Tổ quốc. Sử cũ chép rằng: Cách đây gần một nghìn năm, danh tướng Lý Thường Kiệt trong một lần xuất binh lên biên giới, khi qua châu Bình Nguyên, ông đã cho dựng một cột cờ bằng thân cây Sa Mộc trên đỉnh một ngọn đồi. Lá cờ Đại Việt đã tung bay ghi dấu lãnh thổ nước Đại Việt.
    Ngay nay, chính tại nơi ấy, một cột cờ hùng vĩ đã được xây dựng: Cột cờ Lũng Cú. Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển.
    Cột được xây dựng năm 1887 (từ thời Pháp thuộc). Những năm sau đó như 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm Quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9 m, chiều rộng 6 m và tổng diện tích rộng 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.
    Trên bản đồ, Lũng Cú là một chấm nhỏ nằm sát biên giới Việt Trung.

2-Cột cờ Hà Nội


 
    Thăng Long- Hà Nội là cố đô của nước Đại Việt qua nhiều thế kỷ, nhiều thời đại phong kiến: Lý, Trần, Lê, Mạc...tất nhiên, mỗi thời đều có những “kỳ đài” của mình. Nhưng do nhiều biến cố của lịch sử mà dấu vết các “kỳ đài” không còn nữa.
Khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, kinh đô đóng ở Huế, nhưng Hà Nội vẫn là một trung tâm kinh tế chính trị quan trọng. Bắt đầu từ năm 1805, nhà Nguyễn đã cho xây dựng Thành Hà Nội, trong đó có Kỳ đài Hà Nội. Kỳ đài là một kết cấu dạng tháp được hoàn thành năm 1812. Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, được coi là một trong những biểu tượng của thành phố: Tầng 1 mỗi chiều 42,5 m, cao 3.1m; tầng 2 mỗi chiều 27 m; cao 3,7 m; tầng 3 mỗi chiều 12,8 m; cao 5,1 m. Từ tầng 1 đến tầng 3 đều có cầu thang xoắn dẫn lên.
   Trên tầng 3 là thân cột cờ hình trụ có 8 cạnh thon dần lên phía trên, mỗi cạnh 2,13 m với thân cao 18,2 m. Trụ hình thang xoáy trôn ốc gồm 54 bậc; được rọi sáng  bằng 39 ô cửa sổ hình hoa thị và 6 ô cửa sổ hình dẻ quạt.
Đỉnh cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3 m có 8 cửa sổ tương ứng 8 cạnh. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính 0,4 m và cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ cao 8 m.
   Toàn phần xây từ đế đến trụ này cao 33,4 m gồm 3 tầng đế cao 12 m, cột cao 18,2 m, lầu 3,3 m. Nếu kể cả trụ treo cờ thì tổng chiều cao là trên 40 m.
   Khi người Pháp phá thành Hà Nội, họ định phá luôn cột cờ, may mắn là họ không tiến hành việc này, lý do vì họ muốn biến nó thành đài xem đua ngựa.
   Ngày nay, Kỳ đài Hà Nội vẫn nguyên vẹn kiến trúc như ngày đầu xây dựng, nhưng trên đỉnh cột cờ là lá cờ đỏ sao vàng- Quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
    Hiện Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên của Bảo tàng QS Việt Nam  (trước đây là Bảo tàng Quân đội), trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.
 
3-Kỳ đài  Huế.


 
    Khi vua Gia Long thống nhất đất nước, chọn Phú Xuân làm nơi đóng đô. Ông bắt tay vào xây dựng kinh thành. Một hạng mục quan trọng trong tổng thể Kinh thành là Kỳ đài. Kỳ đài Huế được xây dựng từ năm Gia Long thứ 6 (1807) và hoàn thành năm 1932 dưới thời Minh Mạng, cùng thời gian xây dựng kinh thành. Kỳ Ðài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840.
Kỳ đài Huế gồm hai phần: đài cờ và cột cờ.
    Đài cờ gồm ba tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5 m, tầng giữa cao khoảng 6 m, tầng trên cùng cao hơn 6 m. Tổng cộng của ba tầng đài cao khoảng 17,5 m. Từ mặt đất lên tầng dưới bằng một lối đi nhỏ ở phía trái Kỳ Ðài, tầng dưới thông với tầng giữa bằng một cửa vòm rộng 4 m, tầng giữa thông với tầng trên cùng cũng bằng một cửa vòm rộng 2 m. Ðỉnh mỗi tầng có xây một hệ thống lan can cao 1 m được trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng. Nền ba tầng lát gạch vuông và gạch vồ, có hệ thống thoát nước mưa xuống dưới. Trước đây còn có hai chòi canh và tám khẩu đại bác.
   Cột cờ nguyên xưa làm bằng gỗ, gồm hai tầng, cao gần 30 m. Năm THiệu Trịh thứ sáu (1846), cột cờ được thay bằng một cây cột gỗ dài hơn 32 m. Đến năm Thành Thái thứ mười sáu (1904), cột cờ này bị một cơn bão lớn quật gãy, nên sau phải đổi làm bằng ống gang. Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị pháo bắn gãy một lần nữa. Năm 1948, cột cờ bằng bê tông cốt sắt với tổng  chiều cao 37 m hiện nay mới được xây dựng.
.
4-Cột cờ ở bắc sông Bến Hải


 
    Sau hiệp định Giơ Ne Vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Vĩ tuyến 17 và sông Bến Hải là giới tuyến phân chia tạm thời. Bờ Bắc có cột cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, bờ Nam là lá cờ “Ba que” của Ngụy quyền Sài Gòn. Tại đây, cuộc chiến “Chọi cờ” là cuộc chiến gay gắt, quyết liệt nhất, diễn ra trong nhiều năm ròng.
    Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới nơi đầu cầu Hiền Lương trở thành điểm tựa, niềm tin của hàng triệu đồng bào nơi bờ Nam sông Bến Hải. Mỗi lần địch cho dựng cột cờ mới cao hơn cột cờ của ta là mỗi lần chiến sỹ ta lại lặn lội lên rừng tìm cây gỗ cao hơn, to hơn về dựng. Tháng 2-1956, Ngô Đình Diệm cho xây dựng cột cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m với lá cờ 3 sọc lớn, có đèn nê - ông nhấp nháy đủ màu như thách đố. Tháng 7-1957, quân ta đã dựng một cột cờ bằng thép ống cao 34,5m với lá cờ rộng 108m2. Khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao vút, đồng bào hai bờ Bắc Nam vui sướng reo mừng. Mỹ - Ngụy hoàn toàn bất ngờ trước sự kiện này. Chúng vội vàng tăng cao cột cờ của chúng lên thành 35m. Năm 1962, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ bằng thép rồi chuyển vào dựng. Cột cờ mới này cao 38,6m, kéo lên lá cờ 134m2, nặng 15kg. Cách đỉnh cột cờ 10m có một ca-bin để chiến sỹ ta đứng thu và treo cờ.
    Quyết hạ cột cờ cho bằng được, ngày 17/9/1965, Mỹ lại cử một đội máy bay ném bom, đánh phá khu vực cầu Hiền Lương, nhưng cột cờ chỉ bị hư hại. Ngày 2/8/1967, địch tiếp tục tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau ném bom, làm cho Cầu Hiền Lương bị sập và cột cờ bị gãy. Ngay đêm đó, bằng một cột điện nối thêm cây gỗ, một cột cờ mới lại được dựng lên. Đồng thời, các chiến sỹ đặc công thủy Đoàn 126A đã dùng bộc phá đánh sập cột cờ bờ Nam, chấm dứt vĩnh viễn lá cờ ba que của chế độ Sài Gòn trên bầu trời giới tuyến.
    Ngày 30-4-2008, Di tích hai bờ Hiền lương được tôn tạo, trong đó có Cột cờ Hiền Lương được khánh thành.

5-Cột cờ Thủ Ngữ ở TP. Hồ Chí Minh.


 
    Trên đất Sai Gòn- Gia Định xưa có một cột cờ 156 năm tuổi, đó là Cột cờ Thủ Ngữ. Cột cờ Thủ Ngữ nằm trên bến Bạch Đằng (Quận 1) được người Pháp xây dựng vào tháng 10 năm 1865 với tên gọi lúc đầu là Mât des signaux, có nghĩa là Cột tín hiệu. Đúng như cái tên lúc đầu của nó, chức năng ban đầu của cột cờ là làm cột tín hiệu cho tàu bè ra vào luồng lạch khu vực Sài Gòn - Gia Định. 
     Trong giai đoạn 1890 - 1910, cột cờ được dựng lại bằng sắt, cao 35m và bổ sung thêm sàn đứng kéo cờ. Cầu tàu trước cột cờ được mở rộng. Khu vực gần Cột cờ có thêm một số công trình phục vụ cho chức năng bến cảng như tòa nhà kiểm tra thuế quan và nhà kho. Một số công trình lớn và quan trọng của khu vực được hình thành ở khu vực xung quanh Cột cờ, tiêu biểu là Bến cảng Nhà Rồng và trụ sở Cục Hải Quan ngày nay.
    Trong những năm 1920, một công trình hình bát giác một tầng có mái dốc được xây dựng dưới chân cột cờ. Cầu tàu trước Cột cờ được mở rộng. Khu vực trước Cột cờ có một quầy bán hàng giải khát tên tiếng Pháp là La Pointe des Blagueurs, dịch ra có nghĩa là Mũi Tán dóc.
     Vào những năm 1930, kiến trúc cột cờ không có sự thay đổi lớn. Các nhà kho, quầy bán hàng và công trình xung quanh được tháo dỡ để xây dựng một công viên dọc bờ sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Đến những năm 1940, cột cờ được xây dựng lại với hình thức kiến trúc có sự thay đổi.
    Ngày 23 tháng 9 năm 1945, khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thành lập chưa đầy một tháng, tại miền Nam đã xảy ra cuộc giao chiến giữa người Việt với người Anh tại cột cờ Thủ Ngữ. Quân Anh với trang bị hiện đại đã đánh thắng người Việt và giành quyền treo cờ lên cột cờ Thủ Ngữ.
    Trong thập niên 1950 - 1960, dưới thời Mỹ Ngụy, công trình đã mất đi vai trò như một cột tín hiệu. Khối công trình dưới chân Cột cờ được sử dụng làm nhà hàng có tên "Ngân Đình Tửu Quán".
    Từ năm 1975 - 2000, công trình trải qua một số lần cải tạo và bỏ phần mở rộng được xây dựng từ những năm 1960.
Cột cờ Thủ Ngữ được xếp hạng di tích cấp thành phố vào năm 2016. Cuối năm 2020, UBND thành phố đã tổ chức trùng tu. Sáng 4-1-2021, Sở Xây dựng phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khánh thành công trình trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ.
    Cột cờ Thủ Ngữ nằm trong tổng thể Di tích Bến Nhà Rồng ven sông Sài Gòn.
 
6-Cột cờ Tổ quốc tại xã Đất Mũi, Cà Mau.



 
    Từ lâu nhân dân miến Nam đã khao khát có một cột cờ nơi cực Nam của Tổ quốc. Đáp ứng nguyện vọng của người dân, ngày 28-2-2017, cột cờ Tổ quốc tại Đất Mũi- Cà Mau đã được khởi công xây dựng. Công trình Cột cờ tại tỉnh Cà Mau có tổng diện tích khuôn viên khoảng 1,6ha, bao gồm: Cột cờ mô phỏng Kỳ đài Hà Nội diện tích 2.025m², chiều cao 45m.
Ngày 10-12-2019, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ khánh thành Cột cờ tại Mũi Cà Mau và khai mạc “Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau 2019”.
    Công trình được khởi công ngày 28-2-2017 và bàn giao chính thức cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, Ban Quản lý khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau.
    Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau nằm trong Khu du lịch Mũi Cà Mau, gần với các công trình quan trọng như: Cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng mũi tàu Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh…
    Cột cờ tại Mũi Cà Mau được xem là một công trình thế kỷ, có giá trị nghệ thuật, kiến trúc đẹp mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử và có ý nghĩa thiêng liêng khẳng định chủ quyền lãnh thổ dân tộc, chủ quyền biển đảo quốc gia, gắn bó Bắc - Nam một nhà, gắn bó tình cảm keo sơn, sâu nặng của người dân Thủ đô đối với quê hương đất Mũi Cà Mau và bạn bè quốc tế.

7-Lá cờ Tổ quốc giữa Vòng tròn bất tử.


 
    Ngày 14/3/1988, đã xảy ra cuộc chiến đấu của những chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao với nhiều tàu chiến Trung Quốc. Tàu Trung Quốc ngang ngược lao đến dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 (đảo Gạc Ma), HQ-605 (đảo Len Đao) và HQ-505 (đảo Cô Lin). Quân Trung Quốc sau đó đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Việt Nam, nổ súng vào những chiến sĩ chúng ta. Trên đảo Gạc Ma, những chiến sĩ của ta đã đứng thành một vòng tròn bảo vệ lá cờ chủ quyền. Dù bị trúng đạn nhưng thiếu úy Trần Văn Phương vẫn hiên ngang giữ cờ Tổ quốc và hô vang: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo.."
     Trong cuộc chiến, 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh. Nhưng hình tượng “Vòng tròn bất tử” đã được nhân dân tôn vinh bằng một công trình Tưởng niệm. Trong đó, cụm tượng giữa “Vòng tròn bất tử” bằng đá granit, cao 15,15m, phần bệ đài cao 1,4m, thân tượng cao 13,75m, gồm 9 hình tượng cách điệu các chiến sỹ Gạc Ma, giữa biển cả mênh mông đầy sóng gió, quyết một lòng bảo vệ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ.
    Ngày 15-7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại bờ biển phía Bắc bán đảo Cam Ranh thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)

    8-Ước nguyện xây dựng Cột cờ biên giới Trường Sơn.



Mô hình Cột cờ biên giới Trường Sơn Việt - Lào, trung điểm của đường biên giới quốc gia phía Tây Tổ quốc, cách Mũi Cà Mau 1.284km, cách Lũng Cú 1.280km.

    Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có 8/10 xã giáp với hai huyện Kạ Lừm và Đăk Chưng, tỉnh Sê Koong (Lào). Trong chiến tranh, Tây Giang là địa bàn hoạt động của Bộ đội Trường Sơn. Hiện nay, tại đây vẫn còn khoảng 5 km đường Trường Sơn còn nguyên trạng tại Đèo Bù Lạch. Di tích Đèo Bù Lạch, xã A Nông, Tây Giang đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
    Ngày 18/10/2016, Lãnh đạo huyện Tây Giang làm việc với Hội Trường Sơn Việt Nam,  đồng chí Brui Niết- Bí thư Huyện ủy có đề đạt ý tưởng: “Trên cực Bắc của đất nước đã có cột cờ ở Lũng Cú, Hà Giang. Ở cực Nam có cột cờ ở Đất Mũi, Cà Mau đánh dấu Địa đầu biên cương Tổ Quốc. Vậy ở trung điểm biên giới quốc gia ở phía Tây cũng cần một “Cột cờ” như vậy. Huyện Tây Giang đã chọn địa điểm tại đỉnh núi thuộc xã Ch’ơm và lập Dự án xây dựng cột cờ tại đây.
    Thôn Cha’nốc, xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cách Mũi Cà Mau 1.284km, cách Lũng Cú 1.280km)”.
    Nguyện vọng của chính quyền và nhân dân Tây Giang là chính đáng, Hội Trường Sơn Việt Nam ủng hộ.

 
VTT
 
 
 
 
tin tức liên quan
test 123