Ngày hành trình thứ 3 “Chiến dịch” Trao nhà tình nghĩa và Về nguồn của đoàn Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Thành phố Hồ Chí Minh
NGÀY HÀNH TRÌNH THỨ 3 “CHIẾN DỊCH” TRAO NHÀ TÌNH NGHĨA
VÀ VỀ NGUỒN CỦA ĐOÀN BAN LL NỮ CS TRƯỜNG SƠN TP HỒ CHÍ MINH
26 tháng 3 năm 2021 - Ngày hành trình thứ 3 của đoàn Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện với một lộ trình sát với kế hoạch đã định.
Xuất phát từ điểm dừng chân – thành phố Vinh, Nghệ An đoàn ghé qua xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (một xã nằm trong vùng đệm của ngã ba Đồng Lộc). Tại đây đoàn đã tặng quà và giao lưu cùng các hội viên Trường Sơn và CCB trong xã. Bằng nguồn thiện nguyện của Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Tôn Thị Hồng Lan – người con của quê hương Vượng Lộc, với số tiền 16 triệu đồng đã được trao tới trên một trăm anh chị em hội viên.
Tiếp theo đoàn đã đến khu di tích ngã ba Đồng Lộc. Tại đây đoàn đã dâng hương tại Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ Thanh niên xung phong toàn quốc; dâng hương viếng phần mộ của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc.
Buổi chiều cùng ngày cùng với sự tham gia phối hợp của Hội Nữ Chiến sỹ Trường Sơn toàn quốc; Hội Trường Sơn và Nữ CS Trường Sơn tỉnh Quảng Bình; Hội Trường Sơn và Nữ CS Trường Sơn huyện Bố Trạch và đoàn Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng tổ chức trao nhà tình nghĩa cho hội viên Hoàng Thị Khiên tại xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Một căn nhà khang trang 60m2 được xây mới từ nguồn tài trợ 90 triệu đồng và nguồn vốn tự có của gia đình. Trong tổng số vốn tài trợ 90 triệu đồng có 70 triệu là nguồn do Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Thành phố Hồ Chí Minh huy động – Bao gồm: Gia đình Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Lê Thị Luận: 50 triệu đồng; đồng chí Nguyễn Thị Bình, Phó Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Thành phố Hồ Chí Minh: 8 triệu đồng; bà Đoàn Phi Vân, cán bộ Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh: 10 triệu đồng và 2 triệu đồng của một số cá nhân khác.
Có một điều cảm động, ấn tượng và rất đáng trân trọng, đó là số tiền 50 triệu đồng thiện nguyện của Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Lê Thị Luận, thực sự thể hiện nghĩa cử “lá rách ít đùm lá rách nhiều” - Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Lê Thị Luận sinh năm 1947, gia nhập Thanh niên xung phong năm 1965 – Lớp Thanh niên xung phong đầu tiên của Trung ương Đoàn. Đơn vị công tác của chị là Đại đội 115, Tiểu đoàn 263, Binh trạm 14. Là đối tượng có công trên chiến trường bảo vệ Tổ quốc và hiện lại mang căn bệnh hiểm nghèo (ung thư) nhưng với ý trí của một Nữ Chiến sỹ Trường Sơn, chị Luận đã phấn đấu vượt qua thách thức của bệnh tật để sống vui, sống có ích cho xã hội. Và từ nhiều năm trở lại đây chị còn miệt mài với việc làm từ thiện… Những gì mà Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Lê Thị Luận phấn đấu để có được đã tôn chị trở thành một hình mẫu của xã hội, chính vì vậy mà trong một chương trình mang tên “Xuân là hy vọng” do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bên thềm xuân mới 2021 vừa qua, Ban tổ chức chương trình đã mời chị Luận về dự, giao lưu và phỏng vấn… Cũng trong chương trình này Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Lê Thị Luận đã được Ban tổ chức trao tặng 50 triệu đồng nhằm hỗ trợ để chị chữa bệnh. Nhưng chị Lê Thị Luận đã tự nguyện xung phong chuyển toàn bộ số tiền này sang làm công tác nghĩa tình đồng đội hôm nay…
Sau buổi Lễ trao nhà cho đồng đội tại Bố Trạch, đoàn Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Thành phố Hồ Chí Minh đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Hang Tám Cô trên đường Trường Sơn và đoàn kết thúc tốt đẹp chương trình hành trình ngày thứ 3.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH GHI LẠI TRONG NGÀY
Tặng quà các CCB tại xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Đoàn tại khu Di tích ngã ba Đồng Lộc (2 ảnh trên).
Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Lê Thị Luận (bên phải) cùng chồng (bên trái)
Trao tượng trưng 50 triệu đồng hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho hội viên Hoàng Thị Khiên.
Nữ Chiến sỹ Trường Sơn - Bác sĩ Trần Thị Thục Oanh (bên phải)
Trao tượng trưng 20 triệu đồng hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho hội viên Hoàng Thị Khiên.
Đoàn Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Thành phố Hồ Chí Minh
tặng quà cho gia đình hội viên Hoàng Thị Khiên trong buổi lễ.
Đoàn tại khu Di tích hang Tám Cô (2 ảnh trên).
Thực hiện: Phạm Sinh và Hồng Huân