Mãi "Còn lại với Trường Sơn"

Ngày đăng: 03:40 28/04/2021 Lượt xem: 1.021
 
 

MÃI
“ CÒN LẠI VỚI TRƯỜNG SƠN”

 

 Họa sỹ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ
 
         Nhận lời mời của Ban tổ chức. Chiều ngày 27 tháng 4 năm 2021 đoàn đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam chúng tôi về  tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – Số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội để tham dự khai mạc triển lãm tranh, ký họa “ Còn lại với Trường Sơn” của Họa sỹ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ.  
         Cuộc triển lãm do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – Tổng cục Chính trị Quân đội NDVN phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tố chức . Đây được coi là một hoạt động nhằm hướng tới chào mừng kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021), kỷ niệm 62 năm ngày mở đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2021).
         Họa sỹ Nguyễn Đức Dụ (bút danh Đức Dụ) sinh năm 1946 tại Đồng Quang, Gia Lộc, Hải Dương. Ông từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và là Ủy viên BCH Hội Trường Sơn Việt Nam.
         Nhập ngũ năm 1965 và trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn – những nơi Họa sỹ Nguyễn Đức Dụ đã đi qua và bám trụ là tuyến đường 20 Quyết thắng (điểm nóng của Trường Sơn) - với Tha Mé, Vang Mu, Ta Lê, Phu La Nhích… Sau đó tiến sâu vào miền Tây Thừa Thiên – Huế… Vốn có năng khiếu mỹ thuật hội họa, ngày ngày được chứng kiến hoạt động sôi nổi của Bộ đội trên rừng Trường Sơn nên chiến sỹ Công binh Đức Dụ cứ giờ nghỉ lại lao vào vẽ tranh chân dung và cuộc sống làm việc thời chiến của đồng đội. Khi vẽ được nhiều tranh đơn vị làm triển lãm lưu động cho ông bằng cách chăng dây rừng rồi kẹp tranh lên đó… những “cuộc” triển lãm khó tìm nơi chiến trường này khiến các chiến sỹ rất thích thú. Nhận thấy khả năng hội họa của Đức Dụ, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Vũ Xuân Chiêm đã tạo điều kiện đưa ông về Phòng Tuyên huấn để “vẽ chuyên nghiệp” và những năm tháng trên con đường Lịch sử này đã cho Họa sỹ Đức Dụ chất liệu, vốn sống dày dặn, phong phú để rồi những ký ức quý giá ấy đã trở thành tư liệu để ông cặm cụi vẽ về Trường Sơn như một sự tri ân, một sự nhắc nhở về thời oanh liệt…
         Đất nước hòa bình thống nhất. Về với đời thường – Vẫn cái nghiệp hội họa, Họa sỹ Đức Dụ luôn canh cánh trong mình về một Trường Sơn, nơi mà trong tâm trí ông đã thu nạp được vô kể những hình ảnh và những sự kiện lịch sử hào hùng trên con đường này… Để rồi ông tiếp tục dành nhiều thời gian sáng tác của mình cho đề tài Trường Sơn. Gắn liền với niềm “canh cánh trong mình về một Trường Sơn” ấy là hàng loạt tác phẩm có giá trị chính trị xã hội và nghệ thuật cao được ra đời đến nay…
         Thật cảm động trong nghẹn ngào của lời phát biểu tại buổi khai mạc Triển lãm hôm nay – Họa sỹ Đức Dụ chia sẻ: “ Còn lại với Trường Sơn” là triển lãm lần thứ 22 về tranh Trường Sơn của cá nhân ông sau những lần tổ chức tại Hà Nội rồi tổ chức tại các địa phương như: Nam Định, Hải Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh… Với tôi, mỗi lần tổ chức triển lãm đều đem lại cảm xúc đặc biệt. Tôi rất mừng khi thấy gần đây đã dần có thêm những tổ chức, cá nhân đã quan tâm đến những tác phẩm Văn học Nghệ thuật ra đời trong chiến tranh của các tác giả trong cả nước nói chung và của tôi nói riêng, đó chẳng phải là việc làm tốt hướng về Lịch sử truyền thống hào hùng của Dân tộc ta trong cuộc kháng chiến vệ quốc là gì...?. Theo đó  Họa sỹ Đức Dụ đã đưa ra một dẫn chứng: Hơn 300 bức tranh về Trường Sơn của ông hiện đã được một Tập đoàn lớn hàng đầu Việt Nam lưu giữ và nhiều lần tài trợ tổ chức các cuộc triển lãm tranh cũng như in 3 cuốn sách tập hợp các tác phẩm ấy. Sao tôi không thể không vui khi người họa sỹ già như mình chẳng có mong muốn nào hơn là những “đứa con tinh thần” của mình sẽ được bảo quản, gìn giữ và trưng bày để tuyên truyền về Trường Sơn Anh hùng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Cảm động hơn cả là cuối lời phát biểu của mình, Họa sỹ Đức Dụ nói “ Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục vẽ - vẽ thêm nhiều về Trường Sơn và vẽ đến khi nào không vẽ được nữa mới thôi”… 
         Thật chẳng dễ gì mà sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của họa sỹ Đức Dụ lại nhận được với bao những lời tôn vinh – Xin đơn cử: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đánh giá Tranh về Trường Sơn của Nguyễn Đức Dụ là: “ đã ghi lại được những nét đáng ghi của công trình vĩ đại của dân tộc ta”. Hoặc đây nữa, sinh thời họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam từng nhận xét: “ Vẽ về Trường Sơn, họa sỹ Đức Dụ không những thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật mà còn để tri ân những cán bộ, chiến sỹ Trường Sơn, những Thanh niên xung phong đã cùng kề vai sát cánh trong bom đạn. Những bức ký họa của ông đã trở thành tư liệu quý của nghệ thuật tạo hình nước nhà trong thời kỳ kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Với Đức Dụ, chất lính, chất nghệ sỹ luôn thấm đẫm trong con người và tác phẩm
         Trong triển lãm lần này – Tại khu trưng bày – Với 44 tác phẩm phần lớn được Họa sỹ Đức Dụ sáng tác trong những ngày ông ở Trường Sơn với nội dung ghi lại những hoạt động của những người lính Trường Sơn và đồng bào các dân tộc Việt, Lào trên chiến trường và cả những địa danh lịch sử trên khắp tuyến từ Đông sang Tây Trường Sơn.
         Có thể điểm đến một số bức tranh, ký họa nổi bật được giới thiệu tại triển lãm lần này như: Chặng đường Giao liên; Phá mìn vướng; Nuôi quân Đại đội; Doanh trại mùa khô… bên cạch đó còn có những bức tranh sơn dầu khổ lớn như: Xe tăng vào tuyến; Đỉnh đèo Tha Mé; Cụm trọng điểm ATP mùa khô 1968; Trọng điểm Vang Mu; Trạm Giao liên Trường Sơn… Đặc biệt trong triển lãm lần này có giới thiệu bức tranh “Dinh độc lập trưa 30-4-1975” được Đức Dụ họa bằng mầu nước, cũng trong chùm 44 tác phẩm trưng bày còn có một tác phẩm họa “chưa khô mực” - tái hiện hình ảnh một đơn vị đặc biệt của Bộ đội Trường Sơn – Tiểu đoàn vận tải đường sông (Tiểu đoàn Ka nô 66) mà trong chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” – Thành cổ Quảng Trị ngày ấy đơn vị này do Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chỉ huy đã cùng với lực lượng Du kích xã Gio Mai, huyện Gio Linh đưa bao chuyến hàng là vũ khí, khí tài và hàng Hậu cần từ biển Cửa Việt vượt qua bao hàng rào quân sự của Mỹ ngụy để vào bến sông Thạch Hãn ven khu vực Thành cổ để tiếp tế cho Bộ đội… Đứng bên bức họa về “Tiểu đoàn Ka nô 66” của khu trưng bày triển lãm hôm nay, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chỉ vào bức họa và xúc động chia sẻ cảm nhận của mình – Ông nói: Con sông Thạch Hãn cùng bến sông này có không ít đồng đội của tôi và những chiến sỹ Du kích xã Gio Mai ngã xuống mà cho đến hôm nay họ vẫn nằm lại trong lòng nó… rồi ông rưng rưng nói lời cảm ơn Họa Sỹ Đức Dụ đã dầy công tái hiện lại khoảnh khắc hào hùng chẳng bao giờ quên trong mỗi cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn Ka nô 66…
         Vâng! Quy mô cuộc triển lãm hôm nay của Họa sỹ Trường Sơn Đức Dụ tuy không quá đồ sộ - Chỉ với 44 trong số hàng trăm tác phẩm vẽ về Trường Sơn của ông, nhưng cái vô tận lớn hơn nhiều cái quy mô đồ sộ lại ở chỗ - Mỗi tác phẩm là một lát cắt dữ dội của chiến tranh, nó khắc họa đậm nét bối cảnh ác liệt nơi vùng trọng điểm, không đau thương, bi lụy, những con người, những sự kiện, những địa danh lịch sử đã đi vào nét bút phóng khoáng của người họa sỹ, lưu giữ lại tình cảm của ông đối với đồng đội, đồng bào ở chiến trường trong hoàn cảnh vô cùng khốc liệt, nhưng đầy tinh thần lạc quan cách mạng và niềm tin chiến thắng.
         Khách mời tham dự khai mạc triển lãm “ Còn lại với Trường Sơn” hôm nay, Ban tổ chức có ý tôn vinh Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh là khách mời đặc biệt. Tham gia đoàn đại biểu gồm có: Thiếu tướng Võ Sở, Ủy viên UBTU MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Trường Sơn Việt Nam; Cùng các Phó Chủ tịch: Thiếu tướng AHLLVTND Hoàng Kiền, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Đại tá Trần Văn Phúc; Nhà báo – Nhà văn Phạm Thành Long, Ủy viên Ban TV, Trường Ban Tuyên truyền – thi đua; đồng chí Đoàn Danh Bình, Phó Chánh Văn phòng Hội;  đồng chí Đặng Sơn, Phó Ban Tổ chức Hội Trường Sơn Việt Nam.  
         Trước giờ kết thúc chương trình khai mạc – Với tư cách trưởng đoàn đại biểu và tư cách cá nhân, Thiếu tướng Võ Sở đã ghi vào sổ lưu niệm của triển lãm những dòng mộc mạc đầy ý nghĩa và thân tình này: “ Anh Dụ - Họa sỹ, chiến sỹ Trường Sơn. Con người gắn bó với sự nghiệp đấu tranh của Bộ đội Trường Sơn. Anh là biểu tượng sinh động ghi lại hình ảnh chiến đấu kiên cường của Bộ đội Trường Sơn Anh hùng. Tôi là người đã từng công tác với anh trong chiến tranh, đến khi hòa bình tôi cùng anh góp phần tô thắm lịch sử Anh hùng của quân dân ta trên Trường Sơn…
         Nay dự cuộc triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam càng làm tôi cảm động về nghĩa tình của anh với Trường Sơn. Cảm ơn Tổng cục Chính trị Quân đội NDVN, cảm ơn Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức cuộc triển lãm này…”.
         Trong thời khắc hướng tới những ngày với những kỷ niệm trọng đại của đất nước - Triển lãm “ Còn lại với Trường Sơn” của họa sỹ Đức Dụ là một phần hồi ức của ông đối với những người lính Trường Sơn năm xưa. Nó sẽ gửi đến người xem cảm nhận sâu sắc về những năm tháng lịch sử hào hùng đã qua. Phía sau mỗi bức tranh là sự khốc liệt của ranh giới sinh tử, là những hình ảnh thực tế, cụ thể nhất về thế hệ những người lính, những Thanh niên xung phong và Dân công hỏa tuyến, những người dân địa phương chất phát, hồn hậu, yêu nước đến quên cả thân mình đã bám trụ trên từng tấc đất, cung đường để khắc vào lịch sử một tuyến vận tải chiến lược mang tầm vóc thời đại, góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc Việt Nam. Tất cả đã được tái hiện đầy sức sống, kiên cường và lạc quan trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh đầy khốc liệt.
         Triển lãm “ Còn lại với Trường Sơn” hoàn toàn không chỉ là biểu hiện nét tài ba cầm bút của tác giả, mà nó còn góp phần tuyên truyền tới cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân… Nó làm cho những người lính trở về từ Trường Sơn khói lửa năm nào “giữ lại” Trường Sơn lâu hơn, để không chỉ những người lính năm xưa mà cả con cháu của họ cùng giới trẻ hôm nay sẽ mãi nhắc nhở và thêm tự hào về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
         Chia tay các vị đại biểu, chia tay Họa sỹ Đức Dụ sau giờ khai mạc triển lãm – Giờ ra về trong tôi cứ vẳng mãi câu nói của ông: “ Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục vẽ - vẽ thêm nhiều về Trường Sơn và vẽ đến khi nào không vẽ được nữa mới thôi”…
 
Phạm Sinh

Một trong những tiết mục văn nghệ chào mừng của CLB nghệ thuật Trường Sơn

 
Đồng chí Nguyễn Thành Lê, Phó GĐ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đọc diễn văn khai mạc


Lãnh đạo Hội Trường Sơn Việt Nam tham dự khai mạc triển lãm


Cắt băng khai mạc triển lãm


Họa sỹ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ trong buổi khai mạc triển lãm


Họa sỹ Nguyễn Đức Dụ đưa Thiếu tướng Võ Sở cùng các đại biểu thăm khu trưng bầy 


Bức tranh " Dinh Độc lập trưa 30-4-1975" 



Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ cảm xúc khi tìm lại ký ức qua bức tranh
nói về Tiểu đoàn 66 Ka nô của ông trong chiến dịch "Mùa hè đỏ lửa" nơi Thành cổ Quảng trị



Họa sỹ Nguyễn Đức Dụ trả lời phỏng vấn của Phóng viên truyền hình


Thiếu tướng Võ Sở ghi sổ lưu niệm trong buổi khai mạc triển lãm


Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và nhạc sỹ Trường Sơn Đào Hữu Thi chụp ảnh lưu niệm
cùng các đồng chí trong đoàn đại biểu Hội Trường Sơn Việt Nam về dự buổi 
khai mạc triển lãm
 
tin tức liên quan
test 123