UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa có văn bản 359/UBND-KTHT về việc thông tin không chính xác liên quan đến giá thu mua vải thiều chín sớm ngày 27/5/2021.
Theo đó, UBND huyện Lục Ngạn cho biết, ngày 27/5 trên mạng xã hội facebook lan truyền thông tin về trường hợp người dân đi bán vải chín sớm bị thương lái thu mua ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg.
Dòng chia sẻ như sau: "Bắc Giang: Rơi cả nước mắt vì bị ép giá mùa vải còn 2.000 đồng/kg". Người bán bị ép giá từ 8.000 đồng/kg xuống 6.000 đồng/kg và cuối cùng là 2.000 đồng/kg.
Ngay khi nắm được thông tin này, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện, các ngành chức năng, chính quyền xã Phượng Sơn tổ chức kiểm tra, xác minh.
Quá trình làm việc trực tiếp với chủ hộ thu mua vải, chủ hộ đã ký biên bản làm việc khẳng định thông tin tài khoản facebook đã đăng tải về việc ép giá mua vải trong sáng ngày 27/5 xuống còn 2.000 đồng/kg là không đúng sự thật. Đồng thời, chủ hộ cung cấp sổ sách ghi chép, theo dõi chi tiết việc thu mua vải trong ngày để xác thực.
Hiện nay, huyện Lục Ngạn đã vào vụ thu hoạch vải chín sớm, nhìn chung việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi.
Đối với sản phẩm quả vải chất lượng cao sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobGAP, được cấp mã số vùng trồng, giá bán ổn định từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.
Các loại vải chín sớm khác có giá bán dao động theo phân loại sản phẩm và nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết thêm, huyện đang cho điều tra người đăng tin xấu này, khi có kết quả sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Cũng theo ông Thi, ngày 27/5, huyện Lục Ngan tiêu thụ 465 tấn vải, giá dao động từ 14.000 -25.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Trao đổi với PV Dân Việt tối 27/5, ông Phạm Văn Dũng – Giám đốc HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn – Bắc Giang) cũng khẳng định, giá vải HTX bán ra trong ngày 27/5 tại điểm cân đạt 20.000 đồng/kg.
Giá vải thiều loại trung 16.000 – 17.000 đồng/kg. Còn loại vải xấu nhất cũng có giá 12.000 đồng/kg.
Ông Dũng khẳng định giá vải thiều Lục Ngạn hiện không có chuyện 2.000 – 3.000 đồng/kg.
"Đó là thông tin không chính xác, kẻ xấu muốn lợi dụng tình hình Covid để ép giá nông dân. Còn hiện nay các điểm cân vải vẫn thu mua bình thường, không hề gây khó dễ. Vả lại nếu có giá đó, nhà vườn cũng không bẻ. Giá 5.000 đồng/kg người ta đã không muốn thu hoạch rồi vì không đủ chi phí bỏ ra" – ông Dũng khẳng định.
Cũng theo ông Dũng, đến thời điểm này HTX đã thu mua của các thành viên được hơn 100 tấn. Ngày 26/5, HTX đã xuất 8 tấn vải lên kho tổng của BigC và hiện nay, nhân viên của Vinmart cũng đã bắt đầu mua vải của HTX.
Toàn bộ vải thiều của HTX được tập trung về tổng kho ở Bắc Ninh, sau đó đưa về Hà Nội và các tỉnh khác tiêu thụ.
Ông Dũng thông tin thêm: "Thời điểm này việc vận chuyển, tiêu thụ vải thiều của bà con đang được huyện và xã hỗ trợ rất tích cực. Chúng tôi được test Covid-19 miễn phí, hỗ trợ thuốc khử khuẩn phun vào xe vận chuyển và công nhân... Tuy nhiên vải đi một số tỉnh khác thì hơi khó".
Ông Dũng cũng kiến nghị, đối với các doanh nghiệp, HTX đã có đầy đủ giấy tờ, được test Covid rồi thì các địa phương nên tạo điều kiện cho các xe hàng đi qua để cân hàng, giao hàng.
"Về dài hạn, chúng tôi rất mong được Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng kho lạnh, kho sấy. Hiện đa phần người dân trồng vải vẫn sấy bằng than, tuy nhiên sản phẩm này chúng tôi không thể đưa vào siêu thị. Nếu có máy sấy hiện đại thì việc bảo quản sản phẩm vải thiều, nâng cao chất lượng sẽ đơn giản hơn" – ông Dũng nói.
Được biết, vụ vải thiều năm 2020, HTX Hồng Xuân đạt doanh thu gần 60 tỷ đồng.