" Tháng bảy về Nghệ Tĩnh" - Bác sỹ Lê Lợi - Hội viên Trường Sơn TP Nam Định

Ngày đăng: 06:55 27/07/2016 Lượt xem: 475

THÁNG 7, VỀ NGHỆ TĨNH

 

 

         "Về Cửa Lò" là bài thơ tôi mới viết để hẹn các bác sỹ là cựu sinh viên khóa 17 (K17) khóa 1987-1993, trường Đại học Y Thái Bình về Hội khóa. Bài thơ được đăng trên trang webside hoitruongson.vn ngày 13/7/2016 của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Tháng 7 năm nay, 60 bác sỹ của khóa 17 và gia đình từ mọi miền Tổ quốc đã tụ hội ở miền Trung:

Trời miền Trung cứ một màu thăm thẳm,

Nước biển xanh, bờ cát trắng vô cùng.

Chợt lặng người nghe câu hò ví dặm,

Nghệ Tĩnh mình ơi, rất đỗi thân thương.

        Theo sáng kiến của PGs.Ts.Bs Nguyễn Văn Hương, Phó Giám đốc bệnh viện Việt Nam-Ba Lan (Nghệ An) và các bạn Nghệ Tĩnh, chúng tôi có những cuộc hành hương về các địa chỉ đỏ, điểm đầu tiên là Dâng hương Bác Hồ tại khu bảo tàng Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn:

Ta về Kim Liên khi mùa sen nở,

Bên mái nhà tranh, tưởng nhớ Bác Hồ.

Hàng khuynh diệp vươn mình trong bão tố,

Nếu Bác còn, đất nước đẹp như mơ…

         Trong khói hương thành kính dâng lên Người, các bác sỹ thầm ước: Nếu Bác Hồ còn, chắc hẳn nước Việt ta sẽ sánh vai với cường quốc năm châu. Tại nhà bảo tàng, thay mặt Hội Cựu sinh viên K17, Bs Lê Lợi đã ghi vào sổ lưu niệm mong rằng nơi đây mãi là địa chỉ đỏ để nhân dân, nhất là các bạn thanh, thiếu niên đến học tập, rèn luyện…

         Rời nhà Bác, chúng tôi tới Đô Lương, về với Truông Bồn; xuôi Can Lộc để tới Ngã ba Đồng Lộc, các địa danh khốc liệt trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước:

Ta tới Đô Lương, ta xuôi Can Lộc,

Nén hương thơm dâng liệt sỹ anh hùng.

Vẫn vang vọng của một thời Xô Viết,

Các cô gái mãi mãi tuổi thanh xuân.

         Tại Truông Bồn và Đồng Lộc có những người con gái, con trai, lứa tuổi mười tám, đôi mươi đã ngã xuống; máu của họ hòa tan vào đất trời. Những con người đó đã viết nên huyền thoại về tuổi thanh xuân, xẻ dọc Trường Son đi cứu nước….

         Tháng 7, trời xanh ngăn ngắt, hai bên đường là rừng thông ngút ngàn. Ven đường, những bụi sim, mua tím đến nao lòng.

         Truông Bồn, huyện Đô Lương nằm trên tuyến đường 30 thuộc đường chiến lược 15A, là huyết mạch giao thông chi viện nhân tài vật lực cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1964 đến 1968, tuyến đường 15A này hứng chịu 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa, tàn phá 211 làng dọc tuyến đường, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội, Thanh niên xung phong, Công nhân ngành giao thông, Dân quân tự vệ đã bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh. 

         Tại Truông Bồn, 200 quả bom do không quân Mỹ thả xuống ngày 31/10/1968, 13 thanh niên xung phong và chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây, chỉ có 6 người được tìm thấy thi thể, 7 người còn lại, thân thể họ đã hòa vào cát bụi. Chỉ không đầy 24 giờ nữa, lúc 0 giờ ngày 1/10 là thời điểm ngừng ném bom Mỹ ở miền Bắc, trong 14 người thì 8 người được xét cho nghỉ, có người nhận được giấy báo nhập học các trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp; có người chuẩn bị về làm đám cưới, nhưng họ đã gác lại tình riêng để cùng đồng đội bám trụ, thông đường, và 13 người lứa tuổi 18, đôi mươi nằm lại với đất Mẹ trước ngưỡng cửa của ước mơ.

         Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Trong chiến tranh, tất cả mọi con đường từ  Bắc vào Nam đều phải vượt qua ngã ba Đồng Lộc. Đây là “yết hầu” của tuyến vận tải chiến lược từ Bắc vào Nam nên từ 1964-1972 quân Mỹ liên tục đánh phá ác liệt.

Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng 48.600 quả bom các loại do không quân Mỹ thả xuống.

           Lúc 17h ngày 24/7/1968 Tiểu đội 4 Thanh niên xung phong gồm 10 cô gái trẻ, người nhiều tuổi nhất 22, ít tuổi nhất mới 17, được lệnh san lập hố bom sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Đang thực hiện nhiệm vụ thì tốp máy bay phản lực của Mỹ bay tới thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình 10 cô gái.

         48 năm sau, Truông Bồn và Đồng Lộc đã trở lại cuộc sống thanh bình. Rừng đã phủ xanh ngút các ngọn đồi. Từng dòng người không ngừng đến nơi đây, trẻ có, già có thành kính dâng hương trước tượng đài chiến thắng và bia tưởng niệm các Liệt sĩ.

         Lư hương tại nhà bia Liệt sỹ Tổ quốc ghi công bùng cháy sau khi Khóa 17 Đại học Y Thái Bình thắp hương tưởng niệm.

         Về những địa chỉ đỏ, chợt thấy mình vô cùng nhỏ bé trước sự hy sinh của các anh chị. Họ mãi mãi dừng lại ở tuổi đôi mươi, có người chưa đến 17 tuổi. Các anh chị đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong số họ, có người chưa biết đến hẹn hò đôi lứa, chưa từng biết đến nụ hôn đầu đời, chưa từng có thỏi son làm đẹp. Họ không bao giờ biết đến mỹ từ Hot Girl, hoa hậu, người đẹp … mà hiện nay đang đầy rẫy trên các mặt báo, các scandal mà các người đẹp gây nên sau những việc đó lại viết tâm thư hứa hẹn, giãi bầy, lại thêm có nhiều người bênh vực và biện minh rằng họ còn trẻ quá, rằng để cho họ trưởng thành…thật tiếc, trong số này có người mang học vị tiến sỹ. Những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, hy sinh cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cho đất nước hòa bình hôm nay chắc chưa từng nghĩ rằng mình sẽ thành ông này, bà nọ, điều mà hiện nay có nhiều người trẻ dù không có tài cán gì vẫn làm nên từ bệ phóng gia đình và tiền bạc. Phải chăng hiện nay có một lớp người đã quên Lịch sử oai hùng của Cách mạng Việt Nam, khi mà các thế hệ Thanh niên lớp trước dù tuổi đời rất trẻ, có người chưa đầy 18 tuổi đã anh dũng hy sinh từ Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu… đến Nguyễn Thị Hoài ở Truông Bồn, Trần Thị Hường ở Ngã ba Đồng Lộc.

 

Tác giả Lê Lợi ( bên trái) trước giờ dâng hương viếng các Liệt sỹ tại một trong các khu tưởng niệm mà đoàn ghé qua

 

         Về nhà Bác Hồ ở Kim Liên, dù giữa hạ nắng gắt, thấy sen vẫn nở, bưởi trĩu cành, hàng râm bụt tươi tốt, tiếng chim gù ở hàng tre xanh. Thương Bác và các tiền nhân, những lãnh tụ Đảng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai… và bao Liệt sỹ vô danh, nếm mật nằm gai tranh đấu cho một Việt Nam hòa bình, người dân ấm no, hạnh phúc

         Cám ơn các bác sỹ K17 ở Nghệ An-Hà Tĩnh đã tổ chức cho toàn khóa cựu sinh viên K17 (1987-1993) Đại học Y Thái Bình có chuyến hành hương đầy ý nghĩa, chắc rằng với mỗi người dù cương vị nào, dù làm công việc gì cũng sẽ không hổ thẹn trước vong linh các anh hùng, Liệt sỹ ở Kim Liên, ở Truông Bồn và Đồng Lộc.

 

 

VỀ CỬA LÒ

 

Ta hẹn nhau về Cửa Lò, em nhé,

Sắp ba mươi năm thành lập khóa chúng mình.

Trên dưới tuổi năm mươi mà tâm hồn còn trẻ,

Như buổi đầu tiên bỡ ngỡ Y Thái Bình.

 

Trời miền Trung cứ một màu thăm thẳm,

Nước biển xanh, bờ cát trắng vô cùng.

Chợt lặng người nghe câu hò ví dặm,

Nghệ Tĩnh mình ơi, rất đỗi thân thương.

 

Ta về Kim Liên khi mùa sen nở,

Bên mái nhà tranh, tưởng nhớ Bác Hồ.

Hàng khuynh diệp vươn mình trong bão tố,

Nếu Bác còn, đất nước đẹp như mơ…

 

Ta tới Đô Lương, ta xuôi Can Lộc,

Nén hương thơm dâng liệt sỹ anh hùng.

Vẫn vang vọng của một thời Xô Viết,

Các cô gái mãi mãi tuổi thanh xuân.

 

K. 17 chúng mình về Nghệ Tĩnh,

Tay trong tay, đã mấy chục năm rồi.

Lại hàn huyên nhớ ngày đêm trực viện,

Chiếc bánh mỳ còm xẻ bảy, chia đôi.

 

Biển Cửa Lò hàng ngàn năm vẫn thế,

Vạn vì sao lấp lánh, đẹp lung linh.

Ta gặp nhau, tự hào K.17,

Và mong biển xanh trở lại yên bình.

 

 

7/2016

Bs Lê Lợi

Hội viên Trường Sơn TP Nam Định

 

tin tức liên quan