Cảm nhận bài thơ "NGÀY EM XA" của Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi - Hồ Văn Chi, Đà Nẵng

Ngày đăng: 05:09 17/10/2016 Lượt xem: 1.310

 

Cảm nhận bài thơ "NGÀY EM XA" của Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi

 

Hồ Văn Chi, Đà Nẵng
 

 

         Hàng năm, cứ gần đến ngày 20 tháng 10; ngày Phụ nữ Việt Nam, tôi lại tìm lục lại trong trí nhớ của mình, những bài thơ về tình yêu, tình chồng vợ mà tôi yêu thích.

 

Thực tình mà nói, tôi chưa thấy bài thơ nào viết về tình chồng vợ cho người lớn tuổi mà hay như bài "Ngày em xa" của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (1933-2008).


          Ông viết bài thơ này khi ông đã vào tuổi năm mươi. Bài thơ, không bay bổng, mộng mơ...như thường thấy ở thể loại thơ tình mà nó rất dung dị, giản đơn, như câu nói, như ý nghĩ thường ngày, vậy mà nó có sức truyền cảm lạ kỳ, thật khó mà thay thế dù chỉ một đôi từ! Ông làm bài thơ này để kể lại tâm sự của mình, một người chồng, người cha khi vợ ông (bà Từ) đi công tác xa nhà.


          Vào đầu bài thơ, ông đã tự trải lòng mình:


                    "Anh bồn chồn như thuở mới yêu em
                     Nghe thật buồn cười mà lạ thế"


          Thuở đó, đâu có phải như bây giờ, cứ cầm cái handphone lên là sẽ tâm sự được ngay dù cách xa nhau hàng vạn dặm,


                     "Mười hôm em đi không thư, không điện
                      Anh vào ra tha thủi một mình"


           Sang khổ thơ thứ hai, ông nói lên tâm sự của mình khi sáng ra, vẫn bước đi làm trên con đường quen thuộc dưới bóng cây xanh, nhưng khi không có bà bên cạnh thì dù hoa có chúm chím như những cô gái tuổi xuân phơi phới mỉm cười cũng không có lòng dạ nào mà ngắm nữa. Rồi trưa về, ông phải tự lo lấy bữa ăn, mà cảm thấy không đúng bữa,  không ngon vì không có bàn tay ân cần, chu đáo và giọng nói dịu hiền của bà.


                      "Sáng đi làm bước dưới cây xanh
                      Hoa chúm chím dạ nào ngắm nữa
                      Trưa về nhà cơm không đúng bữa
                      Bát mì này em nấu thì ngon".


          Rồi buổi chiều, khi rời nhiệm sở, trước cảnh hoàng hôn, chim tìm về tổ ấm, người xuôi ngược, ngược xuôi trên phố, ông bần thần nhớ lại những buổi chiều đón vợ cùng về và hơn lúc nào hết, lúc này người chồng càng thấm thía nỗi cơ đơn:


                      "Có những chiều Hà nội hoàng hôn
                       Anh tha thẩn như ngày nào đi đón
                       Người xuôi ngược, ngược xuôi hờ hững
                       Nghe trong mình thấm thía cô đơn"


            Sự cô đơn, được đẩy lên cao khi màn đêm phủ xuống. Ông muốn khỏa đi nỗi nhớ bằng cách thức khuya hơn với những trang sách, nhưng như một nghịch lý, khi đó ông lại càng cảm thấy nhớ bà, người bạn đời, người cùng chung nghề dạy học và cùng có sở thích văn chương, thường chung đọc những buồn vui trên từng trang sách. Rồi không biết là tình cờ hay hữu ý mà hôm sau có bạn đến đưa vé mời xem kịch, để ông càng nhớ vợ, vì ông thường đi xem hát với bà:


                       "Đêm anh thức với trang sách khuya hơn
                        Những buồn vui nào có ai  chung đọc
                        Ngày bạn đến đưa vé mời xem kịch
                         Anh không quen vào  nhà hát một mình"


            Cái khó khăn nhất cho người đàn ông khi không có vợ ở nhà, đó là việc chăm sóc, bảo ban con trẻ. Dù ông có cố gắng bao nhiêu cũng không thể bù đắp được dù chỉ là một chút tình thương của người mẹ, và ông cảm thấy thật là hụt hững:


                          "Em ở nhà, có lúc anh gắt con
                          Bố có giận còn nương níu mẹ
                          Nay anh bù cho lòng con trẻ
                          Một chút em thôi cũng khó khăn rồi"


            Ông sinh ra ở một vùng nông thôn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nên ông không ngại những việc làm thường nhật khi bà đi vắng như nấu cơm, lau nhà, giặt dũ, phơi chăn chiếu v.v... nhưng dù có cố gắng bao nhiêu cũng không thể thay thế nổi sự tảo tần của người phụ nữ trong nhà.


                          " Ngày nắng đem chăn chiếu ra phơi
                          Tuần đôi bận lau nhà, thay vỏ gối...
                           Thay việc em làm mà không thay nổi
                           Cái tảo tần rất mẹ ở trong em".


            Hai câu cuối của bài thơ như là một lời khẳng định chân giá trị không gì thay thế được của vai trò người phụ nữ trong xây đắp cuộc sống hạnh phúc gia đình làm nền tảng cho xã hội. Xin cảm ơn Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã để lại cho đời một bài thơ có giá trị nhân văn rất cao trong tình yêu và hạnh phúc gia đình.

 

 

 

 


Đà Nẵng ngày 16/10/2016.

Hồ Văn Chi.

0983325708.
Email:
hosychi0101@gmail.com


-----------------------------
 

(*) :Nguyễn Bùi Vợi sinh năm 1933 tại Thanh Chương, Nghệ An. Năm 1953, ông được cử đi học trường Trung cấp Khoa học xã hội tại Nam Ninh, Trung Quốc. Năm 1956  về dạy học ở trường Sư phạm Sơ cấp Hà Nội, sau đó chuyển lên dạy ở Vĩnh Phúc từ năm 1957 đến 1971, rồi được UBND tỉnh Vĩnh Phúc điều động về Ty Văn Hoá làm biên tập thơ và làm Ủy viên thư ký Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Vĩnh Phúc. Năm 1976, ông về Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam làm biên tập viên chương trình Tiếng Thơ cho đến năm 1996 thì nghỉ hưu và liền được mời làm biên tập viên trang Văn hoá nghệ thuật cho báo Giáo dục và Thời đại đến năm 2000. Ông qua đời ngày 08/5/2008 do bệnh nặng. Hưởng thọ 75 tuổi.

tin tức liên quan