Chuyện những đứa con

Ngày đăng: 09:42 03/01/2017 Lượt xem: 443

               

                 Chuyện những đứa con

 

    Tôi về đến đầu làng thì gặp Thi, cậu ta tay xách mấy mớ rau, mấy lạng thịt. Tôi bảo thế ông về lâu chưa? mà sao mua bằng ấy thì ai ăn, ai nhịn, Thi nhìn tôi cười , thì chỉ có một mình với bà cụ ăn hết bao nhiêu! Tôi đồng tình với Thi, ừ một mình với cụ thì ăn bữa nào mua bữa ấy, bây giờ khác trước, hàng quán bán cả ngày chứ có khó khăn như thời xưa đâu. Tối hôm ấy cơm nước xong tôi đến nhà thi chơi, thấy tôi đến Thi vội dọn mâm bát vừa ăn xong để vào chậu rồi lấy ấm nước chè xanh rót ra cốc, uống đi Hà, mình vừa mới hãm đấy, chè "Ba Trại" đấy!Ba Trại là một dịa danh thuộc dãy núi Tam Điệp, vùng đồi núi này trồng chè xanh lá nhỏ dày và giòn, nên uống rất ngon. Ở quê tôi một số người thường mua chè tận đấy về đem bán sỉ hoặc bán lẻ ở các chợ trong khu vực, với lại nhân dân ở đây quen uống chè xanh vùng đồi "Ba Trại". Nhấp ngụm nước tôi hỏi Thi, thế sau khi nghỉ hưu, ông về ở nhà chăm sóc cụ à, vậy gia đình trên đấy thì sao?

 

Thi nhìn tôi gật đầu, ừ mấy năm nay sau khi nghỉ hưu, mình thường xuyên về mỗi năm chừng ba, bốn tháng ở nhà để chăm cụ. Như Hà thấy đấy cụ sinh được bốn anh em, mình công tác tận Lào Cai, rồi lấy vợ trên đấy, cậu em trai giáp mình thì đi bộ đội, sau giải phóng miền Nam cũng lấy vợ và ở hẳn trong Tây Ninh, cô em gái thứ tư năm 1990 vào làm ăn trong Nam rồi cũng ở luôn trong đấy. Còn cô em gái thứ ba thì lấy chồng thôn bên cạnh, nhưng chồng bị bệnh mất để lại một mình mấy con thơ dại, hoàn cảnh khó khăn, nên không thể trông nom cụ được,với lại cũng còn gia đình nhà chồng nữa chứ. Nghĩ cũng tội lắm, khi còn khoẻ trẻ cụ lo toan tần tảo nuôi mấy anh em mình, nay chúng mình đã ổn định, con cái học hành đến nơi, đến chốn, các cháu cũng có công ăn việc làm, có gia đình riêng. Hơn nữa bây giờ mình đã nghỉ rồi, thì không về để chăm sóc cụ lúc tuổi già thì còn chờ đến bao giờ nữa. tới đây mình quyết định bàn với vợ là sẽ bán nhà cửa trên Lào Cai rồi cả hai vợ chồng về hẳn đây ở, chứ lâu nay mình về một mình, chừng một vài tháng thì chú em trong Tây Ninh lại về thay cho mình, khi chú em chuẩn bị thu hoạch trong đấy thì mình lại về thay, cũng có khi cô em gái trong tỉnh Đồng Tháp lại về, vậy đấy, ba anh em cứ thay nhau như thế, nhiều lúc thấy cũng vất vả nhưng biết làm sao được.

 

 

 

Nghe câu chuyện tôi thật cảm động, tôi hỏi Thi, sao ông không đưa bà cụ lên ở với ông trên ấy cho đỡ vất vả. Thi cười bảo: mấy năm trước có đưa cụ lên , nhưng cụ chỉ ở được vài tháng rồi đòi về ngay, cụ bảo ở nhà quen rồi, lên đây không thể chịu được, với lại về già cụ không muốn đi đâu xa nơi quê cha đất tổ. Cụ nói cũng có lý, đến ngay như mình đây này, khi còn công tác thì không sao, nhưng từ khi nghỉ, mình cũng muốn về quê sống cho thoải mái, có bà con láng giềng thân thuộc, nơi quê hương cũng có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu lắm chứ. Nghe câu chuyện của Thi, tôi thấy bà cụ Niêm có các con thật hiếu thảo, mà cũng nói thêm rằng anh em Thi chăm sóc cụ, có phải chỉ nấu nướng ăn uống không đâu, mà tắm rửa, giặt giũ cho mẹ mình, như lúc nhỏ mẹ chăm sóc mình vậy, vì cụ chỉ ngồi một chỗ khômg làm được việc gì cả. Đấy là tấm gương đáng để cho mọi người học tập, nhà cụ Niêm thì vậy, nhưng cũng thôn tôi, bà cụ Sinh cũng vậy, cụ năm nay ngoài 90 tuổi, lúc tôi còn nhỏ, thì gia đình cụ khá lắm, kinh tế vào loại khá trong làng, cậu Khải con trai cụ cũng tầm tuổi chúng tôi và Thi, cậu Khải công tác tận Bạc Liêu rồi lấy vợ quê ở Nam Hà, cả hai vợ chồng ở trong đấy, mặc dù điều kiện đi lại rồi công tác bận vậy mà năm nào Khải cũng tranh thủ về thăm cụ, mặc dù khi đi xa Khải đó nhờ vào hai đứa cháu ngoại ở cạnh nhà chăm sóc cho cụ, còn kinh phí tiền nong thì vợ chồng Khải gửi về đều. Mấy năm nay cậu em công tác ở Yên Bái đã nghỉ chế độ thỉnh thoảng về với cụ một thời gian, rồi lại đi. Được cái các cháu của cụ tuy là cháu ngoại nhưng quí cụ lắm vì vậy mà tuy Khải ở xa thì cũng yên tâm. Kể từ khi vợ chồng Khải nghỉ hưu thì thường xuyên thay nhau về chăm cụ . Cuộc đời thật khó lường hết được, khi trẻ chăm lo nuôi nấng con cái trưởng thành, lấy vợ, gả chồng cho con xây dựng cơ ngơi cho con, thậm chí nhiều cụ còn phải nuôi cháu nữa chứ, suốt cuộc đời vất vả vì con, các cụ có câu: " Cá chuối đắm đuối vì con", vậy mà giờ đây nhiều người con  bát hiếu với cha mẹ. Trong xã hội ta hiện nay cũng không ít đứa con đối xử với mẹ mình như người ở thậm chí cũng không được như người ở . Qua câu chuyện trên đây, tôi cũng mong rằng phận làm con nên nghĩ mình được sinh ra ở đâu và ai đã nuôi mình nên người. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay chúng ta đừng vì lợi ích nhỏ nhoi mà quên đạo nghĩa làm con. Âu đây cũng là bài học để cho bậc làm con chúng ta cùng suy ngẫm.

 

                                                                                             Bùi Hoằng

 

                           

 

                                                                                                                                                                    

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan