Truyện ngăn: Kỷ niệm một chuyến đi.

Ngày đăng: 09:22 04/01/2017 Lượt xem: 457
Ban Biên tập nhận được bảo thảo truyện :" Kỷ niệm một chuyến đi" của Hội viên Nguyễn Thị Lúng đang sống tại Nam Định. Ban Biên tập đã biên tập để giới thiệu với bạn đọc.

Kỷ niệm một chuyến giao hàng.

           Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp trẻ chúng tôi ai cũng muốn góp một phần sức lực của mình cho nước nhà thống nhất.

         Đã năm mươi năm trôi qua, tôi không sao quên được những chuyến đi đầy gian nan vất vả, nguy hiểm trong những cánh rừng già Trường Sơn. Tôi xin kể ra đây một trong những chuyến đi như vậy.

        Vào một ngày mùa mưa năm 1968, chúng tôi nhận lệnh chuyển hàng sang mặt trận Lào. Mỗi chúng tôi đều mang trên lưng những thùng đạn AK, đạn 12 ly, cối 60 và lương thực, thực phẩm như muối, gạo, lạc, lương khô….Đường giao liên đầy cỏ gai, sên, vắt và cả rắn độc… Chỉ huy đoàn lần ấy là đồng chí Xương, tôi là y tá luôn đi sát bên người chỉ huy để sẵn sàng nhận lệnh.

      Khoảng năm giờ chiều hôm ấy, chúng tôi đang lặng lẽ đi. Bỗng phía sau có tiêng ồn ào. Anh Xương quay lại hỏi:

     -Có việc gì thế ?

    -Đồng chí Nguyên ở A2 bị sốt cao không tiếp tục đi được !

    Một thoáng chần chừ, người chỉ huy  ra lệnh:

     -Đồng chí Thơi A trưởng A2 và y tá ở lại chăm sóc bệnh nhân. Sáng mai có người đến đón. Đồng chí Thơi là trưởng nhóm.

     Thế là ba chúng tôi tách đoàn dừng lại giữa rừng. Việc đầu tiên là Thơi đi tìm chỗ ngủ qua đêm nay. Tôi ngồi lại bên Nguyên thầm nghĩ là: “Chắc đêm nay mình phải ngủ màn trời, chiếu đất rồi”.

     Một lúc sau, Thơi quay lại vui mừng báo tin: “ Có một chòi canh nương của đồng bào phía trong kia”

    Thế là Thơi cõng bệnh nhân, tôi xách ba lô, đồ đạc đi theo. Chúng tôi leo lên chiếc chòi canh mái lợp sơ sài bằng lá chuối, sàn chòi bằng nứa ọp ẹp, mấy tầm liếp nứa che xung quanh cũng đã rệu rã, rơi rụng cả.

     Nguyên vẫn sốt hầm hập. Tôi cho Nguyên uống thuốc giảm sốt và động viên bệnh nhân cố ăn một thanh lương khô hòa nước. Tôi và Thơi cũng chia nhau ăn một phong lương khô rồi thu xếp đi ngủ. Nhìn “chiếc giường” chật chội cho ba người, tôi  chợt thấy bối rối. Mảnh trăng non đầu tháng đang rõi vào đôi má tôi đã ửng đỏ, nóng bừng. Tôi là nữ  đêm nay ngủ với hai người đàn ông trong lều giữa rừng…

     Như nhận ra vẻ bối rối của tôi, Thơi nói như ra lệnh:

    -Nhân danh chỉ huy tôi phân công: đồng chí y tá nằm phía trong bệnh nhân để theo dõi và xử lý bệnh tình, tôi nằm phía ngoài bệnh nhân để bảo vệ.

    Tôi đang mông lung khó xử, nghe mệnh lệnh như “Chết đuối vớ được cọc”. Tôi  hô to để trấn an mình “Rõ” và chấp hành mệnh lệnh.

    Khoảng vài tiếng sau, Nguyên đã giảm sốt và bắt đầu ngủ. Tôi cũng ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

    Bỗng  cái “giường” của chúng tôi rung lên bần bật. Tôi thức dậy, cảm thấy hơi nóng của người nằm bên cạnh táp vào mình. Nguyên đang lên cơn sốt rất cao. Định ngồi dậy lấy thuốc cho Nguyên, thì bỗng bị bàn tay ai đó đẩy tôi nằm xuống. Đó là Thơi, anh đưa tay chỉ ra ngoài, một tay tự bịt miệng mình ra hiệu im lặng. Tôi nhìn ra ngoài qua kẽ phên nứa thấy con vật gì to lớn đang cọ lưng vào cột chòi. Tim tôi như ngừng đập. Lần đầu tiên tôi thấy con vật to đến thế, gần đến thế. Tiếng nó thở phì phì, cặp ngà nhọn hoắt chỉ cách chỗ tôi nằm mấy gang tay mà thôi. Đó là một con voi. Bỗng có tiếng động rất lớn ràn rạt phía ngoài, nhìn ra ngoài thấy một con voi nữa đang lấy vòi nhổ tung một cây lớn ném ra xa. Thật là khủng khiếp. Nếu nó biết chúng tôi ở đây, chắc chúng sẽ quật chết chúng tôi ngay tức khắc.

     Bỗng Nguyên run lên cầm cập và cất tiếng rên “hư hử”. Tôi ôm ghì Nguyên, lấy tay bụm  miệng để bịt tiếng rên. Tay tôi bắt gặp tay Thơi nơi miệng của Nguyên. Hai bàn tay chúng tôi chồng lên nhau và vẫn giữ nguyên như thế nín thở chờ đợi. Hai con vật to lớn vẫn chưa chịu rời đi, vẫn thay nhau cọ cái lưng xù xì vào cột chòi.

     Nguyên lại gồng mình run lên chống đỡ cơn sốt, tôi lại ôm ghì chặt lấy Nguyên; phía bên kia Thơi cũng làm như vậy. Cả ba chúng tôi quấn lấy nhau thành một khối…

     Bàn tay Thơi nắm chặt lấy bàn tay tôi nơi miệng Nguyên vừa ngăn không cho tiếng rên phát ra, vừa như truyền cho tôi sức mạnh, ý chí vượt qua thử thách.

     Chúng tôi vẫn nằm yên như thế chờ đợi không biết bao lâu hai con voi mới bỏ đi. Tiếng rên của Nguyên đã làm tôi như chợt tỉnh cơn mê. Tôi ngó ra ngoài kiểm tra và ngồi bật dậy lấy thuốc cho Nguyên uống, Thơi xuống dưới đất quan sát tình hình…Nhờ Trời, Phật phù hộ chúng tôi vẫn bình an.

     Trời vừa rạng sáng đã có hai đồng chí nam mang võng đến đưa Nguyên và hai chúng tôi đến trạm giao liên.

      Sau khi giao bệnh nhân lại cho Trạm chăm sóc, chúng tôi lại cấp tốc đuổi kịp Đoàn ở trạm dừng chân phía trước.

     Sáng hôm sau, Đoàn lại lên đường. Đến trưa, trời bỗng đổ mưa to. Nước từ thượng nguồn đổ về ầm ầm nghe rợn cả gáy. Tôi lần đầu mới chứng kiến trận mưa, lũ dữ dội như thế trên đất Lào. Mưa kéo dài đến tối. Chúng tôi phải chọn một chỗ cao, co ro trong chiếc áo mưa, ăn lạc sống…ngồi chờ nước rút. Đêm ấy, đàn muỗi rừng, sên, vắt cũng mất ngủ cùng chúng tôi, nhưng chúng được bữa no nê.

     Hôm sau, trời nắng đẹp, chúng tôi gặp những chàng trai Lào, họ đùa vui, trêu chọc chúng tôi. Bất đồng ngôn ngừ, nhưng những ánh mắt thiện cảm, chân thành đã gắn kết những người xa lạ thành thân thiết. Mấy trai Lào đã hăng hái gùi hộ ba lô cho mấy chị em chúng tôi. Chúng tôi đã đưa hàng đến đích trước thời gian một ngày.

     Đây chỉ là câu chuyện của một chuyến đi. Trong những năm tháng ở Trường Sơn. Chúng tôi còn nhiều những chuyến đi như thế. Không chỉ gặp voi rừng, lũ dữ, vắt sên mà chúng tôi còn bị vùi trong mưa bom, bão đạn…và cả những mất mát hy sinh của bạn bè, đồng chí. Chúng tôi đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trở về trong ngày toàn thắng.     

     Ba chúng tôi trong câu chuyện kể đều may mắn được trở về quê, tôi về Nam Định, Thơi và Nguyên về sống ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Mỗi chúng tôi đều chọn cho mình một nghề nghiệp để mưu sinh. Nhưng ai cũng mang trên người những thương tích chiến tranh. Lúc trái gió trở trời phải vất vả một mình chống chọi, phải cắn răng chịu đựng để giữ yên giấc ngủ cho gia đình, người thân…

      Đã bước vào mùa thu của cuộc đời, nhưng tôi nhớ như in buổi tối nằm trên chiếc lều xiêu vẹo giữa rừng Lào, bên ngoài là hai con voi dữ…Với tôi, ký ức này sẽ còn sâu đậm trong suốt quãng đời còn lại của tôi. Đó là một kỷ niệm không thể nào quên.

 

Nam Định, tháng 10/2015

                                                                                                           Nguyễn Thị Lúng

 

tin tức liên quan