Bữa com tất niên - Phạm Tiến Đặng

Ngày đăng: 10:10 27/01/2017 Lượt xem: 533

                    BỮA CƠM TẤT NIÊN - Truyện ngắn Phạm Tiến Đặng

Vì hoàn cảnh...Chiều hai mươi ba tết, tôi chỉ định gọi cho dăm, ba thằng bạn lính Trường Sơn ở gần và thân thiết ! Nên tôi ra vườn bắt con gà và nhờ thằng bạn bơi xuống hồ lặn bắt thêm con vịt xiêm. Đánh tiết canh - hấp gừng vậy là đủ. Vẫn nghe các chuyên gia y học nói ăn tiết canh sống là không tốt. Nhưng khổ nỗi mấy thằng lính Trường Sơn đồng đội của tôi, đứa nào, đứa nấy đều khoái khẩu món này. 

Cứ dăm bữa, nửa tháng vào tôi chơi là chúng lại " dụ " : Hôm nay làm vịt chứ ? Tôi oke gật đầu. Thế là tự giác - thằng đi mua rau thơm, gia vị. Thằng bắc nước sôi, rồi hè nhau cùng ra vườn săn vịt. Vịt tôi nuôi không nhiều như gà. Nhưng lúc nào cũng có vài chục con từ hai đến bốn ký trong vườn. Chúng ăn, ngủ ngoài trời và bay như chim. Vì thế muốn khẩu sực chúng, bọn lính già tụi tôi lại được một phen vận động. Chạy bộ "dã ngoại" và hò hét ỏm tỏi, vui đáo để...Chẳng khác chi cái thời làm kinh tế lâm nghiệp ở Đắc Nông. Cứ chiều, chiều hai đội bóng chuyền trong các phòng, ban Sư đoàn bộ lại ra sân đánh bóng. Cánh lính đứng vòng trong, vòng ngoài vỗ tay, hò reo cổ vũ, ồn ã...cả một cánh rừng.

Với tài chế biến và nấu nướng của lính, thoáng chốc những món ăn thơm phức đã được dọn lên. Nào là gà nướng mọi nguyên con, vịt hấp gừng, xáo măng, miến nấu lòng gà - vịt, cá chiên... Kèm theo là hai đĩa tiết canh đỏ lựng, đông cứng. Được chú em đầu bếp cựu lính Minh Thuỷ - Chủ nhà hàng Bắc Nam trang trí thêm vài lá mùi tầu xanh lưa thưa, bắt mắt.

Mấy thằng đồng đội tôi lấy điện thoại gọi nhau í ới...Thoáng chốc căn nhà bé nhỏ của tôi đã ồn ào, náo nhiệt bởi hơn chục thằng bạn lính - tay xách, nách mang chai rượu, củ rau, con cá...
"Hoảng hồn" tôi phải giao hẹn trước với tụi bạn : Muốn làm thêm gà, vịt nhậu vui xuân, chuẩn bị đón mừng năm mới gì, gì...cũng được. Nhưng nhậu xong các bố phải cùng tôi thu dọn sạch sẽ rồi mới được về.
Bọn chúng nhao, nhao...Biết rồi, biết rồi..! Ông ở một mình, yên tâm đi. Nhậu xong tụi tôi sẽ thu dọn gọn gàng, sạch sẽ.

Tôi cũng đã bị "dính đạn" vài cú rồi. Mấy lần trước vui với nhau. Nhậu xong thằng nào cũng liêu xiêu về còn không vững. Để chúng thu dọn, rửa ráy thì chỉ có nước mai sáng ra tiệm bát, chén mà mua sớm về dùng. Vì thế, lần này tôi phải giao hẹn và phân công rõ ràng: thằng nào trực nhật phải uống ít. "Quân lệnh như sơn" mới được vào cuộc nhậu.

Bọn cựu lính chúng tôi ngồi xếp bằng xuống nền nhà, quây quần bên nhau trong gian phòng khách nhỏ. Dù uống, dù không, trên tay đứa nào cũng cầm ly rượu, cùng nâng cốc chúc nhau:  Giữ gìn và phát huy truyền thống CCB - Bộ đội Trường Sơn. Sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho gia đình và xã hội !

Rượu vào lời ra...Thôi thì đủ thứ chuyện hầm bà làng. Từ chuyện cây lúa, củ khoai, chăn nuôi, trồng trọt...Đến chuyện biên cương, hải đảo..! Thế rồi...câu chuyện cũng xoay về chủ đề người lính, về những chiến tích lẫy lừng của con dân Đất Việt và những tháng ngày gian khổ, ác liệt ở Trường Sơn. Thằng nào cũng tranh nhau kể...Không hẳn tụi nó sợ mất cơ hội để kể về mình và đồng đội, về những bi, tráng thủa nào...Mà có lẽ từ trong thẳm sâu tiềm thức. Những kỷ niệm của người lính từ mấy chục năm sau hậu chiến, nay mới có dịp dâng trào trước " đoàn cử toạ " đều từng là những người trong cuộc. Phải chăng có khác chỉ ở chỗ không cùng đơn vị, binh trạm, cung đường...

Thằng Nam khơi mào : Ngồi đây toàn cựu lính. Vậy tôi đố các ông - ở thế hệ chúng ta, từ khi có Đảng. Ai là người đã từng giữ hai chức Chủ tịch to nhất ?

Tụi tôi ào...ào...Thì Bác Hồ, Bác Hồ chứ ai ? Bác đảm nhiệm cả hai chức: Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước ! OK!

Thế tôi hỏi tiếp các ông - năm 1945 sau khi ta giành chính quyền. Ai là người được Bác Hồ mời làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đầu tiên ?

Thằng Lan nhanh nhẩu : Cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Tôi đáp: Không phải. Đó là cựu hoàng Bảo Đại. Được Bác Hồ mời làm Cố vấn. Nhưng đáng tiếc cho một vị vua. Thay vì mang uy tín, tài trí để cùng toàn dân thắt lưng, buộc bụng, đồng lòng, chung sức cùng nhau chống giặc ngoại xâm. Thì ông ta lại chỉ nghĩ đến ăn chơi, hưởng lạc...cuỗm luôn một khối tiền lớn của Quốc gia trong lúc dầu sôi, lửa bỏng...Rồi đào tẩu.

Thằng Nam vỗ tay, lè nhè : Ừa...Đúng...Úng...Trúng !

Minh Thuỷ xen vào : Vậy em xin hỏi mấy bác già cựu lính - ai là người đã sáng tác bài thơ : Nam quốc sơn hà..?

Tâm "sún" đọc ngay : 
          Nam Quốc sơn hà, Nam Đế cư
          Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư
          Như hà nghịch Lỗ lai xâm phạm
          Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !
Đọc xong hắn giải thích : Đây là bài thơ mà Lý Thường Kiệt khi đánh nhau với quân Nam Tống. Ông đã sáng tác và cho quân lính vịnh ngâm vào những đêm tối trời. Bên chiến tuyến nơi dòng sông Như Nguyệt thuộc Kinh Bắc bây giờ, để làm nản lòng quân giặc.
Thấy anh em tụi tôi cùng vỗ tay tán thưởng, Tâm sún khoái quá cười tít cả mắt, khoe hết cái miệng lưa thưa chỉ còn mấy chiếc răng mòn, chơ ra như vầng trăng khuyết !

Tân "cóc" từ đầu cuộc đến giờ chỉ im lặng ngồi nghe anh em đàm tiếu, tranh luận. Hắn có biệt danh này là vì khi còn làm lính công binh ở Trường Sơn. Không biết có phải do cu cậu ở bẩn ? Hay do thiếu nguồn nước vệ sinh mà ghẻ tróc đầy người ? Cộng thêm vào cái tính chỉ hùng hục làm mà hiếm khi cất tiếng. Nên anh em mới đặt cho cái biệt danh Tân "cóc" là vậy !
Tân cóc cũng tham gia vào cuộc: Vậy chứ tôi hỏi các ông : Đường Trường Sơn của ta khởi nguồn từ đâu và điểm kết ở đâu ?
      Ai cũng nói điểm đầu từ Xuân Mai, Hà Nội. Điểm cuối là Chơn Thành - Bình Phước !
Tân khoát tay: - Chưa đúng, chưa đúng ! Rồi Tân "cóc" giải thích : Điểm đầu - Khởi nguồn từ hang Pắc Bó - nơi Bác Hồ về nước lập bản doanh, trực tiếp chỉ đạo cuộc cách mạng giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Còn điểm cuối là Đất mũi Cà Mau, nơi tập kết cuối cùng của Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Lan " điên" xen ngang : Tôi thấy nhiều bố đứng trên bục diễn thuyết thật hay. Ở đơn vị tôi trước đây, có thằng Đinh Quang khi chiến tranh biên giới với Tàu. Lúc đó tôi là thiếu uý, Đại đội phó lái xe ở Trường Sơn, đơn vị tôi được tăng cường bổ xung về Quân đoàn 1. Nó thì mới chỉ là trung sỹ. Vào trận anh em đồng đội xung phong. Nó là thằng nhát chết, nên núp sau mô đá hô thật to : Xung phong...phong...ong...ong..! 
Trận đó địch quá đông, chúng tràn lên như kiến cỏ. Còn quân ta thì quá ít. Đơn vị hy sinh và bị thương gần hết. Nhưng vẫn giữ vững được trận địa, cho đến khi anh em tuyến dưới vận động lên chi viện. Những thằng lính bị thương còn lại như tôi, được anh em chuyển đi cấp cứu ở bệnh viện. Nó - Đinh Quang nhờ núp sau mô đá mà còn lành lặn, lại có tài ăn nói trơn tru. Thế là mấy bố trên về, muốn nhân rộng điển hình. Mắt nhắm, mắt mở, đưa nó đi báo cáo...Nhờ có "thành tích chiến đấu dũng cảm" nghiễm nghiên hắn được trên phong thưởng...Nói rồi, như để minh chứng thực tiễn, Lan " điên" vuốt ngược mái tóc muối tiêu loà xoà trước trán, để lộ ra vết sẹo nhăn nheo, bởi một mảnh đạn quân thù đã búng đi một miếng, lõm sâu vào hộp sọ.

Thằng Cương lính tăng thở dài...Ở đời người trung thực bao giờ cũng thiệt thòi, kẻ lừa dối bao giờ cũng biết cách lươn lẹo để tồn tại và thăng tiến. Ở đơn vị tôi cũng có một thằng như vậy. Với bên ngoài chúng nhâng nhâng vậy đó. Nhưng gặp lại tụi tôi, những thằng lính cùng đơn vị, biết rõ...thì nó nhũn như con chi chi, nói năng lễ độ, dè chừng. Tôi nghĩ : Chắc chắn từ thẳm sâu trong tiềm thức...Kể cả khi bưng bát cơm ăn và trong giấc ngủ. Lương tâm chúng cũng tự dày vò, cấu xé...chỉ với một câu hỏi: Sao cái thằng ấy lại có thể trâng tráo, nhẫn tâm - đi cướp công lao của đồng đội mày như vậy ?

Tôi cười bảo anh em : Thôi ! Những chuyện như thế thì không riêng ở thời nay, mà ở thời nào cũng có. Đất nước nào cũng có. Chỉ mong sao những cựu lính, sót lại sau cuộc chiến gian khổ và khốc liệt như anh em mình còn đang tồn tại trên cõi đời này. Đã từng là người lính QĐND - Vì nhân dân mà chiến đấu ! Vì nhân dân quên mình ! Thì phải luôn tâm niệm và thực hiện cho được: Đi dân nhớ, ở dân thương ! Chuyện cũ nên gác lại. Theo tôi, hãy bằng cách sống, việc làm gương mẫu của mình trong các phong trào. Góp một phần công sức cùng chính quyền, nhân dân xây dựng nông thôn mới. Thì chắc chắn các vị lãnh đạo đảng, chính quyền và nhân dân địa phương rồi sẽ hiểu và quí trọng chúng ta : Những người lính Trường Sơn - Bộ đội Cụ Hồ các đồng chí ạ !

Vườn là người ít nói lại không biết uống rượu. Thấy anh em cụng, nó cứ nâng ly lên rồi lại đặt ly xuống. Nhìn anh em đồng đội nãy giờ tranh luận...chống đũa ngồi nghe, giờ mới lên tiếng: Theo tôi thế này: Không biết anh em mình có chịu không ? Rồi hắng giọng, nó thủng thẳng: Năm tới ngày 22 tháng 12, chúng ta gặp mặt và nên tổ chức liên hoan kiểu khác.

Mấy thằng đồng đội nhao nhao...Thì ông cứ nói. Nếu thấy hợp lý, hấp dẫn tụi tôi oke liền !

Vườn thong thả: Theo tôi chương trình, thủ tục thì "nguyễn y vân". Nhưng cái khoản thực phẩm liên hoan, thì mình lên tổ chức thế nào để gợi nhớ, ôn lại cái thời chiến tranh còn trong rừng gian khổ...

Chú em Minh Thuỷ, cựu lính trẻ nhất, lính nghĩa vụ. Vì có tài nấu nướng nên khi vào bộ đội được đơn vị phân công làm bếp trưởng nuôi quân. Giờ nó sốt sắng giơ tay : Em hiểu ý bác Vườn. Em đồng tình giơ cả hai tay. Em xin tình nguyện làm "Tổng đạo diễn" trực tiếp nhận chức bếp trưởng. Các bác cứ đi kiếm măng rừng, lá chua, rau tàu bay...Tất tần tật rau, củ, quả gì ở trong rừng ngày xưa các bác đã ăn. Em sẽ trổ tài biến nó thành những món ăn kỷ niệm, nhưng sẽ là đặc sản khoái khẩu thời thượng.

Mạnh "Chủ tịch thôn" hưởng ứng : Ý tưởng này tuyệt đấy ! Nhưng trước đây trong rừng thực phẩm thì không thiếu. Chỉ cần đặt bẫy hay xách súng đi săn về là có ngay. Nhưng bây giờ thì thú tặc nó săn, bẫy hết rồi. Theo tôi : Mình chỉ có thể vận dụng những loại thực phẩm chính như heo rừng, heo nhà, bò, cá và gà, cùng các loại rau, củ, quả anh em đi thu hái nơi rẫy, trong rừng. Nếu đồng chí nào nuôi được gà rừng thì góp thêm một, hai con càng tốt !
Nhân đây tôi cũng xin nói về CCB Đặng Hùng Mạnh một chút. Anh sinh ra trong một gia đình cách mạng truyền thống. Ông bố trước đây là Đại uý phụ trách Quân pháp, Quân khu. Giải phóng, cụ nằm trong đội quân tiếp quản TP. Sài Gòn. Anh, em Mạnh thường nghe bố kể : chuyện ngày ấy...để nhắc nhở và giáo dục các con"...Khi bố cùng đồng đội vào tiếp quản vàng, hạt xoàn nhiều lắm..! Nhưng những người cán bộ liêm khiết, kiên trung như bố Mạnh khi nghỉ hưu cũng chỉ mang về chiếc xe đạp được phân phối làm phương tiện đi lại, cùng chiếc ba lô con cóc và mấy bộ áo quần của lính" ! Chính vì thế mà khi rời quân ngũ, với hai bàn tay trắng vào Nam lập nghiệp. Không những Mạnh chí thú làm ăn. Nuôi dạy con cái trưởng thành, thành đạt. Mà còn hết lòng tham gia cùng anh em trong ban điều hành thôn vận động bà con đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới. Nó làm trưởng thôn mấy nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ bầu trưởng thôn mới đây, chị vợ thấy chồng quá vất vả việc nhà việc 'nước' đã vận động anh em, bà con không bỏ phiếu cho Mạnh, để chồng có điều kiện nghỉ ngơi. Nhưng cuối cùng bà con cũng dồn gần như 100% phiếu cho Đặng Hùng Mạnh người Trưởng thôn nghĩa tình, gương mẫu. Vì thế mà anh em, bà con trong thôn 2 xã Tân Đức yêu quí. Thường hay gọi Hùng Mạnh với cái tên - "Chủ tịch thôn" là vậy.

Cả bọn chúng tôi đều ồ lên, vỗ tay thích thú...Ủng hộ sáng kiến của những người đồng đội ! 
Thế rồi tụi tôi phân công nhau ai lo thực phẩm gì...để ngày 22/12 sang năm, giao cho chú em anh nuôi Minh Thuỷ làm bếp trưởng chế biến.

Không biết có phải "tê...tê" do rượu, hay đang đà hưng phấn ? Minh Thuỷ tự nguyện: Gần đến 22/12 em sẽ đi mua tặng hết 18 anh, chị em đồng đội CCB trong chi hội mình mỗi người một chiếc quần đùi, áo lót ba lỗ của lính. Khi liên hoan, trời nóng, mình mặc hết đồ lót ngồi trong khu vườn sinh thái của bác Đặng, nhậu mới đúng kiểu lính Trường Sơn mà cánh lính hậu sinh chúng em từng được đọc truyện và xem trên phim ảnh.

Chị Chung năm nay đã bảy mươi tuổi, người Miền Nam, vào du kích từ năm 1962, khi mới mười năm tuổi. Hơn một năm sau mới được tuyển vào quân chủ lực miền Đông Nam Bộ. Chiến đấu cho đến ngày giải phóng. Nghe chú em Minh Thuỷ nói vậy, giẫy nảy: Các anh, các chú là đàn ông mặc sao cũng được. Nhưng chi hội mình có ba chị em tui là nữ, lại lớn tuổi. Ai mà mặc vậy kỳ quá người ta cười chết !
Tụi tôi trêu chị: Thì ngày xưa ở chiến trường đôi lúc mưa gió liên tục, quần áo dài hai bộ các chị ướt hết, vẫn mặc quần lót đi công đồn, diệt bốt nào có sao đâu ? Hay khi đó mấy bà còn trẻ, ỷ có cặp giò đẹp khoe ra không ngại. Giờ già rồi nên nó nhăn nheo, vì thế mà cứ phải mặc quần áo dài che lại ?
Chị Chung vừa la : Mấy thằng lính quậy này! Rồi chị vừa chạy quanh phòng túm áo tụi tôi đấm vào lưng thùm thụp...

Đêm cuối đông. Bình Thuận trời xe lạnh. Những vườn thanh long sáng rực ánh đèn kích thích mùa trái vụ. Những tiếng xe ầm ì...Cùng ánh đèn loang loáng lướt qua ngoài quốc lộ. Màn đêm đen thẫm. Không gian tĩnh lặng. Phía xa, ngọn hải đăng Kê Gà loé sáng dẫn dắt những con tàu.  Bầu trời phía tây nơi dải núi Trường Sơn trải dài, đen thẫm. Loé sáng vài chớp lửa. Phải chăng nơi đó lúc này vẫn còn những cơn mưa...Do khí hậu, thời tiết biến đổi ? Trường Sơn - nơi nhiều đồng đội chúng tôi vẫn còn nằm lại trong những cánh rừng, nơi lưng đồi, ven suối...chắc đang lạnh lắm..!
                                                         Bình Thuận - Cuối đông 2016
                                          Phạm Tiến Đặng - Sư 471 - Hội TTTS Bình Thuận.









 

 

 

tin tức liên quan