" Thăm nhà Nguyễn Bính" - Thơ Lê Lợi - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

Ngày đăng: 08:49 05/04/2017 Lượt xem: 458

 

THĂM NHÀ NGUYỄN BÍNH

 

 

         Nguyễn Bính sinh ngày 13-2-1918, tức mồng ba Tết năm Mậu Ngọ với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định...

         Phủ Dầy thuộc huyện Vụ Bản quê ông nơi thờ Mẫu - Bà Chúa Liễu Hạnh. Ngày 2/4/2017 (6/3 Đinh Dậu) tại đây tổ chức đón bằng vinh danh của UNESCO “Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại” cho Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ... Nhân được về dự sự kiện này, tôi ghé thăm quê ông và có đôi vần cảm tác - Xin trân trọng gới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trang TT Trường Sơn. 

 

Lê Lợi

 

 

Nhà thơ Nguyễn Bính ( 1918-1966)

 

 

Về làng Thiện Vịnh (1) đầu xuân,

Thăm nhà Nguyễn Bính, tần ngần nhớ ông.

Đâu thôn Đoài, đâu thôn Đông (2) ,

Đâu hàng cau với trầu không thôn nào.

 

 

Lẫn trong tiếng gió lao xao,

Phải chèo làng Đặng (3) thủa nào còn đây.

Trống Chầu văn ở Phủ Dầy (4) ,

Xa xăm …nghe phách, tiếng đầy, tiếng vơi.

 

 

Mấy mươi xuân ấy qua rồi,

Tao nhân, mặc khách (5) … ai người tri âm.

Bao người còn nhớ thi nhân,

Tất niên (6) năm ấy, cõi trần chợt nghe…

 

 

Một đời thơ của Chân quê (7) ,

Ba chìm, bảy nổi tái tê vô thường.

Thôn quê giờ nhuốm phố phường,

Hồn thơ chưa cũ vấn vương bao người…

 

 

2/4/2017

BsCKI. Lê Lợi,

Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh Thực phẩm tỉnh Nam Định,

Cựu chiến binh Sư đoàn 968 Quân tình nguyện tại Lào

Hội viên Hội VH-NT Trường Sơn

 

---------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Thiện Vịnh thuộc xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định;

(2) Thơ Nguyễn Bính: Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào (Tương tư);

(3) Thơ Nguyễn Bính: Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay (Mưa xuân);

(4) Phủ Dầy thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản thờ Mẫu, bà Chúa Liễu Hạnh. Ngày 2/4/2017 (6/3 Đinh Dậu) tại đây tổ chức đón bằng vinh danh của UNESCO “Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại” cho Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt;

(5) Tao nhân, mặc khách: người sáng tác, thưởng thức văn chương (từ cũ);

(6) Nguyễn Bính mất vào ngày cuối cùng của năm âm lịch Ất Tỵ (20/1/1966) tại Lý Nhân, tỉnh Hà Nam;

(7) Chân quê: Tên một bài thơ và tập thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính

tin tức liên quan