Nhớ về anh-người chiến sĩ vô danh

Ngày đăng: 07:20 18/05/2017 Lượt xem: 686

 

 

         Nhớ về anh-người chiến sĩ vô danh

 

          Mặc dù năm tháng đã trôi qua , nhưng nỗi đau mất anh vẫn còn đọng lại trong trái tim tôi , một vết thương lòng quặn xé!

          Sắp đến ngày 27-7, ngày thương binh liệt sĩ . Cứ đến ngày kỉ niệm này lòng tôi không khỏi nghẹn ngào , xúc động nhớ đến người anh đã ra đi không bao giờ trở lại! Người anh trai của tôi, tên khai sinh: Nguyễn Hồng Phong, hy sinh vào ngày 16 - 4 -1975,  trong trận tổng tiến công vào giải phóng Sài Gòn tại ngã ba Xuân Lộc, mặt trận phía Nam của Tổ quốc.

          Khi nhận được tin anh hy sinh, tôi đang học tại trường Cao đẳng sư phạm Quảng Bình, đó là nỗi đau của cả gia đình tôi , nỗi đau đến quặn lòng  đã hằn sâu trong tâm can của những người thân trong gia đình.

          Nhớ về anh trai! Anh là một tấm gương sáng về đạo đức, một thanh niên sống có lí tưởng cách mạng xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc , một người con hiếu thảo, một người anh gương mẫu.

          Tôi sinh ra  trên mảnh đất Quảng Bình , nơi một thời khói lửa của bom đạn chiến tranh chống Đế quốc Mĩ, chính mảnh đất ấy đã tôi luyện cho chúng tôi trên bước đường trưởng thành. Vì chiến tranh ác liệt, nên mẹ đưa chúng tôi sơ tán ra Bắc , chuyển công tác từ Ty giao thông Quảng Bình ra Tỉnh Hà Tây(quê nội của tôi), còn ba ở lại tiếp tục công tác và sẵn sang chiến đấu. Cuộc sống gia đình cán bộ thời đó biết bao khó khăn chồng chất, thế nhưng mẹ một thân một mình lo lắng cho các con, nuôi mấy đứa con ăn học. Chúng tôi đều học hết cấp III tại Trường cấp III Tùng Thiện Tỉnh Hà Tây( nay là Hà Nội).

 Những năm tháng chiến tranh, tinh thần chi viện của nhân dân, của tuổi trẻ miền Bắc đối với miền Nam rất khẩn trương đầy nhiệt huyết với tinh thần: 

                       “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

                         Mà lòng phơi  phới dậy tương lai’’

Anh trai tôi cuốn theo dòng nhiệt huyết đó, anh tình nguyện viết đơn xin vào bộ đội , lá đơn viết bằng dòng máu nóng của tuổi thanh xuân.  Lần ấy vì không đủ sức khỏe  nên anh không được gia nhập quân đội, anh buồn lắm.

  Biết được tin, mẹ tôi động viên: “ Thôi , con cố gắng học hết cấp III rồi đi bộ đội cũng không muộn’’. Đành lòng ,anh học hết cấp III , sau đó anh vào trường Cao đẳng sư phạm tại huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây .

          Tôi nhớ một kỉ niệm khó quên, lúc anh đi học, gia đình tôi  nghèo lắm, ra đi chỉ đem theo ít quyển sách, hai bộ quần áo và một số tư trang được gói vào một tấm ni lông. Anh chở tôi bằng chiếc xe đạp cọc cạch ra bến xe  Sơn Tây, lúc đó tôi còn trẻ con quá, anh em chia tay nhau anh về trường  tôi chỉ biết nắm tay anh mỉm cười.

          Ở trường tôi nghe nói anh tôi học rất giỏi, thỉnh thoảng anh viết truyện ngắn, những câu chuyện chiến tranh gửi về cho tôi. Anh rất thương mẹ, biết mẹ vất vả vì đồng lương ít ỏi của ba và mẹ chỉ đủ nuôi sống gia đình nên anh cố gắng học tập không để cho mẹ phiền lòng. Tôi còn nhớ, có lần ngày thứ bảy, anh về thăm nhà lúc ra đi mẹ tôi đưa tiền cho anh, anh chỉ lấy tiền vé xe số tiền còn lại lại anh cho tôi mua quà. Những lá thư của anh viết về dặn dò tôi phải học cho tốt, chăm lo cho các em và mẹ, tôi vẫn ghi tạc trong lòng. Sau khi học được một năm, với chí hướng của người thanh niên trước hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, anh một lần nữa viết đơn bằng máu tình nguyện đi bộ đội. Anh về thăm nhà nói với mẹ tôi: “ mẹ ơi con có giấy báo đi bộ đội  rồi’’, mẹ tôi giật mình tưởng con nói đùa nhưng rồi cũng chấp nhận sự thật, chỉ trách vì sao không nói trước với mẹ để mẹ khỏi bất ngờ. Có người mẹ nào không thương con, có người mẹ nào muốn gửi con mình vào nơi chiến trường khốc liệt để rồi lo cho số phận sống chết của con ? Mẹ tôi giấu nước mắt, tim như se lại, một tình yêu thương bỗng trỗi dậy của người mẹ , anh tôi muốn khóc mà không dám  vì sợ mẹ buồn. Tôi thương anh quá, ra đi mà chỉ đem theo mấy quyển truyện và mấy bài thơ anh đang viết dở. Trước lúc chia tay mẹ dặn rằng:  “con đường của con lựa chọn là con đường đúng đắn, Tổ quốc đang cần các con, con đi gặp nhiều may mắn thắng lợi trở về’’. Mẹ tôi lau nước mắt, cả nhà đều khóc, gia đình tôi tiễn anh bằng một bữa cơm rau dưa đạm bạc.

          Tháng 4 năm 1974 anh nhận được nhiệm vụ vào Nam đánh Mĩ, thực hiện nhiệm vụ giải phóng Miền Nam. Trước khi đi anh được về thăm nhà , đó là lần cuối cùng tôi được gặp anh trai. Từ biệt  người mẹ  thân yêu , anh và mẹ cố nén nước mắt, thế mà nước mắt cứ chảy, mẹ lấy vạt áo lau .

          Trên đường hành quân, anh gặp  đồng đội người  đồng hương quê ở Tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội ), hai người làm quen nhau tay bắt mặt mừng… rồi chia tay nhau mỗi người một trận tuyến,  hẹn gặp nhau giữa  Sài Gòn trong ngày chiến thắng . Sau ngày giải phóng Miền Nam,  năm 1975 gia đình tôi  nhận được một lá thư của anh do người đồng đội đó đưa về, trong bức  thư anh kể về cái gian khổ trên con đường hành quân, một cuộc hành quân thần tốc những đêm mưa rừng, những đợt bom dội xuống, những con đường oằn lại bởi bom đạn chiến tranh rồi những đồng đội của anh đã hy sinh. Mẹ tôi đọc lá thư khóc nức nở, cả nhà đều khóc ,tôi thì âm thầm rơi lệ…. Đó là bức thư cuối cùng của người anh trai tôi.  Tôi vẫn còn giữ  chiếc khăn voan màu trắng mà anh gửi về làm quà như lời hứa, đó là kỉ niệm vô giá trong cuộc đời... Năm 1979 gia đình tôi nhận được tin, anh tôi đã hi sinh vào ngày 16 tháng 4 năm 1975(trước ngày giải phóng Miền Nam 14 ngày)

          Nỗi đau như xé lòng , người anh trai vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Tôi òa lên khóc nức nở , các bạn tôi xúm lại, động viên khuyên nhủ... Anh trai tôi ra đi khi mới tròn tuổi xuân 22 tuổi , đối với tôi anh là người anh cao cả, anh chính là niềm tự hào cho gia đình tôi. Tuổi xuân của anh hiến dâng cho Tổ quốc, anh ở lại Sài Gòn giữa ngã ba Xuân Lộc với những người đồng đội của anh, chưa tìm ra quê hương, gia đình, người thân. Giữa mảnh đất của một thời khói lửa, một thời đau thương và oanh liệt

Được biết anh trai hy sinh trong một trận đánh khốc liệt tại chiến trường Xuân Lộc, mở màn “Chiến dịch Hồ chí Minh” lịch sử. Trước khi hy sinh anh tôi còn kịp ném quả thủ pháo vào xe tăng địch. Trận đánh đó máu thịt anh tôi và các đồng đội của anh đã hòa lẫn vào lòng đất mẹ.

           Hôm nay, tôi có dịp trở lại thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, một cảm xúc nghẹn ngào lại dâng lên trong lòng tôi, tôi lại đi tìm anh giữa hàng ngàn nấm mộ, những nấm mộ có tên có tuổi, những nấm mộ vô danh, các anh nằm trong lòng đất mẹ Quảng Trị anh hùng. Hồn của các anh quyện vào sông  núi, tên các anh khắc đậm vào trang lịch sử anh hùng của dân tộc. Kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương cho các anh hùng hy sinh vì Tổ quốc . Các anh là những nốt son trong khúc khải hoàn ca của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng, các anh mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau.

 

                                                                         Bài viết: Hoàng Lan

                                                   (Đ/C: Số nhà 367 đường Quang Trung- Nam Hồng

                                                                      Phú Hải- Đồng Hới- Quảng Bình)

tin tức liên quan