Hoa ngọc lan - Truyện ngắn của Hoàng Minh Đức

Ngày đăng: 06:17 04/05/2022 Lượt xem: 472
HOA NGỌC LAN
Truyện ngắn của Hoàng Minh Đức

 
         Thế là ông Thuấn đã về. Ông đi một lèo ngót sáu mươi năm. Nói đúng ra là trong sáu mươi năm ấy ông có về thăm quê một lần. Năm 1976 ông về chịu tang bố. Bố ông đi cày dẫm phải mảnh bom sát thương rỉ rét giữa ruộng bùn, bị vi trùng uốn ván. Mùa hè năm đó tôi có đến nhà ông chơi mấy lần. Ông ở lại làng hơn một tháng. Ông cùng một lứa với bố tôi nhưng hơn bốn mươi tuổi vẫn sống độc thân. Sau ông lấy một cô giáo dạy văn cấp ba ngoài Hà Nội và có hai thằng con trai. Đến ngày nghỉ hưu ông đưa cả nhà vào sống trong thành phố Hồ Chí Minh. Thằng Cả làm bác sĩ ghép tạng ở bệnh viện 115. Thằng Hai làm giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty chế biến hạt điều của nó có đến ba trăm công nhân. 
        Ông Thuấn về làng đứng nhìn trân trân ngôi nhà ngói ba gian đã mục nát hết, một vì kèo đầu hồi bị mối ăn đổ xuống. Trên nền nhà một cây sung ngứa đội mái mọc lên. Những cây râu vua trèo theo chân tường phủ kín cây sung và hai mái nhà. Những sợi “râu vua” tua tủa thả xuống như những sợi dây mành, quấn xung quanh các cột. Ngoài đường nhìn vào trông như một cây rơm nhà ai thật to màu xanh thẫm um tùm. Có mấy con chim sâu nhỏ kêu lích chích. Hai con chim chìa vôi xòe đuôi chuyền cành vụt đỗ, vụt bay, cãi nhau om sòm. Mấy đứa em gái ông đều nghèo cả. Chúng nó đi làm việc Nhà nước ở xa rồi nghỉ hưu theo chồng về quê nội, chẳng có đứa nào chịu tu sửa lại ngôi nhà. Ông có một người em trai nhưng đã hy sinh trong chiến trường miền Nam nay chưa tìm được hài cốt. Được cái xung quanh vườn tược sạch sẽ. Đứa cháu họ của ông trồng hoa màu. Vụ thu đông trồng khoai lang, xuân hè trồng lạc.  
         Hai vợ chồng ông quyết định ở lại làng. Đầu tiên ông xây lại ngôi nhà từ đường cho ông bà tổ tiên. Ông xây lại lăng mộ của cả dòng họ. Cụ tổ họ Trương nhà ông từ ngoài Hải Dương vào khai sơn phá thạch lập lên cái làng này đã sáu trăm năm. Số tiền công ông dịch mấy cuốn sách Toán học tiếng Pháp bà vợ thả cửa cho ông làm việc công đức. Mà tiền bạc sắp kề miệng lỗ, cần gì nhiều. Ông nói với bà “chúng nó có tiền tấn, cần gì đến tiền hưu của chúng mình”. Chúng còn cho ông thêm tiền làm từ thiện ở quê nữa chớ. 
         Làm xong nhà, ông Thuấn đi đâu cả tuần. Một buổi trưa ông ngồi trên tắc xi đem về một cây ngọc lan. Cây hoa ngọc lan đặt trong thùng xốp, cành lá sum suê, những chiếc lá to bản thon dài phía trên màu xanh lục, mặt dưới có những đường gân xương cá nổi lên nhàn nhạt trông hệt như lá hoa mộc lan. Mấy đứa cháu trịnh trọng bê cây hoa đến trồng bên bàn thờ trời. Vợ ông nói “ông Thuấn quý cây hoa này lắm. Có nhiều đêm ông nằm mơ gọi Ngọc Lan”. 
                                                                ***
        Ông Thuấn vào học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1956. Ba năm sau ông được làm hồ sơ kết nạp Đảng. Người bạn thuở thiếu thời của ông làm Phó Chủ tịch, trưởng công an xã phê: “Cha theo giặc, đi lính khố đỏ…” Mà cha ông đi lính khố đỏ chứ đâu có đi theo giặc. Ngày ông đang  học trường tiểu học Thọ Linh với bố tôi, lúc đó cha ông đã sang Pháp làm lính thợ. Chiến tranh thế giới lần thứ Hai nổ ra, Pháp đánh nhau với Đức quốc xã. Paris thất thủ, thống chế Pháp Petáiin đầu hàng Hít le, cha ông theo trung đoàn Commandos đến Algérie. Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, Cụ Hồ dự hội nghị Fontainebleau kêu gọi mọi người dân Việt Nam về nước tham gia kháng chiến. Cha ông đã theo chuyến tàu thứ hai về làng làm du kích. Năm 1939, cha ông đã từng gặp Giáo sư Ngụy Như Kontum tại Pháp. Khi thành lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giáo sư về làm Giám đốc tức là hiệu trưởng nhà trường. Giáo sư biết khá rõ về cha ông. Bộ hồ sơ lí lịch của ông chưa tường minh rạch ròi thì ông được điều sang dạy môn Toán trường Đại học Bách khoa. Mà hồi đó việc xét duyệt lý lịch ở xã quan trọng lắm. Thế là phải phấn đấu lại từ đầu. Bằng tốt nghiệp hạng ưu, mấy năm giảng dạy đạt danh hiệu giáo viên giỏi xuất sắc, khi sắp có quyết định kết nạp Đảng lại có một lá đơn kiện từ trong quê gửi ra. Một người bà con trong làng báo cho ông biết kẻ chọc gậy bánh xe. Tác giả vẫn là người bạn cũ thời tiểu học. Ông ta ganh tị với ông.   
          Ngày mùng 5 tháng 8 năm 1964, máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Đường sá, cầu cống bị tàn phá, nhà trường không có điều kiện vào khu Bốn thẩm tra lý lịch. Chúng ném bom xuống làng ông. Làng ông ở ven bờ sông Gianh, ngày nào cũng bị đánh. Năm đó mẹ ông trúng một loạt bom bi khi đi hái củi về. Chúng đánh vào con đò của hợp tác xã chở bà con qua sông. Ông đã phải viết đơn bằng máu người ta mới cho nhập ngũ. Ông được biên chế vào Đại đội súng máy cao xạ 12,7 mm, Sư đoàn 308. Sau chiến dịch Mậu Thân bọn thủy quân lục chiến Mỹ tại Khe Sanh bị đánh tơi bời. Sư đoàn của ông vào thế chân cho Sư đoàn 304 rút ra miền Bắc nghỉ ngơi và bổ xung quân số. Đơn vị tiếp tục tiến công địch ở mặt trận phía nam Khe Sanh.
         Tháng 5, trời nắng nóng như đổ lửa. Pháo địch dội xuống Phu Nhoi dọn đường. Núi Phu Nhoi gồm ba mỏm cao đứng thế chân kiềng, mỏm này cách mỏm kia chừng một cây số. Hai mỏm Mâm Xôi và mỏm Cháy thấp hơn mỏm Chóp Nón một chút. Trinh sát thấy không có quân địch đóng trên đồi Chóp Nón, ông Thuấn liền đề nghị tăng cường đại đội 12,7 mm lên chốt ở đó. Phải khống chế các bãi bằng bọn địch có thể lợi dụng làm bãi đáp xuống của trực thăng. Chúng có thể chiếm điểm cao. Bọn địch quỷ quyệt thường di chuyển lung tung. Ban ngày đóng ở chỗ này nhưng ban đêm lại có thể cơ động sang chỗ khác.  
         Ông Thuấn nhớ lại. Chừng ba giờ chiều, địch tạm ngừng phản kích. Chúng cho máy bay L.19 và máy bay lên thẳng rà thấp xuống soi mói. Tiếng động cơ nổ phành phạch. Một thằng chiêu hồi ngồi trên máy bay, miệng kêu ra rả: “Hỡi các cán binh Bắc Việt. Các bạn đang bị bao vây. Theo gương tôi, các bạn hãy trở về với chính nghĩa quốc gia. Năm phút nữa chúng tôi sẽ thả xuống một quả hỏa mù. Các bạn hãy đến đấy, lấy áo trắng buộc vào mũi súng giơ cao, chúng tôi sẽ cho người lên đón. Nếu không, một giờ nữa quân đội Hoa Kỳ sẽ cho xe tăng tràn lên tiêu diệt hết”. Chờ cho chiếc máy bay địch lọt vào vòng ngắm ông Thuấn siết cò. Chiếc máy bay loạng choạng bốc cháy như bó đuốc, một mảng đuya - ra rơi ngay trên trận địa. Lập tức cả bầy trực thăng bâu lại như ruồi. Chúng phóng rốc két và vãi đạn 20 li về phía ông. Bọn địch trên máy bay ném lựu đạn xuống tới tấp. Khói lửa cháy rừng rực cả khu rừng. Bọn Thủy quân lục chiến lại tràn lên. Đạn M.79 nổ choang choác, đại liên quất ràn rạt. Cây cối bị tiện đứt ngổn ngang. Một khẩu Đại liên phía sau tảng đá quét chéo cánh sẻ vào mạng sườn trận địa của ông. Phải dập tắt ổ đề kháng này. Ông Thuấn cắp tiểu liên bò tới. Khi chỉ còn cách khẩu đại liên địch chừng sáu mét ông sực nhớ không còn quả lựu đạn hay thủ pháo nào nữa cả. Một thằng Mỹ nằm chổng mông lên trời, trên thắt lưng hắn có một chùm lựu đạn. Ông Thuấn trườn tới cái xác chết lấy hai trái tung liên tiếp vào sau tảng đá. Khối lửa màu da cam trùm lên ổ đại liên, hỏa điểm địch tắt ngấm. Mấy chiếc xe tăng địch bắt đầu lù lù bò lên, ông Thuấn lắp AT vào khẩu tiểu liên nghiến răng phóng một quả trúng chiếc đi đầu. Chiếc xe tăng địch đứng khựng lại, cháy bùng lên, mấy chiếc đằng sau hoảng hốt quay đầu tháo chạy. 
        Trời sẫm tối. Đồng chí Chính trị viên bò đến hầm súng chỗ Thuấn ngồi:
        - Các đồng chí, tôi thay mặt chi bộ Đại đội tuyên bố kết nạp đồng chí  Trương Minh Thuấn vào Đảng. Từ giờ phút này đồng chí Thuấn hãy nhận lấy niềm vinh dự và trách nhiệm của người đảng viên.
         Ông Thuấn xúc động nghẹn ngào, ông lắng nghe từng lời của đồng chí bí thư chi bộ. Mãi lúc sau ông mới nói được một câu:
         - Tôi xin hứa trước chi bộ quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng để xứng đáng là người đảng viên của Đảng.
         Tối hôm đó các cán bộ chiến sĩ còn lại của Tiểu đoàn được lệnh tạm lui khỏi điểm cao Phu Nhoi sau khi tiêu diệt được hơn 200 tên lính thủy đánh bộ Mỹ.
                                                            ***
         Khánh thành xong ngôi mộ tổ của họ Trương, ông Thuấn đến thăm bố tôi. Ngày giặc Pháp về đóng đồn trên động Lòi, cha tôi ở lại làng cùng du kích, ông Thuấn tản cư ra vùng tự do ngoài Nghệ An, học trường Huỳnh Thúc Kháng. Ông Thuấn giờ còn tráng kiện lắm. Ông bước đi rắn rỏi, nói năng hoạt bát như thanh niên :
        - Ngày xưa gia đình tôi rất nghèo. Cha đi biệt xứ, nhà còn lại ba mẹ con. Anh có còn nhớ hôm đi thi Yếu lược dưới Ba Đồn. Tôi phải chạy khắp làng mới mượn được một chiếc quần dài.
        - Quên làm sao được. Kỷ niệm của anh em mình còn nhiều. Hôm ra ngoài Hà Nội báo cáo với Bộ Giáo dục về kinh nghiệm của trường sư phạm Quảng Bình vừa giảng dạy tốt vừa đánh Mỹ giỏi, lúc về xe dừng lại ở Hà Tĩnh thì tôi gặp anh. Bố tôi nói. 
       - Từ ngày Oét-mo-len đổ quân lên mảnh đất Khe Sanh, Quảng Trị đến khi Abrams quyết định bỏ Khe Sanh rút chạy chúng tôi đã có 170 ngày đêm quần nhau với địch. Sư đoàn tôi cùng quân khu Trị - Thiên đã giáng cho bọn Thủy quân lục chiến Mỹ những đòn chí tử. Giải phóng xong Khe Sanh, chúng tôi kéo quân về Hà Sơn Bình huấn luyện. Cuối năm bảy mươi Sư đoàn lại vào Nam chuẩn bị cho chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Mới vào tới Hà Tĩnh thì nhận được điện của Bộ Tổng Tư lệnh  phải dừng lại. Đột nhiên ngày 21 tháng 11 năm 1970, giặc Mỹ cho hàng trăm máy bay ném bom trở lại miền Bắc. Tàu chiến Mỹ đã chở bọn thủy quân lục chiến ra vùng biển cách khu Bốn một trăm hải lí. Nghiêm trọng hơn nữa là chúng cho một toán biệt kích đổ bộ bằng trực thăng xuống gần thị xã Sơn Tây định cướp tù binh. Hôm gặp anh là sư đoàn 308 nhận được lệnh đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân khu Bốn sẵn sàng đập tan cuộc đổ bộ của địch bằng bộ binh lên miền Bắc.
        - Thì chúng nghi binh mà. Chúng tôi cũng được phổ biến là địch có thể đổ bộ lên Quảng Bình. Trường Sư phạm đã thành lập một Tiểu đoàn tự vệ, sau đó Tiểu đoàn đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch đường 9 - Nam Lào.
         - Sau này mình mới biết là chúng đánh đòn nghi binh. Nhưng dù sao cũng phải đề phòng trước. Cẩn thận vẫn hơn. Tuyệt đối phải bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
        Ông Thuấn kể tiếp:
        Ngày 17 tháng 2 năm 1971, cụm điểm cao 500 phơi mình dưới làn đạn pháo của quân giải phóng. Các trận đánh vào dãy đồi 500 mở màn cho chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Nhiều lô cốt bao cát bị vỡ, nhiều ụ súng bị sập nóc. Bọn biệt động quân chốc chốc phải liều mạng ra đắp lại. Sư đoàn 308 và Trung đoàn 24 (sư đoàn 304) phối thuộc với Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) được pháo binh chiến dịch chi viện. Pháo binh mặt trận đã khống chế địa bàn kéo từ A Hai, Tà Púc, A Rinh qua làng Sen sang đỉnh 500, dài 15 cây số. Trực thăng địch không tài nào đáp xuống được. Những tên biệt động quân mặt mày méo mó chỉ dám rúc ra khỏi hầm vào lúc sáng sớm hoặc chiều tà. Nhiều tên tự thương để xin về Đông Hà. Hàng ngày B.52 Mỹ tiếp tục rải thảm xuống các khu rừng bên bờ sông Sen nhưng điểm cao 500 vẫn như hỏa ngục.
          Chiều hôm sau Đại đội ông đang trên đường xuất kích thì pháo địch ở Tà Púc bỗng dồn dập bắn về. Một quả rơi trúng đội hình hành quân. Trung đội trưởng Trung đội 3 cùng hai chiến sĩ hy sinh. Ông Thuấn bị một mảnh đạn găm vào mạng sườn. Ông mất khá nhiều máu, mặt mày tái nhợt. Ông được đưa về Tiểu đoàn Quân y tuyến sau. Phải gắp mảnh đạn trong người ra. Bệnh viện dã chiến thiếu thuốc tê. Một cô y tá có tên là Ngọc Lan phải đứng hát cho ông nghe để quên cơn đau trong ca phẫu thuật. Ngọc Lan có dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, quê ở bên dòng sông Cam Lộ. Cô làm liên lạc cho xã đội từ khi mới mười lăm tuổi. Năm mười tám tuổi cô lên cứ vào Bộ đội. Sau đó mấy năm Ngọc Lan được đi học một lớp Y tá ngắn ngày do quân khu tổ chức. Cô bón từng thìa cháo cho ông Thuấn, chăm sóc cho ông như một người mẹ chăm con. Đến ngày ông Thuấn đi lại được thì có lệnh của Tiểu đoàn, ông phải hành quân ra Bắc.  
         Đêm chia tay, hai người ngồi dưới lòng một con suối cạn. Đêm đó trăng sáng quá, thế mà bọn địch vẫn bắn pháo sáng đầy trời. Phía trước tiền duyên, tiếng súng địch ở các điểm cao vẫn nổ đì đẹt. Bọn chỉ huy đang kêu gào tử thủ. Mất cụm 500, cánh bắc của cuộc hành quân Lam Sơn 719 sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng. Phía dòng sông Sen, một chiếc máy bay C.130 rọi đèn pha xuống các cánh rừng. Sau khi phóng rốc két, bắn đạn 20 li chán chê xuống mặt đất nó ném xuống một chùm bom tấn. Mặt trăng như vỡ vụn ra sau tiếng nổ rung trời. Hai người nhìn lên vầng trăng, ông nói với Ngọc Lan những lời âu yếm yêu thương. Họ đã trao cho nhau nụ hôn đầu đời. Ông hứa hết chiến tranh sẽ vào Quảng Trị thưa chuyện với mẹ cha cô. Ông sẽ vào thắp hương trước bàn thờ tổ tiên xin làm con rể sau ngày miền Nam toàn thắng. 
         Ông Thuấn theo đường rừng đi bộ ra đến nông trường Quyết Thắng thì có xe đến đón. Về trạm thương binh an dưỡng một thời gian ông trở lại trường đại học. Những ngày đó cả nước đang sục sôi lên đường đánh Mỹ. Hàng ngàn sinh viên ra trận chuẩn bị cho một “mùa hè đỏ lửa”.  Những cánh thư đi về vẫn đều đặn nối hai trái tim hồng. Nhưng sau hiệp định Paris ông Thuấn bỗng mất liên lạc. Ông viết bao nhiêu thư cũng không thấy trả lời. Ông ngậm ngùi, chắc Ngọc Lan của ông đã hy sinh.   
         Sau ngày ba mươi tháng tư, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Thuấn giữ nguyên lời thề, lặn lội đi tìm nhưng Ngọc Lan vẫn im hơi lặng tiếng. Ban chỉ huy Tiểu đoàn quân y 24 cho biết nhiều nữ quân nhân đã chuyển ngành hay xuất ngũ trở về địa phương. Ông tìm về quê hương của Ngọc Lan bên dòng sông Cam Lộ. Xóm làng tiêu điều xơ xác sau chiến tranh. Hỏi mãi người làng mới cho ông biết có một cô tên là Ngọc Lan bị bom na pan làm khuôn mặt dị dạng. Cô ghé về làng ít ngày rồi đi đâu không biết. Thế là Ngọc Lan không ở lại quê nhà để đợi chờ ông.   
         Kỷ niệm bốn mươi năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đoàn Cựu chiến binh Tiểu đoàn ông Thuấn trở về thăm lại chiến trường xưa. Từ Đông Hà theo đường 9 ông về làng Vây, trèo lên chiếc PT. 76 của Tiểu đoàn xe tăng 198 để chụp một kiểu ảnh. Đến sân bay Tà Cơn, ông rúc vào một căn hầm ngầm của binh lính Mỹ. Những bao cát xếp chồng lên thành từng lớp làm công sự. Một chiếc máy bay C.130 to đùng còn nguyên vẹn trên sân bay. Loại máy bay này một thời đã từng làm mưa làm gió trên chiến trường Trường Sơn. Không biết bao nhiêu là xe vận tải của ta bị bắn cháy trên con đường Hồ Chí Minh. Ông giẫm lên xác một chiếc máy bay Mỹ bị trúng đạn pháo của quân giải phóng không thể ngóc đầu được.
          Đoàn nghỉ lại một đêm ở khách sạn thị trấn Khe Sanh, hôm sau đi thăm tiếp các điểm cao. Ông tìm lại nơi Tiểu đoàn quân y đóng quân ngày xưa. Ông đứng bần thần bên con suối cạn. Một rẫy cà phê nhà ai xanh tốt. Đã có một vài cây có quả chín bói. Thật lạ kì có hai cây hoa ngọc lan đứng bên nhau rì rào trong gió. Những chiếc lá xanh non mơn mởn như những bàn tay vẫy vào không trung. Và những chiếc hoa trắng muốt e ấp nép mình trong nách lá, tỏa hương thơm tinh khiết ngạt ngào. Một ông già người dân tộc mang gùi đi tới. Ông nói cái rẫy cà phê này là của ông. Khi ông đến làm cái rẫy này đã thấy hai cái cây ngọc lan mọc lên tự thuở nào. Thấy đẹp nên ông vẫn để vậy. Ông còn cho biết cách đây mấy ngày có một đoàn Cựu chiến binh đến đây. Họ mặc những chiếc áo blouse trắng. Có một người phụ nữ luôn trùm khăn che mặt lại đứng mân mê những cánh hoa mà khóc. Thế là Ngọc Lan của ông đã trở về. Cô ấy vẫn còn sống. Ông Thuấn quỳ xuống dưới gốc cây, đưa hai bàn tay lên ngực. Đoạn ông rút trong túi ra một con dao nhỏ. Ông khắc tên mình lên thân cây “Trương Minh Thuấn, ngày 30 tháng 4 năm 2015”.
                                                           ***
         Ngày xóm tôi khởi công xây nhà Văn hóa, ông Thuấn ủng hộ ba chục triệu đồng. Ông còn xin đăng cai một chuyến du lịch cho chi hội Cựu chiến binh của xóm. Tôi vẫn thắc mắc hỏi bố:
         - Con vẫn không hiểu vì sao đến mãi cuối đời ông Thuấn mới về làng.
         Bố tôi tần ngần một lúc rồi nói:
        - Bố cũng không biết. Nhưng chắc chắn rằng ông ấy là một con người yêu quê hương. Một con người biết trân trọng quá khứ, biết nâng niu những kỷ niệm đẹp đẽ của mối tình đầu trong chiến tranh như ông Thuấn thì không phải nơi đâu cũng có.
                                                                                          
Hoàng Minh Đức
Trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Điện thoại: 0379872648.

tin tức liên quan