-----------------------
Trận đánh cuối cùng
Truyện ngắn của Hoàng Minh Đức
Nới lỏng “giãn cách xã hội”, tôi về làng thăm bà cô sống ở quê. Mới đến đầu làng, Nguyễn Văn Phe chặn lại: “Này. Cái bài báo hôm trước viết thế là sai. Ông Vận bị khai trừ Đảng lâu rồi, còn đâu nữa mà kết luận là cựu chiến binh xuất sắc, đảng viên gương mẫu, người tuổi cao gương sáng cho cháu con học tập”. Giọng Phe chì chiết kéo dài những âm tiết cuối cùng. Thế đấy. Phe rất căm tức mỗi khi ai đó nhắc tới, ca ngợi công lao cựu chiến binh Trần Hữu Vận.
* * *
Mười tám tuổi, anh Vận ra đi bộ đội, lúc ấy tôi chỉ là một thằng bé con khờ khạo mới tốt nghiệp lớp 4. Đợt đó cả xã chỉ tuyển được một mình anh. Không biết họ chọn theo tiêu chí gì mà như tuyển phi công ấy. Phải nói đó là một sự kiện đặc biệt hiếm thấy ở làng tôi. Ngày tiễn anh đi cả làng tập trung trên sân kho Đồng Tâm bên cạnh bờ sông Gianh. Nhiều bà con trong làng đến tặng quà. Vóc dáng anh cũng chẳng có gì đặc biệt, nước da bánh mật, mới gặp lần đầu ai cũng nói thấy cứ quen quen. Thế mà có cô thôn nữ, đôi mắt đỏ hoe, đến tặng chiếc khăn tay thêu hình đôi chim bồ câu. Và. Điều duy nhất anh để lại dấu ấn trong lòng tôi là đã từng vô địch trên sới vật của làng. Anh cho đo ván nhiều đấu thủ to cao hơn mình. Anh nói đây là chiến thắng đầu tiên trong cuộc đời của anh.
Anh đi bộ đội vào tháng 2 năm 1964, khi mà giặc Mỹ ngăm nghe ném bom miền Bắc. Dân quân chèo thuyền chở anh xuống thị trấn Ba Đồn. Theo sau là đoàn thuyền của chi đoàn thanh niên trống giong cờ mở. Trước mũi thuyền có cắm một lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trước gió.
Anh vào huấn luyện trong làng Ho giữa đại ngàn Trường Sơn. Trước khi đi “B ngắn” anh được về thăm nhà đúng ba ngày. Anh nói hôm trước Mỹ mới cho tàu khu trục đi qua Đèo Ngang ra ngoài biển Thanh Hóa. Ba tàu phóng lôi của hải quân ta đã ra chặn đánh và bắn nhau với mấy chiếc máy bay chúng nữa. Tình hình này rồi sẽ rất căng, chắc chắn đánh nhau to. Anh hướng dẫn bà con đào hầm, hào giao thông dọc đường đi. Có nhà đào nhưng cũng có nhà không. Tôi nói: “Anh nói thế chứ sức mô mà thằng Mỹ dám đánh ra miền Bắc. Miền Bắc mình bây giờ lớn mạnh lắm rồi, liên tiếp được mùa đến mấy năm liền. Với lại hồi trước khi ta còn nghèo, cả Pháp lẫn Mỹ mà còn thua chỏng vó nữa là”. Anh cau mày giải thích: “Em đừng chủ quan. Thằng Mĩ trước sau rồi cũng sẽ bị thua, nhưng chưa phải thua vào lúc này. Nó là tên sen đầm quốc tế, giàu mạnh nhất trên thế giới đấy”.
Trưa hôm sau, đúng ngày mùng 5 tháng 8 thì máy bay chúng đánh từ Quảng Bình ra tới Quảng Ninh. Chúng đánh nhau với tàu hải quân của ta, ném bom xuống dọc bờ sông Gianh, ngay trước cửa nhà anh. Anh để lại bộ quân phục cho ông cụ rồi mặc bộ bà ba đen vội vã mang ba lô vào đơn vị ngay trong đêm hôm đó.
Lũ trẻ con trong làng kháo nhau, anh là bộ đội đặc công.
* * *
Mùng năm Tết Mậu Thân, tôi gặp anh trên cầu Tràng Tiền. Vẫn bộ quần áo bà ba bạc màu sương gió nhưng nước da bây giờ hơi tai tái. Anh gầy đi rất nhiều so với hồi ở nhà. Tôi cho biết là mẹ anh đã mất. Năm 1966, Mĩ ném bom xuống kho Đồng Tâm khi bà con đang đạp lúa. Đây là trận bom làng tôi bị chết nhiều người nhất. Anh lặng người đi một hồi lâu. Nét mặt đăm chiêu đau đớn. Tôi lấy trong ba lô ra một phong lương khô và một hộp thịt cừu đưa cho anh. Anh nói lính biệt động thành có khi phải nhịn đói cả tuần vì bị địch ruồng bố, dân không tiếp tế được. Ba, bốn năm nay ban ngày phải sống dưới hầm ngầm, ban đêm mới lên diệt ác, trừ gian. Mấy năm đầu anh hoạt động ven vùng biển Lăng Cô. Có một trận suýt chết vì sức ép của 2 quả mìn hẹn giờ. Anh đã cùng du kích xã Bình An đánh chìm một chiếc tàu chở dầu của Mĩ hàng ngàn tấn. Cả Đoàn 8 của anh, ngày ra đi có 40 người nay chỉ còn lại 30.
Chiến dịch Mậu Thân ở Huế diễn ra rất ác liệt. Quân giải phóng làm chủ thành phố được 26 ngày thì bị đánh bật ra. Tướng Mĩ Westmoreland ném quân ồ ạt xuống “tái chiếm” Huế. Máy bay ném bom hủy diệt cả dân thường. Bọn địch bao vây tứ phía. Xe tăng địch chặn các ngã đường. Chúng tôi rút lên rừng. Thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược, bộ đội phải ăn rau rừng, môn thục, củ mài thay cơm. Quân số thương vong, chết đói, chết bệnh nhiều hơn bom đạn. Truyền đơn địch rải trắng rừng. Những tờ giấy thông hành in hình Nguyễn Văn Thiệu bên trái, còn bên phải là hình một người lính Việt Nam Cộng hòa đang chỉ đường cho một chiến sĩ quân giải phóng hồi chánh: “Mang tấm giấy thông hành này về cộng tác với Chánh phủ Quốc gia các bạn sẽ được đón tiếp tử tế, bảo đảm an ninh, đãi ngộ tương xứng”. Hàng ngày máy bay L-19 bay dọc theo các cánh rừng ra rả phát đi lời chiêu dụ quân giải phóng đầu hàng. Ốm đau bệnh tật đói khát triền miên, nhiều người không chịu được phải ra “hồi chánh”. Có cả cái băng ghi âm lời chiêu hồi của tên Nguyễn Văn Phe ở làng tôi. Phe nói đúng số hiệu đơn vị và kêu gọi bộ đội đầu hàng để được đối đãi hậu hĩ như hắn. Nhưng e không phải. Phe ở Quảng bình sao lại nói cái giọng Bắc các tỉnh khu Ba. Hôm khám sức khỏe Phe kêu đau tim, tức ngực khó thở rồi lên cơn co giật kia mà.
Phá vỡ vòng vây, chúng tôi mở cửa khẩu vượt Trường Sơn sang Lào bảo vệ hành lang chiến lược 559. Tuyến đường Trường Sơn vận tải lương thực đạn dược vào chiến trường miền Nam. Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Sư đoàn 968. Muốn gặp anh Vận để xác nhận thực hư nhưng bặt tin. Có lẽ anh đang ở lại hoạt động bí mật trong lòng địch.
* * *
Cuối năm 1974, nhận được điện của Bộ quốc phòng, chúng tôi trở về Tây Nguyên, thế chân cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 vào giải phóng Buôn Mê Thuột. Với khí thế tiến công thần tốc, chúng tôi cùng Sư đoàn 325 giải phóng một loạt các tỉnh duyên hải miền Trung. Bắt sống tên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh tiền phương Quân khu 3 và tên Chuẩn tướng Nguyễn Văn Sang, tư lệnh không quân. Trung đoàn 9 chúng tôi vinh dự thay mặt Sư đoàn tiến vào đánh chiếm căn cứ Đồng Dù. Tên chuẩn tướng Lý A Tòng cùng toàn bộ Sư đoàn 25 của hắn đã bị bắt sống và bị tiêu diệt.
Ngày 30 tháng 4, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Tất cả chúng tôi nhảy bật lên khỏi công sự. Có người còn giơ AK lên trời kéo hết cả một băng đạn. Hòa bình rồi! Hòa bình rồi! Tất cả hò reo. Thằng Ngọ con ông chú tôi mới nhập ngũ đầu năm ở đơn vị bạn chạy lại. Nó đang học dở lớp 10 thì có lệnh tổng động viên. Cả nước lên đường dồn sức cho trận đánh cuối cùng. Ngọ bảo anh Vận đã về làm ở xí nghiệp may thương binh. Anh bị thương hạng 5/8. Tiêu chuẩn có người nuôi. Vợ anh là chị Tính cùng xí nghiệp. Còn anh Phe cũng đã xuất ngũ. Giờ anh đang làm xã đội trưởng. Tôi hỏi “Phe nào?”. “Thì cái anh Phe ở ngoài xóm Bắc đó. Anh ấy đi sau anh một tháng. Anh bị thương đứt một ngón tay khi tham gia chiến dịch đường Chín - Nam Lào”.
* * *
Tôi ở lại quân đội cho đến ngày nghỉ hưu. Năm 1977, Sư đoàn tôi sang Lào lần thứ hai. Chúng tôi giúp bạn củng cố chính quyền và phát triển kinh tế. Quảng Bình tái lập tỉnh, tôi xin về Đồng Hới. Thỉnh thoảng khi có giỗ chạp mới về làng. Có một lần tôi nghe trên đài phát thanh ca ngợi tấm gương cựu chiến binh Trần Hữu Vận là một thương binh làm kinh tế giỏi. Chi hội cựu chiến binh do anh lãnh đạo được tặng bằng khen trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”. Anh đã cùng đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân. Một nhà báo hồi trước cùng đơn vị đến tìm tôi. “Thủ trưởng có biết bác Vận ấy không”. “Biết! Người làng tôi đấy. Anh ấy là lính đặc công, biệt động thành Huế. Anh cùng chiến đấu với tôi hồi Mậu Thân”.
Tôi đưa nhà báo đến gặp anh Vận. Con đường bê tông dọc bờ sông anh trồng hai hàng hoa hồng nhung hai bên mới đẹp làm sao. Một chiếc thuyền máy phành phạch chở cá tươi từ dưới Cửa Gianh lên. Con chó mực đang nằm dưới giàn mát chồm ra cổng cất tiếng sủa gâu gâu. Anh quát “mực, mực ngoan nào”, rồi khập khiễng chống chiếc nạng gỗ ra đón chúng tôi. Ngôi nhà ngói cấp bốn sạch sẽ gọn gàng. Những tấm bằng khen của cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, những bằng khen về công tác đi tìm đồng đội. Những Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Huân chương Chiến công, Huân chương Giải phóng treo đầy nhà. Trên bàn thờ là tấm ảnh của chị Tính. Chị cười rất tươi, khuôn mặt trái xoan rất đẹp. Chị mặc chiếc áo vải Tô Châu màu xanh lá cây. Trên đầu đội chiếc mũ cối có đính ngôi sao. Anh chỉ vào tấm vải dù hoa treo bên cột nhà trước bàn thờ. “Bà nhà tôi là y tá của đơn vị C753- N119 - P31 ở chiến trường Quảng Trị. Tấm vải dù này là kỉ niệm bà bắt được một thằng lính Mĩ nhảy dù xuống trạm quân y trong chiến dịch đường Chín - Nam Lào. Bà vào chiến trường tìm và chúng tôi chờ đợi nhau gần chục năm trời”. Cậu nhà báo nghe anh nói xong liền chỉ vào tấm huân chương chiến công treo trên xà nhà. “À. Trận này tôi bị thương. Tất cả 36 mảnh đạn trên người. Bây giờ vẫn còn 6 mảnh chưa lấy ra được. Tôi được kết nạp Đảng trong trận này đó các chú ạ”. Rồi anh vén ống quần lên cho chúng tôi xem. “Xương chày và xương mác bên trái đều bị gãy. Mãi đến năm 1980, bệnh viện 108 mới nối lại được. Sau lần gặp chú trong thành Huế, tôi được đích thân ông Thân Trọng Một, Thành đội trưởng điều đến trinh sát sân bay Phú Bài. Tôi ở dưới hầm ngầm của mẹ Vang cách hàng rào sân bay chưa tới nửa cây số. Trận đánh sân bay ngày 13 tháng 9 năm 1970 của Quân khu Trị Thiên có chi đội đặc công nước của chúng tôi tham gia. Chúng tôi đã phá hủy được 5 máy bay và diệt được 150 tên Mĩ, ngụy. Trận này làm rúng động cả nước Mĩ. Báo chí phương Tây và Đài BBC bình luận loan tin ầm ĩ. Khi tôi rút đến hàng rào cuối cùng thì dính đạn. Một viên đạn đại liên bắn thẳng vào đùi. Trườn lên được 3 mét nữa thì bị chúng bồi tiếp 2 quả M79 dính mảnh luôn. Tôi nghĩ mình mà sống được qua trận này sẽ là chiến thắng lớn nhất trong đời. Rồi anh cười. Chuyện dài lắm. Ba ngày sau nếu không có mẹ Vang và con chó mực đi tìm thì tôi cũng chết dưới khe lầy. Tôi phủ bùn lên người chỉ để hở hai con mắt và cái mũi để thở. May sao các vết thương không bị nhiễm trùng. Mà thôi, ta đi kiếm cái gì uống cái đã. Từ ngày bà nhà tôi mất đi, con cái lại đi làm ăn xa, tôi chỉ có con chó mực làm bạn”.
Rời nhà anh Vận. Cậu nhà báo nói với tôi “bác ấy như một anh hùng thủ trưởng nhỉ. Các giấy chứng nhận dũng sĩ diệt Mĩ, dũng sĩ diệt máy bay, diệt xe cơ giới, diệt tàu chiến Mĩ đủ cả”.
Một tuần sau, bài báo được đăng trên tờ báo Cựu chiến binh.
* * *
Tôi về dự hội nghị cựu chiến binh ở xã, chuẩn bị cho đại hội Đảng sắp tới. Anh Vận xin lên phát biểu ý kiến. “Tôi đề nghị huyện hội xem lại một số trường hợp kết nạp Cựu chiến binh ở xóm tôi. Sau khi tôi nghỉ vì lí do sức khỏe, đồng chí khác lên thay đã kết nạp bừa một người đào ngũ về không có giấy tờ. Đặc biệt một người thổi kèn đám ma không phải là cựu chiến binh nhưng đi làng nào cũng đội mũ gắn sao, đeo huy hiệu cựu chiến binh”. Cả hội trường xôn xao. Ông cán bộ huyện hội về dự, hứa sẽ xem xét lại sau.
Bị anh Vận tố giác, lại thấy báo viết ca ngợi công lao anh Vận, Phe tức tối lắm. Mấy ngày sau, hắn nghĩ ra một kế yêu cầu cậu phát thanh viên đọc đi đọc lại bài báo trên loa truyền thanh của xã để cả làng nghe. Hắn hứa với cậu phát thanh viên đọc xong sắp tới sẽ vận động mọi người bầu cho chức trưởng thôn. Nghe xong Phe kéo mấy người nhà đến Ủy ban làm rùm beng. “Các đồng chí kết nạp ông Vận lại hồi nào mà báo chí vẫn viết là đảng viên gương mẫu”. Mấy người trong ủy ban ngớ người ra.
Tưởng là chuyện gì. Riêng chuyện này thì tôi biết tỏng tòng tong. Tôi biết mâu thuẫn giữa hai người từ hồi Phe còn làm chủ tịch xã. Rời xí nghiệp may, hai vợ chồng anh Vận về dựng lại ngôi nhà nhỏ trên nền đất cũ. Anh chân què không tài nào cày cuốc được như các xã viên khác. Anh ở nhà vá chắm cho bà con trong làng. Nhà kho Đồng Tâm cạnh nhà anh bây giờ chỉ còn là một hố bom sâu. Hợp tác chẳng san lấp gì cả nên nước thủy triều lên xuống ra vào hàng ngày. Anh Vận sửa hố bom lại thành hồ nuôi tôm. Được một vụ, Phe nói đây là đất đai của xã. Anh muốn nuôi thì phải đấu thầu. Ban đầu nghe cũng có lí. Nhưng mà nghĩ lại, hố bom ngoài đồng người ta vẫn trồng rau muống đấy thôi. Có ai nói đấu điếc gì đâu. Anh Vận tức anh ách nhưng phải chấp hành. Sau đó anh mua một chiếc thuyền nhỏ chèo qua sông khai phá đất hoang. Đây là vùng đồi Cây Cừa dân làng tôi sang khai hoang hồi tản cư năm 1947. Sau ngày hòa bình lập lại hợp tác giao cho một đội sang trồng trọt. Chỗ nào thấp thì trồng ngô, trồng lạc, nơi cao trồng chè, mít. Từ khi có nước ngọt trên đập Rào Nan chảy về đồng, xã viên bỏ hoang cái đồi bên kia sông. Họ về làng trồng lúa mới. Nghị định 64 giao đất giao rừng cho bà con xã viên. Ai cũng ngại làm trên đồi Cây Cừa vì cách sông trở đò lại không có nước tưới. Anh Vận cuốc được mỗi nhát đất thật là khó khăn. Cứ chống nạng cuốc được dăm ba nhát lại nhấc cái chân bị thương lên một bước. Thế mà hai vợ chồng anh cuốc được hơn hai héc ta. Lấy ngắn nuôi dài anh trồng sắn khoai xen giữa những hàng tiêu và cây trầm dó. Cây dó bắt đầu có dầu. Phe sang giành đất nói đó là rẫy của bố anh ta làm hồi đi tản cư. Hắn khoanh vùng bắt anh nhường lại cho hắn 8 sào. Anh Vận nói với tôi rõ ràng hắn muốn đẩy anh đi khỏi làng. Ý nghĩ đó củng cố nhận định của anh hắn chính là thằng Phê đã chiêu hồi. Bởi hồi mới về anh cũng có nói với một số người Phe là kẻ chiêu hồi và tự thương nên hắn thù. Tôi nhắc anh cái gì cũng phải từ từ cái đã. Nhỡ có một kẻ chiêu hồi cùng đơn vị biết quê hương bản quán của Phe cũng nên. Mà tiếng loa trên máy bay có phải là giọng của Phe đâu. Hơn nữa ngày nay trên thế giới người ta còn chuyển từ đối đầu sang đối thoại huống hồ mình là người trong làng. Như thằng Bích xã bên đó. Hắn chạy theo Mĩ mà sau này khi về làng vẫn trở thành Việt Kiều yêu nước. Vì hắn cho làng hai cái máy bơm chạy dầu ma dút. Hay như ông quan Tham sang Pháp cho con cháu mang tiền về làng dựng lại trường cấp một trên nền đất cũ.
* * *
Việc ni chưa rồi thì lồi việc khác. Một buổi trưa cái Thủy con anh Vận đang hái chè thì bị thằng con của Phe vật xuống hiếp dâm. Con bé xấu hổ không dám nói với ai cho đến khi bụng vượt mặt mới khai ra. Hai vợ chồng anh Vận phải khổ sở đến làm lành với Phe lạy hắn xin cưới hỏi. Thằng con Phe trâng tráo. “Cháu có biết gì đâu. Lấy ai chửa hoang rồi lại vu vạ cho cháu”. Không chịu được anh cho nó một chưởng phải đi bệnh viện.
Tức nước vỡ bờ, anh Vận đã khai chiến, thành lập mặt trận tấn công. Vây cánh nhà Phe mạnh hơn, phản pháo. Không biết anh Vận đấu tranh theo kiểu gì mà Phe đã lật lại được thế cờ. Những người đi theo anh Vận bị khai trừ ra khỏi Đảng. Đa số thắng thiểu số. Sau này đi đâu Phe cũng khoe khoang chiến tích trong một nhiệm kì đã khai trừ được 19 đảng viên. Hắn nói oang oang giữa hội trường: “Bằng chứng đâu mà bảo tôi tự thương và chiêu hồi? Ghi âm không có, ảnh chụp cũng không. Tôi có đủ giấy tờ chứng nhận thương binh dấu đỏ, mực đen hẳn hoi. Mà bom đạn thằng Mĩ thì có kiêng nể gì cái ngón tay nào bóp cò súng để mà chừa ra. Và chuyện con tôi hiếp dâm con ông ta ai thấy. Còn bằng chứng lão dùng võ thuật đặc công đánh thằng con tôi phải đi nằm viện sờ sờ ra đó. Lợi dụng tiền bạc nhà nước học đặc công để đánh người. Đúng là một kẻ công thần chủ nghĩa. Đại hội nào cũng đeo huân chương đầy ngực”.
* * *
Trong chiến tranh, trận nào anh Vận cũng thắng, thế mà trận này anh đã thua. Gặp tôi, anh khóc: “Tôi không chết bởi những viên đạn bắn thẳng của thằng Mĩ mà bây giờ gục ngã bởi những viên đạn bắn cong từ nòng súng của những người từng là đồng đội của mình. Thua trận này tôi đau lắm chú ạ. Tôi đã bị chúng nó tước hết vũ khí rồi. Đại hội Đảng sắp tới các chú đừng để cho những kẻ như cha con thằng Phe lọt vào hàng ngũ lãnh đạo làm hoen ố Đảng”.
“Tất nhiên rồi”. Tôi nắm chặt tay anh, nhìn dòng nước mắt của người lính già đang chảy dài trên gò má.
Hoàng Minh Đức
Trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Điện thoại: 0379872648.