Chào mừng 40 năm thành lập Thị xã, nay là Thành phố Tam Điệp. Thành ủy thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình ấn hành cuốn sách mang tên "ĐẤT VÀ NGƯỜI TAM ĐIỆP". Nhà văn Phạm Trọng Thanh có chùm thơ 3 bài được chọn in trong cuốn sách đặc biệt này. Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc.
Qua Tam Điệp
Thử tìm lại dáng con đèo xưa
Cheo leo, cheo leo
lối mòn sương phủ
Phải ngọn gió qua đèo một thuở
Giờ thổi qua ô cửa con tàu
Chúng tôi nhìn qua vai nhau
Chảy xiết hai chiều con đường số Một
Những cuộc hành quân âm vang đất nước
Bước người đi
tiếng vó ngựa
xa dần…
Tam Điệp bên trời xô sóng núi
Tam Điệp đầy trời lá reo
Thần tốc vào Nam
thần tôc nhằm hướng Bắc
Lịch sử đi qua rực sáng tên đèo
1985
Phạm Trọng Thanh
Gốc tùng buộc ngựa
Người buộc ngựa lên yên
mây còn rợp lưng đèo
xuân Kỷ Dậu thẳng lối vào lịch sử
cây tùng cổ thụ
mấy chòm râu tóc lơ phơ
vách đá rêu phong
cuộc trường sinh kham khổ
thân cây ôm hết bao vòng nắng mưa
Cụ già Tam Điệp
thì thầm với tôi những lời gan ruột
cây-chứng-nhân niên đại hào hùng
áo vải cờ đào Quèn Voi, Quán Cháo
nhớ thuở anh hùng mượn Đấu đong quân
người về Thăng Long trời bay mưa xuân
chiến bào hoen ánh lửa
gốc tùng Đền Dâu bồn chồn đứng đó
trở lại Phú Xuân
người chưa dừng bước một lần
Hai trăm ba mươi năm
gân guốc cội tùng già
tiếng tách vỏ thơm hương dòng nhựa
hơi ấm bàn tay buộc ngựa
Tam Điệp cồn mây ráng đỏ chiều tà
lòng đất sáng hạt hổ phách
bên đường thiên lý ta qua…
2019
Phạm Trọng Thanh
-------
(1). Hội quân thần tốc từ Tam Điệp thẳng tiến về Thăng Long, Hoàng đế Quang Trung
đại phá quân Thanh xâm lược, ngày 5 tháng Giêng, năm Kỷ Dâu, 1789.
Hẹn về Tam Điệp
Hẹn về…người đã làm thơ
Đào phai mở hội xuân chờ én nghiêng
Dịu dàng đường cánh tay Tiên
Hồ trong với suối Rồng duyên phố dài
Trường thành đất nước không phai
Xanh xanh núi đứng chen vai trập trùng
Về đây nhớ thuở tương phùng
Quân vương thi sĩ anh hùng dừng chân
Còi tầm gióng giả vang ngân
Tôi tìm em. Phố thanh xuân nượp người
Đồng Giao đằm thắm môi cười
Nghe trong cây lá bao lời vấn vương
Có người bạn nhớ thầy thương
Dòng lưu bút tiếng trống trường về đây
Nâng nghìn cánh hạc bay bay
Đường lên Ba Dội sóng đầy trời xuân
Nhà văn Phạm Trọng Thanh – Nam Định