Bản làng sinh thái, Thái Hải - Tôi yêu - Ký: Phạm Huy Chương

Ngày đăng: 04:17 04/09/2024 Lượt xem: 40
 
BẢN LÀNG NHÀ SÀN SINH THÁI, THÁI HẢI -TÔI YÊU!
 
          Tròn một năm. Lớp trại viết Trường Sơn 2 hội VHNTTS tổ chức tại Thái Hải – bản Nhà sàn dân tộc sinh thái, Thái Hải tỉnh Thái Nguyên, vẻn vẹn chỉ 10 ngày nhưng đã để lại trong tôi và mỗi học viên, đồng đội trong lớp chúng tôi một cảm xúc mến thương đến lạ kỳ. Nhà có việc đột xuất không kịp dự buổi cuối cùng tổng kết lớp học thấy rất làm tiếc, thiệt thòi… Tôi sắp xếp tư liệu viết bài tỏ lòng mến cảm về bản làng Thái Hải – tôi yêu. Nay kỷ niệm tròn 1 năm xin Ban biên tập được chia xẻ cùng hoài niệm…

        Những giọt mưa cuối thu nhẹ rơi trong gió heo may đang về. Chiếc xe ô tô con bon bon trên đường đưa bốn anh Hội VHNTTS tỉnh Bắc Ninh lần đầu tiên lên với trại viết Trường Sơn lần thứ 2, được tổ chức tại bản làng nhà sàn sinh thái – Thái Hải tỉnh Thái Nguyên. Từ Bắc Ninh đến thành phố Thái Nguyên. Già trăm cây số, nhưng đường tốt xe chỉ chạy tròn hai tiếng đồng hồ; theo địa chỉ của Hội VHNTTS xe chạy 12 cây số nữa đến xã Thịnh Đức, đi chừng 2 cây số xe rẽ vào đường lên đỉnh dốc. Đúng điểm rẽ vào bản Thái Hải có trạm Ba ni e xe chúng tôi dừng lại. Chưa kịp mở cửa xe, đã có cháu gái trong trang phục màu chàm đen dân tộc chắp tay chào, thân mật mà lễ phép:
      - Con chào các ông ạ! Có phải các ông là Bộ đội Trường Sơn lên trại viết Trường Sơn Thái Hải ?
       - Đúng rồi! (chúng tôi đáp).
      - Con mời các ông đi chừng 300m, xuống hết dốc là tới nhà của bản, có các chị lễ tân đón tiếp các ông ạ!
        Xe chúng tôi bon tiếp vượt qua dốc xuống một thung lũng như chiếc lòng chảo rộng mông mênh, có từng dẫy nhà làm theo kiểu dáng dân tộc khá kỳ công, đẹp mắt. Từ sân nhà khách, các cháu phòng lễ tân đã túc trực đón khách sẵn, trợ giúp đưa đồ của từng người chuyển len xe điện. Cháu gái mặc áo chàm dân tộc nở ụ cười hồn hậu: “Con là Phương Anh - lái xe của Văn phòng, bây giờ có nhiệm vụ đưa các ông lên nhận nhà nghỉ ạ! “Cái cảm giác đầu tiên khi mới đặt chân lên đất bản làng Thái Hải, chúng tôi thấy mình lọt vào giữa một thung lũng xanh; chìm đắm trong vạn cảnh thiên nhiên tươi xanh, quyện hòa vào cuộc sống của những con người mộc mạc, chân thật, dễ gần, dễ mến trong sắc phục áo chàm; có tấm lòng hồn hậu như cỏ cây của núi rừng.
Ngay ngày đầu tiên, anh em học viên trại viết Trường Sơn chúng tôi đã được “đắm mình” trọn buổi chiều cùng thiếu nữ bản Đặng Thị Nga - kiêm hướng dẫn viên đi thăm, vãn cảnh bản làng để hiểu thêm về “mường đất, mường trời, mường người” Thái Hải nơi đây.
         Bản Làng nhà sàn sinh thái – Thái Hải chỉ cách Trung tâm thành phố Thái nguyên chưa đầy 12 cây số, thuộc xóm Mỹ Hào xã Thịnh Đức. Trước năm 2002, nơi đây còn là khu rừng; đồi đất cằn, hoang vắng mông mênh. Về Thái Hải hỏi chuyện từ trẻ đến già ai ai cũng biết. Họ kể cho nhau, rồi kể cho các du khách nghe – Họ tự hào đã có một nữ Trưởng bản vừa có tâm, có đức, có trí giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tầy, Nùng…tỉnh Thái Nguyên. Đó là vào những năm cuối 1980, đầu thập kỷ 1990. Lúc ấy bắt đầu có sự chuyển động tích cực, thực hiện các Nghị quyết của Đảng trong công cuộc đổi mới đi lên của đất nước. Đời sống của nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói riêng, bắt đầu khởi sắc; nhiều nhà đã có “bát ăn” “bát để”. Cũng lúc ấy những chuyện, những hình ảnh không vui đã gieo vào tâm khảm của cô thiếu nữ  người Tầy Nguyễn Thị Thanh Hải. Đấy là: Đồng bào các dân tộc Tầy, Nùng ở nhiều nơi thuộc tỉnh Bắc Thái (nay là Bắc Cạn và Thái Nguyên) có xu hướng thay thế nhà sàn truyền thống bằng xây nhà gạch xi măng, theo đồng bào miền xuôi. Tình trạng nhà sàn “chảy máu” trên miền ngược, được thu mua đưa về xuôi nhằm phục vụ cho hoạt động thương mại, còn số thì bị phá bỏ làm các vật dụng khác, thậm chí để làm củi đun, đốt lò.
         Xót xa tình cảnh trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hải đã chắt chiu tiền riêng của mình; rồi thế chấp toàn bộ cả khu nhà, và đất ở đã bao năm gây dựng được tại thành phố Sông Công, để thực hiện bằng được ý tưởng và tâm huyết của minh là: Giữ lại những ngôi nhà sàn cổ, truyền thống của vùng đất chiến khu xưa cho đồng bào dân tộc Tầy, Nùng được “sống mãi với thời gian”. Từ đầu năm 2002 đến hết năm 2003 bước chân của bà đi khắp vùng “chiến khu xưa” để tìm chọn, tuyển, mua những ngôi nhà sàn dân tộc, có giá trị văn hóa truyền thống, đưa về phục dựng nguyên bản tại vùng đồi núi xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức.
         Sau hơn 20 năm bà con các dân tộc về đây cùng chung sức, đồng lòng, dưới sự chèo lái dẫn dắt từ đáy lòng tâm huyết, yêu thương đồng bào, mà biết bao công sức, có cả nước mắt của người nữ Trưởng bản Nguyễn Thị Thanh Hải đã dầy công gây dựng nên bản làng nhà sàn  sinh thái -Thái Hải hôm nay. Tại đây được lưu giữ 31 ngôi nhà sàn có tuổi đời từ 100 đến 200 năm. Toàn bộ những nếp nhà đưa về, được bà con dân tộc phục dựng đúng mẫu nguyên bản, theo kiến trúc “xuyên toang, tứ trụ, kín đáo, thoáng mát”. Gói ghém trong đó là triết lý “âm dương ngũ hành” để gìn giữ và bảo tồn một cách tốt nhất. Những ngôi nhà sàn ở đây đều bằng gỗ lim và loại gỗ tứ thiết chống chịu mối mọt, được lợp bằng mái cọ; những vật dụng sinh hoạt trong các ngôi nhà cũng rất dung dị, mộc mạc, chủ yếu làm bằng chất liệu lâm sinh như: Tre, nứa gỗ, đồ gốm, đất nung… 31 ngôi nhà sàn nơi đây, cũng là nơi sinh sống của 31 hộ gia đình thuộc nhiều thế hệ; đồng bào các dân tộc, chủ yếu là người Tầy, Nùng, Sán Chay, Dao, Mường… cùng về đây chung sống đoàn kết, keo sơn, như anh em ruột thịt trong nhà; khiến ai đến đây cũng phải cảm nhận cuộc sống yên bình, “đáng sống” ở bản làng Thái Hải hôm nay.

 

        Đến với Bản làng nhà sàn Thái Hải, khách còn được cảm nhận - nơi “Chiến khu Việt Bắc”, “lồng lộng thủ đô gió ngàn” năm xưa; nay vẫn được lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn các phong tục, tập quán sinh hoạt truyền thống. Đến thăm nhà CCB Đặng Xuân Hòa, nguyên chiến sỹ đại đội 4 súng máy 12,7 ly; Bộ đội Trường Sơn năm xưa, đơn vị hai lần được phong tặng AHLLVT Nhân dân, với thành tích chiến đấu suất sắc, bắn rơi 156 máy bay. Bình quân mỗi chiến sỹ bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ. Hiện giờ gia đình ông cũng là thành viên của bản làng Thái Hà. Ông tâm sự: “Tôi nhập ngũ năm 1968 sau 3 tháng huấn luyện được vào ngay chiến đấu trên mặt trận đường Trường Sơn máu lửa. Năm 1977 được ra quân, tiếp tục được học tập, công tác tại thủ đô Hà Nội; rồi lập gia đình gây dựng cuộc sống ở đây.  Một lần lên Bắc Thái, tìm về thăm quê người đồng đội thân thiết của ông đã hy sinh cùng trên chiến hào năm xưa. Quê người đồng đội liệt sỹ ấy cũng ở ngay Thịnh Đức này. Được nghe bà con kể chuyện về người phụ nữ có tâm đức với đồng bào, với quê hương đã bán cả gia tài của mình để mua đất rừng, mua nhà sàn truyền thống về đây gây dựng bản làng mới trên vùng đất Thái Hải “sơn thủy hữu tình” này. Ông đã bàn bạc, thuyết phục cả gia đình chuyển từ Hà Nội về đây lập nghiệp, chung sống cùng bản làng. Hơn 20 năm qua, cả ba thế hệ gia đình đã sống ở đây, theo phong tục, tập quán, truyền thống của đồng bào Tầy, Nùng. Đấy là: Một ngày mới bắt đầu từ 5 giờ sáng. Sau một hồi mõ báo hiệu bình minh, các nhà thúc nhau dậy. Đàn ông cời bếp, thổi lửa, mài dao, xếp cuốc, cầy… chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Đàn bà, con gái ra giếng làng gánh nước về đổ chum, nấu nước pha trà. Sau khi ăn sáng, bà con mỗi người một việc: Lấy củi, trồng rau, lên nương tra hạt, trỉa bắp, chăm sóc cây xanh; lên rẫy hái, xấy, chế biến, “Chè đặc sản Thái Hải – Thái Nguyên”, rồi lên rừng tìm hái thuốc nam, bán các sản phẩm, nông, lâm sản…thuộc “mường đất”, “mường rừng”, “mường trời” Thái Hải. Tất cả thu được đều tự giác nộp vào quỹ chung của bản làng. Cũng tất cả bản làng đều có 3 chung: “Ăn chung nồi cơm; tiêu chung túi tiền; cùng nhau chăm sóc, nuôi dậy con cái và làm du lịch cộng đồng”.
        Trước hôm kết thúc trại viết Trường Sơn, đem những câu chuyện, ghi nhận được của  anh em học viên, trại viết Trường Sơn chúng tôi về bản làng nhà sàn sinh thái -Thái Hải với nữ Trưởng bản Nguyễn Thị Thanh Hải. Bà nở nụ cười hồn hậu, thân mật, rồi kể với chúng tôi những điều còn chưa biết hết về Thái Hải. Đó là: Ở đây đồng bào không chỉ đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế qua làm du lịch cộng đồng, cùng nhau hưởng những thành quả do chính mình đạt được; bà con dân bản còn rất coi trọng đến việc gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống Vật thể và Phi Vật thể, kết hợp hài hòa với bảo tồn thiên nhiên. Về văn hóa Vật thể Bản làng có 3 sản phẩm chủ lực là: Kiến trúc nhà sàn, ẩm thực, và văn hóa truyền thống của dân tộc Tầy, Nùng.
        Văn hóa Vật thể: có 31 nếp nhà sàn cổ, truyền thống, các đồ dùng, vật dụng trong nhà như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước; mâm ăn cơm bằng gỗ; các đồ đựng là rổ, giá, chậng, bồ đan bằng tre, lứa để đựng đồ đạc, các vật phẩm của gia đình. Đặc biệt trang phục truyền thống được bà con mặc, mang mỗi ngày, ngay cả những em bé 1-2 tuổi cũng được mẹ cho mặc áo chàm để các em được quen với trang phục truyền thống của dân tộc mình ngay từ nhỏ; rồi thuốc nam chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe và các loại ẩm thực như: bánh chưng, bánh gai, chè lam, thịt treo gác bếp và rượu men lá trưng chất theo phương pháp truyền thống.
       Về văn hóa Phi vật thể, được bản làng đặc biệt coi trọng. Nhất là ngôn ngữ. Mọi công dân của bản làng nói chuyện, giao tiếp với nhau được quy ước nhất thiết bằng tiếng dân tộc hàng ngày; từng các độ tuổi, nhi đồng, thiếu nhi, thanh, thiếu niên, đến người cao tuổi. Vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, cùng nhau tập luyện, trao truyền hát then, thổi khèn, đàn tính; dàn dựng các tiết mục ca, múa hát mang bản sắc dân tộc, phục vụ các du khách tới bản. Cùng với đó là từng gia đình thực hiện gìn giữ tôn ti, trật tự, nếp sống truyền thống gia đình. Đặc biệt là nét đẹp văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc mình như: Lễ hội Lồng tồng; lễ mừng thọ cho ông, bà, bố, mẹ; cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên được duy trì theo phong tục...
        Còn nét độc đáo, ít nơi nào có được như ở bản làng Thái Hải. Đó là sự kết hợp khéo léo hài hòa giữa vệ sinh môi trường với gìn giữ bảo tồn thiên nhiên. Từ mỗi con khe, con suối nơi đây, ngày đêm vẫn róc rách nước chảy không ngưng nghỉ; cho những chiếc cối giã gạo thậm thịch suốt ngày đêm. Chiếc giếng cổ của làng nhỏ thôi, nhưng nước lúc nào cũng trong xanh biêng biếc, mát lạnh ngon lành, người già trong bản ai cũng bảo: Ăn nước giếng này, người trong bản, ai cũng xinh, cũng đẹp; ai cũng múa dẻo hát hay. Bên những nếp nhà sàn được đan xen bởi những đầm, hồ, nước trong xanh, có những cây cầu uốn cong, vượt qua “bến đợi”; được gìn giữ, tôn tạo với cảnh quan gần gũi, đẹp mắt và quyến rũ. Những con đường bản làng vào các ngõ xóm, đến từng gia đình, lúc nào cũng sạch bóng như gương. Hai bên đường rợp bóng cây xanh, hoa lá đan xen; không khí trong lành, êm ả thanh bình. Khu lưu trú của bản làng cũng được tạo dựng bởi các nhà sàn truyền thống, nằm xen kẽ những khu rừng bản địa, nguyên sinh, thoáng mát; có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt nghỉ ngơi đảm bảo đủ cho 500 du khách có mặt lưu trú tại đây.    
        Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, làm du lịch cộng đồng. Bản làng cũng rất coi trọng đến việc chăm lo, học hành của con trẻ. Các cháu học sinh từ cấp Tiểu học đến Trung học cơ sở, hàng ngày, đều có xe ô tô 16 chỗ, 29 chỗ của bản làng đưa từ bản đến trường; hết giờ học lại được đón từ trường về tận bản. Đến nay trong bản có 2 cháu được đi học tại AUSTralia, 4 cháu học tại Sin Ga Po và nhiều cháu đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng trong nước. Các cháu lớp nhà trẻ, mầm non được nuôi dạy trong trường lớp khang trang; có đủ trang thiết bị, nơi ăn, ngủ bán trú sạch sẽ, nơi vui chơi đẹp mắt, đáp ứng yêu cầu nuôi, dậy trẻ theo phương pháp khoa học, tân tiến nhất.
       Sau buổi gặp giao lưu Văn nghệ Trại viết Trường Sơn với bản làng. Trưởng bản Nguyễn Thị Thanh Hải “khoe” với chúng tôi: Bây giờ ở Thái Hải, ngày nào cũng rộn nhịp được đón các du khách từ mọi miến đất nước về thăm và nghỉ ngơi du lịch. Có ngày hàng chục đoàn với hàng trăm du khách. Ngoài du khách trong nước có cả du khách hơn 40 nước trên thế giới về đây thăm quan, trải nghiệm… Niềm vinh dự nữa đến với Thái Hải, tháng 3 năm 2022 tại  Ả -Rập Xê-út; Tổ chức Du lịch thế giới đã trao giải thưởng “Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2022” cho Bản làng nhà sàn sinh thái- Thái Hải. Đặc biệt bản làng nhà sàn dân tộc sinh thái- Thái Hải, trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt tại giải thưởng danh giá này. Và mới đây thôi, chuyên trang Du lịch CNN Tra Vet đã bình chọn bản làng Thái Hải được ghi vào danh sách: “Những vùng nông thôn đẹp nhất thế giới”. Năm 2023. Bản làng được nhà nước hỗ trợ xây dựng một nhà Thư viện trị giá hơn 4 tỷ đồng với 5.000 cuốn sách các loại, phục vụ cho thanh thiếu niên, và bà con dân bản đến đây đọc sách và nghiên cứu học theo sách, để vận dụng thực tế vào đời sống của chính mình… Nhớ hôm đi thăm bản, anh Phạm Thành Long Chủ tịch hội VHNTTS, trưởng Ban chỉ đạo Trại viết Trường Sơn “mách khéo” chúng tôi. Thư viện tới đây khánh thành, hội viên VHNT Trường Sơn mình sẽ có nhiều cơ hội để sáng tác, tặng sách cho đồng bào dân tộc nơi đây!
        Vừa tròn một tuần, vừa học tập, vừa sáng tác, vừa được trải nghiệm ở bản làng nhà sàn sinh thái- Thái Hải, đã đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Để rồi khi chia tay bà con các dân tộc của bản làng, trong mỗi chúng tôi ai nấy đều tâm đắc, thích thú và cả bùi ngùi luyến tiếc nữa, về “mường đất”, “mường trời”, “mường người” của bản làng nhà sàn sinh thái - Thái Hải và hẹn một ngày không xa lại đến với bản làng Thái Hải – Tôi yêu!

                             
              Phạm Huy Chương
    Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 

 
 
 
 
     


 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan