Đặng Hữu Trung và vài suy nghĩ sau khi đăng bài thơ “Thời chúng tôi” của Phạm Minh Tâm

Ngày đăng: 07:26 28/10/2024 Lượt xem: 58
ĐẶNG HỮU TRUNG VÀ VÀI CẢM NGHĨ
SAU KHI ĐĂNG BÀI THƠ “THỜI CHÚNG TÔI” CỦA PHẠM MINH TÂM
 
       Thưa tất cả các bạn Facebook và mọi người quý mến!
       Sau khi tôi mạnh dạn đăng bài thơ “THỜI CHÚNG TÔI” của Phạm Minh Tâm lên Facebook cho đến nay vừa tròn 1 tuần (1/9 - 7/9/2019). Tính đến giờ phút này (7h ngày 7/9/2019) đã có hơn 2.000 người vào đọc, hơn 1.500 người chia sẻ và 857 lời bình luận, và những con số này đang tiếp tục tăng lên từng giờ. Hầu như 100% người đọc đều thích bài thơ và cảm ơn tác giả với những lời bình mộc mạc, chân thành, tôn trọng và khen bài thơ hay, có ý nghĩa với những người đã từng trải qua “Thời chúng tôi” và thế hệ trẻ sau này. Đặc biệt có nhiều ý kiến muốn đưa bài thơ này vào sách giáo khoa cho học sinh đọc để biết về lịch sử của đất nước và những cống hiến, hy sinh của các thế hệ “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ... trong thế kỷ XX. Nhiều ý kiến của bạn đọc cũng đánh giá bài thơ đã làm sống lại khí thế hào hùng, tinh thần trong sáng, không ngại hy sinh của các thế hệ ngày trước để thức tỉnh những kẻ thoái hoá, biến chất hoặc lợi dụng thành quả của các thế hệ cha anh tham ô, tham nhũng, vơ vét về cho bản thân, gia đình mình hiện nay. 
       Cảm động trước sự quan tâm của mọi người và yêu cầu của một số bạn Facebook trong mấy ngày qua tôi đã cố gắng tìm hiểu về tác giả kể cả trong Google nhưng không được (có 1 người cũng trùng tên và in 1 tập thơ song hoàn cảnh xuất thân không phù hợp với người đã viết lên những dòng thơ trên). Tôi cũng đã hỏi lại cựu Đại Sứ Hoàng Công Thuý thì ông cũng bảo bài thơ này chụp từ trang Facebook của Nguyễn Cẩm Tú (Nguyên Thứ trưởng Bộ NT). Tôi lại vào trang mạng này và thấy bài thơ cũng chỉ đề tác giả Phạm Minh Tâm chứ không có thông tin gì thêm về tác giả. Ông Hoàng Công Thuý có nói là đã hỏi thêm ông Nguyễn Cẩm Tú và cũng chỉ biết thêm thông tin Phạm Minh Tâm không phải là nhà thơ chuyên nghiệp và ở trong “Nhóm 69-71”. Nhưng dù sao nếu đúng như vậy, thì theo tôi và có thể một số người khác, chỉ với bài thơ này Phạm Minh Tâm cũng xứng đáng được gọi là “Nhà thơ” (rất mong được tác giả và những người biết về tác giả hoặc nguồn gốc của bài thơ này cung cấp thêm thông tin).
       Và còn một điều có ý nghĩa đáng mừng nữa là: qua việc theo dõi ý kiến của người vào đọc bài thơ này chúng ta được thấy không những chỉ người thuộc “Thế hệ của chúng tôi” mà kể cả những bạn trẻ ở lớp sau vẫn rất quan tâm đến thời cuộc, quan tâm tới những trang sử vàng của dân tộc đã qua và mong muốn xã hội ta tôn trọng và phát huy những truyền thống tốt đẹp ngày xưa để đưa đất nước ta ngày càng phát triển vững mạnh, tươi đẹp hơn!
       Viết đến đây trong đầu tôi bỗng xuất hiện thiển nghĩ sau:
            “Thơ hay” thì thả lên trời
       Thơ này để lại cho người trần gian!
       Một lần nữa xin chân thành cảm ơn những người đã vào đọc bài thơ và cùng chia sẻ cảm xúc!
Chúc mọi người sức khoẻ, vui vẻ, hạnh phúc, không quên lịch sử và luôn hướng tới việc thiện, điều hay trong một xã hội còn đầy rẫy những khó khăn, ngang trái, phức tạp!
 
* Anh Đặng Hữu Trung, tác giả bài viết trên - Quê ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyên là đại sứ VN tại Cộng hòa liên bang Nga. Anh về hưu tại TP Hồ Chí Minh. Anh em tôi hẹn gặp nhau nhưng chưa kịp hội ngộ thì anh đột ngột bị bệnh hiểm nghèo và qua đời năm 2020 (sau khi Anh đăng bài viết này đúng 1 năm).
* Nhân tưởng nhớ 4 năm ngày Anh mất và 5 năm Anh đăng cảm xúc của mình giới thiệu cùng bạn bè bài thơ "THỜI CHÚNG TÔI" của Minh Tâm lên trang Facebook cá nhân của Anh.
       Phạn Minh Tâm xin trân trọng giới thiệu lại lời chia sẻ của Anh về “THỜI CHÚNG TÔI” của Minh Tâm trước lúc Anh đi xa. Cầu mong Anh được yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng.
       Phạm Minh Tâm xin đăng lại bài thơ trên lên trang Facebook như là lời tri ân, tưởng niệm Anh vậy.

 
THỜI CHÚNG TÔI
Phạm Minh Tâm

Có một thời như riêng của chúng tôi
Tổ Quốc lâm nguy, nước nhà vận hạn
Một thế hệ trai hùng gái đảm
Phải lớn bằng lòng dũng cảm, đức hi sinh
 
Ấy là thời giặc giã, chiến chinh
Những cuộc ra đi như đi vào huyền thoại
Những cuộc ra đi nhiều người không trở lại
Những cuộc chia ly không hẹn ngày về
Không có bùa hộ mệnh chở che
Triệu Vọng Phu thêm mỏi mòn chờ đợi
Con nhận mặt cha sau bàn thờ hương khói
Những tượng đài cao vòi vọi giữa trời
Nghĩa trang các anh - bao nấm mộ không người
Không tuổi, không tên, không một dòng địa chỉ
Các anh nằm đâu cũng là đất mẹ
Những linh hồn non trẻ tuổi hai mươi
 
Thời chúng tôi ai muốn sống làm người
Phải đối mặt với gian nan nghiệt ngã
Ai quay lưng là người đời xỉ vả
Náu mình trong phẩm giá thấp hèn
Chúng tôi đi đá cứng chân mềm
Vẫn nối nhau suốt rộng dài đất nước
Núi dựng, khe sâu mài mòn dép lốp
Quên tháng năm quên cả tuổi xuân thì
Gửi lại hậu phương tem gạo, tem mỳ
Ngày đầu tháng nối hàng dài xếp chỗ
Kẻ đội người bưng tựa nhận hàng cứu trợ
Sau cơn bão đời vần vũ thuở hàn vi
 
Thời chúng tôi sung sướng đến lạ kỳ
Sướng đến nỗi nghèo mà không thấy khổ
Rách áo đói cơm, học hành thiếu chữ
Ê a vẫn sáng dạ làm người
 
Thời chúng tôi ít thấy kẻ ăn chơi
Hiếm thấy kẻ sống sang giàu xa xỉ
Thiếu đến cả cây kim sợi chỉ
Vẫn thương nhau vá rách làm lành
 
Thời chúng tôi quan chức nên danh
Mấy ai sống xa dân, xa nước
Có lẽ thế mà kẻ sau người trước
Trong lao lung không chùn bước đồng hành
Quan với dân như cội với cành
Gió dập mưa vùi vẫn đơm hoa kết trái
Không sâu đục thân, không môi trường gây hại
Siêng xới vun không ngại đất nghèo
Hạt lép hạt tròn mùa vụ trồng gieo
Không thấy đâu nẩy mầm tham nhũng
Đồng Hợp tác nhặt hạt rơi hạt rụng
Lấy đâu ra tậu dựng lâu đài
Thiếu đói tảo tần tìm kế sinh nhai
Không móc túi nhau làm quà biếu xén
Không tham ô lấy đâu chè chén
Lấy đâu ra mua bán chức quyền
Thua, được, mất, còn lòng dân vẫn yên
Quan khác dân chỉ là đeo xắc cốt
Dưới với trên một đồng một cốt
Đảng với Dân ý hợp tâm đầu
Tối lửa tắt đèn hàng xóm có nhau
Không mấy ai xây rào, khóa cổng
Không xe cộ nên đường làng cứ rộng
Không gian manh nên cuộc sống yên hòa
Lễ giáo cương thường trong một tư gia
Lo kín nóc nên ít nhà thấy dột
Con cái sinh ra có đứa thông đứa dốt
Lớn lên không đường đột, ngang tàng
Người với người không sẵn lòng tham
Lồng lộng lưới trời không ai sàng sảy
Mà chính trực, mà thanh liêm đến vậy
Muôn nẻo chông gai không sợ bẫy gian tà
 
Thời chúng tôi từ trẻ chí già
Thuộc lòng những bài ca ra trận
Những lời ca sục sôi lửa hận
Những lời ca giục giã bước quân hành
Những lời ca hối thúc tuổi xanh
Dâng hiến máu xương cho tự do độc lập
Những lời ca - khúc bè trầm của đất
Những lời ca bay vút tận trời xanh
Chúng tôi lên đường chiến đấu hi sinh
Không ai nghĩ để mai ngày hưởng thụ
Không mong đợi tạc mình vào lịch sử
Để được lưu danh, phụng sự, tôn thờ
Giữa chiến trường không ai mộng mơ
Đổi xương máu lấy Huân chương kháng chiến
Ngả giá bạc tiền bằng công lao cống hiến
Để được cưu mang, từ thiện đỡ đần
Nơi ngày đêm đối mặt với tử thần
Không ai chen lên mộng mưu phần danh lợi
Như con thuyền giữa sóng cồn bão nổi
Chỉ mong qua chấp chới để lên bờ
Chúng tôi thèm, thèm cả trong mơ
Tàn chinh chiến để được về với mẹ
Nơi ngày tiễn con, mẹ giấu buồn giấu lệ
Tháng năm dài quạnh quẽ, giấu cô đơn.
 
Thời chúng tôi phụ nữ tuổi chồng con
Thèm khát đàn ông như trẻ thơ đói sữa
Những thiếu phụ suốt cả thời làm vợ
Hoa héo hương tàn vẫn cứ cô đơn.
Với chúng tôi đồng đội giữa mất còn
Là chỗ dựa, là nơi nương náu
Cho nhau máu không nghĩ mình thiếu máu
Đói khổ nhường nhau khi rau cháo chia phần.
 
Thời chúng tôi có bè bạn tình thân
Thiếu chút nữa nhường cho nhau cả vợ
Tình yêu không dối lừa, tráo trở
Trong bão giông không sợ vũ vần.
 
Đông giá qua rồi, trời đã ấm nắng xuân
Thiếu đủ vơi đầy vẫn cùng nhau hòa quyện
Chỉ thương bạn sau mỗi lần tìm kiếm
Xương trẻ phai tàn, còn lại nắm đất nâu
Năm tháng trôi nhanh như bóng một con tàu
Hành trang cũ gói đùm làm kỷ niệm
Như kỷ vật nhà binh thời hậu chiến
Ấp ủ nâng niu sau một chuyến hành trình
Khi ta ngồi luyến tiếc thuở bình minh
Một thuở mình hi sinh vô giá
Thì tất cả đã lùi về quá khứ
Đọng lại nỗi niềm tự sự xuýt xoa
Thế hệ chúng tôi giờ đã tuổi ông bà
Lời ru cháu cũng nghiệm thành chân lý
Lịch sử luôn là trang sách quý
Thầy giảng trò nghe, chớ để câu giờ .

Tp Vinh 23/10/2023.
 

tin tức liên quan