Truyện ngắn BÊN BẾN SÔNG CHU của tác giả Thúy Hậu

Ngày đăng: 02:11 27/11/2024 Lượt xem: 34
BÊN BẾN SÔNG CHU
Truyện ngắn của Thúy Hậu
 
     Trưa tháng sáu, ông trời quẳng cái chảo lửa nóng bỏng xuống làng quê. Cái nắng như thiêu, như đốt, nhuộm cháy cả màu da. Lại thêm từng đợt gió Lào đảo qua đảo lại từng hồi. Hai bên đường, cây cối bụi bám trắng xóa. Mọi vật như oằn mình trong sự nung đỏ hừng hực của nắng gió. Những ngọn cây cao nghiêng ngả, héo khô vặn vẹo yếu ớt. Cây cỏ hai bên vệ đường rạp mình xuống như muốn quắt lại. Mái tranh khô cong, tre nổ lốp bốp. Bến đò Vân im lìm vắng bóng người qua. Giữa sông Chu, một chiếc thuyền chòng chành không người lái lặng lẽ trôi theo dòng nước.
     Lan đi như chạy, cát sỏi lạo xạo dưới chân bỏng ran. Đội cái khăn ướt trên đầu mà cô vẫn thấy hầm hập, mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ phừng phừng. Chưa tới cổng nhà, Lan đã cất tiếng gọi:
     - Mẹ ơi!
     - Có chuyện gì mà hớt hơ hớt hải thế kia!
     - Dạ! Mẹ vào trong này, con có chuyện muốn nói.
      Lan không kịp bỏ nón xuống đất, cầm tay bà Huân kéo vào trong buồng, thầm thì:
     - Chị cả... Chị dâu cả có thai mẹ ạ... Con thấy người ta đồn như thế!
    Nghe cô con gái nói bà sững sờ, choáng váng. Tai bà như ù đi, bước chân run rẩy. Bà vội ngồi xuống mép giường đưa tay với cái quạt:
     - Chuyện gì thế? Con nghe ai nói, có đúng thế không?
     Bà mẹ cũng sợ cô con gái mau miệng nên ngăn trước:
     - Mẹ cấm con ăn nói linh tinh ở đâu nhé. Chị cả không phải người như thế… Chuyện này để mẹ tìm hiểu, đúng sai thế nào thì sẽ biết.
     Bà Huân cố trấn tĩnh mắng át con gái nhưng lòng dạ rối bời khi được hung tin Mơ - vợ của Chiến. Cô con dâu hiền lành, ít nói của bà giờ đây lại trở thành đứa chửa hoang ư? Bà con lối xóm, họ hàng mà biết chuyện thì sẽ ra sao? Còn chồng nó đang ở chiến trận không biết sống chết thế nào. Chỉ cần nghĩ đến đó thôi là tim bà đau như bị dao cứa, miệng đắng ngắt, cổ nghẹn ứ lại.
     Mơ là con gái duy nhất của bà Phó Hà ở làng bên. Hai đứa yêu nhau được vài tháng thì Chiến có giấy gọi nhập ngũ. Đám cưới được diễn ra vội vàng để Chiến đi B. Chồng lên đường được hơn một tháng thì Mơ biết mình đã có mang. Nàng dâu cả ốm nghén ba tháng ròng, cứ tìm mẩu gạch non để ăn, có lúc giấu cả trong khăn tay. Mãi đến chín tháng mười ba ngày thằng Tý mới chào đời. Trộm vía, thằng bé nết ăn, nết ngủ rất ngoan.
    Từ ngày cu Tý được một tuổi thì gia đình bặt tin của Chiến. Ông Huân động viên vợ con: “Thời buổi chiến tranh thư từ thất lạc là chuyện thường tình. Bao năm trong quân đội, tôi rất hiểu điều đó”. Bà thương cô con dâu cả lo lắng, thấp thỏm, chờ đợi. Nó bận cả công tác Đoàn thể của xã tối ngày.
    Nhưng hôm nay nghe cô con gái nói mà lòng bà rối như tơ vò. Điều đó có thật không hay chỉ đồn đoán vu vơ. Mơ vốn chăm chỉ, chịu khó, luôn hiếu thuận với đôi bên gia đình. Bình tĩnh lại bà nhớ xem cô dâu cả có gì thay đổi không? Nghén thì phải thèm nhạt chứ nhỉ? Chắc là không phải, nhưng trước khi ra về, cái Lan còn nói nhỏ đủ bà nghe thấy: “Hôm biểu diễn văn nghệ, con và chị cùng thay đồ trong phòng. Con nhìn thấy đầu vú chị hơi thâm”.
    Chiều, trời oi bức đến khó chịu, gió mát nín thổi. Mồ hôi ướt đầm, chân bà Huân nặng trịch, cảm giác như không bước nổi lên hiên nhà. Từ trong nhà đi ra, thấy vẻ mặt của vợ khác thường, ông Huân gặng hỏi mãi thì bà mới kể lại câu chuyện hồi trưa. Ông Huân ngồi trầm ngâm suy nghĩ rất lâu và dặn vợ không được nói gì với Mơ.
    Tối hôm đó, Mơ đi họp về muộn, ông vẫn ngồi hút thuốc lào bên cái bàn ở hè. Cô con dâu khép nép, khẽ chào và treo cái nón lên cột, định vào nhà thì ông bảo:
    - Con ngồi xuống đây, bố có chuyện muốn nói.
Mặt mơ nhợt nhạt, líu ríu trả lời:
    - Vâng ạ!
    Ông từ từ hỏi chuyện công tác, đồng áng, chuyện bên nhà thông gia. Cuối cùng ông nói nhỏ:
    - Con có điều gì giấu chúng ta, cứ nói đi cho nhẹ lòng. Bố mẹ không trách móc gì con cả. Chồng con đi B biền biệt không có tin tức gì. Một mình vò võ nuôi con nhỏ, đôi lúc sẽ không tránh khỏi sai lầm...
     Đúng như cô con gái nói, chuyện đồn đoán là có thật. Mơ chỉ xin bố mẹ không nói tên người đó vì họ không còn ở làng nữa. Nếu ông bà Huân có trách, đuổi đi thì Mơ xin nhận. Ông Huân nén tiếng thở dài:
     - Chuyện này chỉ ba người biết, bố có cách. Con không được bỏ cái thai. Dù sao đứa bé không có tội.
    Mơ lấy vạt áo chấm nước mắt. Lời nói của người cha giúp cô gỡ phần nào day dứt, đau khổ trong lòng. Cô đau khổ vì đã phụ lòng tin của bố mẹ chồng. Họ càng thương yêu, lo lắng bao nhiêu thì Mơ càng ân hận bấy nhiêu. Giá như…
     - Ra rửa mặt và vào ngủ với thằng Tý đi - bà Huân nhắc.
    Trời bắt đầu giông. Gió rít từng hồi đập vào cánh cửa sổ. Tia sét vạch dọc ngang lóe sáng trên bầu trời. Mưa! Mưa to quá, có những hạt táp qua khe cửa sổ, chạm cả vào cánh tay Mơ. Hãi hùng khi nhớ lại cái đêm mưa gió đó…cô muốn quên cái điều không đáng nhớ. Mơ thấy mình thật có lỗi với bố mẹ chồng, với chồng. Đã mấy lần, Mơ định bỏ đi nhưng vì con nhỏ, bố mẹ chồng đã già. Còn Chiến đang ở ngoài mặt trận có bình an không? Khi anh trở về, liệu có tha thứ cho mình không…
     Đêm đó, ông bà Huân cũng trằn trọc, không sao chợp mắt được. Lúc nãy, trước mặt vợ con, ông cố gắng tỏ ra bình thản, nói năng vừa đủ, thấu tình đạt lý. Đặt tay lên trán, ông nghĩ lung lắm: Cô con dâu cả có con với người khác làm ông buồn khổ vô cùng. Nếu mọi người đều biết rõ câu chuyện thì con dâu cũng khó sống ở nhà chồng trước lời dị nghị của thiên hạ. Còn con trai ông khi may mắn trở về sẽ đối diện với sự thật trớ trêu này như thế nào… Ông cứ miên man nghĩ ngợi cho đến khi con gà trống cất tiếng gáy canh cuối cùng.
***
     Thằng Cò ra đời đúng ngày Hiệp định Pa ri được kí kết năm 1973. Bà Huân đón hai mẹ con Mơ từ trạm y tế xã về nhà. Nhìn ngón tay đỏ hồng và cái miệng tóp tép đòi ăn của thằng bé khiến bà bật cười. Tý lon ton chạy đến muốn sờ ngón tay hồng hồng bé tí xíu của em. Nó thơm vào má em một cái rồi ôm lấy chân bà nội.
     Mấy hôm sau, họ hàng và hàng xóm đến hỏi thăm, động viên. Bà Huân bế thằng bé trên tay và nựng:
     - Úi cha, cái miệng giống cha Chiến mi lắm đó!
    Những ngày Mơ ở cữ, bà Huân chăm chút cẩn thận như lúc Mơ sinh thằng Tý. Đến bữa, bà bế thằng Cò cho mẹ thằng bé ăn cơm trước. Tiếng ru à ơi của bà cứ vang lên mỗi buổi trưa, buổi tối nghe thật da diết (sau này khi lớn rồi Cò vẫn muốn ngả đầu vào lòng bà, muốn được nghe bà kể chuyện như hồi còn bé).
    Thằng Tý và thằng Cò - hai anh em cùng lớn lên trong vòng tay ông bà nội và mẹ chúng. Qua cái tuổi lên ba bi bô, thằng Cò da trắng trẻo, mắt đen như con gái. Một hôm, Cò đi chơi về, mặt nó ỉu xìu, không vui vẻ như mọi ngày. Nó gắt gỏng cả với anh Tý. Bà nội gặng hỏi mãi nó mới bảo:
    - Ai cũng bảo cháu chẳng giống bố Chiến. Thế cháu giống ai hả bà?
Mơ đứng ngây, không nói nên lời. Bà Huân vội vàng:
    - Cháu giống bà khi còn bé. Hồi xưa, bà cũng trắng trẻo, giờ nắng nó làm da bà đen đi đấy.
    Thằng Cò nhoẻn miệng cười. Mọi chuyện cứ lắng dần...thằng bé cũng quên
chuyện cũ.
***
     Một năm sau, vào một chiều mùa xuân năm 1976, khi mà nắng chiều đột kích bến đò xưa bên dòng sông Chu, có một chiếc xe com- măng- ca dừng bên bến đò Vân. Anh lái xe mở cửa, đỡ một người thương binh bước xuống. Người lính đó nói với lái xe:
    - Nhà tớ rất gần đây, chỉ bên kia bến đò. Xe không đi qua được. Mình chia tay ở đây, có gì liên lạc với nhau nhé...
     Người lái xe nhìn dòng sông trôi và con đò nhỏ xíu ái ngại. Nhưng anh lính khoát tay ra hiệu cứ để mình xuống đò.
    Men theo con đường nhỏ về nhà, anh lính nhìn ánh hoàng hôn đỏ lựng, lấp loáng chạy dài trên mặt sông Chu như tranh vẽ. Cảm giác được trở về nhà thật hạnh phúc. Trước mặt anh, căn nhà lợp rạ vẫn nép cạnh lũy tre, Chân anh tự nhiên ríu lại. Anh mở cánh cổng và gọi:
    - Mẹ ơi!
    Ông bà Huân đi vắng chưa về. Trong nhà chỉ còn hai đứa trẻ con. Chúng nhìn chú bộ đội ngỡ ngàng. Thằng Tý bẽn lẽn hỏi:
    - Bác hỏi ai ạ?
    - Tý phải không?
    Thằng bé lùi lại, ngạc nhiên. Nó thấy trước mặt là một chú bộ đội có nước da ngăm đen, đang đến gần, rồi nắm bàn tay của nó, ánh mắt không giấu nỗi vui mừng:
    - Bố Chiến đây!
    Khi anh ôm choàng lấy thằng Tý ghì vào lòng. Thằng Cò lùi lại một bước đứng nhìn không chớp mắt. Chiến cúi xuống và hỏi:
    - Cháu là con nhà ai?
    - Em Cò nhà mình mà bố - thằng Tý nhanh nhảu đáp lời.
   Thằng Cò rụt rè, níu chặt áo anh Tý. Còn Chiến, anh đứng sững lại, ngỡ ngàng…Đôi mày anh nhíu lại, tại sao thằng bé này lại là con của Mơ. Chuyện gì đang xảy ra đây? Bình thần lại, anh đặt ba lô trên ghế đợi bố mẹ về thì mọi chuyện sẽ rõ.
    Vừa lúc đó ông bà Huân cũng bước vào sân. Thoáng nhìn thấy anh con trai cả, ông bà bất ngờ đến sững sờ. Bà Huân tưởng mình như đang nằm mơ. Vì không có tin tức của con nên ông bà cứ ngỡ Chiến đã hy sinh. Không ngờ anh bằng xương bằng thịt ở trước mặt. Chiến ôm chầm lấy mẹ. Bà mẹ giơ bàn tay gầy guộc vuốt má anh, vạch áo xem vết thương trên ngực và cúi xuống xoa vết thương ở chân anh. Bà cười mà nước mắt cứ rơi tràn trên má.
     Hai đứa trẻ đứng bên ông nội, Chiến sực nhớ ra điều gì, anh đưa mắt nhìn bố vạch ra một dấu hỏi. Ông Huân hiểu ý nên giục anh đi rửa mặt mũi chân tay để ăn cơm, chuyện gì để tối.
Mơ đang vội vã mang chiếc gầu về nhà để chuẩn bị bữa tối cho gia đình thì thấy bố chồng cũng bước ra ngõ. Nhìn thấy con dâu ông Huân nói to:
     - Chiến đã về rồi con ạ! Mẹ chị vui quá đang khóc đấy!
     Đón nhận tin vui mà trái tim Mơ như bị vò nát. Nét mặt cô bỗng tái xanh, Mơ nhìn thấy ở sân giếng Chiến đang rửa mặt cho cu Tý và cu Cò, lòng cô ngổn ngang bao ý nghĩ, bước chân díu lại suýt ngã. Trống ngực Mơ thình thịch, miệng lí nhí:
    - Mình đã về ạ!
    - Ừ!
    - Mình đỡ mệt chưa ạ? Đưa khăn đây để em phơi cho!
    Mơ đỡ chồng vắt cái khăn mặt lên dây phơi và đi vào nhà. Mơ hồ đoán chồng đã biết điều gì, lòng Mơ rối bời.
    Cơm nước xong xuôi, bà Huân bảo Tý dỗ em ngủ. Đợi bọn trẻ ngủ say, ông Huân gọi anh ra bàn ngoài hiên nói chuyện. Hai bố con tâm sự rất lâu. Nét mặt anh rất căng thẳng, ánh mắt đau khổ, vết thương ở ngực bỗng đau nhói. Mặt anh nhợt đi...
     Anh như chết lặng trước sự thật đó. Tuy không hỏi bố của thằng Cò là ai nhưng tim anh như rỉ máu. Anh cứ ngỡ ngày trở về mình phải vui mừng hạnh phúc nhưng mọi điều xảy ra không giống như anh tưởng tượng. Dường như đoán được ý nghĩ của con trai, ông Huân chậm rãi:
     - Anh đi B được sáu tháng, gia đình chỉ nhận được một lá thư duy nhất. Vợ anh ở nhà một mình vất vả nuôi con, chăm sóc bố mẹ. Cái Lan sinh em bé xong thì bị hậu sản cứ tưởng chết, may mà vợ anh lặn lội tìm thuốc thang cho đấy… Còn mẹ anh, năm kia bị viêm phổi phải đưa đi cấp cứu. Đêm nào cũng túc trực bên bà ấy. Việc nhà việc xã cứ lu bu mà nó chẳng hề kêu ca. Mấy lần nghe tin đồn chồng hy sinh, vợ anh giấu bố mẹ khóc thầm một mình…Không phải bố mẹ bênh vợ anh. Những năm qua, chị ấy làm tròn bổn phận nàng dâu. Việc xã cũng vẹn toàn. Hàng xóm ai cũng khen… Chuyện này, chắc mẹ thằng Tý cũng suy nghĩ nhiều lắm. Thỉnh thoảng, mẹ anh lại nhìn thấy mắt nó đỏ hoe…
     Thấy Chiến không nói gì, ông Huân uống một ngụm nước chè rồi nói tiếp:
     - Việc này, bố mẹ để tùy con suy nghĩ và quyết định.
     - Bố mẹ chỉ mong con giải quyết mọi việc êm xuôi.
     - Vâng, bố mẹ cho con thời gian để con suy nghĩ- rồi con tính.
    Ông Huân đứng dậy đi vào gian nhà trong. Ông bà lo lắng nhất là Chiến khó thứ tha cho vợ mình. Từ lâu, ông bà Huân đã coi thằng Cò như máu mủ của mình. Còn bà Huân nhớ lúc hai anh em chơi đùa đều nhắc tên bố Chiến, mẹ Mơ. Có những buổi chiều, hai đứa trẻ đứng ra đầu ngõ hóng bố về. Nghĩ lại khoảnh khắc đó, lòng bà se lại.
     Trời đã khuya, Chiến ngồi lặng lẽ như pho tượng trước ngọn đèn dầu hắt hiu. Nét đau khổ hiện rõ trên khuôn mặt của người lính. Châm điếu thuốc lá, hít một hơi dài, từng làn khói bay lên đan chéo vào nhau, anh khẽ thở dài.
Mơ không dám đến gần chồng và cũng không dám gợi chuyện, cô cảm thấy khó thở. Đêm đó, Chiến lấy lí do đi đường xa mệt nên ra giường ngoài ngủ. Hai đứa trẻ ngủ với bà nội, còn Mơ nằm một mình trong buồng, nước mắt cứ lặng lẽ ướt mềm gối, kìm nén tiếng khóc vào trong ngực.
      Cái tin Chiến còn sống trở về xôn xao cả làng. Ai cũng mừng cho gia đình bà Huân. Họ hàng, thông gia có mặt gần như đông đủ. Bố Mơ sang từ sáng sớm. Ông bà Huân và vợ chồng Chiến vui vẻ chào hỏi và cảm ơn mọi người. Mơ làm mâm cơm để cúng tổ tiên. Chiến cúng vọng ba người bạn cùng làng nhập ngũ cùng ngày với anh đã hy sinh.
     Chập tối, Mơ xin phép bố mẹ chồng ngày mai sẽ về bên ngoại ít hôm vì bà Phó Hà đang ốm. Bà Huân xếp mấy chục trứng vào cái làn gửi quà biếu thông gia. Khi bố mẹ chồng và hai con đã ngủ say, Mơ thấy chồng sắp xếp lại đồ trong ba lô, đột nhiên cô cảm thấy lo lắng:
     - Anh à, em có chuyện muốn nói với anh.
     - Em đừng nói gì với anh lúc này!
     Chiến lại ngồi im. Không gian như chết lặng.
     Mơ vào buồng, gấp lại quần áo của các con cho vào cái hòm gỗ. Lại một đêm nữa Mơ không chợp mắt nổi.
     Đêm đó, Chiến cũng không sao ngủ được. Hai ngày trôi qua, anh nghĩ nhiều lắm. Anh nhớ lại những năm tháng ở Trường Sơn bao nhiêu gian khổ và ác liệt. Ngày ấy, Khẩu đội pháo của anh đa số là sinh viên chưa biết đến nụ hôn bạn gái. Các anh đóng quân rất gần đơn vị nữ Thanh niên Xung phong. Hằng ngày, các anh trực chiến bên mâm pháo, lúc không có máy bay bắn phá, thì thay nhau nghỉ ngơi tắm giặt. Hôm đó, khi đang bước chân xuống suối thì có tiếng gọi:
     - Anh ơi! Anh có phải là anh Chiến gần bến đò Vân- sông Chu không?
     Anh chưa kịp phản ứng thì cô gái reo lên:
     - Em đây, Hoa đây, bạn học cùng với cái Mơ nhà anh!
Hoa ríu rít giới thiệu ba cô bạn ở Hà Tĩnh đang đi cùng. Rồi liên thoắng kể bao nhiêu chuyện. Anh hỏi han chuyện công việc, chuyện ăn uống, sinh hoạt… Hoa cũng biết hằng ngày Mỹ vẫn ném bom xuống dọc con đường khói lửa này. Công việc đều phải cẩn thận từng li. Anh dặn mấy chị em phải tự chăm sóc sức khỏe, có gì thì báo các anh biết.
     Nhưng điều không may đã xảy ra. Ngày mười ba tháng hai năm đó, đơn vị anh nghe thấy năm tiếng súng vang lên. Chắc chắn có ai đã hy sinh rồi? Anh chạy như bay từ trên đồi xuống thì nghe tiếng khóc nức nở của Mận, Dung, Ngân, nghe thật xót xa: “Chị ơi, chị tỉnh lại đi…chị ơi”. Hoa đã hy sinh khi vướng vào mìn do Mỹ thả hồi chiều. Khâm liệm cho Hoa xong, anh và đồng đội đưa Hoa lên đồi chôn cất, đặt một hòn đá đánh dấu tạm. Đợi vài hôm sẽ làm cho Hoa một tấm bia bằng gỗ. Anh trở vể trận địa mà lòng xót xa, thương cô em gái đồng hương quá trẻ. Chiến tranh mà, khi cái sống và cái chết được tính bằng giây phút…
      Anh nhớ trận đánh ở Xuân Lộc, khi những tên lính Ngụy Sài Gòn (Việt Nam Cộng Hòa) áo quần dính đầy máu giơ tay hàng, anh bảo: “Hãy đợi tối thì tìm đường về, ai về nhà nấy”. Anh nghĩ mình đã quyết định đúng.
Giá như không có chiến tranh thì mọi chuyện sẽ khác…
     Tiếng gà gáy sớm, mới hơn bốn giờ sáng, Mơ đã dậy chuẩn bị cơm nước cho cả nhà. Sẽ sàng, cô vào buồng định lấy túi xách quần áo thì Chiến đã đứng ở ngoài cửa nói nhỏ:
      - Sáng nay, cả nhà mình sẽ sang thăm mẹ
     Mặt trời chưa lên, sương vẫn còn đọng trên ngọn cỏ, hai đứa trẻ vui mừng vì được về bà ngoại chơi. Thằng Cò lăng xăng chạy trước, bỗng nó vấp ngã rồi òa khóc. Chiến đỡ thằng bé dậy, phủi vết lấm ở quần áo cho thằng nhỏ:
     - Con có đau không?
     Thằng bé nhoén miệng cười:
     - Con hết đau rồi bố ạ. Bố ơi, ngực bố còn đau không?
     - Bố không đau nữa đâu con ạ! – anh xoa đầu thằng bé.
     Qua cánh đồng làng, đi dọc theo bờ sông Chu, anh như nghe thấy giọt xuân đang tí tách chảy trong cỏ cây. Hạt cựa mình tách vỏ, nhú mầm non, chồi biếc.
                                           …. Hết….
                                                                                  Phạm Thị Thúy Hậu (Thúy Hậu)
                                                                                    Hội viên TS Lục Yên, Yên Bái
                                                                                              ĐT: 0389 147 631

 

tin tức liên quan