NGÀY VỀ -Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn

Ngày đăng: 09:50 29/07/2017 Lượt xem: 777
NGÀY VỀ
                            
Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn
 
          Chân bước xuống tàu, tay xách va li bạc màu cũ kỹ, lòng nặng trĩu chưa định thần mình sẽ đi về đâu. Bỗng đằng sau có tiếng trẻ con hét lên:
- Chúng mày ơi! Chúng mày ơi, ra mà xem người điên này…!
Tôi quay người lại phía sau thì thấy một người mặc bộ quân phục đang còn mới, cầm cái gậy trên tay vừa đi vừa hô lớn:
- Bắn, bắn cho hết tụi chúng nó đi!..Pằng, pằng…mẹ cha chúng nó, cái lũ…
Nói chưa dứt lời thì một người con gái dáng dấp mảnh khảnh, yếu ớt xách chiếc ba lô bộ đội bạc màu chạy theo anh ta, vừa chạy vừa kêu thất thanh:
- Chờ em với, chờ em với…đừng đi nhanh thế rồi lạc đường bây giờ!
Tôi nhìn theo cô gái mất dần trong đám người đang lộn xộn trên sân ga, người thì vừa xuống tàu, người chuẩn bị lên tàu, kẻ đón, người đưa gọi nhau í ới. Trong đầu tôi bỗng chốc với bao hình ảnh hiện lên. Nhưng không hiểu sao cái thân hình nhỏ nhắn của cô gái lúc nãy lại lởn vởn trong tâm trí tôi như gợi lên cho tôi một hình ảnh quen quen nào đó..
Có lẽ nào đó là Lan…
Tôi, Lan và Đức là ba người bạn rất thân cùng học một lớp, từ cấp 1 đến cấp 3 (tên cấp trường thời chúng tôi đi học trước những năm 1985). Chúng tôi thường  chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn trong học tập, trong cuộc sống. Lan có mái tóc óng mượt và thả dài đến gót. Những sợi tóc mịn màng lúc nào cũng thoảng thơm mùi hương bưởi. Các bạn trong lớp thường đùa Lan có « mái tóc chị Sứ ». Ai khen thì không sao nhưng khi tôi buông lời khen thì thường bị Lan lên tiếng :
- Thôi đi, xạo !
Riêng chỉ có Đức không khen, không chê mà chỉ nhìn mái tóc Lan một cách ngây dại. Bắt gặp Đức nhìn mình, Lan thẹn thuồng đưa ánh mắt liếc vội và trốn đi chỗ khác.
Rồi chúng tôi ngày càng lớn lên theo năm tháng, nhưng cái tuổi học trò mộng mơ vẫn đang còn chập chờn đâu đây. Ngày đó tôi rất thích Lan, không chỉ thích mái tóc thơm mùi hương bưởi mà tôi còn thích Lan có ánh mắt nhìn dịu dàng nhưng rất quyết đoán của một cô bí thư Chi đoàn. Lan làm việc rất chu đáo, việc nào ra việc ấy và học lực cũng không đến nỗi nào. Trong ba đứa, tôi là thằng học vào loại giỏi nên thường hay láu cá, nghịch ngợm.  Bạn bè ít đứa ưa tôi, nhưng tôi, Lan và Đức vẫn chơi với nhau rất thân thiết. Nhiều lần tôi làm thơ tặng Lan như thầm ngỏ ý, nhưng Lan đều bảo tôi :
- Thôi đi ‘‘ông tướng’’, học hành đã sau lớn rồi hãy hay !
Tôi biết Lan không thích tôi, tôi nhận ra từ một bữa trưa, chúng tôi đi tham quan dã ngoại ở lại trên một  đồi hoang. Đức hái được một cành hoa mua tặng Lan thì Lan thích lắm, Lan gói lại cẩn thận và luôn đặt nụ hôn thầm kín lên bông hoa. Tôi biết Đức cũng đã có thầm ý với Lan nhưng không biểu hiện thô cứng như tôi. Đức là một chàng trai khỏe mạnh, rắn chắc, da ngăm đen như người từng trải. Lúc mới nhìn người ta cứ tưởng Đức là ‘‘ông cụ’’ trong ba chúng tôi. Đức ít nói hiền lành, nhưng có nụ cười dễ gần. Tuy học không vào loại giỏi nhưng Đức học chắc kiến thức và ham học hỏi…
Đang lan man với bao ký ức ùa về, tôi như nhận ra điều gì…. Phải rồi ánh mắt, ánh mắt của người con gái lúc nãy chắc là Lan rồi. Bàng hoàng, tôi nhìn quanh quất rồi chạy đi theo hướng Lan và người mặc quân phục …
Đây rôi ! Phía ấy có tiếng người hô to :
- Pằng pằng ! Bắn chết hết chúng nó đi, cái lũ…
Tôi chen chúc đám đông chạy lại, nhìn kỹ người con gái khoác ba lô, tay dắt người  hô bắn bắn đó tôi nhận ra Lan.
Đến bên, tôi nói lớn :
- Lan ! Có phải là Lan « mái tóc chị Sứ » đây không ?
Người con gái ngẩng lên nhìn chằm chằm vào tôi rồi a lên :
          - Anh Bình ! Lan đây, Lan đây này !
Tôi và Lan nắm tay nhau rất chặt trong giây lát, mặc cho người mặc quân phục kia cứ luôn mồm hô bắn, bắn.
Thả tôi ra, Lan chỉ tay vào người mặc quân phục và nghẹn ngào :
- Đức đó ! Chồng Lan đó !
Tôi nhìn kỹ vào người mà Lan nói là Đức.
- Trời ! Tôi thốt lên. Đức bây giờ khác xưa nhiều quá. Nếu Lan không giới thiệu thì tôi chẳng làm sao mà nhận ra nữa. Trên khuôn mặt xương xương là những vết sẹo nhăn nhúm, có lẽ là vết sẹo của mảnh pháo. Hàm răng thì bị gãy mất hai chiếc để lại một hố tối đen ngòm như hang ngáo ộp mà ngày xưa trẻ con thường bị người lớn dọa. Một bàn tay mất hai ngón trong cũn cỡn, khó chịu, còn bàn tay kia thì những vết sẹo trăng trắng đang dần xóa đi vết cháy của bom đạn.
Cắt ngang dòng suy tư của tôi, Lan nói :
          - Anh Bình không nhận ra anh Đức nữa sao ? Chiến tranh đã cướp đi của anh nhiều thứ quá. Rồi quay sang với Đức :
- Anh có nhận ra Bình nữa không ? ‘‘Bình thơ’’ của lớp mình ngày xưa đó !
Tôi ngần ngại đưa tay nắm lấy tay Đức, Đức lạnh lùng trong bàn tay tôi.
- Đức ! Bình đây ! Đức có nhận ra Bình nữa không ?
- À ..!à… ! Có, có nhận ra cái thằng …cái thằng đào tẩu, cái thằng phản bội ..Nóixong Đức hô to : - Bắn,bắn cái thằng đào ngũ, cái thằng phản bội…! Pằng pằng ! bắn hết chúng nó đi, cái lũ…
Dường như mệt quá, nước miếng sùi ra hai bên mép sau một lần hô hét, Đức khịu xuống. Tôi nói với Lan :
-Thôi có gì sau hãy hay, bây giờ dìu Đức vô quán nghỉ ngơi đã !.
Chủ quán thấy tình cảnh như vậy cũng cảm thông cho người mặc áo lính và nhường chiếc võng cho anh nằm.Đức thiêm thiếp trên võng, miệng như vẫn còn muốn nói hay hô hét những điều mà anh ta thường làm.
- Đức vẫn thường như vậy à Lan ? Tôi rót nước mời Lan.
Hớp ngụm nước mát, hầu như Lan tỉnh táo hẵn lên. Lan nghèn nghẹn kể cho tôi nghe chuyện về Đức. Giọng Lan lắng trầm mà rắn rỏi, nghẹn ngào mà dứt khoát như bản tính ngày nào của cô Bí thư chi đoàn, nhưng có vẻ yếu hơn vì tuổi tác.
- Anh à ! Lan kể. Ngày hai anh lên đường nhập ngũ, Lan mất tin tức từ đó, chỉ biết là các anh lên đường đánh bọn bành trướng ở biên giới phía Bắc. Sao ngày đó khổ thế ! Thiếu thốn trăm bề, tin tức thì chẳng làm sao mà biết được, không như bây giờ có điện thoại chỉ alô một cái là bao nhiêu thông tin cần thiết đều biết. Rồi em đi học lớp y tá cấp tốc ba tháng của tỉnh để phục vụ cho chiến trường. Sau khi tốt nghiệp được điều động về một đơn vị quân y, chúng em cũng tích cực tham gia vào cuộc chiến. Ngày này qua ngày khác, cứu chữa, chăm sóc thương bệnh binh từ các đơn vị đưa về. Những ngày ở trạm chúng em chẳng biết sợ, chẳng biết mệt là gì nữa. Công việc cứ cuốn hút nên chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ biết làm sao cho thương binh mau hồi phục là mừng lắm rồi. Bây giờ nghĩ lại mới thấy khủng khiếp về chiến tranh. Chúng em hằng ngày tiếp xúc với bao thương binh, người thì gãy chân, người cụt tay, người bị mảnh đạn bắn chi chít đầy mình. ..Trong số bệnh nhân đó có một người mặt mũi bị vết pháo chằng chịt, tay chân loang lỗ những vết cháy, hai ngón tay bị cụt máu chảy nhòe nhoẹt, khủng khiếp.Khi thiếp đi thì thôi chứ sau khi tỉnh lại anh ta toàn hô bắn, bắn …loạn xị cả lên. Trạm trưởng chúng em rất phân vân với trường hợp anh thương binh nặng này.  Do hoàn cảnh đang đánh nhau nên không đưa anh ra tuyến sau được. Bác sỹ trạm trưởng động viên anh em trong trạm và quyết định để anh ở lại phẫu thuật và chăm sóc. Vô tình một hôm trong cơn mê sảng anh ta gọi to : - Bình ơi ! Lan ơi ! Các bạn ở đâu ? Nhìn kỹkhuôn mặt và ánh mắt em nhận ra đúng là Đức, em thầm gọi : - Anh Đức ! Anh Đức,  em Lan đây ! Nước mắt em trào ra làm thấm nhòa lên mảnh băng, hòa vào vết máu của anh. Ngày Đức tỉnh lại, em đến bên âu yếm hỏi chuyện, rồi Đức cũng nhận ra em. Khi hỏi đến anh thì Đức im lặng và lắc đầu không biết.
Rồi chiến tranh cũng qua đi, anh Đức cũng đã bình phục dần. Vết thương anh đã lành lặn, anh ăn ngủ nhiều, ít nói, trầm tư hơn. Tuy vậy vết thương trong lòng anh ấy như đang ẩn chứa một điều gì mà anh không thổ lộ được.  Thỉnh thoảng khi trở trời anh vẫn thường hay lên cơn động kinh và hô hét như thế đấy anh ! Còn em cũng được chuyển về Trại điều dưỡng nơi anh Đức dưỡng bệnh..
Tôi cắt ngang :
          - Vậy chuyện làm vợ Đức là làm sao ?
- Từ từ rồi em kể cho anh !
Uống một ngụm nước lấy giọng rồi nhìn sang Đức tội nghiệp:
- Anh Đức nhìn thế thôi chứ anh hiền lắm anh à! Chỉ những lúc trở trời thì anh mới lên cơn, đó cũng là do mảnh đạn nằm trong đầu anh mà ngày  xưa ở trạm quân y phương tiện không có đủ để mổ lấy ra. Sau này gặp lại, anh trạm trưởng cứ ân hận, đáng ra tôi phải chuyển cậu ấy về tuyến sau thì đâu đến nỗi này. Nhưng em lại an ủi anh ấy rằng, nếu ra đến tuyến sau không kịp thì anh ấy có còn sống đến bây giờ. Thôi anh ạ! Có lẽ cái số mà…!
Rồi Lan kể tiếp.
Ngày đó mẹcứ dục em lấy chồng. Như anh biết đấy, em và anh Đức chưa hứa hẹn yêu đương gì, nhưng hai đứa em rất hiểu nhau, thích nhau và có ý đến với nhau mà chưa kịp nói ra thôi. Có biết bao chàng trai đến trồng cây si trước cổng  nơi em làm việc, có người gửi thư, có ngườì rước mối…nhưng em cứ lần lữa… Trong lòng canh cánh mong đợi ngày anh Đức lành thì chúng em sẽ trao lời đính ước.
Rồi ngày đó cũng đến. Một dạo,  vì do cơn sốt rừng sót lại nên em phải nghỉ việc. Mái tóc mượt mà ngày nào dần rụng đi, để lại trên đầu những cọng tóc khô cứng. Ngày ấy thuốc cũng khan hiếm nên chỉ uống đủ cắt cơn, rồi bệnh tái phát. Anh đến thăm em, tay anh vuốt nhẹ lên mái tóc, anh nhìn em bằng ánh mắt thân thương trìu mến. 
- Anh Đức đã đỡ bệnh rồi, sao không kiếm một chị để về chăm sóc bầu bạn! Anh nhìn tôi có vẻ giận:
- Anh đợi lành bệnh rồi đưa em về ra mắt bố mẹ cho chúng mình sống với nhau thôi, nhưng anh không dám nói với em vì anh đã thành ra tàn phế thế này …anh không nỡ làm khổ đời em.
- Anh tàn mà không phế đâu! Rồi chúng mình sẽ sống với nhau anh nhé!.
Không tán tỉnh, không thề nguyền. Hai đứa đến với nhau nhẹ nhàng như vậy đó anh!
Tôi cắt ngang:
- Vậy các cụ không có ý kiến gì à?
-Có chứ anh! Các cụ nhà em cũng có can ngăn vì sợ lấy Đức thì em phải chịu khổ. Nhưng em bảo với các cụ em có hơn gì Đức đâu. Bây giờ đã có tuổi, cái thời xanh xuân đã qua rồi còn ai để ý đến mình nữa đâu! Nghe ra, các cụ đành cho hai đứa đến với nhau.
Bên kia cánh võng có tiếng ú ớ của Đức, rồi có tiếng thét lớn:
- Bình! Nằm xuống, cẩn thận có pháo kích đấy…!
Lan lấy cho Đức ngụm nước, rồi ầu ơ mấy tiếng thì Đức nằm yên.
Lòng tôi nặng trĩu, những ký ức của một thời quân ngũ chợt ùa về trong tôi
Ngày đó tôi cùng Đức nhập ngũ, hai đứa cùng ở một đơn vị.Luyện tập vội vàng chưa đầy hai tháng thì chúng tôi lên đường. Đơn vị hành quân cấp tốc trong mịt mù khói súng. Tôi nghĩ, chắc dịp này bọn tôi sẽ được điều lên biên giới phía Bắc để đánh trả quân bành trướng đây. Trước mắt tôi là bao cảnh súng đạn, chết chóc..cứ hiện lên. Đang nghĩ miên man, Đức níu áo tôi nói:
- Ê! Bình, mày làm gì mà thẫn thờ như người mất hồn vậy? Hay là nhớ em nào trong lớp mình?
- Mình nhớ Lan!
- Không được! Nhớ ai thì nhớ chứ không được nhớ Lan! Lan là của Đức rồi đấy!
Rồi như cóđiều gì không phải Đức chỉ vào cành hoa nở bên đường nói lảng :
- Hoa ban đó ! Hoa ban nở trắng xóa, hoa của mùa xuân ở vùng cao thật đẹp !
Hòa vào không khí vui vẻ của Đức, tôi đọc một câu thơ : ‘’Mùa xuân nở trắng hoa ban/ Dục em xuống núi rộn ràng chợ phiên..’’
Xe chúng tôi chạy vội vàng cả ngày, cả đêm. Chúng tôi mệt nhoài, nhưng nhìn thấy quang cảnh núi rừng trùng điệp, hoa lá xanh tươi của đất nước sắp bị quân bành trướng xâm chiếm, trong lòng chúng tôi ai cũng sùng sục quyết tâm cho cuộc chiến nên cái mệt cũng dần qua đi.
Đơn vị chúng tôi được đóng trong một khu rừng rậm, sát biên giới.  Đã gần bảy giờ sáng mà trời vẫn mịt mù trong sương, sương dày đặc giăng giăng như rây bột. Mặc dù đã sang xuân nhưng cái rét của tháng ba ở vùng núi như đang lẩn quất đâu đây, hình như ở đây rét hơn quê chúng tôi. Chúng tôi ai nấy nai nịt gọn gàng, vai không rời súng đạn. Cảnh ban mai của núi rừng thật là đẹp. Tiếng chim hót lanh lảnh báo hiệu một ngày nắng ấm. Những con thú đi ăn đêm về muộn, toác toác vang vọng cả rừng. Chắc nơi này chưa ai đặt chân đến nên còn hoang dã lắm. Đường đi chênh vênh vách đá, không có lối mòn. Dòng suối nước trong veo, những rễ cây, thân leo vắt vẻo bắc ngang qua suối dung đưa như cánh võng.
Bỗng một hồi còi rúc lên xua tan cái yên tĩnh của núi rừng, toàn đơn vị tập hợp chờ lệnh.
Đại đội trưởng của tôi người choắt, đen sạm. Dáng người nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn lắm. Sau khi cho đơn vị tập hợp ngay ngắn, anh giới thiệu chính trị viên lên quán triệt tình hình. Chính trị viên là Hoàng, người thanh mảnh có nước da trắng trẻo của người thành phố. Sau một hồi một thôi giáo huấn, anh kết luận :
- Quân địch đang lẩn quất phía con suối mà chúng ta đang đóng quân. Quân số địch tương đối đông, súng ống trang bị hết sức tối tân, liều lĩnh. Tuy vậy tinh thần chiến đấu của chúng bạc nhược, ngờ nghệch đó là yếu điểm của địch. Chúng đang định chiếm cứ điểm (tạm gọi cứ điểm Z) này để dễ dàng băng qua rừng rồi tiến vào thị trấn hòng ngày càng lấn sâu vào đất nước ta. Nhiệm vụ của các đồng chí là chốt cứ điểm, chờ lực lượng tiếp viện, chờ thời cơ thuận lợi đánh bật chúng về bên kia biên giới.
- Anh Thắng ! Anh cho em biên chế vào tiểu đội Đức nhé !(Do có thành tích cao trong huấn luyện nên Đức được đề bạt làm Tiểu đội trưởng) Chúng em vừa là đồng hương vừa là bạn thân nên có thể giúp đỡ nhau trong chiến đấu.
Anh Đại đội trưởng tên Thắng - tôi được nghe  khi anh hậu cần gọi và hỏi về việc ăn uống cho đơn vị-  nói :
- Lắm chuyện ! Ở tiểu đội nào mà chẳng đánh đấm, chẳng giúp nhau !
Chắc là ông này hắc mắm tôm lắm đây- tôi nghĩ- rồi chuyển sang năn nĩ :
- Anh có vợ chưa ? Sau chiến tranh về em làm mối cho bà chị, duyên ơi là duyên, xinh ơi là xinh nhé !
Dường như anh ta thấy tôi lém lĩnh, ăn nói có duyên  nên cuối cùng cũng xuôi. Tôi đượcvào tiểu đội Đức từ đó.
Đang ăn cơm trưa chưa xong, tiếng pháo đì đùng bắn vu vơ trong không trung im ắng, nghe chát chúa hơn. Rồi tiếng súng liên thanh bắn rát.
- Toàn đơn vị tập họp, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu ! Đại đội trưởng dõng dạc hô.
Theo sự phân công thì Trung đội một tiến thẳng xuống con suối, ở phía có tiếng súng nổ. Trung đội hai và ba theo đồng chí Chính trị viên vòng qua trái, cho anh em đào hầm cá nhân và chốt ở đấy. Còn trung đội bốn theo Đại đội trưởng đi xuống sườn dốc bên phải nơi có quân thám báo đang lẫn quất- theo tin từ trinh sát của ta báo về.Còn phía sau lưng trận địa là một bãi mìn, không được ai chạy ra đó. Trung đội một đánh thọc sâu rồi nhữ cho địch vào bãi mìn, các trung đội khác ém và đánh thọc ra phía sau.
Chúng tôi cất vội tư trang, tay xách súng chuẩn bị vào cuộc. Ai nấy đều hồi hộp, lo lắng. Không biết rồi cái gì sẽ xảy ra ?
Đơn vị chúng tôi đại đa số là lính mới, chưa qua trận mạc. Chỉ có cán bộ chủ chốt là lính cũ, nhưng các anh cũng chưa một lần ra trận, chỉ biết qua ở trường sĩ quan. Duy chỉ có Đại đội trưởng, bốn anh trung đội trưởng và vài chục anh là lính mặt trận phía Nam điều ra.
Tiểu đội tôi gồm mười hai chiến sĩ. Dưới sự chỉ huy của tiểu đội trưởng Đức đang cho toàn tiểu đội bò qua những mô đất, những lùm cây để tiến về con suối trước mặt. Đang bò bên Đức, tôi hỏi :
- Mày thấy thế nào ? Tao thấy lo lắm ! Sờ sợ thế nào ấy. Tao cứ nghe tiếng súng là rối lên !
- Yên tâm đi ! Mà phải bình tĩnh nghe chưa ! Không được rời tay súng, phải nhằm trúng mục tiêu mới bắn kẻo lãng phí đạn !
Tôi ậm ờ cho qua chuyện chứ trong lòng cảm thấy bất an. Nhưng dù sao có thằng bạn bên mình, gan dạ bình tĩnh như Đức là tôi cảm thấy yên tâm rồi.
Đang loay hoay với khẩu súng vướng vào nhành cây, tôi vội vàng gỡ nhẹ nhưng tiếng răng rắc vẫn vang lên. Một tràng súng tiểu liên, rồi nhiều tràng tiểu liên vang lên phía bên sườn trái dốc, nơi có Chính trị viên và trung đội hai, ba đang tiến về đó.
Tôi nhìn xuống con suối. Trời ! không phải là một vài tên thám báo như trinh sát báo về mà hàng trăm tên lính đang lố nhố, nhung nhúc như những bị thịt, tay lăm lăm khẩu súng, tên nào tên ấy mặt lầm lì, man dại. Tôi thấy tay súng của mình run run, mồ hôi tứa ra ướt hết cả áo.
Đang lom khom bò theo Đức, bỗng hàng loạt đạn rót vào đội hình của ta. Hầu như chúng đã phát hiện ra chỗ ẩn nấp. Bọn địch chen chúc bò lên, chẳng có hàng lối gì cả. Chúng đang tiến vào trước họng súng  chờ sẵn. Tiểu đội trưởng Đức hô :
- Bắn !
Hàng loạt đạn bay về phía địch. Tôi cũng bắn được mấy viên, nhưng hình như không thấy viên nào trúng mục tiêu. Thấy một tên ngóc đầu lên bò lại phía tôi, tôi bình tĩnh bóp cò.- Đoàng, đoàng ! Viên đạn bay trúng tên địch,  tên này vùng vẫy một lúc rồi lăn quay ra , tôi cảm thấy vững tâm hơn. Những tên bò sau chùn lại. Bên trái phía sườn núi những loạt súng cũng râm ran rung lên…
Rồi tiếng súng im bặt vài phút. Tôi lan man nghĩ, không biết có việc gì xảy ra đây? Chưa có đáp án trả lời thì hàng loạt mưa pháo ở bên kia ào ào dội sang. Đất đá bay rào rào, khói mù mịt den ngòm cả một góc rừng. Phía bên trái trận địa nghe tiếng người kêu cứu, chắc là lính ta bị dính pháo. Sau loạt pháo ngừng, bọn lính lại lúc nhúc bò lên, những loạt súng lại rộ lên vội vã như ngô rang. Rồi tiếng pháo thủ, cối cá nhân vang lên, đạn bay vèo vèo. Địch tiến lên, đạn ta bắn ràn rạt, chúng dồn ứ lại.
Đồng chí đại đội trưởng cùng trợ lý đi kiểm tra các trung đội và nắm tình hình. Tiểu đội tôi không có ai thương vong, nhưng tôi nghe lõm bõm giữa đồng chí Đại đội trưởng với trung đội trưởng của tôi nghe đâu các trung đội bên kia thương vong nhiều lắm, do chủ quan đào hầm sơ sài, mà cốt yếu là do lính mới lần đầu tiên đánh trận nên chưa nắm hết yếu lĩnh. Về phía địch cũng thương vong và chết không ít.Đồng chí đại đội trưởng động viên mọi người hãy bình tĩnh, quyết tâm để giữ cứ điểm chờ tiếp viện. Đồng chí đại đội trưởng vừa đi thì hàng loạt pháo lại ầm ầm bay sang, quân đich lại ào lên như thác nước. Tiếng súng liên thanh, tiếng người kêu thét loạn xạ…
Trời về chiều, nghe chừng như mệt mõi, tôi thấy vừa đói, vừa khát. Đạn, thủ pháo hầu như đã cạn. Các thương binh được lần lượt khiêng ra, số thương binh và chết cũng khá nhiều.
Sau một thời gian im ắng co cụm lui về, bọn địch lại ào lên. Tiếng còi, tiếng kèn trận, tiếng hét của chỉ huy bên kia vang lên, các bị thịt lại ùng ục bò lên, đạn liên thanh rộ lên liên hồi…
Một nhóm vài chục tên bò lên hướng tôi. Đức bảo tôi hãy bình tĩnh rồi bắn. Nói chưa dứt lời, một quả thủ pháo bay về phía Đức. Từ phía Đức, đất khói bay mù mịt. Tôi bò lại đó, Đức nằm vật sang một bên bàn tay máu chảy nhòe nhoẹt, hai ngón tay đã bị đứt rời ra. Tôi hoa mắt lên, nhưng cũng cố lấy lại bình tĩnh xé cuộn băng băng lại cho Đức. Đức tỉnh lại, nhìn tôi cảm ơn và như ngầm bảo hãy cố lên.
Một loạt pháo lại dồn đập vào phía chúng tôi, tiếng đất đá bay rào rào. Sau loạt pháo, tôi thấy im ắng trở lại. Nhưng trước mắt tôi là hình ảnh đáng thương của đồng đội tôi, người thì bị văng ra xa, người bị treo lên cây lủng lẳng, người thì bị thương máu chảy ra loang lổ. Tôi cảm thấy rùng mình. Không kịp nghĩ gì và không kịp làm gì nữa vì ở phía trước tôi cả trăm thằng lính lầm lũi tiến lên. Trong tay tôi khẩu súng chỉ còn hai viên đạn. Tôi nghĩ loáng thoáng, lần này thế nào cũng bị chúng bắn chết rồi. Thôi, thế nào cũng chết hay là mình lừa địch chạy về phía bãi mìn để bọn đich đuổi theo. Nói là làm tôi bắn hai viên đạn còn lại và vứt súng chạy. Đức thấy vậy hét lên : - Phía ấy có mìn đấy ! Hay là mày đầu hàng, hay là đào tẩu đấy hả …? Nói xong Đức ngất lịm đi. Tôi chạy chậm để cho bọn địch trong thấy mà đuổi theo. Hai thằng chạy kịp tới, vật tôi xuống, tôi co người lại đạp một thằng, thằng còn lại đè lên người tôi. Trời ! Sao thằng này nặng đến thế. Tôi nghĩ, thế nào nó cũng bóp cổ mình mất. Lợi thế, tôi cắn thật mạnh vào tay hắn, hắn a lên nhưng vẫn không chịu buông tôi ra.
Bỗng, phía sau lưng bọn địch đang đuổi theo tôi, tiếng hô xung phong, tiếng thét giết, giết đồng loạt vang lên. Quân tiếp viện và các chiến sĩ còn lại thấy địch đã vào trúng bãi mìn nên ồ ạt la thét xông lên. Bọn địch nghe thấy hoảng loạn, nháo nhác chạy. Tất cả bọn chúng đã lọt vào bãi mìn.
Ầm…ầm…ầm ! Hàng loạt tiếng mìn nỗ vang lên. Tôi chưa kịp định thần thì hàng đống đất đá vùi kín cả người. Bọn địch  chết, bị thương hàng loạt, chỉ thấy vài chục thằng sóng sót chạy lùi lại, rồi cũng bị bắt. Còn tôi, tai nghe tiếng ong ong to dần và  tôi ngất lịm đi chẳng biết gì nữa.
Ở phía võng, Đức đã tỉnh táo đứng dậy. Tôi chạy lại chỗ Đức, không biết là do bản năng hay tình cảm trào dâng hai đứa ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào. Rồi Đức từ từ buông tôi ra, tay chỉ vào mặt tôi :
- Mày là thằng phản bội, là thằng đào tẩu…Tại sao mày lại bỏ đồng đội để chạy trốn hả ?
Đức có vẻ giận tôi lắm. Tôi phân bua, giải thích việc làm của tôi cho Đức nghe, Đức mới tha cho tôi và nói :
- Thôi ! Tao xin lỗi mày ! Trong lúc tao sắp ngất lịm đi vì những vết thương quá nhiều, thấy mày bỏ chạy, tao cứ tưởng mày sợ quá mà đào ngũ. Từ khi hết chiến tranh đến giờ tao chẳng thấy bóng dáng mày tao tưởng mày đã chết trong bãi mìn rồi. Tao thì nhớ nhớ, quên quên nên chẳng biết mày sống chết ra sao ! Chiến tranh mà ! Ai biết cái gì đã và đang xảy ra…!
Tôi thầm cảm ơn Đức đã thông cảm và đã hiểu tôi. Nhưng Đức ơi, Lan ơi ! Mình có chuyện còn tồi tệ hơn là đào ngũ mà các bạn chưa biết thôi.
Ba người trầm ngâm bên ly nước, tâm trạng mỗi người đang đi theo những suy tưởng khác nhau. Chợt Đức hỏi :
 - Thế sau khi bãi mìn nổ mày đi đâu và làm gì mà mất tích đến bây giờ vậy ?
Nghe Đức hỏi, trong lòng tôi thấy nặng trĩu như có tảng đất đá đang đè nặng lên người tôi, như có thằng lính địch đang vật tôi đè xuống nặng chịch. Tôi muốn dấu đi quá khứ không mấy tốt đẹp của tôi, nhưng trước hai người bạn chân tình tôi đành thú nhận như đang sám hối trước chúa.
Và tôi kể.
Trời tối đần, màn đêm buông xuống từ lúc nào không biết. Tôi thấy mình như đang bay bổng trên trời cao, thỉnh thoảng rơi xuống đất. Tôi khát nước và ú ớ gọi : - Đức ơi ! Các anh ơi.. !Đâu cả rồi ?
- Tỉnh rồi ! Vậy là anh bội đội đã tỉnh rồi ! Tiếng nhiều người ồn ào quanh đây.
Tôi vùng dậy, thấy mình đang ở trong ngôi nhà sàn của một gia đình dân tộc. Tôi được uống nước và tỉnh dần, rồi chủ nhà kể lại cho tôi nghe về chuyện trên đường đi lấy lá thuốc, gặp tôi chân bị thương , máu chảy nhiều, đang mê man bên gốc cây cách khu vực trận chiến khoảng hơn một cây số. Tôi nghĩ chắc là sau khi tôi tỉnh lại bò về tìm đơn vị rồi bị lạc quá xa nên không ai biết, hay anh em tưởng tôi bị mìn nổ chết mất xác rồi.
Gia đình chủ nhà nuôi tôi, chăm sóc vết thương cho tôi khoảng một tuần thì lành, vết thương tôi chỉ ở phần mềm của đùi. Tôi cảm ơn chủ nhà, cảm ơn số phận đã cho tôi sống sót. Đáng ra, tôi phải nhờ địa phương  giúp cho tôi tìm về đơn vị, nhưng tôi chẳng còn ý chí nào nữa nên quyết định về nhà.
Tôi về không có một thứ giấy tờ tùy thân, không ba lô tư trang quần áo, tôi như một kẻ đào ngũ.Chú tôi làm ở BCH quân sự huyện đã lo toàn bộ thủ tục cho tôi, tôi trở về như một người lính xuất ngũ bị lạc đơn vị.  Nhưng trong lòng tôi cảm thấy đang thất vọng, buồn bã, chán chê, và xấu hổ. Tôi không ăn, không ngủ mấy đêm liền. Trong giấc mộng lúc nào cái chết cũng luôn ám ảnh hiện về, rồi hình ảnh Đức bị thương đầy sẹo trên mặt, bàn tay chảy máu đang gằm gằm nhìn tôi, rồi những hình ảnh đau thương về cái chết của đồng đội cứ đang dằn vặt tôi. Rồi trận đánh, những xác chết co ro, những bị thịt nhàu nát của địch ở bãi mìn…, tôi thấy ngực mình như đang tưng tức khó thở. Được ít bữa, mẹ tôi an ủi :
- Thôi con ! Hãy quên đi và làm lại từ đầu, miễn sao mình có quyết tâm là đươc. Mẹ nghĩ, con nên lấy vợ và lo lắng làm ăn. Mẹ thấy con Thắm xóm bên cũng được, ngày con đi bộ đội nó cũng thường sang chơi và giúp đỡ mẹ công việc.
Tôi nghe mẹ, người mẹ tần tảo một nắng hai sương chắc có nhiều kinh nghiệm, tôi nghe mẹ để an phận, tôi nghe mẹ để xóa đi quá khứ của mình…Đám cưới diễn ra chóng vách theo sự sắp đặt của mẹ, một đám cưới buồn, mang tính chất nghi lễ, nghĩa vụ.
Thắm của tôi không xinh, không xấu, nước da mằn mặn đồng quê cũng có duyên. Nhưng Thắm có tính e dè, ít nói hay xấu hổ, có lẽ những cái đó đã làm Thắm mất đi tự tin nên vẫn chưa có chàng trai nào vấn vương. Thắm chấp nhận lấy tôi cũng là chấp nhận số phận, chấp nhận làm dâu cũng vì mẹ tôi thật thà, hay lam hay làm.
Tôi được cậu của Thắm làm ở Sở ngoại thương xin cho tôi một chân phụ việc, công việc vặt ‘‘điếu đóm’’ hằng ngày cho các xếp. Nhưng vì sự lanh lợi, biết chịu khó thêm với cái mác ‘‘con ông, cháu cha’’ nên tôi được cử đi học lớp kế toán tại chức.Rồi Thắm sinh cho tôi  ‘‘cậu ấm’’ khôi ngô, mạnh khỏe. Với kinh tế của bố là kế toán Ngoại thương đầy đủ vật chất, thằng cu lớn nhanh như thổi. Tôi thấy vui và càng yêu thương Thắm hơn, gia đình lúc nào cũng rộn tiếng cười, mẹ tôi cũng mãn nguyện lắm.
Tôi ngày càng tinh vi, láu cá hơn, với cái chức kế toán trưởng cộng với sự nhanh nhạy tôi thao túng, tôi tham mưu, tôi vụ lợi cho các xếp nên tôi được lòng xếp lắm. Ngày đó, ngành Ngoại thương ngoài việc xuất nhập những mặt hàng tiêu dùng thông dụng còn nổi lên việc xuất khẩu trầm, một mặt hàng có giá trị thặng dư rất cao mà thuế thì thấp nên thu nhập của ngành cao ngất, ai nhìn vào cũng khao khát. Như diều gặp gió, tôi được đề bạt lên phó phòng, rồi trưởng phòng kinh doanh và điều đi công tác tại một thành phố ở miền Nam.
Những ngày đầu bỡ ngỡ với công việc, rồi cũng quen dần. Một hôm, tôi cùng bạn đi nhậu, có một cô gái tuổi chắc cứng nhưng nước da son phấn, áo quần bảnh bao, mùi nước hoa thơm lừng đến mời rượu tôi và bạn nhậu. Uống vào mấy li mắt tôi đã hoa lên, không phải vì rượu mà vì mùi son phấn, là do em lả lướt mơn trớn và buông lời khen tôi :
 - Anh đẹp trai, phong độ lắm, chúng mình làm quen anh nhé !
Vừa ở thôn quê vào, xa nhà, xa tổ ấm, tôi cũng muốn làm quen một ai đó, một niềm vui nào đó để giúp mình trong cuộc sống…Rồi như có sự mê hồn từ cô gái tỏa ra, tôi uống không biết cơ man nào là rượu.
Sáng tỉnh dậy, tôi uể oải vươn vai, ngáp để xua tan cái mệt. Và tôi giật thót khi đang thấy mình nằm trên giường với cô gái hôm qua. Tôi vùng dây, nhưng bàn tay nhẹ nhàng và lời nói khéo đã  kéo tôi trở lại :
- Anh ! Đã tỉnh rồi à ? Hôm qua anh say quá, các bạn anh đã mệt nên em phải đưa anh về đây chăm sóc ! Anh thấy thế nào rồi ?
- Cô là ai ? Cô muốn gì ở tôi ? Sao cô lại trơ trẽn đến thế ? Cô hãy để cho tôi về… !-
- Anh biết về đâu nữa ! Đây là nhà anh rồi đó ! Đêm qua anh đã làm gì tôi chắc anh cònnhớ
chứ …! Nếu việc này vỡ lỡ chắc anh chẳng còn đường…
Chưa đợi ả nói hết câu, tôi thét lên :
- Tôi không nhớ gì hết, tôi không biết gì hết ! Cô đừng vu oan cho tôi… !
- Thôi ! Anh đi rửa mặt cho tỉnh, ta đi ăn sáng. Việc gì đến như nó đã đến rồi… !
Ả tên là Hương, cái tên thường gọi như bao cô gái khác. Nhưng với tên của ả nó như gợi tả lên cái mùi nước hoa sực nức trên quần áo, trên cơ thể ,  trên đôi môi ả. Kể từ ngày đó tôi như cuốn hút bên ả bởi cái tài nghệ chiều chuộng, cách làm tình, với tất cả những thứ từng trải của một cô gái thị thành đến với một con thỏ non mới lạc đường như tôi. Rồi tôi và ả sống như vợ chồng mặc cho bao nhiêu đàm tiếu.
Ả hơn tôi hai tuổi, đã có hai đời chồng, đời chồng đầu tiên của ả không chịu nỗi với những cơn cuồng dâm, mê hồn trận của ả mà đi về ‘‘thiên cổ’’. Còn người chồng thứ hai làm không đủ tiền mua phấn cho ả nên bị ả đuổi ra khỏi nhà không thương tiếc. Tôi thì khác, tôi là một trưởng phòng kinh doanh nên tôi chẳng thiếu gì cho ả, từ ăn diện, nhảy nhót, son phấn cho đến những canh bạc thâu đêm suốt sáng…Bù lại, ả cho tôi những thú vui cực lạc, những mơn trớn thân xác, những món ngon vật lạ mà ả nói là tẩm bổ cho tôi.
Cuộc chiến thị trường luôn kéo con người ta vào guồng một cách tất bật, nó như sợi tóc cứ mắc vướng vào chân càng gỡ càng mắc. Tôi được ả dìu dắt, bày trò, tiếp cận những nhà đầu tư làm ăn lớn để có tiền đề thăng tiến, có kinh nghiệm làm ăn. Tôi càng ngày càng ma mãnh hơn, tiền vào túi càng nhiều hơn.
Một hôm ả nói :
- Em có một người bạn muốn chúng ta đầu tư mở công ty riêng, và giám đốc công ty không ai khác ngoài  anh ! Anh thấy thế nào ?
Nghe đến việc tôi được làm giám đốc, máu tham, máu hám danh trong tôi nổi loạn. Tôi không cần suy nghĩ gì gật đầu đồng ý. Mấy ngày sau tôi xin nghỉ việc cơ quan…, và bắt đầu một trang mới.
Công ty chúng tôi thực chất là công ty ma, chỉ lấy tên công ty làm bình phong cho việc làm ăn, chẳng có cơ quan, chẳng có địa điểm cố định, chuyên kinh doanh bất động sản, nhà đất, vàng bạc. Tôi làm giám đốc nhưng mọi mua bán, kinh doanh, chi tiêu…đều do ả quản lý, điều động, thu chi. Tiền bạc ả đều nắm hết chỉ cho tôi tiền đủ tiêu vặt với bạn nhậu. Ngày tháng ả và tôi phất lên giàu sụ, cuộc sống không thiếu thốn thứ gì. Ả lao vào đề đóm, cờ bạc, hẹn hò bồ bịch với các ‘‘phi công’’ trẻ, tôi có ý với ả thì ả bảo với tôi :- Những thứ mà anh có nhà lầu, xe hơi, tiện nghi đắt tiền trong nhà này đều từ đó mà ra ! Anh muốn gì nữa ?
Cuộc sống xa hoa phù phiếm nơi đô thị, cuộc sống với ả ‘‘cáo’’ dần làm cho tôi quên dần mẹ tôi, quên dần người vợ một nắng hai sương và đứa con thân yêu của mình. Thỉnh thoảng tôi cũng điện thoại, gửi tiền ra cho gia đình, nhưng rồi cũng thưa dần. Tôi cũng không về quê, phần vì cuốn hút công việc, phần vì say sưa với những cuộc nhảy nhót, du lịch, phần vì xấu hổ với mẹ già với vợ con…tôi không biết cuộc sống của họ như thế nào nữa. Nhiều đêm ả đi vắng tôi cũng cố tình không ngủ để suy tư về những năm tháng ở quê, bên mẹ già, bên vợ con…nhưng rồi tôi cũng cố ngủ để quên đi vì sự đời đã an bài rồi.
Rồi vòng xoáy của ‘‘Cơ chế thị trường’’ làm cho cuộc đời nhiều người trong đó có tôi bị xáo trộn. Do ả ăn chơi, bồ bịch, do thị trường bất động sản, nhà đất bị chững lại và đi xuống, nên bắt đầu đổ bể. Kinh tế ngày càng sa sút, tiền bạc làm ra ngày càng khó khăn mà chi tiêu không giảm nên chúng tôi thường xuyên cãi vã nhau. Có những lúc cơn khùng của ả nổi lên, ả đập phá không tiếc tay những vật dụng đắt tiền. Rồi một hôm, ả dắt đâu một tên trùm trong giới giang hồ về và bảo với tôi : - Căn nhà này và những tiện nghi đã thuộc về chủ mới ! Rồi ả chỉ tay vào tên trùm và bảo : - Tất cả là của ông ! Ả đưa cho tôi một ít tiền để làm vốn rồi ôm tôi hôn chụt một cái :-Bai, bai anh ! Nhẹ nhàng đơn sơ như ngày ả đến với tôi. Tôi lặng đi và chân đứng không vững rồi khịu xuống nền nhà, một toánkhoảng năm sáu tên hùng hổ lôi tôi ra và đánh túi bụi rồi đuổi tôi đi…Nghe đâu, ả đã bay sang Mỹ với thằng bồ của ả sau đó mấy ngày, còn tôi bơ vơ từ đó.
Lan đưa cho tôi ngụm nước, cổ họng tôi rát bỏng, khô khốc như có ai cào xé, tôi hớp một  ngụm thấy đắng chát như cuộc đời đầy cay đắng.
Lan nhẹ nhàng bảo : - Còn sau đó thế nào ? Sao hôm nay anh lại về đây ?
Tôi rầu rầu kể lại những ngày tháng trong trại giam cho hai người bạn nghe. Đó là những ngày tôi khổ nhất về thể xác và tinh thần, nhưng đó cũng là những ngày rèn luyện con người. Ngày đó, tôi không nhà không cửa, không việc làm. Tôi đi lang thang, các con phố quen thuộc, những nơi quán nhậu, sàn nhảy…không còn đón tiếp tôi vì tôi đâu còn tiền. Rồi tôi quen một nhóm người, họ rủ tôi đi buôn lậu gỗ bên biên giới nước bạn. Mấy chuyến trót lọt tôi cũng được chia chác hậu hĩnh. Nhưng rồi cái gì đến cũng phải đến. Một hôm trên đường vận chuyển một xe gỗ lậu quý trị giá vài tỷ, nếu vụ này trót lọt thì mấy đứa giải nghệ rồi kiếm nghề khác kẻo làm ăn phi pháp nguy hiểm lắm !Xe đang đi, chợt có tiếng còi lanh lảnh vang lên, xe dừng lại, tiếng mấy anh công an giao thông thông báo kiểm tra giấy tờ và hàng hóa. Ngồi trong xe, ba đứa chúng tôi thấy lo sợ, nếu chuyến này mà trắng tay thì chỉ có nước nhảy lầu, biết làm sao đây ? Một đứa nháy mắt như ra hiệu, lợi dụng trong lúc công an đang giải quyết các xe khác, xe tôi bỗng rồ máy phóng chạy. Tiếng còi thổi, tiếng người, đèn pin…nhoang nhoáng trong đêm, tiếng rú còi báo động của xe cảnh sát đuổi theo…huyên náo cả một chặng đường. Xe đang chạy với tốc độ khá cao,  rồi một chiếc lốp bị nổ, xe mất lái và đâm vào một người đi xe máy bên đường, đâm vào chân núi thì dừng lại.
Tôi vào tù với tội buôn lậu, vi phạm an toàn giao thông, chống người thi hành công
vụ, đồng lõa với hành vi chạy trốn làm chết người, cộng với tội thành lập côn‘‘ma’’bây giờ mới bị khởi kiện . Ngồi trong tù sáu năm, tôi luôn ăn năn hối cải, luôn chấp hành tốt các qui định của trại giam nên được ân xá trước trước thời hạn một năm và giờ đây tôi được ra tù trong dịp tết nguyên đán này.
Hai người bạn nghe tôi kể đến đây, trên khuôn mặt ai nấy cũng biểu lộ đăm chiêu và thông cảm.
- Thôi ! Tao đã hiểu rồi ! Bây giờ cũng đã sắp tối chúng ta về thôi ! Đức nói với vẻ quả quyết.
- Về đâu bây giờ… ? Nhà không, mẹ không, vợ con không !
- Anh ạ ! Dù sao chuyện cũng đã qua rồi ! Anh hãy mạnh mẽ lên với chất lính còn sót lại trong anh để làm lại từ đầu ! Bây giờ về nhà em, anh sẽ bị bất ngờ đấy ! Lan chen vào.
Ba chúng tôi thong thả cuốc bộ, không ai nói gì. Trong lòng tôi ngỗn ngang như mối tơ vò, suy nghĩ về những bước đi hôm nay, ngày mai…
Căn nhà của Đức vẫn như xưa, vẫn tường xây,  lợp lá cọ, xung quanh vườn, cây cối tốt tươi như đang có bàn tay chăm sóc chu đáo, phía trước là giàn hoa phong lan đang thắm sắc khoe màu.
Tôi đang miên man với những suy nghĩ về quá khứ, về những hình ảnh đang gợi nhớmột thời của chúng tôi thì  một người con trai khoảng hơn 30 tuổi từ trong nhà chạy ra ôm chầm lấy Đức và Lan :
- Con chào bố, con chào mẹ đã về ! Và quay sang bên tôi :
- Cháu chào chú !
Đức nhìn tôi đang ngỡ ngàng trước những gì hiển hiện, rồi nhìn đứa con trai âu yếm :
- Ba con đó, ba Bình con đó ! Con chào ba con đi !
Tôi bàng hoàng, tôi quay cuồng, đầu óc tôi mụ mị với những điều nghe thấy ! Không biết mình có nghe nhầm không ? Sao, đứa con trai ấy vừa gọi ba Đức, rồi lại gọi tôi là ba ? Tôi không còn hiểu gì nữa như đứa học sinh vở lòng (lớp dưới tiểu học- ngày chúng tôi đi học) nhận con chữ đầu tiên.
…Mâm cơm được dọn lên.Người bưng cơm là một phụ nữ đứng tuổi, có nước da ngai ngaí đồng chiêm, tóc đã lơ thơ  bạc. Nhìn kỹ, thấy quen. Phải rồi, nước da ấy, dáng đi ấy chắc là Thắm rồi, nhưng sao Thắm lại ở đây ? Bỗng nhiên, trái tim tôi giật thót, chiếc bật lửa trong tay tôi rơi xuống nền nhà vang lên tiếng khô khốc. Người phụ nữ nhìn tôi miệng há hốc, rồi bật thành tiếng : - Anh Bình ! Rồi cô giang rộng vòng tay chạy đến ôm chầm lấy tôi. Nhưng khi bàn tay của cô chuẩn bị chạm đến người tôi, tự nhiên khựng lại như bất động, tiếng òa khóc nức nở…
Tôi như bị thôi miên, tôi đứng bất động như trời trồng, tôi lúng túng chẳng biết mình nên làm gì, phải làm gì ?
Bỗng Đức cất tiếng xua tan cái không khí đầy trầm lắng, bất ngờ : - Chuyện đâu có đó, sau rồi hẵng hay ! Hôm nay là ngày vui. Thay mặt mọi người tôi xin tuyên bố lý do….
Đức nói rất vui, nói rất nhiều như chưa bao giờ được nói. Hôm nay là ngày Đức xuất trại điều dưỡng về nghỉ tết, đồng thời sau tết Quốc sẽ đưa Đức sang Pháp để mổ lấy mảnh đạn trong đầu nhân dịp Quốc sang dự một Hội nghị khoa học Quốc tế về Y học đúng với đề tài mà anh đang nghiên cứu.
Trong suốt bữa cơm Đức cứ nhìn tôi, nhìn Thắm, rồi nhìn cả nhà hầu như vui quá, cảm xúc quá mà quên cả ăn… Còn tôi, tôi uống rất nhiều rượu. Tôi uống cho quên nỗi buồn, cho niềm vui hội ngộ, rồi tôi hát, tôi hát về chiến tranh, hát về những ngày ở tù, hát cho cuộc đời lầm lỗi…rồi tôi khóc, tôi khóc nhiều lắm, có lẽ lần đầu tiên trong đời tôi khóc và tôi được khóc…
Xong bữa. Thắm chào mọi người ra về không quên ngoái lại chỗ tôi : - Thôi ta về đi anh !
Về, về đâu, tôi biết về đâu bây giờ ? Những suy nghĩ của tôi bỗng bật lên thành tiếng trong nghẹn ngào.
- Dạ thưa bố ! Cánh cửa nhà ta đang còn rộng mở ! Bố với mẹ cứ về trước, con ở lại với bố Đức, mẹ Lan rồi con sẽ về sau !
Tôi câm lặng đi sau Thắm, như đứa trẻ lạc được tìm về, lòng nhẹ tâng không biết nói gì. Thắm nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, dắt tôi đi như dắt đứa trẻ. Trong ánh sáng lờ mờ của ánh điện hắt ra, tôi thấy Thắm đã có nhiều nét của sự qua dốc tuổi tác, da có nhiều nếp nhăn, mái tóc mượt mà ngày nào bây giờ đã xơ cứng điểm bạc. Mà cũng đúng thôi ! Hơn nữa cuộc đời rồi còn trẻ trung gì nữa. Vì tôi mà Thắm chịu bao đắng cay khổ cực. Hôm nay Thắm đã tha lỗi cho tôi, đã nuôi con tôi khôn lớn, rồi tôi biết mình phải làm gì để chuộc tội, để cảm ơn Thắm…
Đang miên man với những suy tư, chân bước đến sân nhà lúc nào không hay. Mái nhà vẫn như xưa, duy chỉ thiếu bàn tay chăm sóc của đàn ông nên tường đã lên rêu, trong nhà đồ đạc sắp đặt gọn gàng ngăn nắp. Trên bàn thờ là ảnh mẹ, mẹ như đang nhìn tôi  trách móc, đôi mắt buồn buồn, mùi hương như đang ấm nồng lẩn quất đâu đây.
- Anh thắp hương cho mẹ rồi đi rửa cho mát ! Giọng Thắm vẫn còn rụt rè như thưở nào.
Tôi đi thắp hương cho mẹ, tôi nhìn trân trân vào những vờn khói hương đang từ từ thoát ra. Tôi như đang thấy mẹ mĩm cười với tôi vì sự trở về,  vì có người con dâu hiếu thảo, rộng lượng. Tôi vái mẹ và mong mẹ ở nơi suối vàng tha lỗi cho tôi, một đứa con lạc bước trở về.
Rồi Thắm kể chuyện nhà, chuyện mẹ, chuyện con cho tôi nghe. Thắm kể nhiều lắm, kể trong nghèn nghẹn của dòng nước mắt hờn tủi, của sự sẻ chia, của sự mừng vui đoàn tụ…Mà cũng phải thôi, hơn nữa đời người rồi, bao nhiêu là nỗi niềm muốn nói.
…Kể từ ngày tôi bỏ mẹ con Thắm để làm chồng hờ cho Hương là chuỗi ngày vất vả cơ cực của mẹ con Thắm. Một thân một mình lam lũ nuôi mẹ chồng, nuôi con không biết bao thăng trầm, oan nghiệt. Nhưng rồi ông trời cũng run rủi lòng thương, mà không, phải là lòng Thương từ Lan và Đức. Thấy mẹ, vợ con tôi hoàn cảnh tội nghiệp, cơ cực, Lan đã xin cho Thắm  một chân hộ lý ở trại điều dưỡng mà Lan làm việc. Và Quốc trở thành con nuôi của Đức và Lan từ đó,  một phần do yêu thương thằng bé ‘‘không cha’’, một phần do chiến tranh đã cướp đi quyền làm bố, làm mẹ của Lan và Đức. Còn mẹ tôi vẫn ở vậy không đi theo Thắm vì mẹ thấy như có lỗi với cô ấy, một phần mẹ thương hai mẹ con Thắm, sợ phải gánh thêm sự lo toan cho mẹ, một phần muốn ở nhà để hương khói cho chồng . Hơn nữa mẹ cũng đang còn sức để lăn lộn với mấy sào ruộng khoán, nuôi con lợn, con gà vui chơi với bà con lối xóm là đủ.
Quốc được sự chăm sóc của Thắm, của bố mẹ nuôi lớn nhanh như thổi và học giỏi. Ngày Quốc tốt nghiệp Đại học cũng là ngày tôi vào tù. Và cũng là ngày mẹ tôi buồn tủi vì tôi mà qua đời. Ngày đó là ngày tôi ghi nhớ suốt đời và không bao giờ quên. Bây giờ Quốc đã là bác sỹ quân y, phó khoa thần kinh với cấp bậc thượng úy.
…Câu chuyện Thắm kể vừa dứt, ngoài kia tiếng loa phóng thanh cũng vang lên lời chúc tết của Chủ tịch nước, rộn ràng trong những khúc  ca mùa  xuân. Những cột ánh sáng bung xòe trên không trung như hoa cà hoa cải, báo  hiệu giờ giao thừa đã đến.
Tôi và Thắm đến ban thờ tổ tiên thắp nén nhang như cầu xin cho năm mới bình yên, cầu xin cho Đức gặp may mắn trong chuyến đi sắp tới…
Ngoài kia, gió xuân nhè nhè lất phất những bụi sương, cành mai vàng đang khoe những nụ hoa xinh tươi rực rỡ rung rinh trong gió nhẹ.
Mùa xuân xinh đẹp đã về.
Một trang đời mới lại bắt đầu…
 
                                                           Quán Hàu, tháng 4 năm 2017
 
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên CCB, HTT TS-Đường Hồ Chí Minh tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu,
huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình
DĐ: 0977194533
 
tin tức liên quan