BÊN NGOẠI CỦA TÔI
Hôm nay tôi về quê tiễn đưa bác Phan Thị Ấu ( bác Khản gái ), chị dâu mẹ tôi về nơi yên nghỉ cuối cùng. Bác hưởng thọ 96 tuổi, người cuối cùng thuộc bậc cha bác, người thọ nhất bên ngoại của tôi đã ra đi. Mới 21/9 dương nhằm 21/7 âm lịch vừa chớm mùa thu mà không khí lạnh đã tràn về, sấm sét ầm ầm, mưa tuôn như trút nước trong buổi sáng, thế rồi trời quang mây tạnh, giúp cho lễ tang diễn ra thật tôn nghiêm, trang trọng, nghĩa tình. Đất trời phù hộ cho bà mẹ của liệt sỹ Đỗ Văn Phảng.
Tôi và anh Phảng cùng tuổi, cùng học, cùng chơi với nhau, anh đi bộ đội trước tôi, chiến đấu hy sinh ở chiến trường miền Nam. Vợ chồng tôi cùng anh Phưởng thế trưởng nam của bác sang Thái Bình nhờ cô Năm nghĩa chỉ giúp, rồi cùng các anh các chị lặn lội vào Nam tìm kiếm mộ, tôi vào cùng đưa hài cốt của anh về gia đình làm lễ viếng, xã làm lễ truy điệu, đưa anh vào đời đời yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà.
Ngồi dự lễ, nhìn lại quang cảnh nhà cửa nơi đây, bao nhiêu kỷ niệm bừng dậy trong lòng tôi. Mẹ tôi là con út của ông bà ngoại, khi tôi còn bé thường theo mẹ ra bên ngoại, nghe mọi người gọi là ông bà Phó Hoanh, lúc ấy cũng chẳng hiểu " Phó " là gì, sau này mới biết cụ là phó lý của làng thời phong kiến. Năm 1955 tôi lên bốn tuổi theo mẹ ra nhà ông, bỗng hoảng sợ thấy người đông nghịt, ông tôi bị trói giật khuỷu tay quỳ giữa sân đầu trần trời nắng chang chang. Những cô du kích quần đen áo nâu, chít khăn mỏ quạ vai đeo súng trường vây quanh, người kéo tai, người kéo râu, người túm tóc ấn đầu xuống chửi mắng liên hồi.
Mấy chú du kích cũng xúm vào tra khảo xỉa xói ghê lắm. Ông tôi gục đầu chẳng dám cãi lại, mắt ông ngơ ngác thất thần hoảng sợ.
Tôi sợ quá, thương ông khóc oà lên. Sau này lớn lên đi học tôi mới biết đó là đấu tố địa chủ sau cải cách ruộng đất. Đội cải cách thu nhà, nhà ông bà tôi bằng gỗ lợp rạ thôi chứ không có nhà xây, toàn bộ đồ đạc bị tịch thu hết đem chia cho các gia đình bần cố nông. Ông bà tôi bị đưa xuống ở trong ngôi điện thờ.
Sau khi sửa sai, ông bà được hạ xuống thành phần trung nông lớp trên, trả lại nhà cửa và một số đồ dùng sinh hoạt. Khi lớn lên tôi vẫn nhớ tất cả những người đã đấu tố ông tôi, họ đều là cháu họ được ông bà tôi cưu mang lúc đói khát. Ông tôi thật hiền lành phúc hậu, râu dài bạc trắng, bà tôi lao động nhiều lưng còng cù rạp xuống, đi lại phải chống gậy. Hàng tháng tôi vẫn theo mẹ ra thăm bà, được bà cho ăn cơm với cá, tôm biển, chủ yếu là con cá úc nhiều trứng to như đầu đũa, tôi nhớ mãi, không bao giờ quên.
Một hôm tôi ra nhà ông bà ngoại vui với các anh, chơi trò ẩn nấp. Bỗng dưng một viên ngói ai ném trúng mặt vào đúng mi trên mắt trái, chỉ cách con ngươi vài mi li mét, máu chảy toé ra, để lại vết sẹo cho đến báy giờ và lông mi mất một ít không mọc ra được nữa. Người ném là anh Điểu con bác Huống , anh cũng đã ra đi.
Thế rồi tôi đi học sư phạm, đúng vào lúc chiến tranh phá hoại diễn ra vô cùng ác liệt. Bác Khản lai tôi từ nhà đến bến Đò Quan, máy bay đánh phá thành phố Nam Định dữ quá, tôi nói nguy hiểm lắm, Bác về thôi để cháu đi bộ. Thế là tôi đi bộ hai ngày mới tới Tiên Hải - Duy Tiên vào nhập học, tôi nhớ mãi kỷ niệm Bác đã đưa tôi đi học ngày ấy. Tôi học trong trường bà tôi mất cũng không biết, rồi tôi đi bộ đội ông tôi mất, đều không về chịu tang được.
Ông bà tôi sinh được 7 người, 3 trai, 4 gái . Bác ruyện la con trưởng, trưởng nam. Tôi đi bộ đội ở chiến trường, giải phóng miền Nam được về phép, bác ốm nặng mặt bị méo đi, anh Kiên cũng đi chiến trường ra lại bị ốm nặng. Có lẽ do bệnh tai biến nhưng ngày ấy điều trị còn kém. Bác nói với bác Khản đi xem, thầy bảo động mả. Bác giao cho bác Khản bốc cải 9 ngôi mộ cùng một lúc để quy tập lại. Tôi phục vụ hai ngày liên tục, công việc hoàn thành nhưng bác tôi không khoie đã qua đời khi tôi quay lại đơn bị ở bên Lào. Khi bốc mộ bác Huống là con trai thứ hai của ông bà, phó chủ tịch uỷ ban kháng chiến xã Bắc Sơn năm 1951, nay là một phần của xã Giao Thịnh, bị đạn pháo địch bắn tử thương, trong hộp sọ bác
vẫn còn mảnh đạn đại bác, lấy ra mọi người khóc than thảm thiết. Bác Khản là út trai, cuộc đời cũng gian nan vất vả, bác hưởng thọ 85 tuổi. Bốn người con gái được ông bà đặt tên là : Cúc, Khuy, Dải , Túi. Mẹ tôi là Túi con út của ông bà. Tôi nói với mẹ là có vạt áo bà mà 4 con gái bám bâu thì rách áo chứ còn gì, mẹ tôi cười.
Cúc, Khuy, Dải, Túi một hàng
Một vạt áo me bốn nàng bám bâu
Nặng lòng với mảnh áo nâu
Chị em bên mẹ nặng sâu nghĩa tình..
Trai gái dâu rể 14 người con của ông bà tôi đều là nông dân làm ăn lương thiện, bác Huống đi làm đồng bị pháo của Pháp ở bốt Thức Hoá bắn lên tử vong tại bờ ruộng, anh Hiểu con trai bác đi bộ đội hy sinh ở miền Nam chưa tìm thấy mộ. Hôm nay bác dâu tôi người cuối cùng trong 14 người con của ông bà ngoại tôi đã ra đi. Lễ tang được Thượng toạ Thích Tâm Thiệu - UVTW Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Phó ban trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định, Trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Giao Thuỷ, Hiệu phó Trường trung cấp Phật học tỉnh Nam Định - Sư chủ trì chùa Giao Tiến làm lễ khâm niệm, đông đủ các tín đồ phật tử trong làng, các con trai gái dâu rể, cháu chắt nội ngoại, cháu chắt họ hàng người thân ở mọi miền, bà con khu xóm đến dự đông đủ. Bác tôi có 11 người con 5 trai 6 gái một đàn cháu chắt nội ngoại tổng cộng 130 người. Có 7 người con trai gái rể tham gia chống Mỹ cứu nước, hai người hy sinh vì Tổ quốc, hiện nay có 3 cháu là sỹ quan Quân đội và Công an. Một đại gia đình thật vinh dự tự hào.
Lễ khâm niệm hôm nay do vị Thượng toạ chủ trì cũng phần nào làm vơi đi nỗi buồn đau thương của con cháu chắt trong gia đình và chúng tôi. Sau lễ khâm niệm, đại diện Uỷ ban nhân dân xã tuyên bố lễ tang bắt đầu. Họ Đỗ làm lễ phát tang thật tôn nghiêm. Lễ viếng diễn ra từ chiều đến đêm ngày 11/9 và sáng 12/9. Hội phật tử viếng và đọc kinh Đức phật. Đoàn đại biểu của Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã Giao Thịnh, thôn Bỉnh Di, xóm 6 về viếng và đọc lời điếu tiễn biệt bà mẹ liệt sỹ con trai Đỗ Văn Phảng và con rể Lương Văn Nha. Lễ tiễn đưa tang diễn ra vào sáng 12/9 chu đáo. Dòng người tiễn đưa Bác tôi về nơi yên nghỉ cuối cùng kéo dài suốt dọc đường làng, ai cũng tỏ lòng tiếc thương sâu đậm. Bác tôi mãi mãi đi xa, người cuối cùng bậc cha bác của chúng tôi vĩnh biệt cõi trần. Lễ khâm niệm, lễ viếng, lễ tiễn đưa cụ về nơi yên nghỉ cuối cùng thật tôn nghiêm, trang trọng, sâu đậm nghĩa tình.
Tôi vào bộ đội, chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn. Năm 1971 được chi bộ Ban công binh Binh trạm 32 bồi dưỡng kết nạp Đảng. Anh PTH - Đảng viên bồi dưỡng hướng dẫn tôi làm lý lịch để kết nạp Đảng, tôi khai là ông ngoại làm phó lý mua, địa chủ đã hạ thành phần xuống trung nông lớp trên. Thế rồi trong công tác đã xảy ra vụ cãi nhau về chuyên môn giữa tôi với anh PTH người giúp đỡ tôi. Sau đó anh ấy đưa lý lịch của tôi ra chi bộ nói là không đủ tiêu chuẩn kết nạp Đảng, chi bộ loại ra luôn. Ông tôi bị oan, tôi cũng bị oan. Do yêu cầu nhiệm vụ, tôi chuyển đi đơn vị khác, năm nào cũng được bầu là chiến sỹ thi đua, mãi tháng 7/1973 tôi mới được kết nạp Đảng ở Phòng Công binh sư đoàn 472 trên khu vực đường 9 nam Lào. Anh tôi Mai Văn Tiễu con cả của bác Khuy ( bác Tân gái ) đang học văn hoá ở Trường sỹ quan không quân tại Kiến An năm 1955 bị đuổi học, không cho kết nạp Đảng, ra quân, mãi năm 1960 mới được vào Đảng. Anh tôi cũng bị oan, sau đó anh vào học tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Tôi xa quê gần nửa thế kỷ , mỗi lần về đều ra thắp nén hương thơm với tấm lòng thành dâng lên ông bà ngoại cùng các bác, các anh đã qua đời, hy sinh. Khi được nghỉ hưu lần đầu tiên về dự giỗ ông ngoại tôi đã viết một tập thơ dầy "BÊN NGOẠI CỦA TÔI" tặng các anh các chị và các cháu bên ông bà ngoại, trong đó có bài:
ÔNG BÀ NGOẠI TÔI
Điện Biên chiến thắng vọng về
Tin truyền lan khắp miền quê rộn ràng
Bừng lên hào khí âm vang
Cải cách ruộng đất xóm làng đổi thay
Bỗng loa miệng báo giữa ngày
Đấu tố địa chủ cờ bay, trống rùng
Con theo mẹ dắt đi cùng
Sân nhà bà ngoại hãi hùng đắng cay
Ông bị trói giật khuỷu tay
Người đông chen lấn vòng vây dây thừng
Mấy cô du kích đùng đùng
Chít khăn mỏ quạ, súng trường khoác vai
Quần đen túm gót, lưng đai
Hùa cùng mấy chú khoẻ trai xúm vào
Vặt râu, túm tóc nhao nhao
Kéo tai, vạch mặt mày tao nhục hình
Dăm người xỉa xói khiếp kinh
Ông quỳ, đầu gục co mình bẩm khai
Một đàn cháu họ lai nhai
Thương ông oan nghiệt chẳng ai lên lời…
Dẫu rằng đã sửa sai rồi
Thành phần hạ xuống kịp thời trung nông
Trả nhà, giường, tủ, mâm đồng
Nhưng ông đã trải trời trồng, gối run
Còn may chưa bị gông cùm
Không nghe tiếng súng nổ bùm, thoát thân…
Con ơi, mau bước nhanh chân
Ông ngoại vừa mới hết tuần được tha
Lon ton theo mẹ chạy ra
Ông ngồi sân đón, trẻ sa, già mừng
Bà cho cơm cá, cháu bưng
Ấm lòng thân trẻ, tưng bừng tuổi hoa
Hôm sau ông đến thăm nhà
Xới vườn, cuốc đất hơn là nông dân
Mỗi tuần cháu tới đôi lần
Thăm ông bà ngoại tình thân chan hoà
Ngắm ông làm lụng việc nhà
Nhìn bà quá khổ vào ra lưng còng
Tay luôn cầm chiếc gậy song
Ngày ngày quanh quẩn dạo trong góc tường
Cả đời lam lũ ruộng nương
Cháu ra đã thấy, lòng thương bà gù
Dẫu rằng có chút của dư
Cũng do lao động chắt từ mồ hôi
Lớn lên cháu bước vào đời
Ngót nửa thế kỷ không ngơi dặm trường
Nhớ về nguồn cội quê hương
Khắc sâu tâm trí lòng thương ông bà
Bao lần cúng giỗ vắng xa
Chắp tay bái vọng đậm đà tình thương
Giờ đây vui với đời thường
Cháu luôn lui tới khói hương vẹn tròn./.
Hà Nội, đêm 10/11/2014.
VỀ GIỖ ÔNG NGOẠI
Nửa thế kỷ bước đường xa
Bóng hình ông ngoại đậm đà trong tâm
Mang theo suốt cuộc hành quân
Chiến hào, biển đảo, dạo tuần biên cương
Xế chiều trở lại quê hương
Bừng lên ký ức lòng thương ông nhiều
Bao năm sương gió sớm chiều
Làm ăn tính toán chi tiêu nhất làng
Ruộng đồng công sức mở mang
Cải cách ruộng đất bàng hoàng xót xa
Quy cho địa chủ nêu ra
Tịch thu của cải, cửa nhà, còng tay
Đấu tố tra khảo mấy ngày
Nắng như đổ lửa trưa đày giữa sân
Thương ông cơ cực tấm thân
May mà hạ xuống thành phần trung nông…
Lớn lên cháu đứng xung phong
Lên đường đánh Mỹ sáng hồng lòng son
Ông đi, cháu ở Trường Sơn
Đạn bom chia cắt chưa tròn phận tang
Cuốn vào công việc dọc ngang
Những ngày cúng giỗ xa làng vắng tên
Giờ đây mãn nhiệm, viên điền
Tháng hai, mười bảy thường niên nhớ về
Cùng nhau hội tụ miền quê
Nén hương thành kính trọn bề tình thương./.
Xuân Ất Mùi 2015, viết nhân dịp lần đầu tiên
về giỗ ông ngoại 17/02/Ất Mùi 2015.
Nhà tôi nghèo, bố mẹ tôi bảo những năm đói nhờ ông bà ngoại cưu mang rất nhiều, thời niên thiếu tôi cũng chơi với các anh bên ngoại nhiều nên gắn kết kết tình thân thật sâu đậm. Năm 2015 nhân dịp được chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tôi đã đề nghị và được các anh bên ngoại đồng ý cho làm lễ cúng tiên tổ ngành và chiêu đãi cả họ ngành bên ngoại. Năm 2017 tôi được chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi cũng đề nghị làm lễ cúng tổ ngành bên ngoại và chiêu đãi cả họ. Qua hai lần cúng tổ ngành bên ngoại là dịp được gặp, gần gũi tất cả anh em con cháu bên ngoại, thắt chặt thêm tình thân ruột thịt, dòng họ.
Hôm nay tiễn bác dâu bên ngoại của tôi ra đi, nhìn lại quang cảnh nhà cửa, sân vườn, đường đi lối lại, vẫn hiện nguyên những hình ảnh khi xưa, thật bùi ngùi thương nhớ ông bà ngoại cùng các bác, bố mẹ tôi . Các anh các chị của tôi đã hy sinh và ra đi một số người. Thời gian lùi xa, con cháu sinh ra, người già đã khuất, lòng bâng khuâng nhớ lại biết bao kỷ niệm đã hơn sáu chục năm qua.
Về lo đám tang cho bác, mấy anh em gặp nhau. Cháu trai bên nội còn có 3 người : Anh Kiên, anh Phưởng, anh Phông, anh Phơn. Cháu trai bên ngoại còn anh Tiễu, anh Xông, anh Tuyên và tôi. Các cháu gái còn đông hơn. Anh Tiễu con cả của bác Tân năm nay 84 tuổi, anh Kiên con trai bác Ruyện năm nay 77 tuổi nói: Thế là đã hết các bậc cha chú, còn lại mấy anh em mình rồi cũng lần lượt ra đi, quy luật cuộc đời là như vậy mà. Nhưng chúng tôi rất tự hào về đại gia đình của hai cụ PHÓ HOANH. Anh Kiên nói : rất tự hào có ba cái nhất. Anh Kiên là tú tài đầu tiên của làng, anh Tiễu là kỹ sư đầu tiên của làng, Tôi là Thiếu tướng đầu tiên của làng. Ông bà, các bác và bố mẹ tôi cùng các anh các chị tôi dưới suối vàng hôm nay mãn nguyện.
Ông bà sinh được bảy người
Ba trai, bốn gái mẹ tôi út nhà
Hôm nay bác đã đi xa
Trai gái dâu rể ông bà đều quy
Trống kèn thống thiết lâm ly
Tấm lòng thành kính cháu ghi mấy lời
Bác nay gần đất xa trời
Lễ tang trang trọng lòng người tiếc thương
Từ nay trên cõi trần dương
Cây cao bóng cả đã nhường lớp sau
Ngậm ngùi lòng dạ xót đau
Cháu xin tiễn biệt cúi đầu dâng hương
Từ nay vắng bác dặm trường
Ngàn thu yên nghỉ, Tây phương, Niết bàn
Bỉnh Di - Giao Thịnh - Giao Thuỷ ngày 12/9/2017 Tức 12/7/ năm Đinh Dậu
Hoàng Kiền