" Trung thu" - Hoàng Kiền

Ngày đăng: 09:32 04/10/2017 Lượt xem: 1.241
TRUNG THU
 
          Tết Trung thu không biết có từ bao giờ, rất nhiêu giả thuyết đưa ra, nhưng là cái tết rất đẹp của trẻ con. Các tên thường gọi là Tết trung thu, Tết trông trăng, Tết thiếu nhi (Tết trẻ con), Tết hoa đăng, Tết đoan ngọ. 
          Tết Trung thu được thịnh hành ở các nước Đông Á: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.
         Cho đến bây giờ, vẫn chưa xác minh rõ ràng được Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.
         Theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Người Trung-Hoa cổ-đại cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời Xuân-Thu. Có lẽ Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam, là một ngày lễ hội mừng thu hoạch được mùa, vào lúc nông dân nghỉ-ngơi và vui chơi sau một vụ mùa.
         Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, tục treo đèn bày cỗ do điển xưa về việc vua Đường Minh Hoàng. Vào ngày sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn và bày tiệc ăn mừng, từ đó thành tục.
         Tục rước đèn do tự đời nhà Tống, do tục truyền truyền rằng: Trong đời vua Tống Nhân Tông, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên là con gái mà đi hại người. Bây giờ có viên quan Bao Công mới sức cho dân gian làm đèn con cá giống như hình nó mà đem giong chơi ngoài đường để cho nó sợ mà không dám hại người.
         Cũng theo Phan Kế Bính, tục hát trống quân do từ đời vua Quang Trung Nguyễn Huệ, "nguyên khi ông đem quân ra Bắc. Quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Ông ấy mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân".
         Tết Trung thu là thế … Với mỗi người con Việt lại mãi còn một dấu ấn về cái đêm “ Trăng sáng như gương” Gìa trẻ ai cũng nhớ đến Bác Hồ - Nỗi nhớ ấy nó được hòa quyện trong một đám rước – Rước đèn ông sao cùng với rước ảnh Bác Hồ…
         Với tôi - Trung thu là ký ức một thời, là hôm nay và là niềm mong cho thế hệ con cháu mãi được hưởng những đêm Trăng rằm đẹp như hôm nay.

   
 
Trung thu có tự bao giờ
Đọng trong tâm thức tuổi thơ đầu đời
Đã đi khắp nẻo muôn nơi
"Tết thiếu nhi" nhớ một thời quê hương
Khoảng trời nhỏ bé thân thương
Trùng trùng ký ức từng chương dâng trào
Mỗi năm một tết vui sao
Trẻ con nô nức đón chào ngắm trăng
Vẫy mời chú quậy chị hằng
Trên trời xanh xuống, đêm rằm vui chơi
Lung linh cỗ đẹp bầy cơi
Khắp làng già trẻ lòng người hân hoan
Bừng lên hào khí toả lan
Múa lân, trống ếch ngân vang rộn ràng
Trời xanh gió mát trăng vàng
Hoà chung ngõ xóm, đường làng bừng lên
Toả thơm hương vị cổ truyền
Gia đinh đoàn tụ trọn niềm yêu thương
Bước chân khắp nẻo muôn phương
Trường Sơn, Biển đảo, biên cương miệt mài
Rời quân dừng bước đường dài
Nay bên đàn trẻ gái trai rộn ràng
Tùng tùng trống ếch khua vang
Đèn ông sao sáng phố phường thủ đô
Vui cùng đàn cháu tuổi thơ
Ông bà cha mẹ lo cho trăng tròn
Ước gì mình vẫn trẻ con
Tuổi thơ ngơ ngác mãi còn trong ta
Chúc nhau trẻ mãi không già
Mùa trăng hạnh phúc vẫn là tuổi thơ.

Hoàng Kiền
tin tức liên quan