Chùm tác phẩm viết về Anh hùng LS Nguyễn Ngọc Đồng Của CCB Phạm Quốc Khánh - Nam Định
GIỚI THIỆU CHÙM TÁC PHẨM CỦA PHẠM QUỐC KHÁNH
VIẾT VỀ ANH HÙNG LIỆT SỸ NGUYỄN NGỌC ĐỒNG
Cựu chiến binh Phạm Quốc Khánh hiện đang sinh sống tại Phường Vị Xuyên – TP Nam Định – Tỉnh Nam Định. Anh gia nhập Quân đội tháng 6 năm 1971. Sau thời gian đào tạo và công tác tại trường Đại học Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng (Nay là Học viện KTQS) anh chuyển về công tác tại Trường Sĩ quan Thông tin - BTL Thông tin liên lạc. Cấp bậc, Chức vụ trong Quân đội trước khi xuất ngũ chuyển ngành của anh là: Đại úy, Phó Chủ nhiệm Khoa Hữu tuyến điện, Trường Sĩ quan Chỉ huy KT Thông tin, Bộ TL Thông tin.
Rời quân ngũ anh về công tác tại Ủy Ban Kế hoạch Tỉnh Hà Nam Ninh, sau là Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh Nam Định - Trong quá trình này anh đã tham gia học tập đào tạo Cử nhân Kinh tế công nghiệp tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Cử nhân Chính trị tại Học viện CTQG Hồ Chí Minh; Thạc sỹ kinh tế tại Đại học KTQD và Chuyên viên cao cấp tại Học viện Hành chính Quốc gia. Phạm Quốc Khánh đảm nhiệm chức danh Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Sở KHĐT từ năm 2003 đến khi về hưu (năm 2014). Phạm Quốc Khánh từng là Ủy viên BCH Hội CCB khối Cơ quan tỉnh kiêm Chủ tịch Hội CCB Sở KHĐT tỉnh Nam Định…
Hiện nay CCB Phạm Quốc Khánh tham gia: Ủy viên UBMTTQ Tỉnh Nam Định; Phó Trưởng đoàn Hội thẩm TAND Tỉnh Nam Định. Ngoài ra anh còn tham gia làm: -Ủy viên thường vụ CLB Thơ Việt Nam; Chủ tịch CLB Thơ VN tỉnh Nam Định; Phó Chủ nhiệm CLB Thơ Nguyễn Công Trứ (Ngành Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam)…
Không là hội viên Hội Trường Sơn nhưng ngay từ khi biết đến Trang Thông tin Trường Sơn - CCB Phạm Quốc Khánh đã gắn duyên mình với Trường Sơn, theo đó anh đã dành quỹ thời gian tìm hiểu về Trường Sơn để rồi anh đã cho ra đời một số bài thơ gửi đến chia sẻ cùng bạn đọc của Trang Thông tin Trường Sơn…
Và hôm nay trong thời khắc quân dân cả nước đang náo nức đón chào kỷ niệm lần tứ 73 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam thì CCB Phạm Quốc Khánh lần trong ký ức của mình về một câu chuyện - Câu chuyện về anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Ngọc Đồng - Người mà đã tình nguyện tạm rời vị trí một cán bộ của ngành Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nam Định để tái ngũ và trở thành một Chính trị viên của Tiểu đoàn Đặc công Phú Lợi 2 …
Gọi điện cho tôi anh nói: nhân dịp này anh muốn “tung” câu chuyện về người anh hùng Liệt sỹ ấy vào cái không gian đầy Truyền thống hào hùng, mênh mông tình đồng đội và nặng nghĩa tri ân - Trang Thông tin điện tử của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Không dừng lại chia sẻ điều muốn của mình – Cũng từ cuộc điện thoại này CCB Phạm Quốc Khánh còn tóm lược cái cốt của câu chuyện với tôi rằng:
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – “Miền Nam đi trước về sau”. Đúng, đúng lắm – Để có được cái ngày “đất nước trọn niềm vui – 30/4” Quân dân cả nước cùng với Đồng bào miền Nam đã phải đánh đổi tất cả để làm nên cái mốc son Lịch sử chói lọi ấy… Câu chuyện tôi kể nó khởi nguồn từ vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Và chính nơi chiến trường ác liệt ấy có những người con miền Bắc chiến đấu và hy sinh vô cùng anh hùng và quả cảm. Anh Nguyễn Ngọc Đồng, một cán bộ của ngành Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nam Định tái ngũ là Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công Phú Lợi 2. Đơn vị 2 lần anh hùng và từng được mệnh danh là “Quả đấm thép miền Đông”. Anh Nguyễn Ngọc Đồng từng được Mỹ - Ngụy khiếp đảm mệnh danh là “Hùm xám đồng bằng”. Trong chuyến công tác đột nhập nội thành nắm tình hình, chuẩn bị cho những trận chiến đấu mới… Do một tên giao liên là người của địch cài vào dẫn đường đã mật báo điểm dừng chân trong đêm của anh. Địch đã sử dụng 2 Tiểu đoàn bộ binh có thiết giáp và trực thăng yểm trợ bao vây và gọi hàng nhưng Nguyễn Ngọc Đồng đã cùng đồng chí liên lạc kiên cường chiến đấu. Sau gần 4 giờ quần nhau với giặc, hai anh bị thương đầy mình, hết đạn, đã phá súng và hy sinh. Quân thù man rợ đã chặt đầu hai anh bêu ở hai đầu cầu ông Thìn giáp giới Sài Gòn và Long An để hòng lung lạc ý chí quân dân ta…
Sự hy sinh oai hùng của anh Nguyễn Ngọc Đồng đã được CCB Phạm Quốc Khánh dành 6 năm ròng xây dựng hồ sơ trình Nhà nước tôn vinh truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Liệt sỹ Nguyễn Ngọc Đồng.
Và tấm gương về sự nghiệp của Anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Ngọc Đồng đã mang đến cho CCB Phạm Quốc Khánh tư liệu và cảm xúc để anh cho ra đời chùm tác phẩm (văn, thơ, nhạc) nhằm tôn vinh người anh hùng; người đồng chí đồng đội kính yêu của mình…
Xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trang Thông tin Trường Sơn chùm tác phẩm đầy ý nghĩa này của CCB Phạm Quốc Khánh.
Phạm Sinh - Trang TT Trường Sơn
CÂU CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI ANH HÙNG
Chân dung tác giả Phạm Quốc Khánh
Nếu chẳng hy sinh thì đến nay Nguyễn Ngọc Đồng cũng đã vào tuổi 90 rồi. Nhưng những người anh hùng luôn trẻ mãi vì “Anh” ngã xuống ở cái tuổi sung sức nhất – tuổi 42! Một cuộc đời hai lần cầm súng nhưng có một thời làm Bí thư chi bộ, Trưởng bộ phận Xây dựng cơ bản, Uỷ ban Kế hoạch (nay là Sở Kế hoạch và Đầu tư) tỉnh Nam Định).
Anh sinh năm 1927, đi theo Bộ đội làm liên lạc từ khi mới 15 tuổi. Từ 1951 – 1954 Anh tham gia Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trong lực lượng Pa thét Lào do Hoàng thân Xu Pha Nu Vông lãnh đạo. Năm 1955, Anh được chọn đi học lớp đào tạo Cán bộ chính trị – Chính uỷ đầu tiên của Quân đội tại tỉnh Côn Minh (Trung Quốc).do đồng chí Song Hào – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phụ trách.
Năm 1956, trở về nước, Anh được đề bạt Sĩ quan Đại đội bậc trưởng, tiếp sau đó là cấp bậc Tiểu đoàn bậc phó, giữ cương vị Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3 – Trung đoàn 83 – Sư đoàn 335 .
Những năm 1957– 1960, Anh lại được cử sang Lào chiến đấu tại mặt trận Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, rồi chuyển sang làm công tác đặc biệt (bảo vệ các đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội sang công tác, ngoại giao và chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu tại Lào). Trong thời gian này, Anh được trao cấp hàm Thượng uý.
Ngày 05 tháng 01 năm 1959, Anh được mang số hiệu Sỹ quan 19604 (theo Nghị định số 894/NĐ, do Đại tướng – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký và đóng dấu). Anh đã đóng góp vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc giải cứu thành công Hoàng thân Xuphanuvông thoát khỏi âm mưu bắt cóc và giam cầm của đế quốc Mỹ và bọn phản động Lào Phủi Xananicon. Tên anh được đổi từ Nguyễn Văn Rụy thành Nguyễn Ngọc Đồng – cái tên do Hoàng thân Xuphanuvông và Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp nhau sau cuộc giải cứu lịch sử ấy đã tặng cho Anh ghi dấu ấn một kỷ niệm không bao giờ quên!
Ngày 26/5/1961, với cấp hàm Thượng uý Quân đội, Anh được chuyển ngành về Uỷ ban Kế hoạch tỉnh Nam Định. Từ năm 1961 – 1965, Anh là Trưởng bộ phận nghiệp vụ Kế hoạch Xây dựng cơ bản (nay là Phòng XDCB) kiêm Bí thư chi bộ Đảng tại cơ quan.
Tháng 4/1965, theo tiếng gọi của tiền tuyến lớn miền Nam, để tăng cường sức chiến đấu cho Quân đội và chiến trường Miền Nam, Anh tái ngũ và được bổ nhiệm giữ cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 568, Sư đoàn 330 với cấp hàm Thượng uý (theo Quyết định bổ nhiệm số 78/ABN5 của Bộ Tư lệnh Quân khu III, do Thượng tá Ngô Thành Vân ký ngày 26/8/1965).
Sau 6 tháng đầy gian nan vất vả, vừa hành quân vừa mở đường, đầu năm 1966, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 568 của Anh vào đến chiến trường. Đó là đơn vị chính quy nhất nên được “vị nể” nhất và được coi là đơn vị “Anh Cả” của Quân Giải phóng tại chiến trường Miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ. Anh cùng đơn vị được giao nhiệm vụ hoạt động, chiến đấu tại khu Bảo Hàm (Đồng Nai).
Sau đó Tiểu đoàn Anh được hành quân xuống Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) phối hợp tác chiến với Tiểu đoàn Phú Lợi I (đơn vị đặc công hoạt động nội thành). Tiểu đoàn Anh được tách khỏi Trung đoàn, đổi phiên hiệu từ Tiểu đoàn 9 thành Tiểu đoàn đặc công – biệt động Phú Lợi II trực thuộc Quân khu 7. Tên Tiểu đoàn Phú Lợi II là tình cảm và thể hiện sự chi viện của Miền Bắc đối với Miền Nam (Tiểu đoàn Phú Lợi I là của Quân khu và tỉnh Thủ Dầu Một thành lập, Tiểu đoàn Phú Lợi II là từ Miền Bắc đưa vào). Tên mới của đơn vị cũng là niềm tin tưởng vào sức mạnh chiến đấu của đơn vị và năng lực của Ban chỉ huy Tiểu đoàn có Nguyễn Ngọc Loan là Tiểu đoàn trưởng và Nguyễn Ngọc Đồng là Chính trị viên.
Năm 1966, Anh được thăng quân hàm Đại uý theo Quyết định số 1679/QĐ - D6 do Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào ký ngày 31/01/1966.
Năm 1966 – 1967, đơn vị Anh làm nhiệm vụ chiến đấu tại mặt trận phía Nam, thuộc đơn vị Bộ Tư lệnh miền NB (Chiến khu Đ Miền Đông Nam Bộ) với cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn Phú Lợi II.
Năm 1968, sáp nhập phân khu Bắc và phân khu Nam thành Đặc khu Sài Gòn – Long An, Anh được bổ nhiệm là Chính uỷ lực lượng đặc công – biệt động đồng thời kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn Phú Lợi II thuộc Đặc khu Sài Gòn – Long An còn có Tư Thân làm Tư lệnh, Trương Văn Đệ (tức Đoàn Trình) làm Phó Chính ủy.
Với những đặc điểm nổi bật ấy, Tiểu đoàn Phú Lợi II được lựa chọn giao nhiệm vụ xung kích, đánh trận đầu tiên, mở màn chiến dịch Tổng tiến công vào đô thành Sài Gòn đêm 30 rạng sáng mồng Một – Tết Mậu Thân 1968. Đơn vị chiếm hoàn toàn và làm chủ cầu Chữ Y, bốt Trần Minh Châu, bốt Phạm Thế Hiển, bốt Cây Khô thuộc xã Đa Phước thuộc huyện Bình Chánh (Sài Gòn), giáp với xã Tân Kim, Cần Giuộc (Long An) tạo khí thế náo nức trên mặt trận và hàng loạt trận tiếp theo của cuộc Tổng tiến công trên tất cả chiến trường.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của cả 3 thứ quân và quần chúng cách mạng Tết Mậu Thân 1968 có sự đóng góp vô cùng quan trọng của đơn vị chủ lực đặc công – biệt động Tiểu đoàn Phú Lợi II, đơn vị xung kích mở màn chiến dịch. Sự chỉ huy tài tình của Tiểu đoàn trưởng Tư Loan (tức Nguyễn Ngọc Loan, quê: huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) và Chính trị viên Hai Đồng (tức Nguyễn Ngọc Đồng) đã lập những chiến công vang dội làm nức lòng người, được Bộ Tư lệnh miền (BTL tiền phương 2) khen ngợi và mệnh danh Tiểu đoàn Phú Lợi II là “Quả đấm thép miền Đông”!
Tinh thần và ý chí chiến đấu của Nguyễn Ngọc Đồng và Nguyễn Ngọc Loan đã thành máu thịt trong Cán bộ Chiến sĩ Tiểu đoàn Phú Lợi II. Ý thức tìm địch mà diệt và bản tính táo bạo của Chính trị viên (CTV) Hai Đồng thể hiện nổi bật ở trận tập kích chớp nhoáng đoàn xe tăng và xe bọc thép M113 của Mỹ cụm tại chốt tháp Cao Đài, ấp 3 xã Hưng Long, huyện Bình Chánh đêm ngày 27 rạng sáng 28-3-1968. Chỉ với một bộ phận gọn nhẹ của Tiểu đoàn do trực tiếp CTV Hai Đồng chỉ huy phối hợp nhịp nhàng với 1 Tiểu đội du kích xã Hưng Long đã triển khai nhanh, kết thúc gọn. Đích thân Hai Đồng cùng 2 Chiến sĩ gan dạ đột nhập mục tiêu, dùng lê và dao găm thủ tiêu tốp lính gác của địch và phát lệnh tấn công. Chỉ trong vòng 10 phút ta đã diệt 2 xe bọc thép, đánh hư hỏng nặng 6 chiếc khác, tiêu diệt 24 tên lính Mỹ, làm rung chuyển cụm chốt xe bọc thép. Phía ta rút gọn an toàn, chỉ có 1 đồng chí bị thương nhẹ, làm cho kẻ địch kinh hoàng, nhân dân trong vùng rất vui mừng, hả dạ!
Sau gần 1 tháng Tổng tiến công dồn dập, ta chuyển sang củng cố lực lượng để chuẩn bị bước vào giai đoạn 2. Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 4 năm 1968, tại Đông Nam Bộ, ta bí mật triệu tập cuộc họp quan trọng giữa BTL miền với Quận ủy Quận 7, Quận 8, xã Đa Phước thuộc huyện Bình Chánh (Sài Gòn) cùng với các cán bộ chủ chốt của 4 Tiểu đoàn chủ lực Quân Giải Phóng có các cán bộ chỉ huy như: Mười Xưởng (Tiểu đoàn trưởng D1 Long An), Tám Thành (Tiểu đoàn trưởng D2 Long An), Bảy Nguyễn (Tiểu đoàn trưởng D6 Đồng Nai), Tư Loan và Hai Đồng (Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên đơn vị “Quả đấm thép” D Phú Lợi II) và một số đồng chí khác mà đồng chí Trần Ngọc Thành – Trung đội trưởng Thông tin chịu trách nhiệm bảo đảm Thông tin liên lạc cho cuộc họp nên còn nhớ rõ địa điểm họp và nhớ khá đầy đủ thành phần cán bộ dự họp.
Địa điểm họp rất bất ngờ tại khu vực Bến Đá, ấp 3, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, nằm ngay trong tầm hoả lực phi pháo và súng bộ binh mạnh của các cứ điểm, đồn bốt của Mỹ Nguỵ xung quanh. Bất ngờ, một quả đạn địch bắn cầm canh rơi trước cửa hầm khu vực cuộc họp, Tiểu đoàn trưởng Tư Loan bị thương nặng vào háng. Sau 2 ngày cấp cứu vẫn không cầm được máu, anh đã hy sinh (vì mất máu quá nhiều) trong nỗi tiếc thương vô hạn của đồng đội và nhân dân. Trước khi ra đi, Tư Loan còn trăng trối: “Bằng bất cứ giá nào cũng phải lấy tấn công địch làm nòng cốt. Các đồng chí vững lòng chiến đấu! Anh Hai Đồng hãy cố gánh vác chỉ huy Tiểu đoàn!”. Và đồng chí Tư Loan đã hy sinh, mọi người vô cùng đau xót tiếc thương! Hôm đó là sớm ngày 30 tháng 4 năm 1968, chỉ còn 4 ngày nữa là chiến dịch lại nổ súng tiến công đợt 2 (đêm 4 rạng 5-5-1968).
Trong lúc nỗi tiếc thương người Tiểu đoàn trưởng tài trí dũng cảm còn chưa vơi thì công tác chuẩn bị tác chiến lại hết sức khẩn trương, bộn bề, mọi trách nhiệm lãnh đạo chỉ huy đơn vị đè cả lên vai Chính trị viên Nguyễn Ngọc Đồng. Trong đặc khu, sau tiến công đợt 1, Tiểu đoàn nào cũng bị tổn thất do bị thương và hy sinh khá nhiều. Theo chủ trương chung, các đơn vị được bố trí xen kẽ giữa cán bộ chiến sĩ của miền Bắc với cán bộ chiến sĩ của Long An và Nam Bộ để giúp nhau trong sinh hoạt, công tác và chiến đấu, đồng thời để giữ bí mật, không để lộ quân chủ lực miền Bắc có mặt ở chiến trường thời điểm đó.
Vượt qua bệnh tật thiếu thốn (trong đó có căn bệnh “sủi bò” của hầu hết anh em chiến sĩ miền Bắc khi mới vào vùng sông lạch đồng lầy Nam Bộ, gây rất nhiều phiền toái khổ sở) nhưng dưới sự lãnh đạo chỉ huy vững vàng tự tin, tài tình, sáng suốt của Chính trị viên Hai Đồng vẫn tiếp tục lập chiến công mới. Đơn vị lại ra quân có sự phối hợp của lực lượng vũ trang Cách mạng xã Long Hưng, huyện Bình Chánh đã chủ động tập kích và đánh úp, tiêu diệt gọn đồn Tân Quý, đồn Hưng Long bị bức rút, hoảng sợ phải tháo chạy. Uy tín Cách mạng được nâng cao, quần chúng càng thêm tin tưởng yêu mến Quân Giải Phóng.
Kể từ khi Tiểu đoàn trưởng Tư Loan hy sinh, dưới sự chỉ huy của Chính trị viên Hai Đồng, Tiểu đoàn Phú Lợi II không có phút nào ngơi nghỉ. Lực lượng tuy không đông đủ như trước ngày Tổng tiến công nhưng tinh thần và ý chí vẫn luôn được củng cố. CTV Hai Đồng sâu sát tới từng bộ phận, từng công việc, từng chiến sĩ nên ai cũng thấy yên tâm vững chí. Bản chất gan góc và ý chí kiên cường của Chính trị viên Hai Đồng thấm đến từng người, lúc nào cũng say sưa chuẩn bị chiến đấu, tìm địch mà diệt, khiến chúng ăn không ngon, ngủ không yên, vừa hằn học, vừa sợ hãi.
Một câu chuyện thật đáng ghi nhớ, nhờ sự chỉ huy sáng suốt nhanh nhạy tỉnh táo của CTV Hai Đồng mà cả Tiểu đoàn đã thoát khỏi tình thế hiểm nghèo, chuyển từ thế bị bao vây, bị động sang thế chủ động: Giai đoạn đó, toàn đơn vị đang trong thời kỳ củng cố lực lượng. Vào ngày 23 tháng 5 năm 1968, Tiểu đoàn Phú Lợi II đang ém quân tại vườn xoài Tân Quý, xã Quý Đức, CTV Hai Đồng chỉ huy đơn vị học tập chính trị, nghe tình hình thời sự Quốc tế, nghe phân tích cục diện chiến trường và quán triệt tinh thần chiến đấu, củng cố lực lượng của đơn vị thì vào lúc 1 giờ chiều, chiến sĩ trinh sát cảnh giới báo cáo từ xa có rất nhiều địch và xe bọc thép xuất hiện, đang từ 3 hướng tiến vào. Bằng nhạy cảm vốn có của người chỉ huy, Hai Đồng biết ngay là nơi đóng quân của Tiểu đoàn đã bị lộ, quân địch đang tiến quân để tập kích bất ngờ tiêu diệt Tiểu đoàn Phú Lợi II. Lập tức Anh ra lệnh thu dọn sạch, xoá mọi dấu vết nơi trú quân, sẵn sàng cơ động chiến đấu, quyết định chuyển từ thế bị động sang thế chủ động. Trinh sát phát hiện địch tăng quân hòng làm dày thêm vòng vây của chúng, Hai Đồng bình tĩnh, khẩn trương quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Bất kỳ trong hoàn cảnh hiểm nghèo nào, người chiến sĩ Cách mạng cũng phải sẵn sàng tư thế chủ động tấn công áp đảo địch” và “Phải bám thắt lưng địch mà đánh!”. Lập tức Anh phân công cho chỉ huy các cấp động viên lực lượng đơn vị bí mật luồn ra ngoài vòng vây của địch, rút khỏi vườn xoài Tân Quý (xã Quý Đức). Trước khi rút đi, Anh cùng đồng chí liên lạc chuyển sang hướng khác, gài 2 trái lựu đạn để nghi binh đánh lừa địch. Toàn Tiểu đoàn rút ra khỏi Tân Quý, vòng sang Tân Kim, rồi sang Mỹ Lộc dàn quân phục kích lại địch.
Sau 4 tiếng đồng hồ bao vây bất ngờ, địch tưởng tiêu diệt được Tiểu đoàn Phú Lợi II nhưng chúng lại bị lọt vào trận địa không người và dính lựu đạn gài làm 2 tên chết và nhiều tên bị thương. Trời nhá nhem tối, địch tưởng bị ta phục kích nên chúng đành vứt lại 2 xác chết, mãi sáng hôm sau mới dám lò dò vào lấy ra.
Khi lựu đạn gài nổ, nhiều cánh quân khác của địch tưởng ta tấn công, hốt hoảng tháo lui, một bộ phận chạy về Mỹ Lộc, rơi vào ổ phục kích của Hai Đồng và tiểu đội của Tiểu đoàn Phú Lợi II đang ém quân mai phục sẵn. Với những loạt AK điểm xạ đĩnh đạc của quân ta, địch nháo nhào bỏ chạy, quăng lại cả vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng tháo thân về Tân Kim, Bộ đội ta lại được dịp bổ sung thêm trang bị vũ khí, quân trang quân dụng từ các chiến lợi phẩm này!
Thế là từ một tình thế hiểm nghèo, bị bao vây, nhờ sự cảnh giác trong bố trí cảnh giới và sự xử trí quyết đoán sáng tạo, kiên quyết, nhanh nhạy, mưu trí, Chính trị viên Nguyễn Ngọc Đồng đã đưa đơn vị trở về bình an vô sự, lại diệt được địch, thu được chiến lợi phẩm và đơn vị hoàn toàn giữ thế chủ động!
Năm 1969, Tiểu đoàn Phú Lợi II tiếp tục cùng Bộ đội địa phương tỉnh Long An trong đó nòng cốt là Tiểu đoàn I Long An, tác chiến liên tục tiêu hao sinh lực địch và phá huỷ các phương tiện chiến tranh của Mỹ, Nguỵ vùng xung quanh đô thành Sài Gòn, Kẻ địch kinh hoàng thất điên bát đảo, la lối om xòm trên báo chí. Chúng hằn học tức tối như con thú dữ bị thương khi đánh hơi thấy Chính trị viên Hai Đồng chính là linh hồn của Tiểu đoàn Phú Lợi II. Chúng hô hào, treo giải thưởng “Nếu ai bắt được, giết được Hai Đồng sẽ được tặng thưởng 10 vạn đô la”. Tuy nhiên, CTV Hai Đồng và cả đơn vị càng nung nấu quyết tâm, vững vàng chiến đấu không hề nao núng! Với những chiến công làm nức lòng người, Tiểu đoàn Phú Lợi II trở thành niềm tin yêu của quần chúng Cách mạng và lực lượng vũ trang trong cả vùng Sài Gòn – Gia Định – Long An.
Khoảng gần 10 giờ sáng, ngày13/9/1969, Nguyễn Ngọc Đồng đã anh dũng hy sinh cùng người chiến sỹ liên lạc bảo vệ trong trận chiến đấu quá chênh lệch về lực lượng giữa một bên là 2 cán bộ, chiến sĩ của ta với một bên là 2 Tiểu đoàn địch với đầy đủ vũ khí và phương tiện yểm trợ tại khu vực gò Cây Dừa thuộc xã Tân Kim, huyện Cần Guộc, tỉnh Long An. Anh đã hy sinh đúng lúc mới 42 tuổi đời, 20 tuổi quân, 23 tuổi Đảng.
Theo lời kể lại của những bạn chiến đấu và cán bộ cơ sở trong vùng còn sống và những tư liệu thu thập được gồm có:
1. Đồng chí Trương Văn Đệ (tức Đoàn Trình), nguyên Phó Chính uỷ mặt trận Sài Gòn – Long An, đã về hưu, hiện trú tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nữ đồng chí Ba Thiều, nguyên Bí thư chi bộ Đảng bí mật kiêm chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương thời kỳ 1968 – 1969 tại xã Đa Phước, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
3. Đồng chí Trần Ngọc Thành, Đảng viên Đảng CSVN, Thương binh, Sỹ quan Quân đội về hưu, nguyên Trung đội trưởng trinh sát của Tiểu đoàn Phú Lợi II, là Cựu chiến binh đặc công thuộc Ban liên lạc truyền thống Bộ đội đặc công tại Nam Định, hiện đang cư trú tại thôn Gia Hoà, xã Lộc An, thành phố Nam Định; Là người dưới quyền lãnh đạo chỉ huy trực tiếp của CTV Nguyễn Ngọc Đồng, thường xuyên được sát cánh chiến đấu cùng Anh Hai Đồng, đã chứng kiến chuyến ra đi công tác và kịp thời biết rõ về trận đánh cuối cùng lúc người chỉ huy của mình là Nguyễn Ngọc Đồng ngay sau khi hy sinh.
Theo lời kể của đồng chí Trần Ngọc Thành được xác nhận của những cán bộ cơ sở có liên quan:
Từ tháng 3/1969, thực hiện Chỉ thị của Tư lệnh Đặc khu Sài Gòn – Long An, sau một thời gian làm công tác chuẩn bị trong đơn vị, để đi sâu nghiên cứu nắm tình hình địch và phối hợp với lực lượng tại các cơ sở, đích thân Chính trị viên Nguyễn Ngọc Đồng thực hiện chuyến công tác đặc biệt đột nhập vào nội thành. Chuyến công tác đặc biệt này của Chính trị viên Nguyễn Ngọc Đồng, có một chiến sĩ tên là Hiến, người quê Thái Bình đi theo làm nhiệm vụ liên lạc, bảo vệ và có một giao liên dẫn đường do địa phương bố trí. Đúng 21 giờ ngày 12/09/1969 tổ công tác lặng lẽ bí mật lội suối băng đồng tiến vào địa điểm tập kết để chờ xâm nhập nội thành. Trên đường đi tổ công tác đặc biệt dừng chân nghỉ tại ấp 6, xã Đa Phước (thường gọi là cù lao Cây Khô) một vùng địa bàn cơ sở ta thường ém quân trước khi tiềm nhập vào thành phố. Đêm yên tĩnh khác thường ở một vùng chiến sự làm cho Hai Đồng hiểu rằng mình đang bị bao vây. Nơi đó là vùng giáp ranh xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (Sài Gòn) và xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc (Long An). Từ lâu, địch đã đánh hơi biết Chính trị viên Hai Đồng là cán bộ Việt Cộng nằm vùng mà chúng hết sức khiếp sợ gọi là “hùm xám đồng bằng”, luôn rắp tâm bắt sống hoặc tiêu diệt để lãnh thưởng nên chúng quyết siết chặt vòng vây với ý định kêu gọi chiêu hồi hoặc bắt sống bằng được. (Điều thật là tai hại đau xót, đó là “người giao liên dẫn đường” đêm đó là con một tên chỉ điểm do địch cài vào mà ta sơ hở, chưa kịp phát hiện).
Về phía ta, khi linh cảm biết đã bị địch bao vây, Hai Đồng nhanh chóng gọi đồng chí Hiến liên lạc ra chiếm lĩnh gò Cây Dừa đào công sự chờ địch. Địch dùng loa kêu gọi, dụ dỗ chiêu hồi hàng giờ nhưng không kết quả, vì tổ công tác có lá gan của Nguyễn Ngọc Đồng thì không thể nào lay chuyển được! Do đó, tới 6 giờ sáng ngày 13/9/1969 chúng quyết định tấn công. Với tinh thần kiên cường quả cảm, tổ công tác 2 người đã chiến đấu rất mưu trí, anh dũng đánh lui nhiều đợt tiến công của chúng, làm nhiều tên phải bỏ mạng. Địch càng điên cuồng tập trung vây bắt bằng được “Việt cộng nằm vùng khét tiếng”, lực lượng cả vòng trong vòng ngoài là 2 Tiểu đoàn bộ binh, có máy bay lên thẳng và có xe bọc thép yểm trợ. Với lực lượng đôi bên hết sức chênh lệch, trong khi cơ số đạn mang theo quá ít ỏi, cả Hai Đồng và đồng chí Hiến đều thương tích đầy mình nhưng vẫn kiên quyết chiến đấu, không để sa vào tay địch. Khoảng quá 9 giờ sáng, sau khi chiến đấu tiêu diệt được 24 tên địch, bắn bị thương nhiều chục tên khác cho tới lúc đã bắn hết viên đạn cuối cùng và kiệt sức, thì quân địch tràn lên. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, các anh đã phá huỷ, không để vũ khí rơi vào tay địch. Nguyễn Ngọc Đồng và đồng chí Hiến chiến sỹ liên lạc bảo vệ đã hy sinh sau hơn 3 giờ chiến đấu vô cùng anh dũng, quyết liệt.
Địch lôi xác 2 Liệt sĩ của ta về chặt đầu cắm cọc và bêu xác tại 2 đầu cầu ông Thìn, cạnh bốt ông Thìn trong thời gian 5 ngày 5 đêm. (Đồn ông Thìn thuộc xã Đa Phước thuộc huyện Bình Chánh (Sài Gòn) do tên Đại uý ác ôn tên là Mai, dân di cư năm 1954 chỉ huy, tổ chức “Lễ ăn khao” cho quân lính cả tuần vì được thưởng công đã giết được một cán bộ Việt Cộng khét tiếng vùng Sài Gòn – Long An). Nhiều lần vận động nhưng mãi đến ngày thứ 6 lực lượng hợp pháp của ta phải vừa vận động vừa đấu tranh mới lấy được thi thể 2 Liệt sỹ ra ngoài an táng tại ngã ba Chú Lường thuộc xã Tân Kim, huyện Cần Guộc, tỉnh Long An và được chăm sóc bảo vệ cho đến ngày toàn thắng.
Đơn vị Tiểu đoàn Phú Lợi II do Nguyễn Ngọc Đồng chỉ huy đã vượt qua bao hiểm nguy thử thách bom đạn khốc liệt, góp phần làm nên những chiến công vẻ vang, đặc biệt là trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 và nhiều chiến công lớn trong năm 1969. Những chiến công đó rất xứng đáng phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Chúng tôi biết Tiểu đoàn Phú Lợi II đã được 2 lần đề nghị phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND” nhưng trong chiến tranh ác liệt không biết rõ kết quả thế nào. Sau khi Anh Nguyễn Ngọc Đồng hy sinh, thiếu chỉ huy, đơn vị phải giải thể chia tách về các đơn vị khác nên từ sau hoà bình đến nay Ban liên lạc Bộ đội Đặc công tỉnh Nam Định tự gom nhau thành Hội nhưng bị mất đầu mối liên lạc về đơn vị cũ nên đã tìm về cơ quan cũ của Anh Đồng là Ủy ban Kế hoạch (nay là Sở Kế hoạch và Đầu tư) tỉnh Nam Định để đề xuất phối hợp làm khen thưởng ghi công cho Anh.
Ngày 10/12/1985, Đảng bộ, Chính quyền địa phương, đồng đội và nhân dân trong vùng mới trịnh trọng cất bốc và đưa rước hài cốt Anh Nguyễn Ngọc Đồng từ ngã ba Chú Lường về Nghĩa trang quốc gia Thủ Đức – Thành phố Hồ Chí Minh an táng tại lô M08, dãy 24, mộ số 2 cho đến ngày hôm nay (Tại lô này có 8 ngôi mộ, trong đó có ngôi mộ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, cũng nguyên là một chiến sĩ biệt động, người được giao nhiệm vụ đặt bom ở cầu Công Lý, mưu sát Đại tướng Mỹ Mắc Namara, bị địch bắt và hành hình tại trường bắn Chí Hòa ngày 15-10-1965).
Là người vinh dự được giao nhiệm vụ đầu mối, vừa làm việc vừa chắp bút tập hợp và hoàn thiện hồ sơ để đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho người Anh, người đồng đội, đồng nghiệp vinh quang của mình là Chính trị viên Nguyễn Ngọc Đồng. Với vai trò Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh Nam Định, tôi đã nhận nhiệm vụ ấy, thường xuyên trao đổi tìm kiếm, gặp gỡ bằng mọi hình thức kể từ năm 2004 đến năm 2009, đi đến thống nhất, trao hồ sơ để Bộ CHQS Thành phố Hồ Chí Minh là nơi kế tục cơ quan đơn vị cũ của Anh Nguyễn Ngọc Đồng, trình Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Tháng 2-2010, nghe tin Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu anh hùng cho Anh, tôi mừng rơi nước mắt vì xúc động. Thế là sự hy sinh của Anh đã được một lần nữa ghi thành dấu ấn vẻ vang để người đời luôn nhớ về Anh với tấm lòng tri ân và khâm phục!
Và các bạn biết không, trong 6 năm đó tôi đã đọc, đã viết, đã bổ sung chỉnh sửa hồ sơ của Anh đến thuộc lòng, khiến tôi đã viết thành thơ. Đại tá – Nhạc sĩ Vũ Trung bạn tôi đã phổ nhạc thành ca khúc và đã cho hát thu, đĩa CD. Trong hồ sơ trình truy tặng Anh hùng cho Anh còn có cả bài hát “Nguyễn Ngọc Đồng sống mãi với quê hương” . Đó là một bộ hồ sơ có nét riêng rất ít có, các bạn ạ.
Và trong đợt phong tặng và truy tặng Anh hùng LLVTND kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ấy, bên cạnh Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Ngọc Đồng còn có Anh hùng liệt sĩ Lưu Chí Hiếu, một chiến sĩ Cộng sản trung kiên mẫu mực, người con quê hương Cát Thành – Trực Ninh – Nam Định, một nhân vật rất đáng khâm phục trong tập Hồi ký cách mạng “Bất khuất” nổi tiếng một thời của đồng chí Nguyễn Đức Thuận.
* Ghi chú: Anh hùng Nguyễn Ngọc Đồng sinh ra ở xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình. Nhưng sinh sống và lập gia đình và tái ngũ từ thôn Gia Hòa, xã Lộc An, ngoại thành Nam Định.
|
|
NGUYỄN NGỌC ĐỒNG SỐNG MÃI VỚI QUÊ HƯƠNG
Qua cầu ông Thìn, về đây Đa Phước
Đến Long An, Cần Giuộc mến thương
Nghiêng mình nhớ về người Chiến sĩ
Đã vì quê ta dâng hiến cả máu xương
Xa gia đình với quê hương yêu dấu
Tiến vào miền Nam bằng một trái tim hồng
Cùng đội quân quên mình chiến đấu
Tiểu đoàn Phú Lợi 2 – “Quả đấm thép miền Đông!”
Sài Gòn ơi, đồn chữ Y gẫy nát
Diệt bốt Cây Khô... bao đồn giặc tan tành
Giao thừa Mậu Thân, Tiểu đoàn Anh xung kích
Tiếng thét “Xung phong!” vang dậy cả đô thành!
Đẹp lắm anh ơi, người con trung hiếu
Mỹ - ngụy rụng rời nghe nói tên Anh
Anh là thép của đoàn quân trung dũng
Chiến công vang lừng càng sáng chói uy danh...
Một cuộc đời, hai lần cầm súng
Đi khắp miền Tây cho tới miền Nam
Đạp lên gian nan, chẳng hề nao núng
Một dạ kiên trung, một lá gan vàng!
Du kích Hưng Long, vườn xoài Tân Quý
Cùng lập chiến công mưu trí thần kỳ
Xuất quỷ nhập thần biến nguy thành thắng
Chiến công oai hùng, trang sử mãi còn ghi...
“Ạnh Vệ quốc đoàn” năm xưa ấy
“Anh Kế hoạch - Đầu tư” của ngày nào
Máu chảy đầu rơi mà vinh quang bất tử
Nguyễn Ngọc Đồng ơi! Anh sáng tựa vì sao!
Bạch Đằng, Đông Hưng nay đẹp mùa ngô lúa
Thành Nam, Lộc An tiếng trống lại rộn ràng
Muôn lớp cháu con, muôn đời còn hát:
“Nguyễn Ngọc Đồng anh hùng,
sống mãi với quê hương!”
LỜI BÀI HÁT NGUYỄN NGỌC ĐỒNG
SỐNG MÃI VỚI QUÊ HƯƠNG
Hò ơ ơ ơ ớ ơ ớ ơ...
Ai qua qua cầu ông Thìn, ai về về đây Đa Phước
Đất Long An, Cần Giuộc mến thương
Nghiêng mình nhớ người nhớ người Chiến sĩ
Đã vì quê ta dâng hiến cả cuộc đời
Xa gia đình, xa quê hương yêu dấu
Vào miền Nam với một trái tim hồng
Một đoàn quân quên mình chiến đấu
Tiểu đoàn Phú Lợi 2 – “Quả đấm thép miền Đông!”
Sài Gòn, Sài Gòn, cầu chữ Y gẫy nát
Đập bốt Cây Khô... quân giặc xác phơi đầy
Giao thừa Mậu Thân, Tiểu đoàn Anh xung kích
Tiếng thét “Xung phong!” vang dậy cả đô thành!
Đẹp lắm anh ơi, người con trung hiếu
Mỹ - ngụy rụng rời khi nghe nói tên Anh
Anh là thép của đoàn quân trung dũng
Những chiến công càng sáng chói lẫy lừng
Một cuộc đời, hai lần cầm súng
Khắp nẻo miền Tây cho đến miền Nam
Trong gian nan, chẳng hề nao núng
Một dạ kiên trung, một lá gan vàng!
........ Một ngày định mệnh... Lần cuối cùng trận chiến
Cù lao Cây Khô thấm đẫm máu anh nằm
Anh đã hy sinh mà kẻ thù khiếp vía
Chiến đấu hiên ngang đến viên đạn cuối cùng
Thịt nát xương tan... đầu rơi máu đổ
Đất trời sụt sùi như khóc tiếc thương anh
Anh vẫn sống trong đoàn quân chiến thắng
Những chiến công còn sáng mãi muôn đời
Vệ quốc đoàn chính là anh đấy
“Kế hoạch - Đầu tư” cũng vẫn là anh
Anh ngã xuống oai hùng bất khuất
Nguyễn Ngọc Đồng ơi! Anh sáng tựa vì sao!
Nguyễn Ngọc Đồng ơi! Anh sáng tựa vì sao!
Bạch Đằng, Đông Hưng nay đẹp mùa ngô lúa
Thành Nam, Lộc An tiếng trống lại rộn ràng
Muôn lớp cháu con, muôn đời còn hát mãi:
Nguyễn Ngọc Đồng anh ơi! Người anh hùng
còn sống mãi với quê hương! |
PHẠM QUỐC KHÁNH
Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 5- Phường Vị Xuyên Tp. Nam Định
Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam Tỉnh Nam Định
Nguyên Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định