Giới thiệu tập thơ: "Hai đầu nỗi nhớ"

Ngày đăng: 10:36 26/03/2018 Lượt xem: 624
Từ “Sân quê” đến “Hai đầu nỗi nhớ”
Vũ Trình Tường

(Lời giới thiệu tập thơ"


    
 
         Phạm Ngọc Vũ với tôi trước đây cùng ở Viện Khảo sát thiết kế Binh đoàn Trường Sơn, cùng là dân kỹ thuật. Anh là kỹ sư cầu đường, còn tôi là kỹ sư xây dựng.
         Một ngày đầu năm, anh chuyển cho tôi bản thảo tập thơ “Sân quê” qua Email, nhờ tôi viết vài lời giới thiệu và tham gia về nhan đề tập thơ. Đây là tập thơ- đúng hơn là tập nhật ký bằng thơ, anh viết về mối tình của anh và chị từ những năm chiến tranh chống Mỹ, nay anh biên tập lại, in thành sách. Tôi đã đọc hết một cách say mê trên màn hình vi tính ngay trong đêm đầu tiên nhận được; và tôi đã nhận viết cho anh lời giới thiệu hay nói đúng hơn chỉ là đôi dòng cảm nhận của tôi về những gì anh đã viết.
        Toàn bộ tập thơ là những trang nhật ký anh ghi lại những cảm xúc thăng trầm của một mối tình trọn vẹn trong chiến tranh, từ ngày đầu quen nhau đến ngày anh giã biệt Trường Sơn trở về hà Nội. Những thăng trầm đó đã diễn ra trong sáu năm liền. Như vậy, anh đã viết “Sân quê” từ “Hai đầu nỗi nhớ”. Anh ở Trường Sơn, chị ở Thủ đô Hà Nội. Và thế là, theo gợi ý của tôi, từ “Sân quê” anh đổi thành “Hai đầu nỗi nhớ”
          Chiến tranh là lửa, là máu và nước mắt. Nhưng trong khốc liệt của chiến tranh đã xuất hiện những mối tình lãng mạn. Câu chuyện yêu của Vũ-Vinh là một trong những câu chuyện tình lãng mạn ấy.
         Chàng trai- Nhân vật chính trong câu chuyện là anh, vốn là một chiến sĩ công binh Trường Sơn. Anh đã sống và chiến đấu liên tục mười năm ở Đường 20 Quyết Thắng, một tuyến đường bị đánh phá ác liệt nhất trên chiến trường Trường Sơn.
         Cô gái-nhân vật chính thứ hai là chị, vừa được biệt phái sang ngành du lịch, công tác ở Hà Nội. Cơ quan của chị đóng trên con phố đẹp nổi tiếng của Thủ Đô: Phố Nguyễn Du. Tên phố Nguyễn Du được thường xuyên nhắc đến trong suốt tập thơ.
          Cả hai anh chị đều quê Tiến Thủy, một xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
       Từ quê hương vùng biển thân yêu anh ra Hà Nội học Trung cấp Giao thông. Ra trường, chưa kịp nhận tấm bằng tốt nghiệp, anh đã được điều động vào quân đội, sau đó lên đường vào Trường Sơn khói lửa:
             Anh chào quê hương một sớm, ra đi
            Từ ấy Trường Sơn là người bạn trỉ ki
             Và mơ ước dày theo năm tháng

        Khi đó chị vẫn ở quê hương với những năm tuổi thơ gian khó:
             Cả quê ta chìm trong lửa khói
             Chuyến đò ngang nức nở mái chèo đêm.
             Một tuổi đầu, giặc giã với gian nan
              Em bỗng mất cả tình thương của bố

        Dù đơn côi, nhưng nhưng chẳng chịu thua em kém bạn, chị đã giữ trọn ước mơ của mình khi: Mười chín tuối, em vào đội ngũ. Rồi: Đang tuổi mơ ước, không thể ngồi yên được, chị cũng rời quê quê hương ra Hà Nội, đi học trường Công An Việt Bắc:
               Hà Nội ơi! Phố xá kết duyên rồi.
               Em lên đường, xa mẹ từ nay.
       Phạm Ngọc Vũ có cái duyên may mà ít người lính có được: Đang ở Trường Sơn, anh được cử đi Hà Nội tham gia làm triển lãm cho Đoàn 559 nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Quân đội. Và chính thời gian này đã cho anh cơ hội để tìm người bạn đời của mình. Đó là lần gặp gờ đầu tiên trên quê hương:
                Anh mới nhận ra em - cô gái dễ thương
                Có đôi mắt đen tròn, có nụ cười duyên.
                Lần ấy gặp em, mang theo có thế.

        Và đến lần gặp nhau ở Hà Nội, khi đó đã là:
                 Lần thứ hai gặp em
                 Đêm Hà Nội - một đêm thứ Bảy
                Anh đến với em khi sóng lòng đã dậy
                 Em đến bên anh trong phút mừng vui

        Gặp nhau đấy, vui thế đấy. Nhưng “Tình trong như đã, vẻ ngoài còn e”. Anh vẫn mang máng về một “Bài toán khó” chưa có lời giải: Biết đâu bông hoa ấy/ Đã có người đặt mua. Mà trực tiếp đi tìm câu trả lời thì anh không dám, bởi vì:
                 Anh không muốn tình anh em rạn nứt
                 Khi ngỏ đôi câu mà chuyện chẳng thành
         Thế nhưng, anh quyết định làm một việc mà không mấy ai làm được là một mình lặn lội về quê thưa chuyện với “Bà mẹ vợ” tương lai của mình, và may thay, đã được Người bật đèn xanh cho phép:
                  Chẳng là gan lắm đó sao
                  Không gan ai dám tự vào nơi đây?
                 Cũng may, Người thuận lời ngay
                 Bằng không, mọc cánh mà bay… xuống bùn!

          Trở về Hà Nội trong tâm trạng phấn chấn khi “Bài toán khó” đã sắp có lời giải. Anh chủ động tìm gặp chị để chính thức ngỏ lời yêu…Và khi nhận ra là hai trái tim đã cùng nhịp đập thì:
     Đêm Hà Nội, một đêm đầy kỷ niệm.
     Đêm bước vào trang sử một mùa yêu!
         Đó là đêm 20/02/1970, hai anh chị chính thức bước vào mùa yêu. Nói là mùa yêu, nhưng hầu như mười tám tháng trời sau đó, anh cứ biền biệt ở Trường Sơn với không ít những trắc trở, những buồn thương giận dỗi:
                     Em nghĩ sao mà khóc thế hở Vinh?
                     Hay em nghĩ anh cũng như kẻ khác
                     Nghĩa là tình yêu sẽ hết
                    Sau một đêm trao, nhận… Thế là xong!

       Nhưng đó chỉ là thoáng qua, chỉ đủ làm gia vị cho tình yêu thêm nồng mặn.Và mỗi khi có dịp gần nhau họ lại ngập tràn hạnh phúc:
                  Trăng cười duyên đó em ơi!
                 Trăng soi sáng cả lứa đôi dưới trần

        Rồi sóng gió cũng qua đi. Và sau Năm ngày, mấy trận giằng co, một đám cưới đơn sơ đầy chất lính trên Sân quê cũng được tiến hành:
                   Đơn sơ tiệc cưới quê ta
                  Điện Biên bao bạc, trà hoa Hồng Đào
                  Kẹo ngon Hà Nội mang vào
                  Sân quê, thế cũng ước ao lắm rồi!

        Vui và hạnh phúc đấy. Nhưng cứ chập chờn nghĩ đến ngày trở lại Trường Sơn, bởi: Vẫn thời trận mạc, vẫn nơi sa trường. Vẫn biết chiến tranh, nam thanh phải ở nơi mặt trận, phụ nữ cứ ở nhà mòn mỏi ngóng trông. Nhưng trong ngày vui hạnh phúc, anh vẫn chạnh lòng thương cảm cho người vợ trẻ của mình:
                Nghĩ mà thương thế Vinh ơi !
               Về làm vợ lính giữa thời chiến chinh.
      Đây chính là lời cảm ơn chân thành nhất, tâm huyết nhất từ đáy lòng mình mà anh muốn mượn thơ để nói thay lời. Và phải chăng, cũng chính vì thế mà anh định lấy “Sân quê” làm nhan đề cho cả tập thơ?
      “Hai đầu nỗi nhớ” là cuốn Nhật ký ghi lại “Một mùa yêu” của đôi trai gái thời chiến tranh từ khi quen nhau, yêu nhau, cưới nhau và trở thành bố, thành mẹ. Mỗi trang “Nhật ký” đều gắn với thời gian, với không gian rất chân thực, nhưng không phải khô khan, thô kệch. Mỗi trang “nhật ký” khi tách ra khỏi mạch chuyện vẫn có thể đứng vững như một bài thơ độc lập với những hình tượng và tứ thơ riêng.
       Phạm Ngọc Vũ có mười năm ở Trường Sơn. Anh có nhiều tư liệu để viết. Anh đã cho in tập Hồi ký “Những năm tháng ở Trường Sơn”. Tập Hồi ký này cùng với “Hai đầu nỗi nhớ” sẽ thành một bức tranh hoàn chỉnh về mối tình thời chiến của hai anh chị. Trang “nhật ký” cuối cùng ghi ngày 10/6/1976 là bài “Giã biệt Trường Sơn”
            Mười năm lận đận đất này
            Phong Nha, Cù Lạc không ngày bom rơi
            Ta Lê giặc Mỹ, giặc trời
            Đèo Phu La Nhích một thời tan hoang…

     Tập “Nhật ký một mùa yêu” khép lại. Anh chị đã có một gia đình hạnh phúc, êm ấm vững bền. Nhưng đối với Trường Sơn, Anh vẫn còn duyên nghiệp, như anh đã thoáng nghĩ trước ngày giã biệt:
           Nghiệp đời-Duyên nợ vẫn còn
          Cái nghề “đất, đá” theo mòn gót chân.
           Biết đâu, rồi một ngày xuân
           Lại ba lô, lội khắp rừng Trường Sơn?

     Và quả là như vậy! Ba mươi năm sau đó, anh lại ba lô lên đường, lặn lội vào Trường Sơn để khảo sát, thiết kế đường Hồ Chí Minh- Đường Trường Sơn. Rồi mười năm tiếp theo, khi đã nghỉ hưu, anh vẫn làm Chuyên gia cho Ban Quẩn lý Dự án Trường Sơn Đông- Bộ Tổng Tham mưu (Ban 46), tham gia xây dựng Đường Trường Sơn Đông.
Tôi một thời gian dài đã gắn bó cùng anh trong Viện Khảo sát thiết kế Trường Sơn. Anh vẫn là một người cẩn trọng, chỉn chu trong công việc, tận tụy, mẫu mực với gia đình và một tâm hồn thơ lãng mạn: Chắt trong mưa nắng mà thành thủy chung”
       Tôi thực sự cảm phục câu chuyện tình yêu của anh chị thật trong sáng như pha lê, đẹp như hoa phong lan Trường Sơn, thơm như hương hoa sữa Thủ đô.
        Bước sang tuổi 75, anh cho in tập “Hai đầu nỗi nhớ” với đúng 75 bài thơ. Anh nói: “Không xuất bản, chỉ in để chơi, để lưu lại cho con cháu, tặng bạn bè và kỷ niệm cho cho nhau về già”. Anh đã đúng! Bởi vì tập thơ: Còn nguyên hương vị mạn mà/ Một thời Hoa- Lửa. Bây giờ cho nhau.”
       Xin chia sẻ cùng bạn đọc- những ai đang có trên tay tập thơ này.

 
VTT
 
 

tin tức liên quan