Từ một vế xuất đối của nhà văn Thanh Tịnh.
Thời bao cấp, hàng hóa đồ dùng thiếu thốn. Từ mì chính, lốp xe đạp, phích nước, ... thứ gì cũng phân phối. Cái khó là phân phối kiểu gì cho công bằng. Đơn vị thì bốc thăm, đơn vị thì bình bầu theo chức vụ, số năm công tác...Thôi thì trăm kiểu phân phối, chẳng có kiểu gì công bằng được. Nhà văn Thanh Tịnh sau khi dự cuộc phân phối chả ra sao, nhân gặp đồng nghiệp là nhà thơ Vương Trọng, ông nghĩ ra vế xuất đối bảo Vương Trọng đối:
Cái cứt gì cũng phân, mà phân thì như cứt.
Cái khó của câu vế xuất là cặp từ “phân” và “cứt”. Nửa đầu nói mọi thứ đều phân phối, nửa sau nói phân phối chả ra sao. Vương Trọng chưa nghĩ ra, nhưng lại khen vế xuất hay và rất hợp cảnh. Đến nay, hơn hai chục năm, ông vẫn chưa tìm được một vế đối vừa ý, vẫn còn nợ Thanh Tịnh “món nợ khó đòi”.
Ngày nay, kinh tế phát triển, hàng hóa đã dồi dào. Nhưng xã hội lại xuất hiện những tệ nạn mới: Nạn hối lộ và nhận hối lộ. Công việc gì từ nhỏ đến to, muốn xong thì phải có quà. Một bộ phận không nhỏ cán bộ coi việc ăn của đút như là tất nhiên. Trên báo chí đầy rẫy những cán bộ bị xử lý kỷ luật vì ăn của đút mà nhân gian còn gọi là “chén”. Tôi lấy cặp từ “tô” (bát) và “chén” (bát) để đội lại vế xuất của cụ Thanh Tịnh:
Cái cứt gì cũng phân, mà phân thì như cứt.
Gặp tô đầy là chén, đã chén ắt nhẵn tô.
Xin các bác chỉ giáo cho!
Vũ Trình Tường