"Tìm kiếm lịch sử để có những vần thơ tri ân" - Thơ: Nhóm tác giả Trang thơ "Những vần thơ và người lính"

Ngày đăng: 08:25 26/11/2018 Lượt xem: 1.546
TÌM KIẾM LỊCH SỬ ĐỂ CÓ NHỮNG VẦN THƠ TRI ÂN

         Thật ý nghĩa và thú vị khi Trang thơ Trường Sơn vừa nhận được chùm thơ của chị Nguyễn Hiền - Biên Hòa, Đồng Nai; anh Chu Công Dâu - Hội viên Trường Sơn tại Đông Hưng, Thái Bình và anh Đỗ Thế Hưng - Hưng Yên. Cả 3 họ đều là những Quản trị viên và thành viên của Trang thơ “Những vần thơ và người lính”- Một Trang thơ mà tất cả các thành viên đều yêu thơ và nặng nghĩa tri ân những người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Một trang thơ luôn hướng về với Truyền thống và Nghĩa tình Trường Sơn thông qua cả gần ngàn tác phẩm thơ mà anh chị em trong Trang thơ “Những vần thơ và người lính” đã gửi đến Thơ Trường Sơn và VHNT Trường Sơn trong thời gian tròn 1 năm qua.
         Điều đáng được trân trọng và ghi nhận hơn ở đây phải nói đến cái mà anh chị em rất “nặng nghĩa tri ân những người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước” - Chia sẻ cùng với chùm thơ gửi về Trang Thông tin Trường Sơn hôm nay tác giả Nguyễn Hiền viết: “Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nhiều, nhiều lắm những tên đất, tên làng; những chiến công, những con người đã được lịch sử và thơ văn thường xuyên nhắc tới. Nhưng cũng còn nhiều, nhiều lắm những chiến công mà sự hy sinh anh dũng của những con người làm lên nó ở đây đó lại rất ít được nhắc tới làm cho không ít người dân Việt không tưởng nó đã sảy ra tự khi nào…?. Là những người yêu thơ và nặng nghĩa tri ân những người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhóm tác giả thành viên của Trang thơ “Những vần thơ và người lính” chúng tôi đang cố gắng sưu tầm những sự kiện về mảng chủ đề này để viết - Viết để góp phần nhỏ bé của mình với ham vọng ít nhất cũng thêm một lần nhắc đến những người đã anh dũng hy sinh để có được những chiến công…”
         Chùm thơ này được anh chị em trong nhóm thể hiện tiếng lòng tri ân của mình với 13 Nữ Thanh niên xung phong quê Đông Hưng - Thái Bình. Tháng 1 năm 1966 các chị được biên chế vào Tiểu đội nữ xung kích Đại đội 873 thuộc Đội 87 TNXP, đơn vị đóng quân tại xóm Văn Miếu, xã Đông Văn huyện Đông Sơn. Nhiệm vụ của họ là ứng cứu ga Thanh Hoá và đảm bảo giao thông con đường tránh vào núi Nấp, ứng cứu, phục vụ các trọng điểm bị máy bay Mỹ đánh phá trên tuyến đường sắt Bắc - Nam xuyên qua tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có đoạn đường sắt đi qua, là chỉ huy sở của trạm đầu máy xe lửa và trong các hang hẻm của 2 dãy núi Nhồi, núi Nấp là chỗ cất giấu đầu máy, toa xe, ô tô, máy móc và nhiều vật tư, hàng hóa của đường sắt và ngành giao thông.
         Những năm tháng ấy khẩu hiệu “Máu có thể đổ, chúng ta có thể hy sinh nhưng đường không thể tắc”, “C873 quyết tử cho đường sắt quyết thông”, “địch phá thì ta làm lại”, “mở đường mà đi, đánh địch mà tiến” như  khắc sâu vào trái tim của mỗi Chiến sỹ TNXP.
         Chỉ riêng trong năm 1966 và đầu năm 1967, đội xung kích Đại đội 873 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào đắp hơn 10.000 mét khối đất đá, khắc phục hậu quả trên 140 trận đánh phá của không quân Mỹ trên địa bàn, giữ vững tuyến đường sắt giao thông đưa 16.000 tấn vũ khí, đạn dược, lương thực phục vụ các chiến trường B,C,K.
Phát hiện ra bí mật ở địa điểm này, Giặc Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt. Đặc biệt, 4 giờ sáng ngày 11/5/1967 máy bay địch quần thảo, tàn phá làm hư hỏng nặng hơn 200 mét đường sắt. Lệnh của cấp trên phải tập trung lực lượng để sửa chữa đảm bảo thông đường nhanh nhất. Đạp lên bom đạn, lực lượng TNXP và đội xung kích do đại đội phó Vũ Thị Minh Lý chỉ huy, kết hợp với công nhân đường sắt nhanh chóng san lấp, chuyển đá, kê lót tà vẹt để nối ray. Dự kiến hoàn thành kế hoạch thông tuyến trước 21 giờ. Trong ngày, nhiều đợt máy bay Mỹ kéo đến bắn phá nhưng được báo động từ xa nên tất cả đều phòng tránh an toàn. Sau lệnh báo yên ai nấy lại tiếp tục ra làm.
         Khoảng 15 phút nữa là hoàn thành xong nhiệm vụ, máy bay địch lại tiếp tục xuất hiện, tất cả vội sơ tán chạy xuống các hố bom cũ để ẩn nấp. Lần này chúng đánh phá bằng bom tọa độ. Trận đánh quá ác liệt đã khiến bom Mỹ dội trúng đội hình TNXP xung kích. 12 nữ đội viên hy sinh tại chỗ, 1 nữ đội viên hy sinh trên đường đi cấp cứu. 22 người khác bị thương. Các chị hy sinh khi trên tay vẫn cầm chắc dụng cụ. Giây phút bi thương đó là 20 giờ 45 phút ngày 11/5/1967.
         Chẳng khác mấy sự hy sinh của 10 Cô gái Ngã ba Đồng Lộc; Của sự kiện Chuông Bồn; của Hang Tám cô… Sự hy sinh của 13 Chiến sỹ Tiểu đội nữ xung kích Đại đội 873 thuộc Đội 87 TNXP là thế đấy. Ra đi từ quê mẹ Đông Hưng - Thái Bình, 13 Nữ Liệt sĩ đội xung kích TNXP đại đội 873 đã sống, chiến đấu, và ngã xuống tại khu vực núi Nấp xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Máu xương các chị đã hòa quện vào khối da thịt của đất nước để làm nên chiến thắng.

 
Phạm Sinh sưu tầm và giới thiệu
 
13 NỮ TNXP ANH HÙNG

Có ai về thăm Thanh Hóa quê em
Hãy ghé thăm Đông Hưng vùng Núi Nấp
Thắp nén nhang thơm tưởng nhớ người đã khuất
13 nữ TNXP đã ngã xuống nơi này.
Giặc Mỹ điên cuồng bắn phá nơi đây
Hòng làm tê liệt con đường huyết mạch
Như " con thoi" dưới mưa bom bão đạn
"Đường chưa thông quyết chẳng tiếc máu xương".
Quê Hương ơi... còn nỗi đau nào hơn
Thịt nát xương tan giữa trời hoa lửa
Hồn các chị hóa hồn thiêng sông núi
Những nụ cười đẹp mãi tuổi hai mươi.
Hơn năm mươi năm nỗi đau chẳng nguôi vơi
Núi Nấp xưa đã hồi sinh trở lại
Dấu ấn nơi đây còn in đậm mãi
Khúc Tráng Ca "Tọa độ lửa" năm nào
Những đứa con nơi Thái Bình "quê lúa"
Nay trở thành con của mẹ Xứ Thanh.

 
Biên Hòa, tháng 11 năm 2018
Nguyễn Hiền


BẢN TRÁNG CA NÚI NẤP ANH HÙNG
 
Hỡi con tàu hãy chầm chậm qua đây
Đừng có hú còi chợt làm em tỉnh giấc
Ai hiểu rõ tên núi Nhồi, núi Nấp
Vượt Hàm Rồng càng thương nhớ tỉnh Thanh
Hơn năm mươi năm rồi, cây cỏ đã lên xanh
Hố bom cũ giờ chẳng nhìn thấy nữa
Điện đã sáng bừng lung linh từng ô cửa
Lấp lóa ray tàu như đôi đũa song song
Tôi đi cùng đoàn Thanh Niên Xung Phong
Thăm lại núi Nhồi, núi Nấp
Như bừng tỉnh bản trường ca rất thật
Một ngày tháng năm thương nhớ tuột cùng
Cả đoạn đường tàu ầm ập tiếng bom rung
Bốn giờ sáng, ngổn ngang cùng đất đá
Lệnh sửa đường tất cả đều hối hả
21 giờ ước tính sẽ nối xong
Em san đường anh nối lại đường ray
Cô gái Thái Bình bên chàng trai Thanh Hóa
Giọng trầm bổng hào hùng với câu hò sông Mã
Bên điệu chèo tha thiết của Đông Hưng
Chỉ mấy phút thôi bom bốn quả nổ tung
17 hy sinh, 27 người thương tích
Giây phút đau thương nghẹn ngào nặng trịch
Tuổi hai mươi mãi mãi ở nơi này
Có cánh cò trên quê lúa bay bay
Trong giấc ngủ ngàn năm ở quê Thanh, tuyến lửa
13 trái tim yêu không còn đập nữa
Giữa một vùng núi Nấp kiên trung
Xin hát khúc tráng ca núi Nấp anh hùng
Xin kính cẩn nghiêng mình trước 13 Liệt nữ
Như hương lúa thơm đời đời bất tử
Rạng rỡ Thái Bình trên đất lửa xứ Thanh

 
Chu Công Dâu
Hội viên Trường Sơn Đông Hưng- Thái Bình

  
THĂM NÚI NẤP THANH HÓA

Anh sẽ về thăm Thanh hóa cùng em
Đến Núi Nấp nghe chuyện dài lịch sử
Vùng đất này đã một thời máu lửa
Vẫn còn kia dấu tích chuyện bi hùng

Lúc bấy giờ đại đội nữ xung phong
C873 vẫn còn rất trẻ
Có nhiều chị chưa “qua vòng thơ bé”(1)
Gốc Thái Bình nơi truyền thống anh hùng

Rồi một đêm định mệnh thật đau lòng
Mỹ điên cuồng dùng mưa bom hủy hoại
13 chị đã ra đi mãi mãi
Để con đường huyết mạch vẫn được thông

Ở truyện này em có biết gì không?
Có chi tiết chỉ ngẫu nhiên cũng lạ
Các chị mất ở Đông Hưng Thanh Hóa
Nơi sinh ra cũng ở huyện Đông Hưng

Và em ơi mình sẽ đến Rừng thông
Nơi Bác Hồ đã về năm bốn bảy ( 1947)
Đông Sơn ơi! đất và người thế đấy
Cũng đau thương những rất đỗi tự hào.


Hưng Yên, tháng 11- 2018
Đỗ Thế Hưng

---------------------------------------------
( 1) Mượn câu của nhà thơ Tồ Hữu: “ hai mươi tuổi mới qua vòng thơ bé”
để giới thiệu trong số nữ TNXP của C873 lúc đó nhiều chị dưới 20 tuổi, có chị mới 17 tuổi.



tin tức liên quan