Chùm thơ về sự kiện 17/2/1979 của Lê Trung Khiên
Ngày đăng:
11:20 17/02/2019
Lượt xem:
525
Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xẩy ra ( 17/02/1979), lúc đó tôi
đang là học viên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và đang là quân
dự bị hạng I của BTL Thủ đô. Nếu TQ không rút quân chắc chắn chúng tôi
đã trở lại cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Nhận dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, xin gửi đến
bạn đọc một số bài thơ sáng tác ngay thời điểm chiến tranh xẩy ra và sau này
khi có dịp về thăm những địa danh lịch sử
Lê Trung Khiên
Hội viên Hội VHNT TS
BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC
Súng đã nổ nơi biên cương phía Bắc
Thôn xóm, bản làng, thành thị tan hoang
Từ Quảng Ninh, Lai Châu, Lạng Sơn
Đến Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng
Hơn nghìn cây số đường biên thành chiến trận
Lũ giặc tràn qua biên giới gây đau thương, uất hận
Bắn giết đồng bào, tàn phá quê hương
Khi trên đất nước ta
Chưa lành những vết thương
Sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ
Khi chúng ta còn phải cầm vũ khí
Bảo vệ nơi biên giới Tây Nam
Giúp nước bạn Căm Pu Chia
Thoát khỏi nạn diệt chủng
*
Lại một lần nữa
Quân thù buộc chúng ta cầm súng
Bảo vệ Tổ quốc
Chống giặc ngoại xâm
Những kẽ bành chướng đã sai lầm
Khi tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”
Chắc họ chưa quên lịch sử với những dấu mốc
Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa….
Chắc họ chưa quên
Nghìn năm lịch sử đi qua
Những anh hùng dân tộc
Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt
Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung
Chắc họ chưa quên
Một dân tộc đã viết nên thiên sử hào hùng
“ Đánh thắng ba tên Đế quốc lớn”
Với chân lý sáng ngời
“ Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Một dân tộc đã giương cao hai ngọn cờ
Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội
*
Xuân Kỷ Mùi, một mùa xuân mới
Đất nước chưa hưởng trọn hòa bình
Hai đầu biên giới vẫn còn chiến tranh
Đồng đội tôi còn hy sinh đổ máu
Hòa bình rồi vẫn phải cầm súng chiến đấu
Bảo vệ từng thước đất quê hương
Mỗi chúng tôi cựu quân nhân ngồi trên ghề giảng đường
Vẫn chờ ngày ra trận.
Trường Đảng cao cấp NAQ
28/02/1979
PHÁO ĐÀI ĐỒNG ĐĂNG
“ Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”
Ba mươi năm đi qua sau chiến tranh
Cuộc chiến bảo vệ Pháo đài Đồng Đăng mãi trong ký ức
Sáng 17 tháng 2 những người lính Trung Quốc
Đã tràn sang đánh chiếm thị xã Lạng Sơn
Bằng ưu thề vũ khí và số quân
Lũ giặc ồ ạt tấn công pháo đài bằng nhiều thủ đoạn
Suốt 5 ngày chìm trong lửa đạn(1)
Pháo đài vẫn đứng vững kiên cường
Hơn trăm chiến sỹ hy sinh, bị thương
Không khuất phục
trước lời gọi hàng của quân giặc
Tất cả đã hy sinh khi cửa hang bị đánh sập
Kẽ thù giã man phun lửa, ném lựu đạn cay
Khi những người lính không còn vũ khí trong tay
Khi những người dân đã cạn nguồn ăn uống
Tất cả họ đã ngả xuống
Nằm lại trong lòng pháo đài
*
Pháo đài Đồng Đăng
nỗi đau đâu chỉ riêng ai
Là sự mất mát của một đân tộc
Lịch sử sẽ xem đây như một dấu mốc
Như pháo đài Brest
trong cuộc chiến tranh vệ quốc của Xô viết liên bang
Chiến tranh đã đi qua ba mươi năm
Hàng trăm con người vẫn nằm trong lòng đất
Từ nơi pháo đài tan hoang, đổ nát
Mãi mãi khắc sâu cuộc chiến bi hùng
Mãi mãi khắc sâu hình ảnh những chiến sỹ kiên trung
Trong cuộc chiến tranh báo vệ Tổ quốc
02/2009
-------------------------------------------------
(1). Từ 17- 22/02/1979 quân Địch mới đánh chiểm pháo đài Đồng Đăng
Hàng trăm chiến sỹ đã hy sinh, hàng trăm người dân đã ngả xuống.
BÊN NGHĨA TRANG LIỆT SỸ VỊ XUYÊN
Đồng đội ơi tôi đã về đây
Ba lăm năm sau chiến tranh biên giới
Như còn vẳng vẳng bên tai tiếng pháo bày dữ dội
Biến núi đá thành “ lò vôi thế kỷ” hai mươi
Nghĩa trang Vị Xuyên, những đồng đội của tôi
Họ nằm lại trong cuộc chiến giữ từng thước đất
Suốt mười năm trên chiến hào đối mặt(1)
Năm nghìn người con ngã xuống nơi đây
Vị Xuyên ơi!
mảnh đất thấm máu hơn 3000 ngày
Vẫn còn đó những cao điểm ngày đêm sương phủ
Vẫn còn đó những địa danh bất tử
Cao điểm 685, 772… “ đồi thịt băm”…
Mùa xuân này tôi trở lại viếng thăm
Gần hai nghìn đồng đội chưa về đây yên nghỉ(2)
Chiến tranh đã lùi xa phần ba thế kỷ
Day dứt nỗi đau
hàng nghìn chiến sỹ còn nằm lại
trên các đỉnh núi Vị Xuyên
*
Biên giới ngày nay đã trở lại bình yên
Hơn bốn nghìn liệt sỹ chưa được tìm kiếm
Trên suốt dải biên cương phía Bắc sau cuộc chiến
Nơi núi cao, rừng sâu lẫn trong đất đá, bom mìn
Mùa xuân này tôi trở lại Vị Xuyên
Nhớ mãi lời thề
“ Sống bám đá, chết bám đá, thành bất tử”
Các anh ngả xuống
để biên cương thắm rừng hoa nở
để bầu trời biên giới mãi mãi xanh trong
để núi, sông một dải liền dòng
để lịch sử không bao giờ lập lại
Tháng 3/ 2014
---------------------------------------
(1). Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biên giới ở Vị Xuyên, Cao Bằng
kéo dài từ 1979- 1989
(2). NTLS quốc gia Vị Xuyên trên 1700 ngôi mộ, hiện vẫn còn gần 2000
LS chưa được quy tập
tin tức liên quan