"Nước mắt Vị Xuyên" - Chương trình giao lưu thơ trực tuyến của Trang thơ "Những vần thơ và người lính"

Ngày đăng: 06:48 11/07/2019 Lượt xem: 4.560
“NƯỚC MẮT VỊ XUYÊN’ - CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU THƠ TRỰC TUYẾN
CỦA TRANG THƠ “NHỮNG VẦN THƠ VÀ NGƯỜI LÍNH”.
 
         Chúng ta sống trong những ngày tháng bẩy. Tháng mà Đồng bào và Chiến sỹ cả nước cùng hướng tình cảm tri ân các Anh hùng Thương Binh Liệt sỹ.
         Kính thưa toàn thể các đồng chí và các bạn... Ngày đầu tháng 7- chúng ta hãy cùng đến với mảnh đất Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Để cùng tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Vâng...mảnh đất nơi đây đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt. Theo thống kê: từ 1984 đến 1989 đã có 1,8 triệu quả đạn pháo cối Trung Quốc tàn phá nơi này. Có những ngày cao điểm tới 30 ngàn quả đạn pháo nã xuống.
         Cao điểm 685 được gọi là LÒ VÔI THẾ KỶ bởi trong 6 ngày đêm liên tục pháo Trung Quốc bắn không ngớt, khiến mỏm núi bị bạt đi 3m. Cây cối trơ trụi, đá vôi nóng bỏng... Lò vôi thế kỷ, Đồi băm thịt, Thung lũng gọi hồn, cửa tử... là những tên mà Bộ đội đặt ra cho một số địa danh.
         Địa hình hiểm trở, quân địch dã man... nhưng Bộ đội ta vẫn kiên cường ngày đêm bám trụ để bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ Tổ quốc thiêng liêng. Theo thống kê từ tháng 4-1984 đến tháng 8- 1984 Bộ đội ta đã tiêu diệt 7500 quân Trung Quốc xâm lược. Tuy nhiên dưới sự tàn ác của địch khiến quân ta cũng tổn thất khá lớn.
         Ngày 12-7-1984 toàn lực lượng của ta có hơn ngàn Cán bộ và Chiến sỹ đã hy sinh và hàng ngàn người bị thương. Riêng Sư đoàn 356 có 594 Chiến sỹ ngã xuống. Đau thương thật là vô hạn. Ngày 12-7 còn gọi là “NGÀY GIỖ TRẬN” .
         Cũng trên mảnh đất Vị Xuyên đến nay vẫn còn khoảng hai ngàn Liệt sỹ chưa tìm thấy bởi xương cốt các Anh đã tan vào đá, máu các Anh đã chảy ngấm sâu vào dải Biên cương...
         Thật hiển linh khi mà sự kiện 12-7 “NGÀY GIỖ TRẬN” lại cũng trùng với tháng 7 - tháng tri ân các anh hùng Liệt sỹ và các Thương, Bệnh binh cả nước.
        Trang thơ: “Những vần thơ và người lính” với một đội ngũ đông đảo và đủ các thành phần trong xã hội, đặc biệt có rất nhiều thành viên là Hội viên hội Trường Sơn và hội viên Hội VHNT Trường Sơn… Tất cả chúng tôi đều có chung một tiếng lòng của những công dân tiến bộ của xã hội – Với chúng tôi – Thơ là một phần trong cuộc sống, là niềm vui và cũng là nghĩa vụ góp phần hướng tới một xã hội tốt đẹp...
         Tháng tri ân năm nay - “Những vần thơ và người lính” chúng tôi đã đưa ra kế hoạch tổ chức 2 buổi giao lưu thơ trực tuyến – Một buổi hướng về Ngày 12-7 - “NGÀY GIỖ TRẬN” Vị Xuyên và một buổi hướng về ngày Thương binh Liệt sỹ (27-7).
         Xin được trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trang Thông tin điện tử Trường Sơn một số bài thơ đã được ra đời từ buổi GIAO LƯU THƠ với chủ đề NƯỚC MẮT VỊ XUYÊN.
         Xin trân trọng!
CCB Kim Hương
Ủy viên Ban Quản trị Trang thơ: “Những vần thơ và người lính”

 
 
NƯỚC MẮT VỊ XUYÊN 
Tháng bẩy về...Em đến với Vị Xuyên 
Nơi Biên ải gắn liền trong ký ức
Những khốc liệt hằn sâu trong tiềm thức
Mãi vọng về đau nhức trái tim ta
 
Đồng đội ơi ! Bao thương nhớ xót xa
"Sáu tám lăm "(1) vẫn chênh vênh vách đá
"Đồi băm thịt"* cây đã xanh màu lá
Phủ kín nơi đồng đội vẫn đang nằm
 
Từ hang sâu... tiếng vọng lại xa xăm
Bao Chiến sỹ đã tan vào trong đá
"Sống bám đá- chết sẽ cùng hóa đá"(2)
Lời nguyện thề trên báng súng khắc ghi
 
Em đã nghe trong tiếng gió thầm thì
Vang nhịp bước đoàn quân đi trong nắng
Ngày GIỖ TRẬN các Anh đừng thiếu vắng
Bên Đài hương Nậm Ngặt(3) đón Anh về 
 
Ly rượu nồng Mẹ nấu gửi từ quê
Bao thuốc lá, ấm chè tay em hái
Cùng san sẻ cho tình thêm ấm lại 
Khúc quân hành còn mãi với thời gian...
 
Dải Biên cương trong nắng gió đại ngàn
Vẫn xanh tốt một loài Hoa Ban trắng 
Sự thanh khiết mà thiên nhiên dành tặng 
Nơi núi rừng...thắp sáng cõi hồn Anh. 

Kim Hương (Hoa Ban trắng)
-------------------
(1) " 685" tên điểm tựa 
(2) "Sống bám đá - chết hóa đá " là khẩu hiệu được khắc trên báng súng của đồng chí Nguyễn Viết Ninh người Phú Thọ . Khi đồng chí hy sinh vẫn trong tư thế ôm khẩu súng.
(3) Đài hương được xây dựng tại Điểm tựa 468 thuộc thôn Nậm Ngặt xã Thanh Thủy. Toàn bộ số tiền xây dựng Đài là do các đồng đội CCB quyên góp.
 
VỀ THĂM BIÊN GIỚI
Em trở về thăm lại vùng Biên cương
Nơi một thời biết bao niềm thương nhớ
Chiến tranh đã xa nhưng người thì cách trở
Anh nơi nào dưới mảnh đất yêu thương ?
 
Nay em về thăm lại nơi chiến trường
Hoa Ban trắng vẫn đậm tình ngày ấy
Dù cách xa bao nhiêu năm vẫn vậy
Nhánh ban rừng em hái tặng cho anh
 
 Mình quen nhau từ lúc tóc còn xanh
Giờ điểm lại mái đầu nay đã bạc
Nhưng đêm nào em vẫn từng khao khát
Được bên anh ...dù mảnh đất anh nằm.
 
Và hôm nay đã qua mấy mươi năm
Cùng đồng đội thắp nén nhang gửi tới
Hứa với anh những lời anh trăng trối
Mùa Ban về em lại tới thăm anh.
 
Tháng bảy này Biên giới mướt màu xanh
Rừng xào xạc lá cây ru anh ngủ
Tiếng chim rừng ca vang như nhắc nhủ
Ngủ đi anh...đất Mẹ đợi anh về.
 
Vị Xuyên ơi! Luôn thắm mãi tình  quê
Vì nơi ấy có máu xương đồng đội
Anh ra đi để giữ yên bờ cõi
Trận chiến này lịch sử mãi không quên.

Đỗ Mơ
 
TRỞ LẠI VỊ XUYÊN 
Trở lại đây với vùng đất Vị Xuyên 
Ba mươi lăm năm..một lời nguyền chưa rửa 
Một chín tám tư..đạn pháo bay rực lửa
Đốt cháy trụi tàn..chất chứa niềm đau
 
Một chín tám tư..lớp trước lớp sau
Người Chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ Quốc 
Ngẩng mặt hiên ngang như ngàn ánh đuốc  
Bất khuất kiên cường..giặc buộc phải lui
 
Vị Xuyên hôm nay..lòng thấy ngậm ngùi 
Khi đồng đội vẫn bao người vắng mặt 
Bởi đạn bom của giặc thù phương Bắc 
Những con người..khoảnh khắc ấy mãi xa 
 
Cuộc đời này..giờ cũng đã nở hoa 
Nhưng không thể ngăn lệ nhòa tưởng nhớ 
Tới đồng đội..ở miền xa xứ sở 
Nén tâm nhang..gặp gỡ tại nơi này.

Nguyễn Quốc Phương  
 
NHỚ NGÀY GIỖ TRẬN
Tháng bảy trên đất Hà Giang 
Khói hương nghi ngút hai hàng lệ rơi
Rừng xanh quyện với đất trời 
Đồi cây bãi cỏ là nơi anh nằm 
 
Trải qua đã mấy chục năm 
Vi Xuyên còn dấu vết hằn chiến tranh 
Ra đi lúc tuổi còn xanh
Tên anh lịch sử ghi thành bài ca
 
Chiến đấu bảo vệ nước nhà 
Người thì sống sót người xa cõi đời 
Quên sao Lũng Cú Hang Dơi
Vị Xuyên, Thanh Thủy tình người bên nhau 
 
Máu trộn với những nỗi đau 
Đuổi quân bành trướng dẫm nhàu quê hương 
Vị Xuyên mảnh đất kiên cường 
“Lò vôi thế kỷ” đau thương nghẹn ngào 
 
Biết bao vất vả gian lao 
Việt Nam anh dũng tự hào nước ta 
Em mang tới những bông hoa 
Đặt lên trên mộ gọi là tri âm. 

Nguyễn Thanh Tình
 
VỊ XUYÊN KHÚC TRÁNG CA BẤT TỬ !?
Về Hà Giang những ngày tháng bảy
Trời Vị Xuyên nắng cháy thịt da
Mấy mươi năm ấy đi qua 
Hận quân giặc cướp thật là ác nhân
 
Trút đạn bom giết dân vô tội 
Bao tháng ngày cày sới Biên cương 
Quân ta anh dũng phi thường 
Chiến trường đánh giặc kiên cường tháng năm 
 
Xếp bút nghiên tuổi xuân ra trận
Những gái trai phấn chấn hành quân 
Núi cao Ban nở trắng ngần
Tình ta mãi đẹp vang ngân quân hành
 
Giữ kỷ niệm là nhành Ban trắng
Hẹn ngày về mãi chẳng hề xa
Chiều nay đạn lửa chói lòa
"Lò vôi thế kỷ " mãi xa anh rồi 
 
Bên bia mộ bao lời muốn nói 
Cắn vành môi bối rối lòng em
Tâm nhang dấu lệ ướt nhèm 
Ba lăm năm ấy chẳng quên nỗi lòng 
 
Cùng đồng đội cài bông Ban trắng
Trên ngực này văng vẳng tiếng anh
Cuộc đời người lính quân hành 
"Vị Xuyên giỗ trận" sử xanh tên người 
 
Yên nghỉ nhé cuộc đời oanh liệt 
Cùng non sông viết tiếp bài ca
Giữ gìn mảnh đất ông cha
Bốn ngàn năm ấy chói lòa chiến công ...!?

Vũ Các
 
HỠI LINH HỒN DŨNG SỸ
Sống bám đá..chết sẽ cùng hóa đá
Lòng quyết tâm như tựa một lời thề 
Khắp mọi miền..và khắp mọi vùng quê
Quyết cầm súng đánh tan loài xâm lược 
 
Anh ra đi..để lại bao điều ước 
Cành hoa Ban..vẫn như đợi như chờ
Anh hòa mình vào trang sách vần thơ
“Sống bám đá…chết sẽ cùng hóa đá”
 
Đất Vị Xuyên hôm nay..thay đổi lạ
Màu xanh lên vút tầm mắt ...xa vời
Nằm nơi nào..đồng đội dấu yêu ơi
Có nghe tiếng em bồi hồi..xao xuyến
 
Đất Vị Xuyên hôm nay..em đã đến
Nén hương thơm..em cầu nguyện linh hồn
Hoa Ban này..em gửi nhé..nụ hôn
Anh hãy nhận..hỡi linh hồn Dũng sĩ...

Phạm Phương
 
VỀ ĐI ANH
Chiến trận ngừng rồi, đồng đội có biết không?
Nơi Biên cương anh vẫn nằm bám chốt
“Đồi thịt băm”, cây đã lên xanh tốt
“Lò vôi” kia, mưa đã gột sạch rồi !
 
Biên giới yên rồi, anh có biết hay không?
“Thung lũng gọi hồn” nỗi đau người được sống
Những Cựu binh nối vòng tay dài rộng 
Xây đài hương trong gió lộng trời mây.
 
Biên giới yên rồi, các anh hãy về đây !
Nơi non cao, gốc cây hay thung, suối
Vẫn còn đây, lưu danh hai mươi tuổi
Da, thịt, xương thấm đáy đất Việt dày.
 
Nào cùng đứng lên, các anh hãy về đây
Hai nghìn quân Vị xuyên về hội tụ
Sau bao năm các anh làm nhiệm vụ
Hãy đứng lên đi, xốc súng các anh về.
 
Về đi anh, ta vẫn trọn lời thề
“Sống bám đá, chết hoà mình trong đá
Linh hồn ta hoá thành hoa bất tử*
Hài cốt anh thành cột mốc oai hùng.
 
Về đi anh, những chiến sỹ kiên trung
356, Sư anh hùng năm ấy
312, mời các anh cùng dậy
Nối vòng tay 316 cùng về...
 
Giữa trời mây, Nậm Ngặt lạnh tái tê
468 “đài hương” về hội tụ
Hồn linh thiêng mời anh về trú ngụ
Điếu thuốc thơm, chén rượu, ấm trà...
 
Về đi anh, đài hương sẽ là nhà
Nơi “Giỗ trận” của người xa, người sống
Không lãng quên giữa dòng đời biến động
Các anh về, sẽ sống mãi trong dân.
 
Về đi anh, không ai lãng quên đâu !
Cuộc chiến đấu nơi địa đầu giữ nước
Xương, máu khắc ghi, mấy ai quên được
Hàng nghìn anh, một trận đánh chưa về.
 
Nguyễn Xuân Thuyên, vẫn vang vọng lời thề:
“Tuổi đôi mươi... không về khi chưa thắng”**
Tháng hai này trong hương hoa trầm lặng
Rước các anh chiến thắng về hội cùng.
 
Đài hương thơm nơi tụ hội về chung
Dẫu có chật, các anh cùng vui nhé!
Anh yên lòng ngày mai trên đất Mẹ
Có tượng đài, các anh sẽ lưu danh.

Nguyễn Tiến Du
 
BẠN ƠI CÓ  NHỚ
Bạn nằm lại nơi đây nắng gió 
Trên đồi cao cây cỏ giăng mùng 
Lạng Sơn mảnh đất anh hùng 
Chiến tranh ác liệt mình chung chiến hào 
 
Nhớ ngày ấy điểm cao chốt giữ 
Là những ngày sống chết bên nhau 
Pháo quân Tàu chụp trên đầu 
Đạn cày mặt đất nát nhàu tả tơi 
 
Những trận đánh bạn ơi có nhớ 
Binh lính Tàu hùng hổ tràn qua 
Quyết giữ tấc đất ông cha 
Chúng ta quyết tử cho nhà bình yên 
 
Buổi sáng ấy pháo lên cấp tập 
Bạn bị thương đưa gấp xuống hầm 
Pháo rơi trúng chỗ bạn nằm 
Lấp vùi xác bạn dưới tầm đất sâu 
 
Mải đánh địch ai đâu còn nhớ 
Chiến tranh qua bạn ở nơi đâu 
Bao năm nắng dãi mưa dầu 
Mình lên tìm bạn để lâu không đành 
 
Ta không thể vô danh bạn nhé 
Bạn có tên mẹ đẻ mang theo 
Về thôi dù chốn quê nghèo 
Anh em mình vẫn sớm chiều có nhau. 

Thanh Thủy
 
NGÀY GIỖ TRẬN NHỚ ANH
Tháng 7 về em viết lời tri ân
Dòng nước mắt âm thầm rơi lặng lẽ
Nỗi đau ấy chẳng giảm dần vơi nhẹ 
Như ai vò đau xé tận tim gan
 
Rừng Vỵ Xuyên máu đã đổ ngập tràn
Vẫn hằn vết cánh rừng Ban xém lửa
Đạn pháo cối đang dội vào điểm tựa
Có nỗi đau chẳng thể nói nên lời
 
Bao năm rồi nước mắt mãi tuôn rơi 
F 356 nơi “Lò Vôi Thế Kỷ” 
Ngàn Cán bộ cùng anh em Chiến sĩ
Đã hy sinh an nghỉ giữa núi rừng
 
Mảnh đất này máu vẫn chảy chưa ngưng
Hồn Liệt sĩ in trên từng phiến đá
Những dấu vết nơi anh vừa  gục ngã
Vẫn còn đây mà anh đã đi rồi
 
Mấy chục năm cứ ngỡ mới đây thôi 
Ngày đưa tiễn anh về nơi nguồn cội  
Đâu đã kịp nghe một lời trăng trối
Tháng năm dài anh hờn dỗi tủi thân
 
34 năm chưa có nổi một lần
Về thăm lại người thân nơi đất Tổ
Anh còn mải điểm danh từng ngôi mộ 
Hẹn anh em đến ngày Giỗ cùng về .

Lê Bích Ngọc
 
 
Lê Quang - Người diễn ngâm cho cả chương trình giao lưu thơ

HOA BẤT TỬ
Mẹ ơi trong đất thiên này
Chúng con nằm lại nhớ ngày ra đi
Hai ngàn tim nhỏ đã vì
Giang sơn đất nước nở khi hoà bình
 
Mẹ ơi chiến trận hy sinh
Chúng con nằm xuống thắm tình yêu thương
Máu tươi hoà đất quê hương
Hai  ngàn tim nhỏ tuổi đương xuân thì
 
Mẹ ơi bia mộ khắc ghi
Chúng con nằm xuống bước đi quặn lòng
Hai  ngàn tim  đỏ máu hồng
Xương tan thịt nát mỏi mong mẹ chờ
 
Vị Xuyên bất tử lời thề
Con mẹ nằm xuống cho quê xanh màu
Năm xưa Giỗ Trận mẹ đau
Ngày nay Giỗ Trận lệ cay tuôn trào
 
Anh em nằm xuống tự hào
Hai ngàn tim chảy máu đào nở hoa
Vị Xuyên ngày ấy đã qua
Chúng con nằm xuống cho nhà cờ bay
 
Hôm nay Giỗ Trận lệ cay
Khói hương nghi ngút nhớ ngày các anh
Vị Xuyên năm ấy qua nhanh
Ngàn năm nhớ mãi ghi danh anh hùng.

Phạm Thanh Bình
 
NỖI ĐAU NGÀY GIỖ TRẬN
Cuộc chiến này chấm dứt đã từ lâu
Những mất mát ...và nỗi đau còn mãi
Bao người lính ra đi không trở lại
Họ quên mình gìn giữ giải Biên cương
 
Ở nơi này mỗi tấc đất quê hương 
Đều nhuốm máu bởi chiến trường khốc liệt
Để giờ đây thay cho lời vĩnh biệt
Thắp nén tâm nhang khẩn thiết gọi về
 
Mỗi con người đến từ một miền quê
Vì Tổ quốc họ không hề lui bước
Họ chiến đấu giành lại cho bằng được 
Mảnh đất này thuở dựng nước ông cha
 
Đến bây giờ còn nhức nhối xót xa
Ngày "Giỗ trận" hỏi ai mà quên được 
"Cối xay thịt" hai lăm năm về trước
Đã cướp đi sinh mạng biết bao người...
 
Đau đớn khôn cùng ơi Vị Xuyên ơi
Mỗi khe suối,mỗi mỏm đồi nơi đó
Từng hốc đá, từng gốc cây, ngọn cỏ
Có thịt xương, thấm máu đỏ ngàn người
 
Tôi muốn về muốn được đến tận nơi
Nhìn tận mắt mảnh đất thời khói lửa
Dẫu chết chóc giờ đây không còn nữa
Nỗi hờn căm còn chất chứa trong lòng.

Trần Thanh Hà
 
VỊ XUYÊN NƠI CHIẾN TRƯỜNG KHỐC LIỆT 
Núi rung lên trận địa cũng rung lên 
Từng loạt pháo cày tơi trên sỏi đá 
Dải Biên cương nơi chiến trường nghiệt ngã 
Vẫn hàng đêm quay trở lại trong mơ
 
Người trở về nay tóc đã bạc phơ 
Mà ký ức mang theo thì cứ trẻ 
Còn in đậm những dấu chân mạnh mẽ 
Trên các điểm cao đồng đội đang nằm 
 
Đây bảy bảy hai đồi ấy.. “thịt băm”
Kia bao đỉnh thành.. “lò vôi thế kỷ” 
Núi Lão Sơn còn đấy bao Liệt sĩ 
Nơi chiến trường khốc liệt vẫn còn đây 
 
Ba mươi ngàn quả pháo nổ một ngày
Bằng số đạn mỹ bắn vào Thành Cổ 
Những người lính chẳng còn nghe được nữa 
Tai ù lên vì tiếng súng Liên hồi 
 
Đá tung lên lại rơi xuống ngọn đồi 
Đá và lính quyết không rời trận địa 
Một viên đá cũng của ta.. Đất mẹ 
Quyết giữ gìn dù thịt nát xương tan 
 
 Chốt thấp đi trong tiếng nổ pháo đàn 
Hạ độ cao bởi đạn thù cấp tập
Những người lính nghẹn đau ghìm tiếng nấc
 Đồng đội ngã rồi đạn vẫn bắn thêm 
 
Người hy sinh mà cũng chẳng được yên
Pháo trồng pháo xác tan thành bụi đá 
Bao người lính gồng lên không chịu ngã 
Dù phải hy sinh cũng quyết giữ chẳng rời 
 
Hai sáu ngày đêm pháo nổ liên hồi 
Chúng muốn dọn đường xua quân lấn chiếm 
Địch lúc nhúc kéo lên như bầy kiến 
Lòng căm thù của người lính thêm tăng 
 
Một phát AKa xuyên táo chục thằng 
Viên ĐKZ giết chết hàng Trung đội 
Cứ như thể với trái tim rắn rỏi 
Lòng căm thù và ý chí kiên trung
 
Giặc phải thua, ta giữ vững núi rừng 
Bao đồng đội tan vào lòng đất mẹ
Người trở về đau đáu niềm chia sẻ 
Nơi chốt cao còn đồng đội anh nằm 
 
Vẫn hằn đau  ký ức những tháng năm 
Trên mỏm “lò vôi”, “thịt băm” ngày ấy 
Còn nhiều lắm đồng đội nằm ở đấy
 xác tan vào trong từng thớ đá xanh 
 
Để hôm nay đồng đội của các anh
Còn rơi lệ nhớ đến “Ngày giỗ trận” 
Giọt nước mắt người trở về vẫn thấm 
Lên đá Vị Xuyên nơi đồng đội đang nằm... 

Thân Đức Chính
 
NHỚ VỀ ĐỒNG ĐỘI
Thời khắc ấy đến nay nhớ lại
Bởi chiến tranh hang hái lên đường
Đến vùng Tây Bắc Biên cương
Rồi vào chiến trận ai lường được đâu
 
Quân Trung Quốc thọc sâu ồ ạt
Giã pháo vào tan nát bao nơi 
Đạn bay mù mịt khắp trời
Làm cho cuộc sống chơi vơi não nề
 
Vùng Biên giới u mê chao đảo
Sĩ Tướng mình xông xáo vượt lên
Giữ cho đất nước mọi miền
Người còn người mất ghi tên sử nhà
 
Do chiến trận quân ta ngã xuống
Để nước non không uổng mỗi ngày
Nhớ về đồng đội hôm nay
Nằm trong trận mạc lúc này như mơ
 
Những ký sự bây giờ ta viết
Bao năm qua mài miệt dâng trào
Mà lòng cảm thấy xuyến xao
Trong thời kháng chiến đi vào sử xanh... 

Thiện Diệp
 
NHỚ MÃI CHIẾN CÔNG ANH
Tôi lặng nghe theo từng tiếng anh ngân
Những lời thơ sao đậm tình đến lạ
Nghe như tiếng thì thầm của đá
Tiếng rì rào gió thổi giữa rừng Ban
 
Ba mấy năm rồi nỗi u uất không tan
Hận kẻ thù gieo đau thương tang tóc
Như nghe tiếng người mẹ già than khóc
Thương con còn nằm lại với Vị Xuyên
 
Đồng đội ơi, xin anh hãy ngủ yên
Rừng Biên cương đã qua thời lửa khói
Cao nguyên đá mỗi ngày thêm đổi mới
Nơi anh nằm đã thắm lại màu xanh
 
Trời Hà Giang mãi nhớ chiến công anh
“Sống trên đá, chết hòa mình với đá”
Cuộc đời anh – một bài ca đẹp quá
Trên tuyến đầu sống mãi tuổi hai mươi.

Hoàng Đại Nhân
 
 
THƯƠNG NHỚ VỊ XUYÊN 
Mấy hôm nay trời mãi đổ cơn mưa 
Như thương xót các anh người lính trận 
Ôi trời đất cũng đau buồn vô tận 
Bởi các anh ra đi mãi không về 
 
Rừng Biên cương mây trắng vẫn lững lờ 
Gió nhẹ thổi, trời xanh trong đẹp quá 
Chim ríu rít chuyền cành qua khe lá 
Anh có nhìn thấy cảnh đẹp không anh 
 
Đất nước mình nay trải thảm màu xanh 
Không ảm đạm tan hoang như xưa ấy 
Biên giới năm xưa chắc anh đã thấy 
Máu các anh nhuộm đỏ mảnh đất này 
 
Các anh nằm rải rác cạnh đâu đây 
Có nghe tiếng đất trời đang tâm sự 
Quân Bành trướng lũ người kia man rợ 
Chúng đã gieo tang tóc xuống bao nhà 
 
Trời Vị Xuyên nay thắm đỏ cờ hoa 
Nhưng lòng người vẫn đau buồn vô tận 
Ngày mười hai tháng bảy - ngày uất hận 
Đã in sâu vào xương cốt bao người 
 
Khói hương trầm nghi ngút khắp nơi nơi 
Nhân dân tưởng nhớ ơn người Chiến sĩ 
Đã ghi tạc, in sâu vào tâm trí 
Chẳng khi nào mờ nhạt được anh ơi .

Huệ Đoàn
 
TRẬN CHIẾN KHÔNG THỂ QUÊN
Khi nghe tiếng gọi thiêng liêng 
Chiến tranh Biên giới anh liền đi ngay 
Chúng mình chưa kịp chia tay 
Tiễn anh ngày ấy bão lay chuyển rừng 
 
Khó khăn gian khổ đã từng 
Ngày đêm bám chốt không ngừng buông lơi 
Súng đạn, pháo nổ rung trời 
Hà Giang Lũng cú, chẳng ngơi đạn rền 
 
Vào trận đánh, chết đã quên 
Tiêu diệt điểm chốt vang lên hãi hùng 
Quân ta, quân chúng lẫn tung 
Quyết giành trận thắng ung dung về mình 
 
Biết bao trận đánh phát kinh 
Chiến hào đá núi, ình ình đạn bay 
Bao người mất đầu, cụt tay 
Máu xương loang đổ nơi này tang thương 
 
Hai ngàn Liệt sỹ dâng hương 
Hài cốt chẳng thấy thật thương xót lòng 
Quê nhà cha mẹ mãi mong 
Vợ con trông ngóng cũng không thấy về 
 
Người yêu thất hẹn lời thề 
Chiến tranh chấm dứt anh về cưới em 
Rồi mãi dòng lệ ướt nhèm 
Khói hương nghi ngút ,bức rèm buông treo 
 
Hương hồn các anh mãi theo 
Vị Xuyên ngày ấy, ảnh treo vẫn còn 
Cha già  mẹ đã héo hon 
Hai ngàn Liệt sỹ các con hãy về..

Nguyễn Kim Luyên
 
VỀ CHIẾN TRƯỜNG XƯA
Tôi về thăm lại chiến trường xưa
Nơi đạn pháo cày tơi từng tấc đất
Tảng đá núi rung lên bần bật
Tựa mép hầm bắn bọn bành trướng mưu mô.
 
Đói thắt lòng lót dạ mẩu lương khô
Cơm hẩm mốc, chia nhau từng hạt muối
Khát cháy họng mừng được chai nước suối
Xẻ rừng đêm đồng đội mới mang về.
 
Muỗi, vắt bám đầy nghĩ lại thấy mà ghê
Nhằm vết loét đua nhau vào rỉa rói
Mùi xú uế, xác quân thù phình thối
Tóc râu dài biết tắm gội là chi.
 
Cánh rừng già vẫn trầm lặng uy nghi
Ưỡn ngực lớn đón ngay từng đợt pháo
Ngăn không địch thọc sâu vào địa đạo
Ta kiên cường chặn lũ giặc xâm lăng.
 
Gốc lim già thường mắc võng đêm trăng
Vằn vện sẹo vẫn đâm cành xanh lá
Bần thần đứng nhẹ nâng từng chùm quả
Đồng đội ơi ! giờ đang ở nơi nào ?
 
Thân phận dân thường cuộc sống thanh tao
Hay quan chức nhà cao cửa rộng
Hẳn còn nhớ phút giây giành giật sống
Với tử thần điểm chốt cuối mùa xuân
 
Mảnh đất này từng in đậm dấu bàn chân
Chôn ở đó một thời trai trẻ
Vượt ngàn trùng tạm biệt vùng quê mẹ
Tôi trở về thăm lại chiến trường xưa.

Vũ Hữu Cự
 
HỒN THIÊNG SÔNG NÚI .
Dải  chữ  S  đã  ghi  vào  huyền  thoại
Lịch sử còn vang vọng mãi non sông
Đuổi ngoại xâm xả thịt nát xương chồng
Xứng danh máu đỏ con Hồng cháu Lạc
 
Bao  thế  hệ  vì  biển  trời  gánh  vác
Diệt quân thù, để đất nước phồn vinh
Tầng lớp gái trai nhập ngũ đăng trình
Nguyện giữ núi rừng Biên cương bờ cõi
 
Người dân Việt ai không từng mong mỏi
Đất nước giầu sống hạnh phúc bình yên
Tháng bẩy về nhớ trận  chiến Vị  Xuyên
Chốn vong mạng cả ngàn quân nằm nghỉ
 
Nơi  binh  lửa  hằng  ghi  vào  tâm  trí 
Nén hương lòng thầm tưởng nghĩ các anh
Mẹ nhớ con ... Tổ  Quốc  trọn  an lành
Máu các anh tưới rừng xanh Bắc ải
 
“Ngày Giỗ Trận” muôn đời hồn thế thái
Vợ hiền mong khắc khoải đợi anh về
Kỷ niệm ngày tiễn biệt mạn sơn khê 
Thời gian trải ước thề ghim nhật ký .

Đinh Hữu Hào
 

NGÀY GIỖ TRẬN VỊ XUYÊN
Giặc Tàu nó đánh úp Vị Xuyên
Sông Lô dậy sóng bão súng rền
Đạn vãi như mưa, nòng súng đỏ
Xác quân thù xếp ngập vùng biên
 
Ngày này nó bắn xuống Vị Xuyên(12/7)
Hai vạn quả pháo nổ vang rền
Trận địa Vị Xuyên và Thanh Thủy
600 chiến sỉ đã hy sinh!
 
Chiến hào máu đỏ nhuộm đất đen
2 triệu tấn đạn nổ khét lèn
Núi cao đã mòn đi 3 mét
Đá xanh, máu đỏ trộn bùn tanh
 
Vôi trắng thay màu đá xám xanh
Còn đâu xương cốt của các anh
Ba bữa mất gần 2 Sư lẻ*
Hai ngàn người  nằm lại Vị Xuyên
 
Ta muốn lặng, chúng nào có để yên
5 năm trận chiến tại Vị Xuyên
5 Quân đoàn lớn quân Trung Quốc 
Bắn pháo điên cuồng, đá cháy đen ...
 
Hôm nay tôi trở lại Vị Xuyên
Nghĩa trang lộng gió, núi xanh lên
Hơn ngàn ngôi mộ đang yên nghỉ
Hai ngàn người nữa chữa biết tên
 
Bạn khắp mọi miền hãy đi lên
Vị Xuyên nay đã đẹp, vững bền
Màu xanh đã lên thay vôi trắng
Đổi lại mầu đen, trắng Vị Xuyên. ..

Lê Văn Thuần
--------------------------------
* F356, 316 Từ ngày 12 đến 14/7/1984.
 
THÁNG 7 NHỚ TỚI ANH !
  Viết cho ngày tri ân tháng 7
Tháng bảy này em lại nhớ tới anh !
Người Chiến sỹ trên tuyến đầu phía Bắc
Tuổi đôi mươi anh kiên cường chống giặc
Giặc, biển người hòng gieo rắc nỗi  đau
 
Xé dậu, chui rào, dùng kế phủ đầu
Chúng toan tính lật cầu giành chiến thắng
Nhưng các anh quá gan lỳ dũng mãnh
Bình tĩnh, thủ, công, chống lại  quân thù
 
Rừng Biên cương tháng bảy thật mịt mù
Giăng thế trận cùng các anh chống giặc
Khiến kẻ thù phải nhích lên từng bước
Tổn thất rất nhiều chúng  cậy  đông quân
 
Phần các anh lực lượng gác canh tuần
Nên có  mỏng hơn nhiều so với địch
Chúng Quân đoàn ta chỉ Sư là chính
Thế trận dằng co suốt cả sáng chiều
 
Ngày mười hai tháng bảy thật điều hiêu*
 Anh ngã xuống thân tan vào đất mẹ
Nhành hoa Ban "hái" mới vừa chớm  hé
Chưa kịp  tặng người con gái anh yêu
 
Hơn ba mươi năm tháng bảy mỗi chiều
Em thổn thức với tình yêu một thuở
Anh biết không em vẫn còn vương nợ
Nợ một lời chưa kịp nói  " yêu" anh !
 
Và hôm nay trong cuộc sống an bình
Đất nước khải hoàn bình minh chói lọi
Em vẫn  nghe thầm thì từng lời nói
Của một  người em đã nặng lòng yêu!!!

Hồng Hà Duyên
-----------------------------------
*Ngày giỗ trận 12/7/1984
 
NGÀY GIỖ TRẬN VỊ XUYÊN
Tháng bảy về nắng nóng đã nguôi ngoai
Áp thấp biển bỗng mạnh lên thành bão
Đường đất Vị Xuyên lội lầy như cháo
Nước đục ngầu sông Biên giới Việt - Trung
 
Bành trướng Bắc Kinh nhất loạt tấn công
Dọc sáu tỉnh khắp cả vùng Biên giới
Chiến thuật biển người, ào ào xông tới
Cướp đất, giết người chúng chẳng run tay
 
Đừng hòng vẽ lại đường Biên giới nơi đây
Chín Sư đoàn ta đã ngày đêm chiến đấu
Đá nóng thành vôi dưới nghìn loạt pháo
Núi thấp đi vài ba mét, chẳng sờn
 
Người trước ngã người sau quyết xông lên
Đẩy lũ giặc phải về bên kia Biên giới
Mất mười năm ta mới giành thắng lợi
MB84 đây chiến dịch cuối cùng
 
Đến hôm nay đã tròn ba lăm năm
Gần sáu trăm người một ngày tử trận
Giữ đất Vị Xuyên kẻ thù xâm lấn
Sư đoàn bộ binh 356 anh hùng
 
Thắp nén tâm nhang nước mắt rưng rưng
Ngày giỗ trận mười hai tháng bảy
Nghĩa trang Vị Xuyên vẫn như đang thấy
Đoàn hùng binh đang xung trận ngày nào.

Trịnh Vinh Hữu
tin tức liên quan