CHỊ TRƯỞNG BAN LIÊN LẠC
NỮ TRƯỜNG SƠN
Chị Hường mặc áo nâu quần trắng (thứ 5 phải sang)
Chị Hoa mặc quần áo dài mầu vàng (thứ 5 trái sang).
Trường Sơn những năm 71 - 72. Những ngày tháng đầy cam go, ác liệt đó, để lại trong nhật ký của chị rất nhiều kỷ niệm xúc động, khó quên về một Trường Sơn oai hùng, đó là những gương chiến đấu kiên cường của nữ Bộ đội và Thanh niên xung phong Trường Sơn, giai đoạn quyết liệt để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Hoat động Nữ Trường Sơn huyện tôi phải nói là rất vui. phong trào luôn gây sôi nổi tại địa phương. Năm 2010, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Phụ Nữ Việt Nam. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã dành cho riêng Nữ chiến sĩ một chương trình “GẶP MẶT NỮ CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN HUYỆN ĐẠ TEH” tại Hội trường lớn của huyện. Hòa chung với Hội Nghị biểu dương phong trào Phụ Nữ tiêu biểu toàn huyện, ngoài những tà áo dài thướt tha rực rở sắc màu của chị em, có màu xanh đồng phục của nữ chiến sĩ Trường Sơn, cả sân Nhà văn Hóa thật ấm cúng và vui nhộn một ngày hội lớn, ai cũng có hoa, có quà, ai cũng rạng rỡ trên gương mặt. Năm đó, Ban Liên lạc Nữ còn mới mẽ, Nữ chiến sĩ Trường Sơn chỉ có 16 nữ. Sau 5 năm, đã tập hợp được 40 chị. Điều hành Ban liên lạc Nữ chiến sĩ là “bộ ba” gốm 3 chị rất gắn kết và ăn ý, chị TẠ THỊ NGỌC HƯỜNG làm trưởng ban. Năm 1972, chị Hường được Phòng Quân Báo - Bộ Tham mưu Miền Nam lệnh qua Trường Sơn ra Bắc học tập, Chị từng đi qua gần 80 trạm trên dọc Trường Sơn khi 17 tuổi. Chị đã trực tiếp đối mặt với hơn 30 trận B 52 và chứng kiến không thiếu một thủ đoạn nào của quân thù mưu hại quân ta. Chị LÊ THỊ HOA từng là y tá D13 - F325, hiện có 2 con bị di chứng chất độc Hóa học nặng nề, một đứa trai chuyên lang thang suốt ngày ngoài đường, cứ phải đi tìm. Một đứa gái nằm liệt một chỗ rất đáng thương, 2 đứa con tuổi vị thành niên mà tương lai mù mịt. Cả hai vợ chồng HOA + BÁCH đều là chiến sĩ Trường Sơn huyện nhà, anh chị phải quay quắt cuộc sống, bảo bọc 2 con. Chị Quách thị Thãnh cô gái xinh xắn quê Thanh Hóa, hát rất hay, từng là công binh C4 - E6 - F473, chị THÃNH ít tuổi hơn 2 chị kia, chồng là CCB. Hai vợ chồng, tuy là người sống địa bàn Thị trấn Đạ Teh nhưng suốt ngày ngoài nắng, ngoài mưa, họ là nông dân giỏi trên đồng ruộng làm ra lúa gạo, cuộc sống khá hơn so với chị em. Ban liên lạc Nữ là những cán bộ biết hy sinh, tận tụy vì phong trào. Có ai ốm đau, đi viện về, các chị có mặt ngay với đường sữa và nụ cười cùng lời thăm hỏi ân cần với gia đinh rồi đi hái mận, Bưỡi rồi lăng xắng giã muối ớt, vừa ăn vừa hít hà. Có khi bổ hẵn quả mit đã chín thơm lựng nằm góc nhà, cùng nhau bóc mít, lặt hạt đem nấu, rồi quay quần với nhau vừa ăn vừa chuyện trò, thật ấm áp. Thi thoảng, hạ được buồng chuối, lại í ới gọi nhau biếu người nãi, gọi là chia ngọt, xẻ bùi. Đôi khi đấm lưng nhau cười ra nước mắt vì phải đi hơn mười cây số để nhận nãi chuối nếu không chị em sẽ buồn. Có khi xí gạt nhau rằng “ốm nặng” để các chị chạy xấp, chạy ngữa đến mà “húp cháo gà”. Đối với nông thôn, tiền bạc thì không nhiều, nhưng gà, vịt, ngan, ngỗng thì nhà nào cũng chăn nuôi lấy một chuồng. Cứ thế, niềm vui nhân lên gấp bội phần. Có chiến sĩ nữ đang thoi thóp, ruột thịt quây quần cả rồi mà vẫn mong, nuối, gặp các chị Trường Sơn. Trước khi nhắm mắt, nụ cười hài lòng còn vương trên môi khiến gia đình hết sức cảm động.
Toàn thể chiến sĩ, cao tuổi nhất có 5 chị tuổi 70, thấp tuổi nhất là chị Nguyễn thị Lan sinh 1958, khi lên Trường Sơn còn mang theo khăn quàng đỏ trong ba lô. Cũng còn rất nhiều hoàn cảnh tội nghiệp. Có chị không thể lấy chồng vì tật nguyền. Có chị chồng hy sinh trong giai đoạn đất nước thống nhất, đã ở vậy một mình trong cô quạnh như chị Nhạc. Có chị đau yếu liên miên với đủ thứ bệnh tật. Do đó việc thăm nhau, chia xẻ vui, buồn, trở thành “chương trình hành động” không thể thiếu của toàn Hội. Nhìn thấy Ban liên lạc đến thăm, chị em vui lắm, sức khỏe tinh thần nâng lên rõ rệt. Chị Hường, luôn dặn nhau, dẫu có nắng, mưa, xa xôi, đồi, dốc, cũng phải đến tận nhà mới yên bụng.
Cứ đến ngày 8/3 hoặc 20/10, nhìn thấy những phụ nữ tóc bàng bạc, mặc đồng phục hoặc áo dài kéo nhau đi lao xao, lúp xúp về phía Hội trường, là bà con dân thôn biết ngay “Các cụ Trường Sơn” đấy, chẳng nhầm được. Nữ chiến sĩ rất mong được gặp nhau nên đã quy ước 1 năm có 2 cuộc gặp mặt, vào 8/3 và 20/10. Nói là “cuộc gặp mặt của nữ chiến sĩ, nhưng đại biểu nam lại…xuất hiện, đông ngang ngữa quân số chị em. Chị Hường cứ ôm bụng cười ngất, ngày của “chị em” mà “anh em” kéo nhau đến cứ như phim “Đến hẹn lại lên” thế này chứ? Chẳng những vậy mà còn đưa cả vợ đi cùng, nên đông ơi, đông. Từ lâu đã có quy định, đại biểu nam đến dự “gặp mặt” chị em phải mang theo hoa. Hoa rừng, hoa kiểng trong vườn nhà, hoa Hồng mua ngoài chợ, hoa gì cũng được, nên sáng đó các ông đi lùng xục hoa khắp vườn nhà, vườn hàng xóm rồi khệ nệ, xúng xính, ôm đến rực rỡ cả hội trường như Hội thi của các loài hoa. Vậy nên mời nãy ra ý tưởng cuộc thi “Hái hoa Trường Sơn”.
Sau những nội dung thường lệ như, chào cờ, diễn văn, báo cáo hoạt động chăm sóc, thu, chi quỹ hội, tất tật là đến phần vui chơi. Ban liên lạc Nữ bày ra trò “Hái hoa Trường Sơn” để “Đố vui” rất hào hứng. Đó là những câu đố, nội dung là phong trào đang rầm rộ tại huyện nhà ví dụ như “Xây dựng xã Nông thôn mới có bao nhiêu tiêu chí? ”hoặc“ Xã Văn Hóa” phải như thế nào? Trả lời câu đố trôi chảy thì được hái hoa và quà ngay. Không đáp ứng yêu cầu thì con đường hái hoa rất “nhiêu khê” lại phải cùng hát song ca một bài về Trường Sơn, hoặc cùng múa “ Lăm vông”. Tập thể thấy tốt thì xong, chưa đạt thì lại phải “lái xe qua cua cùi chỏ” tức là mỗi người uống 1 chung rượu bổ, nhưng phải vòng hai cùi chỏ cánh tay vào nhau và lái cái ly vô miệng, bàn tay còn lại đưa ra sau lưng nắm được tay nhau, uống hết ly rượu mới được buông tay ra là hoàn thành. Lúc ấy mới được “hái hoa”, nhưng yêu cầu về nhà mở quà vì có thể, quà là ”phụ tùng”của chị em. Vui chơi chán, đói bụng, quây quần ăn uống. Có khi mỗi người tô bún. Có khi Bún mọc, có khi Bún Huế, Bún riêu. Hoặc có khi xúm xít bên cái lẫu nóng hổi, xì xà, xì xụp, chuyền tay nhau ly rượu. Cuộc vui bất tận, tiếng cười tràn ngập. Ai cũng mong đến 8/3 và 20/10 như trẻ con mong tết. Nam chiến sĩ cũng “tán” nữ chiến sĩ tuổi… “cụ bà” cứ như trai trẻ tán nhau. Chị Hường rất yêu thơ nên hay lồng ghép thơ vào sân chơi. Có một lần, rượu vào sần sần, chiến sĩ “cụ ông” cao hứng đọc bài thơ vừa “chộp” được đâu đó và “chế” thêm:
Thửa ruộng ba bờ cạnh dốc mông
Lâu ngày, không xới, cỏ lông chông
Để ông vê cấy cho quang ruộng
Luống líp, xanh tươi, lúa trổ đòng…
Chiến sĩ “cụ bà vốn hồn thơ lai láng”, cũng nâng ly cụng cái “cốp” rồi ứng khẩu luôn:
“Thửa ruộng ba bờ” chẳng đợi ông
Đã nhờ hàng xóm cấy vừa xong
Láng giềng chu đáo, tinh tươm “nắm”!
Ruộng cả, ao sâu,…mát cả “nòng”
Phê phê, nghe chiến sĩ “cụ bà” trêu ngươi, cụ ông hứng chí:
Thửa ruộng ba bờ chớ nhong nhong
Ông đây sùng máu sẽ mất tong
Thợ nhà quen lối, sâu hay cạn
Hàng xóm qua sân, lúa chả còn.
Nghe chừng phong trào thơ ca của Nữ Trường Sơn đang đến hồi gay cấn, chị Trưởng ban bèn vãn hồi:
- Thôi, chúng ta chuyển thơ qua hát đi!
Cụ bà đang “hứng”đứng lên hát ngay: “Không cho chúng nó thoát, chúng đi vào sẽ không có đường ra!”*
Chị Trường ban lắc đầu:
- Bó tay chấm com, chấm Trường Sơn! (botay.com.truongson)
Ngày 20/10 hằng năm, có mục khen thưởng chiến sĩ nữ tiêu biểu đã chấp hành tốt mọi quy ước nhưng phải đạt Gia đình văn hóa và đạt CCB gương mẫu tại địa phương nữa. Ban Liên lạc sẽ phối hợp Mặt Trận thôn để xin kết quả bình xét rồi mới bình xét cho chiến sĩ mình. Quà biểu dương là 1 khung tranh đẹp về Bác Hồ. 5 năm qua, những bông hoa chiến sĩ nữ tiêu biểu Trường Sơn nở rộ, ảnh đẹp Bác Hồ về rất nhiều nhà.
Được như vậy là nhờ vào sự tận tình, năng nổ của các chị Hường, Hoa, Thãnh. Chị Hường còn là Phó Ban liên lạc Nữ Trường Sơn Tỉnh Lâm Đồng. Chị Hường luôn xem tổ chức Trường Sơn là một trách nhiệm lớn lao của nhân dân giao phó. Ban chấp hành Trường Sơn nói chung và Nữ Trường Sơn nói riêng, luôn gắn kết và dám hy sinh. Chị nói, chúng ta từng sống, chiến đấu trên con đường mang tên Bác, phải đoàn kết, gương mẫu trong việc giữ gìn truyền thống Trường Sơn, nếu không sẽ có lỗi với Bác.
Tôi muốn nói thêm về chị Hường, người vừa trở thành Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đạ Teh vào tháng 12 năm 2014 tại Đại Hội nhiệm kỳ 2014 - 2019. Chị luôn là hình ảnh đẹp trong lòng chiến sĩ Trường Sơn. Chị luôn thăm hỏi vợ, con chiến sĩ có hoàn cảnh. Vận động lòng hảo tâm xây nhà cho chiến sĩ Trịnh thị Nhạc, an ủi chị Trương thị Xiêm và Bùi Thị Ánh khi người chồng qua đời. Vào cuối năm 2014 vừa qua, rét đậm bất ngờ tràn về Đạ Teh, chiến sĩ đa phần tuổi cao và già yếu, không dự phòng áo ấm. Chị đi họp Đà Lạt, mua về những áo khoác ấm, dày và rẻ, gữi cho những chiến sĩ có tuổi và nhất là nữ chiến sĩ đau ốm. Chị em yêu quý chị Hường như đứa em, người chị. Chị Hường luôn thể hiện tấm lòng “Mình vì mọi người” của anh Bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoạt động.
LÊ THỊ THẢO
Hội viên Hội VHNT huyện Đạ Teh. Lâm Đồng
ĐT: 01212 075 510